Mớ bùng nhùng học phí, sách giáo khoa

Lê Học Lãnh Vân

Bộ Giáo Dục nói tăng học phí trường công

Trường tư người chủ bỏ tiền túi ra đầu tư, lớp đầu tư vốn cố định, lớp đầu tư vốn lưu động, người chủ tự tìm nguồn lực nhân sự, tự cạnh tranh nhau tìm khách hàng. Trong môi trường Việt Nam, các trường tư chịu nhiều khó khăn về thủ tục hành chánh…

Trường công, còn gọi trường nhà nước nhưng nhà nước có bỏ ra cái gì đâu, suy cho cùng toàn là tiền dân bỏ ra đầu tư. Lại được kênh ưu tiên học trò tới học, gần như độc quyền không phải cạnh tranh đổ mồ hôi sôi nước mắt như trường tư.

Vậy mà Bộ trưởng nói ông dùng trường nhà nước để nâng giá học phí! Ai sẽ phải trả học phí? Dân, chính người đầu tư hệ thống giáo dục ấy! Ai hưởng học phí? Xin mỗi anh chị đọc tự trả lời theo nhận định của mình.

Mỗi năm người dân đóng thuế bao nhiêu? Bao nhiêu tiền thuế vô Bộ Giáo Dục? Tiền vô Bộ được phân bố ra sao? Chi phí lương bao nhiêu? Người dân có được quyền yêu cầu Bộ Giáo Dục phải đạt những mục tiêu gì không? Có được quyền đặt ra những mục tiêu Bộ Giáo Dục phải đạt được hay không? Có quyền yêu cầu phải đạt những mục tiêu với một mức chi phí giới hạn không?

Bộ trưởng Bộ Giáo Dục nói năm nay giá sách giáo khoa tăng lên gấp 2-3 lần giá năm trước vì sách mới có khổ lớn hơn, giấy tốt hơn sách cũ. Ai đầu tư soạn sách? Ai đầu tư in sách? Cho dù có hình thức công ty này, nọ thì thị trường sách giáo khoa vẫn chịu sự chi phối rất lớn của thế lực phi thị trường. Sách bán cho học sinh trên thực tế là bán độc quyền vì tỉnh, chứ không phải nhà giáo, chọn sách giáo khoa. Phân khúc thị trường nào cần sách khổ to? Bán đã không có tính chất thị trường thì sao lại định giá theo thị trường?

Ấy là chỉ nói về mặt kinh doanh, chưa bàn tới vai trò công bộc của các ông.

Quốc gia nào cũng vậy, muốn phát triển cần đầu tư cho Giáo Dục đào tạo nguồn nhân lực Tấm gương của những quốc gia phát triển bền vững mấy trăm năm như Anh, Pháp, Đức, Hoa Kỳ, Canada, tấm gương của các quốc gia ngày nào còn ngang hàng với Việt Nam như Đài Loan, Hàn Quốc, Singapore… sáng trưng trước mắt. Tại nước Việt ngàn năm văn hiến này, nhìn vào các vị quyền cao chức trọng của Bộ Giáo Dục, có ai thấy nơi các vị trách nhiệm, hoài bão, hùng khí đào tạo công dân, nâng tầm quốc gia rạng rỡ bốn biển năm châu? Hay chỉ thấy các vị vướng trong mớ bùng nhùng nơi tầm thấp…

Ba ông Bộ trưởng gần đây nhất, ông nào cũng gây bất bình trong dân vì tiền bạc sách giáo khoa. Ông Phạm Vũ Luận từng khiến người dân thót tim khi tuyên bố kinh phí 34 ngàn tỉ đồng biên soạn sách giáo khoa mới, và sau khi bị phản đối thì ông đính chính là chỉ gần tám trăm tỉ thôi! Tiếp theo là ông Phùng Xuân Nhạ người vài năm sau đó từng giải thích trước Quốc Hội về giá sách giáo khoa cao gấp hai lần giá sách năm trước. Bây giờ là đương kim Bộ trưởng giải thích lý do giá sách giáo khoa cao gấp 2-3 lần so với trước! Với cách quản trị như thế này, với tác phong, cách làm việc các Bộ trưởng như kia, có bao giờ chính phủ có ý nghĩ tổ chức thăm dò ý kiến người dân xem họ nghĩ gì về các vị Bộ trưởng đó không? Xin minh bạch rằng bài viết này không lên án đương kim Bộ trưởng, chỉ nói cách hoạt động khiến người dân cảm nhận Bộ Giáo Dục chỉ loay hoay trong các khía cạnh vật chất mà ít để ý tới đạo đức cốt lõi, sứ mạng cao cả của ngành trong sự nghiệp phát triển quốc gia. Và, trong hoàn cảnh Việt Nam, cảm nhận đó có đưa tới mối nghi ngờ gì không?

Bộ Giáo Dục quốc gia ơi, Bộ có thể có vị Bộ trưởng mà dân chúng nhìn vào tin tưởng nơi tài và đức? Mà người ta thấy nơi vị đó tấm lòng, tài năng, sức hút tập họp để người ta mong muốn dốc tài sức góp vào sự nghiệp giáo dục quốc gia?

Nếu chưa được thế, Bộ có thể vì sự phát triển của đất nước mà bỏ tiền ra chăm lo hơn chút nữa nền giáo dục đất nước? Không dám đòi các vị “cần kiệm liêm chính”, chỉ xin các vị bớt “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” là quốc gia có nguồn lực tài chánh to lớn cho sự nghiệp đào tạo thế hệ trẻ rồi!

Ai lo cho sự nghiệp giáo dục quốc gia?

Ngày 28 tháng 5 năm 2022

Related posts