Tổ chức Nông Lương Liên Hiệp Quốc (FAO) và Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) của Liên Hiệp Quốc đã cảnh báo về nhiều cuộc khủng hoảng lương thực sắp tới do cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine, những hiện tượng thiên tai đột biến, và các tác động kéo dài của đại dịch COVID-19.
Trong một báo cáo hôm 07/06 (pdf) có nhan đề “Các điểm nóng về nạn đói – Cảnh báo sớm của FAO-WFP về tình trạng mất an ninh lương thực nghiêm trọng,” các tổ chức này cho biết tình trạng mất an ninh lương thực nghiêm trọng có khả năng “tệ hơn nữa” trong khoảng thời gian từ bây giờ đến tháng 09/2022 tại 20 quốc gia trên thế giới, đồng thời kêu gọi hành động nhân đạo khẩn cấp.
Ngoài ra, 49 triệu người ở 46 quốc gia trên thế giới có thể phải đối mặt với nạn đói hoặc tình trạng giống như nạn đói trừ khi họ nhận được “sự trợ giúp cứu mạng tức thì và bảo tồn sinh kế,” các tổ chức trên cho biết.
Con số đó bao gồm 750,000 người vốn đã ở trong “tình trạng thảm họa”, được xác định là ở trong những khu vực có “mức độ thiếu ăn nghiêm trọng và tử vong cực độ nguy cấp.”
Các tổ chức cho biết Ethiopia, Nigeria, Nam Sudan, và Yemen vẫn ở trong “tình trạng báo động cao nhất” về tình trạng mất an ninh lương thực nghiêm trọng, trong khi Afghanistan và Somalia là những nước mới gia nhập vào “danh mục đáng lo ngại” này kể từ khi báo cáo cuối cùng về những điểm nóng được FAO và WFP công bố hồi tháng 01/2022.
Cộng hòa Dân chủ Congo, Haiti, Sahel, Sudan, và Syria vẫn là những quốc gia “rất đáng lo ngại” do tình trạng nguy cấp của họ đang ngày càng xấu đi, còn Kenya thì đã được thêm vào danh sách đó.
Trong khi đó, Sri Lanka, các quốc gia ven biển Tây Phi (Benin, Cape Verde, và Guinea), Ukraine, và Zimbabwe đã được thêm vào danh sách các quốc gia điểm nóng, cùng với Angola, Lebanon, Madagascar, và Mozambique là những quốc gia có nhiều bộ phận dân cư có khả năng đối mặt với sự suy giảm đáng kể về an ninh lương thực trong những tháng tới.
Theo báo cáo, cùng với những hiện tượng thiên tai đột biến tái diễn ảnh hưởng đến trồng trọt và chăn nuôi như hạn hán, lũ lụt, và bão, điều kiện kinh tế vĩ mô tồi tệ ở một số quốc gia sau đại dịch COVID-19 và hệ lụy toàn cầu của xung đột Nga-Ukraine đang làm tình trạng ở một số quốc gia thêm phần bế tắc.
Trong khi đó, chi phí năng lượng tăng — một tác dụng phụ khác của cuộc xung đột quân sự đang diễn ra ở Ukraine — và gánh nặng nợ công lớn đang làm tình hình tệ hơn ở nhiều quốc gia.
“Chúng tôi lo ngại sâu sắc về tác động tổng hợp của các cuộc khủng hoảng chồng chéo đang gây nguy hại cho khả năng sản xuất và tiếp cận lương thực của người dân, đẩy hàng triệu người nữa vào các mức độ cực hạn của tình trạng mất an ninh lương thực nghiêm trọng,” ông Khuất Đông Ngọc (Qu Dongyu), Tổng giám đốc FAO cho biết. “Chúng tôi đang chạy đua với thời gian để giúp đỡ nông dân ở các quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất, bao gồm bằng cách tăng nhanh sản lượng lương thực tiềm năng và tăng cường khả năng phục hồi của họ trước những thách thức.”
Hồi tháng Tư, Ngân hàng Thế giới đã cảnh báo về nguy cơ xảy ra một “thảm họa nhân đạo” vì khủng hoảng lương thực do hậu quả của việc Nga xâm lược Ukraine, vốn có thể khiến giá lương thực tăng 37%, ảnh hưởng nặng nề nhất đến các quốc gia nghèo nhất.
Theo Chỉ số Giá Lương thực FAO của Liên Hiệp Quốc, giá lương thực đã giảm 0.6% so với tháng trước xuống còn 157.4 điểm, chỉ thấp hơn một chút so với mức cao kỷ lục 159.7 điểm mà chỉ số này đạt được vào tháng Ba.
Sự sụt giảm trong tháng Năm là do giá dầu thực vật và giá sữa cùng đường giảm. Tuy nhiên, giá ngũ cốc và thịt đã tăng.
Dù sao đi nữa, do Ukraine và Nga là các nước sản xuất lúa mì và ngô lớn của thế giới, sản lượng của Ukraine giảm có thể khiến giá của các mặt hàng chủ chốt toàn cầu tăng thêm.
Cô Katabella Roberts là một phóng viên hiện đang sống và làm việc tại Thổ Nhĩ Kỳ. Cô viết về tin tức nói chung và tin kinh doanh cho The Epoch Times, tập trung chủ yếu vào Hoa Kỳ.
Thanh Nhã biên dịch