Bắc Kinh cảnh báo Berlin cần tránh “sai lầm chiến lược” về chính sách mới với TQ

Bắc Kinh kêu gọi Berlin tránh “những đánh giá sai lầm chiến lược” trong chính sách của họ đối với Trung Quốc và ủng hộ việc thống nhất Đài Loan một cách hòa bình, khi Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock kết thúc chuyến thăm Trung Quốc ba ngày vào cuối tuần, theo SCMP.

Sau cuộc gặp với bà Baerbock hôm thứ Bảy, nhà ngoại giao hàng đầu của Trung Quốc, Vương Nghị, đã đưa ra bình luận gợi lại việc thống nhất nước Đức.

“Việc trả lại Đài Loan cho Trung Quốc là một phần quan trọng của trật tự quốc tế sau Thế chiến thứ hai,” ông Vương nói, đồng thời đổ lỗi cho “các lực lượng đòi độc lập” ở Đài Loan vì đã cố gắng phá hoại hiện trạng và gây nguy hiểm cho hòa bình ở eo biển Đài Loan.

“Trung Quốc đã từng ủng hộ sự thống nhất của nước Đức, và hy vọng cũng như tin tưởng rằng Đức cũng sẽ ủng hộ mục tiêu thống nhất hòa bình vĩ đại của Trung Quốc,” ông nói.

Theo Bộ Ngoại giao Trung Quốc, bà Baerbock cho biết Đức hiểu “tầm quan trọng và sự nhạy cảm” của vấn đề Đài Loan đối với Trung Quốc và tuân thủ chính sách “một Trung Quốc”.

Ông Vương cho biết Trung Quốc sẵn sàng tăng cường liên lạc với Đức và cùng nhau giải quyết các thách thức toàn cầu, bao gồm biến đổi khí hậu, nhằm thúc đẩy “sự phát triển lành mạnh” của quan hệ song phương.

Trước đó một ngày, bà Baerbock đã thể hiện lập trường cứng rắn đối với vấn đề Đài Loan trong cuộc họp báo chung với người đồng cấp Trung Quốc Tần Cương, nói rằng “leo thang quân sự” ở eo biển Đài Loan sẽ là một “kịch bản kinh hoàng” cho toàn thế giới.

Bình luận được đưa ra chỉ vài ngày sau khi Bắc Kinh tiến hành các cuộc tập trận cường độ cao quanh hòn đảo này để đáp trả cuộc gặp của Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn với Chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ Kevin McCarthy ở California.

Bà cho biết Đức vẫn cam kết với chính sách “một Trung Quốc” nhưng rất quan ngại về tình hình ở eo biển Đài Loan.

Bắc Kinh coi Đài Loan là một tỉnh ly khai và không loại trừ khả năng thống nhất bằng vũ lực

Bà Baerbock được cho là sẽ sử dụng chuyến đi Trung Quốc của mình để tái khẳng định sự thống nhất của Liên minh châu Âu về chính sách Trung Quốc sau khi Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đề nghị khối này không nên theo Hoa Kỳ hay Trung Quốc mà nên có chính sách riêng về Đài Loan, gây ra phản ứng dữ dội ở EU.

Phát biểu trước các bộ trưởng ngoại giao G7 qua liên kết video tại Nhật Bản vào Chủ nhật, ông Josep Borrell, nhà ngoại giao trưởng của EU, cho biết vấn đề Đài Loan sẽ ảnh hưởng đến mối quan hệ giữa Trung Quốc và châu Âu.

Noah Barkin, một chuyên gia về quan hệ EU-Trung Quốc tại Rhodium Group, nói rằng không giống như Tổng thống Pháp Macron, bà Baerbock không ngại nêu ra các vấn đề gây tranh cãi với Bắc Kinh ở chính tại Trung Quốc.

Theo ông Barkin, bà Baerbock là một sự điều chỉnh cần thiết đối với màn trình diễn ngoại giao khó hiểu của Tổng thống Pháp.

Chuyến đi của bà diễn ra khi Đức đang soạn thảo một chiến lược mới về Trung Quốc nhằm giảm đáng kể sự phụ thuộc kinh tế vào Trung Quốc.

Đề cập đến chiến lược của Đức, Ngoại trưởng Trung Quốc Tần cương cho biết ông hy vọng Đức có thể đưa ra “lựa chọn chính trị đúng đắn” và tránh “đánh giá sai chiến lược”.

“Trung Quốc và Đức là đối tác, không phải đối thủ. Khi xây dựng các tài liệu chiến lược liên quan đến Trung Quốc, Đức nên xuất phát từ lợi ích sống còn và hạnh phúc của hai nước và nhân dân của họ,” ông nói.

Ông cho rằng Đức không nên lo lắng về “sự phụ thuộc” và “rủi ro” khi phát triển quan hệ kinh tế với Trung Quốc, đồng thời cảnh báo rằng “việc tự tay kìm hãm hợp tác kinh tế và thương mại bình thường sẽ phản tác dụng”.

Ông cũng kêu gọi đối xử công bằng và không phân biệt đối xử đối với đầu tư của Trung Quốc vào Đức khi EU tăng cường các biện pháp nhắm mục tiêu vào việc Trung Quốc tiếp cận các công nghệ nhạy cảm, với khả năng cấm thiết bị Huawei và ZTE trong mạng 5G của Đức.

Lê Vy (theo SCMP)

Related posts