Joaquin Nguyễn Hòa
8-6-2022
Hôm Chủ Nhật, ngày 5-6-2022, là một ngày khá u ám so với thời tiết thường nhật của thành phố San Jose, California, vốn rất ít mưa và nhiều nắng.
Trong công viên hoa hồng, Rose Garden, nằm cách trung tâm thành phố không xa về phía tây nam, đã diễn ra buổi lễ tưởng niệm một người Việt sống tại San Jose, ông Thắng Đỗ.
Ông Thắng qua đời vì bạo bệnh cách đây không lâu. Buổi lễ tưởng niệm dĩ nhiên có không khí gia đình với đông đảo người thân và bạn bè của ông. Tuy nhiên ông Thắng cũng là một nhân vật của công chúng, cho nên buổi tưởng niệm có cả thị trưởng thành phố San Jose là ông Sam Liccardo tham dự. Ông Liccardo là người phát biểu đầu tiên trong buổi lễ. Ông phát biểu không cần giấy, vì ông là người quen biết ông Thắng lâu năm, ông có rất nhiều điều để nói về ông Thắng.
Có khoảng 300 người tham dự buổi lễ, trong đó có khoảng 2/3 là người Việt với đủ lứa tuổi, số còn lại là những người đủ các sắc tộc, tham dự.
Ông Thắng là một di dân thành công ở nước Mỹ nói chung, thành phố San Jose nói riêng. Ông đến Mỹ sau khi Sài Gòn sụp đổ vào năm 1975, lúc 16 tuổi, với hai bàn tay trắng. Ông học hành thành tài để trở thành một kiến trúc sư và có cả một công ty kiến trúc riêng. Ông Thắng là thành viên quan trọng của ban quy hoạch (planning committee) thành phố San Jose.
Bên cạnh đó, ông Thắng cũng là một người hoạt động xã hội nổi tiếng với nhiều đóng góp tài chính, quản trị, cho các tổ chức phi chính phủ hoạt động ở Mỹ và Việt Nam.
Về phương diện chính trị, ông Thắng rất tích cực sau cuộc bầu cử năm 2016, với tổ chức Người Mỹ gốc Việt cấp tiến (PIVOT). Tổ chức này, dù còn rất trẻ, nhưng đã góp phần vào sự thành công của nhiều chính trị gia người Việt trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ năm 2018 ,và cuộc bầu cử quan trọng năm 2020.
Công trình kiến trúc ông Thắng tâm đắc nhất có lẽ là Trung tâm phục vụ người Mỹ gốc Việt (Vietnamese American Service Center), được khánh thành vào năm 2021. Trung tâm này được biết là nơi phục vụ những nhu cầu sức khỏe và tinh thần cho người Việt ở San Jose.
Với một “lý lịch” như vậy, lễ tưởng niệm ông Thắng ắt hẳn sẽ được sự quan tâm của nhiều vị lãnh đạo cộng đồng Việt Nam ở Mỹ, cũng như giới truyền thông Việt ngữ ở Mỹ. Ít nhất là tôi đã nghĩ như vậy khi đến tham dự buổi lễ. Nhưng không có ai cả.
Tôi cũng không thấy bốn vị ứng cử viên người Mỹ gốc Việt hiện ra tranh cử ở thành phố San Jose và quốc hội tiểu bang California, xuất hiện trong buổi tưởng niệm.
Cũng không thấy cơ quan truyền thông Việt ngữ nào có mặt với bao thứ máy móc, cờ xí, như thường thấy ở những buổi sinh hoạt cộng đồng. Trước đó 1 ngày, ngay tại San Jose có diễn ra một sự kiện cộng đồng do tổ chức Tập hợp Dân chủ thực hiện.
Dường như hai nhóm người Việt, nhóm tham gia buổi tưởng niệm ông Thắng tại Rose Garden, và nhóm “các hội đoàn”, sống trong hai thế giới khác nhau.
Tôi chần chừ mãi không dám viết ra những nhận xét đó sau buổi lễ, e rằng những nhận xét của mình là sai. Cho đến hai ngày sau, trên tờ báo lớn nhất của người Việt ở Mỹ là báo Người Việt, cũng không thấy nói gì đến vụ tưởng niệm ông Thắng Đỗ.
Đầu tiên, tôi nghĩ có lẽ lý do quan điểm chính trị đã tạo nên hai thế giới khác nhau này, vì cộng đồng người Việt ở Mỹ vốn nổi tiếng là những cử tri hăng hái của đảng Cộng hòa Mỹ, cũng như quan điểm nghiêng về phe hữu.
Ông Thắng là một trong những thành viên nòng cốt của tổ chức PIVOT. Tổ chức này là một tập hợp những người Mỹ gốc Việt có quan điểm từ trung dung cho đến khuynh tả. Bản thân ông Thắng là người ủng hộ bà Elizabeth Warren, ứng cử viên tổng thống năm 2020. Bà Warren có quan điểm kiểm soát các tập đoàn tư bản quá lớn, cũng như kiểm soát khắc khe hơn nữa các hoạt động vận động hành lang, mà bà cho là sẽ lũng đoạn thị trường, tạo nên các nhóm độc quyền rất nguy hiểm.
Một chính trị gia gốc Việt nói với tôi rằng, ông không tiếp xúc với nhóm PIVOT vì quan điểm khuynh tả của nhóm này. Nhưng có lẽ chính trị gia này là thiểu số, vì như đã nói ở trên, vào năm 2018 và 2020, PIVOT đã góp công đưa được nhiều người Việt vào dòng chính của chính trị Mỹ. Tôi đồng ý với ông Tùng Nguyễn, thành viên sáng lập của PIVOT, nói tại buổi lễ tưởng niệm ông Thắng, rằng PIVOT là tổ chức chính trị đầu tiên của người Việt ở Mỹ có tầm vóc quốc gia.
Nhưng nếu xét về quan điểm chính trị tả – hữu thì cũng có nhiều cơ quan truyền thông của người Việt ở Mỹ như báo Người Việt chẳng hạn, không có khuynh hướng thiên hữu, nhưng họ cũng đâu có quan tâm đến ông Thắng như một tờ báo tiếng Anh ở San Jose là báo Mercury News, có một bài khá dài viết về ông Thắng sau khi ông qua đời.
Như vậy chỉ có thể giải thích là sự quan tâm của hai nhóm người Việt này khác nhau. Nhóm đầu tiên, những người tham gia PIVOT và những người tham gia sự kiện tưởng niệm ông Thắng, là những người quan tâm đến những gì đang diễn ra trên đất Mỹ, những khuyết điểm của hệ thống Mỹ cần phải sửa chữa.
Nhóm thứ hai quan tâm đến những chuyện khác, chẳng hạn như một sự kiện về lực lượng cảnh sát quốc gia của Việt Nam Cộng hòa, diễn ra trước đó vài ngày.
Cũng cần nhấn mạnh đến một việc làm quan trọng của PIVOT từ khi ra đời đến nay là nỗ lực đẩy lùi tin thất thiệt trong cộng đồng người Việt ở Mỹ, do bị ảnh hưởng của các kênh YouTube lan truyền còn hơn đại dịch Covid. Ở đây cũng là hai không gian người Việt khác hẳn nhau, một nhóm vất vả bám theo những gì thật sự diễn ra trên đất Mỹ, nhóm kia hỉ hả tung hứng nhau đủ loại tin đồn vô căn cứ, không hề xảy ra.
Ông Khanh Nguyễn, một trong những người nòng cốt của PIVOT nói với tôi rằng, ông công nhận khuyết điểm của PIVOT là không có quan hệ với một cộng đồng người Việt đông đúc.
Một điểm thú vị cần ghi nhận nữa là nhóm những người gốc Việt trong các hội đoàn rất quan tâm đến những gì xảy ra bên trong đất nước Việt Nam, và ngược lại chính phủ Hà Nội cũng rất hay để ý đến những hội đoàn này. Trong khi đó, mặc dù ông Thắng Đỗ và một số tổ chức ông tham gia có nhiều hoạt động giúp đỡ việc chống nghèo đói bên trong nước, nhưng có lẽ rất ít người trong các cơ quan lãnh sự của Việt Nam ở Hoa Kỳ biết ông Thắng Đỗ, một người Việt di dân thành công trên nhiều phương diện ở Hoa Kỳ.