Từ một con số nói lên nhiều vấn đề

Đỗ Ngà

31-5-2022

Theo báo Vietnambiz, trong 3 tháng đầu năm 2022, hệ thống ngân hàng bơm thêm 526.000 tỷ đồng vào nền kinh tế, tương đương với 23 tỷ đô la. Riêng ngành bất động sản chiếm đến 30%, tức tương đương 6,9 tỷ đô la. Như vậy câu hỏi đặt ra là 6,9 tỷ đô la mà ngân hàng đã bơm thêm vào thị trường bất động sản ấy, nó được phân bố ra sao?

Được biết, trong 6,9 tỷ đô la ấy, phần vay mua nhà chiếm đến 65% trong 6,9 tỷ đô, tương đương với 4,46 tỷ đô. Trong khi đó vay để phát triển nhà chỉ chiếm 8%, tương đương 550 triệu đô la mà thôi. Còn lại người dân vay để xây nhà chỉ 5%, tương đương 343 triệu đô và vay để mua đất cũng tương đương con số đấy. Phần còn lại là vay cho vấn đề khác. Đáng chú ý ở đây là khoản cho vay để phát triển nhà và cho vay để mua nhà. Phân tích 2 khoản vay này nó nói lên bức tranh của thị trường bất động sản Việt Nam rất rõ.

Ảnh: Dữ liệu cơ cấu cho vay bất động sản. Nguồn: VietnamBiz

Các doanh nghiệp vay 550 triệu đô để phát triển nhà nhưng người dân phải bỏ ra đến 4,46 tỷ đô để mua nhà. Vậy con số chênh lệch 3,91 tỷ đô đó đi đâu? Nó chui vào túi những ông trùm bất động sản và những nhà đầu cơ ém hàng, tạo khan hiếm giả để tăng giá. Tính con số gọn cho dễ hình dung là, ngành bất động sản Việt Nam bỏ ra 1 đồng xây nhà thì người dân phải bỏ ra hơn 8 đồng để mua nhà. Các đầu nậu ngành bất động sản chia nhau món lời đến hơn 700% so với giá trị thật. Kinh! Như vậy thì làm sao giá nhà Việt Nam lại không cao hàng top thế giới? Như vậy thì làm sao giá nhà không ngày càng vượt xa tầm với của người dân?

Nhà ở bỏ trống không có người ở thì nhan nhản, nhưng bất động sản thì vẫn khan hiếm. Nguyên nhân là do đâu? Do Chính quyền này đã nuôi một đám chuyên gom hàng, ém hàng rồi tạo giá. Những doanh nghiệp thân hữu, những nhóm lợi ích lớn có trong tay sự hỗ trợ của quyền lực chính trị thì làm sao họ lại bỏ lỡ cái mâm béo bở này chứ? Người ta nói “một vốn bốn lời” đã kinh khủng thì ngành bất động sản nó đã tạo ra biên độ “một vốn bảy lời” mới đáng sợ. Tất nhiên, các đầu nậu phải chuyền qua tay nhiều lần mới nâng giá lên đến như vậy chứ không phải qua một lần nâng giá.

Các nước trên thế giới họ đã lường trước những tình huống này nên họ có những sắc thuế chế tài. Các nước có thị trường bất động sản lành mạnh họ đánh thuế vào những căn nhà bỏ không rất nặng để cho những kẻ có âm mưu mua nhiều, ém hàng thật lâu để tạo khan hiếm giả tạo phải “ói hàng ra” vì không chịu nổi thuế. Chỉ có như thế mới loại bỏ những cơn sốt do sự thiếu hụt giả tạo của nguồn cung.

Không phải nhà nước CS không biết điều này, cái đáng nói là họ biết nhưng họ không làm. Vì sao? Vì những ông làm chính sách đều có những món lợi lớn từ những đầu nậu chuyên đầu cơ bất động sản. Ra luật, thực hiện nghiêm luật thì chính túi tiền của họ cũng bị ảnh hưởng nên dại gì họ thực hiện?! Kiếm hàng chục triệu đô ăn 3 đời không hết mà cái giá phải trả chỉ là “rút kinh nghiệm” thì dại gì họ không đánh đổi? Đặc trưng của nhà nước CS là, khi làm sai đổ lỗi cho tập thể. Xong, phủi tay!

“Bọn dân đen vô gia cư kệ nó! Ai bảo nghèo chi? Miễn sao tiền đầy túi, mua xe sang, xây biệt phủ, cho con du học, mua nhà và đầu tư quốc tịch cho con là được.” Tư tưởng của giới quan lại thời CS này là thế. Cho nên, sẽ không có chính sách nào có thể đưa thị trường bất động sản Việt Nam trở nên lành mạnh hơn được. Bởi vì bản chất của quan lại thời nay chính nó sẽ làm thất bại mọi chính sách đúng đắn.

Related posts