Lĩnh vực sản xuất của Hoa Kỳ đã mở rộng vào tháng Năm, theo hai thước đo hiệu suất nhà máy Hoa Kỳ riêng biệt. Tuy khác nhau về chi tiết, nhưng cả hai thước đo đều cho thấy khó khăn trong việc tuyển dụng và áp lực lạm phát đang đè nặng lên hoạt động kinh tế.
Một trong những thước đo, chỉ số Sản xuất PMI của Viện Quản lý Cung ứng (ISM), đã tăng lên 56.1% trong tháng Năm từ mức 55.4% của tháng trước, cho thấy tốc độ tăng trưởng hoạt động của các nhà máy ở Hoa Kỳ đang tăng tốc nhẹ.
Bất kỳ số liệu nào cao hơn 50 phản ánh sự mở rộng, trong khi một số thấp hơn thể hiện sự thu hẹp.
Ông Timothy Fiore, Chủ tịch Ủy ban Khảo sát Kinh doanh Sản xuất ISM cho biết: “Con số này cho thấy sự mở rộng của nền kinh tế nói chung trong tháng thứ 24 liên tiếp sau khi thu hẹp vào tháng Tư và tháng Năm năm 2020.”
Thước đo thứ hai, chỉ số Sản xuất PMI Hoa Kỳ của S&P Global, cũng cho thấy hoạt động của các nhà máy ở Hoa Kỳ tăng trưởng trong tháng trước, nhưng với tốc độ chậm hơn so với tháng trước. Nó giảm xuống 57 vào tháng Năm từ 59.2 vào tháng Tư, mức thấp nhất trong 4 tháng.
Giống như dữ liệu ISM, bất kỳ số liệu nào cao hơn 50 đều thể hiện sự tăng trưởng, mặc dù các số liệu của S&P Global được biểu thị dưới dạng số tự nhiên, không phải phần trăm.
Ông Chris Williamson, nhà kinh tế trưởng kinh doanh tại S&P Global Market Intelligence, cho biết: “Sự mở rộng mạnh mẽ của sản lượng sản xuất trong tháng Năm sẽ giúp thúc đẩy sự gia tăng GDP trong quý thứ hai, với tốc độ tăng trưởng sản xuất cao hơn mức trung bình đã được chứng kiến trong thập niên qua.”
“Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng đã chậm lại do các nhà sản xuất báo cáo các vấn đề đang diễn ra với sự chậm trễ của chuỗi cung ứng và thiếu hụt lao động, cũng như tăng trưởng nhu cầu chậm hơn.”
Không có gì bất thường khi có sự khác biệt giữa hai bộ kết quả khảo sát sản xuất. Sự khác biệt trong phương pháp luận đưa ra một lời giải thích khả dĩ, với dữ liệu ISM có xu hướng tập trung nhiều hơn vào các công ty đa quốc gia lớn hơn.
Việc làm
Hai cuộc khảo sát cũng vẽ ra những bức tranh có phần khác nhau về mặt việc làm. Trong khi Chỉ số việc làm ISM không chỉ giảm từ tháng này sang tháng khác, mà còn giảm xuống mức thu hẹp, dữ liệu của S&P Global cho thấy các công ty đang đẩy mạnh hoạt động tuyển dụng của họ.
Theo ISM, việc làm trong lĩnh vực sản xuất giảm xuống, với Chỉ số Việc làm của nó giảm xuống 49.6% trong tháng Năm từ 50.9% trong tháng Tư, mức thấp nhất kể từ tháng 11/2020, khi đạt 48.1%.
Ông Fiore cho biết: “Những thách thức về tỷ lệ thôi việc (nghỉ việc và về hưu) và kết quả là thay thế vị trí trống tiếp tục ảnh hưởng đến các nỗ lực nhằm đáp ứng đầy đủ các nhân viên cho các tổ chức, nhưng ở mức độ thấp hơn một chút so với tháng Tư.”
Trước khi giảm vào tháng trước, Chỉ số Việc làm ISM đã mở rộng trong 8 tháng liên tiếp.
Ông Fiore nói, “Mức độ việc làm, chủ yếu do tỷ lệ thôi việc và nguồn lao động ít hơn, vẫn là vấn đề hàng đầu ảnh hưởng đến tăng trưởng sản lượng hơn nữa.”
Cơ quan Thống kê Lao động cho biết trong một báo cáo hôm 01/06, các vị trí việc làm vẫn ở mức cao kỷ lục gần 11.4 triệu vào tháng Tư. Với báo cáo việc làm gần đây nhất chỉ ra rằng có tổng cộng 5.9 triệu người thất nghiệp ở Hoa Kỳ, điều này có nghĩa là cứ mỗi lao động hiện có thì có gần hai cơ hội việc làm, cho thấy rằng thị trường lao động vẫn còn eo hẹp.
Theo S&P Global, lượng công việc tồn đọng tăng mạnh trong bối cảnh nhu cầu lớn khiến các công ty đẩy mạnh hoạt động tuyển dụng, mặc dù tình trạng thiếu lao động sẵn có ảnh hưởng đến tăng trưởng sản lượng.
Lạm phát
Cả hai cuộc khảo sát đều tương đồng trong việc báo cáo rằng lạm phát chi phí và hạn chế nguồn cung đã ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất của Hoa Kỳ, mặc dù ở đây, dữ liệu cũng có sự khác biệt.
Theo S&P Global, tốc độ lạm phát chi phí trong tháng Năm tăng nhanh nhất trong sáu tháng, với việc các công ty chuyển chi phí cao hơn cho khách hàng dưới hình thức định giá tại cổng nhà máy tăng gần tới mức kỷ lục.
Mặc dù sự chậm trễ trong giao hàng đã giảm trong tháng Năm, gánh nặng chi phí vẫn tăng lên do chi phí năng lượng, tiền lương và vận chuyển tăng.
Ông Williamson nói: “Kết quả là chi phí tăng mạnh nhất kể từ tháng 11/2021, kéo theo một đợt tăng giá bán nữa tại nhà máy gần mức kỷ lục và đóng vai trò như một lời nhắc nhở rằng áp lực lạm phát vẫn tăng cao một cách đáng lo ngại.”
Ngược lại, trong khi dữ liệu ISM cũng cho thấy áp lực chi phí gia tăng đối với các công ty, thì áp lực giá đã giảm nhẹ từ tháng này sang tháng khác. Chỉ số giá ISM đạt 82.2% trong tháng Năm, giảm so với 84.6 trong tháng Tư, mặc dù vẫn là một con số cao trong lịch sử phản ánh lạm phát chi phí cao.
Ông Fiore của ISM cho biết: “tháng Năm là tháng thứ hai liên tiếp mà áp lực giá cả giảm nhẹ, nhưng sự bất ổn trên thị trường năng lượng toàn cầu vẫn tiếp diễn. Hoạt động tăng phụ phí dường như đang ổn định trên tất cả các lĩnh vực công nghiệp.”
Một số ý kiến tham luận viên ủng hộ quan điểm rằng lạm phát tiếp tục ảnh hưởng đến ngành sản xuất của Hoa Kỳ.
Một giám đốc trong lĩnh vực Sản phẩm thực phẩm, đồ uống và thuốc lá nói với ISM: “Chi phí đầu vào, đặc biệt là ngũ cốc, dầu, sữa, và protein, đang tăng nhanh hơn khi giao đến các điểm dịch vụ bán lẻ và thực phẩm, không hề có dấu hiệu giảm bớt.”
Một giám đốc điều hành trong lĩnh vực nhựa và sản phẩm cao su cho biết: “Việc giá cả tăng vẫn chưa có dấu hiệu giảm bớt. Tôi đã nghĩ rằng năm 2022 sẽ tốt hơn, nhưng nó đã không như vậy. Tình trạng thiếu hụt (trong số các vấn đề khác) vẫn đang làm gián đoạn chuỗi cung ứng.”
Trong khi dữ liệu ISM cho thấy áp lực lạm phát có thể đã lên đến đỉnh điểm, S&P Global cho rằng lạm phát chi phí có nhiều khả năng sẽ còn tăng.
Nhưng vì thường phải mất một thời gian trước khi người tiêu dùng cảm nhận được sự giảm giá đầu vào của doanh nghiệp, nên lạm phát có vẻ sẽ còn kéo dài thêm một thời gian nữa.
Ông Tom Ozimek là người có kiến thức chuyên môn sâu rộng về lĩnh vực báo chí, bảo hiểm tiền gửi, tiếp thị và truyền thông cũng như đào tạo cho người trưởng thành.
Vân Du biên dịch