Điểm báo châu Âu: Đề xuất của Kissinger cho hoà đàm Nga – Ukraine có hợp lý không?

Đỗ Kim Thêm tuyển dịch

30-5-2022

Tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Davos năm nay, cựu Ngoại trưởng Hoa Kỳ Henry Kissinger đã đề ra một giải pháp cho cuộc chiến Ukraine. Theo Kissinger, một thất bại nhục nhã của Moscow sẽ nguy hiểm cho thế giới, trong khi Ukraine nhượng một phần lãnh thổ cho Nga sẽ là một khoản đầu tư khả thi về hòa bình về lâu dài cho châu Âu.

Chuyên mục bình luận của báo chí châu Âu đã có những phản ứng khác nhau về phát biểu này. Sau đây là phần tuyển dịch các điểm chính.

***

Ý tưởng của Kissinger chắc chắn hấp dẫn, nhưng về cơ bản là sai. Nhật báo Pravda từ Slowakei tin rằng, lịch sử dạy chúng ta điều ngược lại khi cho là:

Ukraine có gì đảm bảo rằng Nga sẽ không xâm lược một lần nữa sau khi làm như vậy hai lần mà không do dự?

Câu trả lời của Tổng thống Zelenskyi, người đã so sánh những ý tưởng như vậy với sự phản bội Munich [năm 1938], là thích hợp.

Thậm chí sau đó, các chính trị gia ngây thơ nghĩ rằng Hitler sẽ để yên nếu họ hy sinh một phần của khu vực biên giới Tiệp Khắc, nơi sinh sống của người Đức và sáp nhập vùng Sudetenland vào Đế chế Đức.

Chúng ta biết rằng, điều này không ngăn chặn được chiến tranh, nhưng là một sự ô nhục. Thoả thuận được Chamberlain đàm phán bởi tại Munich là một lời nhắc nhở đầy đủ rằng chính sách đối ngoại không thể được thực hiện theo cách này”.

Novinky.cz, một trang mạng ở Tiệp Khắc cho là, chúng ta sẽ là người tiếp theo. Những lời tuyên bố của Kissinger cũng nhắc nhở sự kiện Munich vào năm 1938:

“Có rất nhiều người ở phương Tây đang cố gắng làm cho Putin thoải mái và cảnh báo rằng, Putin không được mất mặt.

Bây giờ đến lượt Kissinger. Các động lực chủ đạo như nhau: Chúng ta hãy cho Putin những gì Putin muốn, Putin để cho chúng ta yên. Còn người Ukraine thì sao?

Thủ tướng Slovakia Eduard Heger cảnh báo một cách đúng đắn: ‘Chúng ta là những người xếp hàng theo sau. Nếu Ukraine không giành chiến thắng, chúng ta biết rằng Nga sẽ tiến xa hơn. Chúng ta cần hiểu điều đó, đặc biệt là Liên minh châu Âu’.

Điều gì sẽ ngăn cản Putin lặp lại trình tự này – ở các nước Baltic, Slovakia hay Cộng hòa Séc?”

Nhật báo Večernji List ở Kroatien tin rằng, Kissinger nói đúng khi đã vẽ một bức tranh thực tế về một giải pháp hòa bình cho Ukraine.

Henry Kissinger nghĩ rằng phương Tây phải cố gắng ngừng lại việc đánh bại Nga, vì điều này có thể dẫn đến một cuộc chiến tranh thậm chí còn lớn hơn. Kissinger cũng tin rằng, Ukraine nên nhượng lại một phần lãnh thổ của mình cho Nga. …

Kissinger đã chỉ ra mối quan hệ lâu dài giữa châu Âu và Nga: các nhà lãnh đạo châu Âu không nên đánh mất mối quan hệ này, vì bất cứ điều gì khác sẽ dẫn đến sự mất ổn định lâu dài của châu Âu và một trật tự mới cho hệ thống phân cấp quyền lực châu Âu. Ngoài ra, việc tạo ra một liên minh lâu dài giữa Nga và Trung Quốc đe dọa”.

Cựu Ngoại trưởng Ukraine Pawlo Klimkin viết trên NV, một tuần báo tiếng Nga, phát hành tại Ukraine, cho rằng châu Âu có thể trở thành một tác nhân mới trong địa chính trị:

“Trung Âu đã hiểu được rằng Putin, người ngồi trong điện Kremlin của mình như Koshchey (một nhân vật phản diện xấu xí và khó loại bỏ trong thần thoại Nga), muốn đưa toàn bộ khối NATO trở lại tình trạng năm 1997.

(Chú thích của người dịch: Ngày 27-5-1997 tại Paris, khối NATO và Nga đã cam kết hợp tác, tự do lựa chọn liên minh các quốc gia và bất khả xâm phạm biên giới. Cuộc chiến tranh xâm lược của Nga chống lại Ukraine đã vi phạm văn bản cơ bản này mà cho đến nay vẫn còn hiệu lực).

 Trung Âu biết rằng Putin phải hành động và đã nhận ra sức mạnh của chính mình.

Châu Âu lỗi thời cũng phải hiểu càng sớm càng tốt rằng cùng hợp tác sẽ an toàn hơn trong thế giới này. Chỉ trong hợp tác với sự sẵn sàng tiến lên và chiến đấu cho chính mình, châu Âu mới có cơ hội trong địa chính trị thế giới. Nếu không, nó sẽ kết thúc ở ngoại vi. …

Đây là một cơ hội duy nhất, và cơ hội có thể đến từ Ukraine. Tuy nhiên, không phải ai cũng hiểu điều này, đặc biệt là ở Paris”.

Nhật báo Lietuvos rytas ở Litauen cho là, Vilnius nên biết ơn Berlin nhiều hơn và thấy Lithuania quá ầm ĩ trong việc này:

“Nguyên tắc là: Chúng ta là những người thông minh nhất, đã hiểu rõ nhất chủ nghĩa sô vanh của Nga và biết rõ nhất những gì đang xảy ra trên thế giới hiện nay – và tất cả những người suy nghĩ khác biệt là những kẻ ngốc hữu ích (tất nhiên – đối với Putin).

Người ta có thể có một số cảm thông với vị đại sứ Ukraine tại Đức và ngưỡng mộ sự kiên nhẫn của người Đức mà họ vẫn chưa trục xuất ông về nước. …

Nhưng tha thứ cho những người Ukraine đang đổ máu là hoàn toàn khác với những người Litva sống trên đồng tiền của Berlin. …

Đức đã gửi nhiều binh sĩ nhất để bảo vệ Lithuania và hiện là nhà tài trợ lớn nhất. …

Chẳng phải là trơ trẽn khi liên tục hò thét từ mọi phía rằng người Đức ngu ngốc, hèn nhát và là những kẻ bợ đở Putin sao?”

France Inter, một trang mạng tại Pháp, coi việc tập trung vào ngoại giao là một bước đi đúng hướng và Zelenskyi đang đứng trên mặt trận đàm phán:

“Chủ nghĩa hiện thực mà Tổng thống Ukraine thể hiện trái ngược với ý tưởng về một chiến thắng quân sự thuần túy mà một số người đã tưởng tượng và lớn tiếng tuyên bố trong những tuần gần đây.

Tuy nhiên, các cuộc đàm phán nghiêm túc dường như không thể thực hiện được trong tương lai gần, bởi vì logic của vũ khí dường như vẫn chưa kết thúc.

Nhưng trên thực tế, một mặt trận chiến tranh khác là ngoại giao công khai, các tín hiệu mà bên này hay bên kia đôi khi gửi đi theo những cách mâu thuẫn. Tuyên bố của Tổng thống Zelenskyi là một trong số đó”.

Nhật báo La Repubbica tại Ý hy vọng, một bàn tay giang rộng khi Ý đã đệ trình một kế hoạch hòa bình cho Ukraine lên Liên Hiệp Quốc:

“Bốn điểm chính của kế hoạch cung cấp một khuôn khổ cho việc bắt đầu các cuộc đàm phán ngừng bắn, bao gồm cả hành lang hàng hải, với triển vọng giảm dần các biện pháp trừng phạt để đổi lấy các bước cụ thể của Nga.

Nguyên tắc toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine được duy trì, như Zelensky cũng đề cập ngày hôm qua, nhưng Crimea có thể bị loại trừ.

Kế hoạch này mang lại cho Putin triển vọng về một hội nghị để xác định lại cán cân quyền lực ở châu Âu, một điều kiện không thể thiếu đối với Điện Kremlin. Điều kiện là một lệnh ngừng bắn, dường như là khía cạnh khó khăn nhất hiện nay”.

Không có hòa bình bằng bất cứ giá nào, trên nhật báo Eesti Päevaleht tại Esland, Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Margus Tsahkna cảnh báo về việc chấm dứt chiến tranh ở Ukraine:

“Vì nhiều thương vong dân sự, một số nguyên thủ quốc gia muốn hòa bình bằng mọi giá để làm dịu lương tâm của họ.

Sau khi hòa bình tái lập, người ta hy vọng rằng các hoạt động có thể trở lại bình thường. Estonia đã ủng hộ mạnh mẽ Ukraine về quân sự, tài chính và dựa trên các giá trị, và đã tuyên bố đây là một cuộc diệt chủng.

Chúng ta phải ủng hộ rằng phương Tây, mệt mỏi vì chiến tranh, tìm kiếm con đường dễ dàng hơn với việc áp đặt một nền hòa bình.

Estonia phải xây dựng mục tiêu chiến lược của phương Tây và bảo vệ nó ở khắp mọi nơi. Đây là một thế giới không có nước Nga của Putin, vì vậy nó không bao giờ có thể gây nguy hiểm cho chúng ta một lần nữa”.

Nhật báo Anh, The Daily Telegraph phàn nàn, châu Âu không đoàn kết là chuyện không may, phương Tây không đi theo cùng một hướng trong việc tìm cách chấm dứt chiến tranh Ukraine:

“Đối với tất cả các cuộc thảo luận về một phương cách chung của phương Tây, bức tranh bị giằng xé hơn nhiều khi nói đến việc đáp trả sự xâm lược của Putin – và vấn đề là ngày càng đi theo hướng này.

Liên minh phương Tây không thống nhất như chúng ta tin tưởng. Đúng vậy, Putin đã gây sốc cho chúng ta trong suốt năm nay, và hành động của Putin đang làm chúng ta run rẩy.

Nhưng làm thế nào để phản ứng với điều này? Vẫn còn rất chưa rõ ràng. Phương Tây thống nhất trong nỗi kinh hoàng. Nhưng chúng ta không nhất trí khi nói đến việc phải làm gì khi đối mặt với điều này”.

Tổng hợp từ các nguồn của euro/topic

Related posts