Bình Minh
Ông Đặng Chấn Trung (John Deng), Chính ủy của Viện Hành chính, cho biết trong một cuộc họp báo rằng Mỹ – Đài Loan sẽ khởi động “Sáng kiến Thương mại Thế kỷ 21 Mỹ – Đài Loan”.
Nhưng Bộ Ngoại giao Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) lại cho rằng họ vi phạm nguyên tắc “một Trung Quốc” và “kiên quyết phản đối”.
Ông Đặng Chấn Trung đã tổ chức một cuộc họp báo với ông La Bỉnh Thành – Người phát ngôn của Viện Hành chính, Bộ trưởng Ngoại giao Ngô Chiêu Tiếp (Joseph Wu) và Bộ trưởng Kinh tế Vương Mỹ Hoa (Wang Mei-hua) vào buổi tối.
Tại cuộc họp báo, ông Đặng Chấn Trung cho biết, ông đã tổ chức một cuộc họp video với bà Sarah Bianchi, Phó Đại diện Thương mại Hoa Kỳ. Hai bên đã đối thoại về quan hệ thương mại Mỹ – Đài Loan.
Được sự đồng ý của 2 nước, Đài Loan và Hoa Kỳ sẽ khởi động “Sáng kiến Thương mại Thế kỷ 21 Mỹ – Đài Loan”, và bắt đầu các cuộc đàm phán thương mại theo sáng kiến này, nhằm đạt được một hiệp định thương mại tiêu chuẩn cao và có lợi về kinh tế trong tương lai.
Để đạt được một thỏa thuận thương mại tiêu chuẩn cao và có lợi về kinh tế trong tương lai, các cuộc đàm phán cụ thể sẽ được tổ chức trực tiếp tại Washington vào cuối tháng Sáu.
Ông Đặng Chấn Trung giải thích rằng sẽ có các cuộc đàm phán về 11 chủ đề, gồm tạo điều kiện thuận lợi cho thương mại, xây dựng quy định, nông nghiệp, chống tham nhũng, doanh nghiệp vừa và nhỏ, thương mại kỹ thuật số, lao động, bảo vệ môi trường, tiêu chuẩn, doanh nghiệp nhà nước và các hội nghị liên quan đến kinh tế phi thị trường.
Ông Đặng nhấn mạnh rằng “Sáng kiến Thương mại Thế kỷ 21 Mỹ – Đài Loan” sẽ được thực hiện song song với “Hiệp định Khung về Thương mại và Đầu tư” (TIFA), và sáng kiến thương mại có mục tiêu rõ ràng hơn.
Theo một tuyên bố của Văn phòng Đại diện Thương mại Hoa Kỳ (USTR), Đài Loan và Hoa Kỳ cũng sẽ đàm phán các điều khoản như thanh toán điện tử, quản lý rủi ro, bảo vệ thông tin thương nhân, hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ có được công nghệ thông quan hàng hóa.
Theo Hãng thông tấn Trung ương Đài Loan CNA, ông Lý Dục Gia, Chủ tịch Hiệp hội các doanh nghiệp vừa và nhỏ, cho rằng tầm nhìn quốc tế ngày càng tăng của Đài Loan đã khiến các nước khác nhận thức được tầm quan trọng của nước này; Sáng kiến Thương mại Thế kỷ 21 Mỹ – Đài Loan là một cuộc đàm phán quan trọng, quy mô lớn diễn ra giữa 2 nước sau hơn 10 năm cách biệt.
Ông Lý Dục Gia nói: “Quả thực đã mở ra một cánh cửa.” Ông cũng đề cập, mặc dù khi bắt đầu đàm phán, vấn đề thuế quan không nhất thiết được thảo luận, nhưng từ quan điểm của Hiệp hội các doanh nghiệp vừa và nhỏ, ông rất vui khi có thể “mở rộng cửa cùng đàm phán“.
Thủ tướng Đài Loan Tô Trinh Xương (Su Tseng-chang) cũng nói trong cuộc họp nội các hôm 2/6 rằng hòn đảo này “có một vị trí quan trọng không thể thiếu trong chuỗi cung ứng toàn cầu”, theo một tuyên bố từ văn phòng của ông.
Ông Tô nói điều này “khiến Chính phủ Hoa Kỳ nhận ra rằng họ phải tăng cường liên kết kinh tế và thương mại với đất nước của chúng tôi để củng cố khả năng phục hồi và an ninh của chuỗi cung ứng toàn cầu”.
Hành động cụ thể sẽ phụ thuộc vào kết quả đàm phán giữa 2 chính phủ, cùng nhu cầu và điều kiện liên quan của cả hai. Ông bày tỏ lạc quan về sự phát triển tiếp theo.
Ông Lâm Bá Phong, Chủ tịch Hiệp hội Vì sự tiến bộ của ngành công nghiệp và thương mại, cho biết để khởi động Sáng kiến Thương mại Thế kỷ 21 Mỹ – Đài Loan, trước hết, lợi ích của chính Đài Loan phải được quan tâm.
Thứ hai, chính phủ, đặc biệt là Bộ Kinh tế cần khẳng định nỗ lực và ý định đàm phán kinh tế thương mại song phương giữa Đài Loan và Hoa Kỳ. Tốt nhất là trong tương lai, “BTA (hiệp định thương mại song phương) có thể thực hiện”.
Ông Lâm Bá Phong cho rằng vấn đề quan trọng là tạo ra một môi trường đầu tư tốt hơn và thuận lợi hơn ở Đài Loan, khiến đầu tư nước ngoài hoạt động và tập trung vào sự phát triển kinh tế của Đài Loan.
Chủ tịch Phòng Thương mại, ông Hứa Thư Bác (Paul Hsu) cho biết, Đài Loan đang bị cản trở bởi sự can thiệp của ĐCSTQ khi gia nhập các tổ chức quốc tế; việc thúc đẩy quan hệ kinh tế và thương mại Mỹ – Đài Loan lần này chắc chắn là có lợi, nhưng từ quan điểm của cộng đồng doanh nghiệp, trọng tâm là các nội dung liên quan đến việc có cắt giảm hoặc miễn thuế hay không.
Ông Hứa Thư Bác cũng tin rằng trong quá trình đàm phán giữa Đài Loan và Hoa Kỳ, không chỉ các đại diện chính phủ, mà tiếng nói của cộng đồng doanh nghiệp cần được xem xét; Đài Loan và Hoa Kỳ cần phải tính đến các yếu tố công nghiệp thực tế trong việc tấn công và phòng thủ của họ. Ông Hứa cho biết, sau này ông cũng sẽ chú ý đến nội dung cụ thể về tình hình công nghiệp hiện nay ở Đài Loan.
Tổng thống Đài Loan, bà Thái Anh Văn, cũng thông qua Facebook cho biết, quan hệ thương mại giữa Đài Loan và Mỹ có thể sẽ được làm sâu sắc hơn theo những cách cụ thể thông qua sáng kiến này.
Chiều ngày 2/6, trong cuộc họp báo thường kỳ, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc, ông Triệu Lập Kiên cho biết, Trung Quốc luôn kiên quyết phản đối bất kỳ hình thức trao đổi chính thức nào giữa các nước thiết lập quan hệ ngoại giao với Đài Loan, gồm đàm phán và ký kết các thỏa thuận mang ý nghĩa chủ quyền và mang tính chất chính thức.
Ông Triệu Lập Kiên nói rằng Hoa Kỳ nên tuân thủ nguyên tắc “Một Trung Quốc” và 3 thông cáo chung Trung-Mỹ, ngừng mọi hình thức trao đổi chính thức giữa Hoa Kỳ và Đài Loan, ngừng đàm phán và ký kết các thỏa thuận mang ý nghĩa chủ quyền với Đài Loan, không nên gửi bất kỳ tín hiệu sai lệch nào đến các lực lượng ly khai “Đài Loan độc lập”.
Ông Triệu cho biết, họ cũng phải cảnh báo các nhà chức trách Đảng Dân Tiến (Đài Loan), hãy xóa tan tính toán muốn dựa dẫm vào Hoa Kỳ để giành “độc lập” càng sớm càng tốt.
Trong cuộc họp báo thường kỳ vào chiều ngày 2/6, ông Cao Phong, người phát ngôn của Bộ Thương mại ĐCSTQ, cũng bày tỏ “kiên quyết phản đối”. Ông Cao Phong tuyên bố rằng vấn đề Đài Loan liên quan đến lợi ích cốt lõi của Trung Quốc.
Trung Quốc luôn phản đối mọi hình thức trao đổi chính thức giữa bất kỳ quốc gia nào với Đài Loan, gồm đàm phán và ký kết bất kỳ hiệp định kinh tế và thương mại nào có ý nghĩa chủ quyền và mang tính chất chính thức.
Bình Minh