Thơ Nguyên Sa vẫn còn nguyên lụa trắng

Thơ Nguyên Sa vẫn còn nguyên lụa trắng

Anh vẫn nhớ em ngồi đây tóc ngắn

Mà mùa thu dài lắm ở chung quanh

Linh hồn anh vội vã vẽ chân dung

Bày vội vã vào trong hồn mở cửa

……..

Em ở đâu, hỡi mùa thu tóc ngắn

Giữ hộ anh màu áo lụa Hà Đông

Anh vẫn yêu màu áo ấy vô cùng

Giữ hộ anh bài thơ tình lụa trắng”

Những câu thơ mà Nguyên Sa đem từ Pháp về Việt Nam năm 1956 đã thay đổi rộng khắp cảm nhận thi ca của đa số thanh niên Việt Nam. Giống như một nhạc cụ mới, có âm hưởng sâu và đánh thức giác quan thẩm mỹ của thời đại, thơ Nguyên Sa đã góp phần làm bản hòa tấu đa âm của thi ca Việt Nam thêm những rung động lạ lẫm cuốn hút người đọc mà Thơ Mới tỏ ra không còn đủ sức hấp dẫn như lúc khởi đầu.

Thơ Nguyên Sa nhanh chóng tràn vào từng lớp học, nơi trái tim học trò đập những nhịp điệu đầu tiên của tình yêu. Nguyên Sa yêu và chia sẻ cách yêu của mình qua kinh nghiệm một chàng trai có những thời khắc tuyệt vời tại Pháp, thủ đô của tình yêu trai gái, thủ đô của những giòng thơ trác tuyệt từng một thời là bệ phóng cho hàng trăm thi tài thế giới.

Nguyên Sa đem cái hồn phách của Châu Âu tái sinh sau khi thế chiến thứ II chấm dứt về Sài Gòn và nhanh chóng chiếm trọn sự cổ vũ nồng nhiệt của sinh viên học sinh. Ông đem ánh đèn vàng Paris nơi có những nhà ga là nguồn cảm hứng vô tận cho những cuộc chia tay. Ông mang theo hơi hám của sông Seine của nhà thờ Notre Dame về lại Sài Gòn nơi mà nhiều thế hệ thanh niên chịu ảnh hưởng của nền văn hóa Pháp.

Về tới Sài Gòn ông lại hỏi thăm Paris. “Paris có gì lạ không em?” Hỏi nhưng ông biết Paris vẫn thế, vẫn những quán café nho nhỏ xinh xinh trên đường phố Montmartre thuộc quận 18 của Paris. Vẫn giòng sông Seine cuốn hút gợi tình. Câu hỏi của Nguyên Sa về Paris đã làm thanh niên học sinh Sài Gòn thổn thức như chính họ đã từng ở Paris nay về lại quê hương mà lòng không tránh được nhớ nhung một thuở.

Thanh niên Sài Gòn nhớ cái mà họ chưa từng trải nghiệm qua thơ Nguyên Sa. Bắt đầu từ đây ông bước vào lãnh thổ khép kín của nhiều người. Ông cùng với họ thở hơi thở thi ca bằng những ngôn từ mới, rất mới, cho tới bây giờ sau hơn nửa thế kỷ vẫn còn mới tinh. Paris có gì lạ không em?

Paris có gì lạ không em ?

“Paris có gì lạ không em ?

Mai anh về em có còn ngoan

Mùa xuân hoa lá vương đầy ngõ

Em có tìm anh trong cánh chim

Paris có gì lạ không em ?

Mai anh về giữa bến sông Seine

Anh về giữa một giòng sông trắng

Là áo sương mù hay áo em ?

….

Anh sẽ chép thơ trên thời gian

Lời thơ toàn những chuyện hờn ghen

Vì em hay một vừng trăng sáng

Đã đắm trong lòng cặp mắt em?”

Nhà thơ Nguyên Sa và Vợ tại Pháp. FIle photo.

Nhà thơ Nguyên Sa và Vợ tại Pháp. FIle photo.

Paris không những là kinh đô của ánh sáng mà nó còn là thủ phủ của tình yêu. Có lẽ yếu tố tình yêu của Paris dính liền với lứa tuổi học trò Việt Nam thời đó. Thời của những trang lưu bút, những cánh hoa ép vào trong vở học, những hò hẹn ngây thơ và đầy tiếng ve, xác phượng là khoảng thời gian đẹp nhất trong một đời người. Trong lứa tuổi ấy tình yêu bắt đầu với những giai điệu mong manh và huyền ảo nhất.

Nguyên Sa nói đó là sự cần thiết, là điều không thể thiếu của con người. Xác quyết ấy của Nguyên Sa nhanh chóng được giới trẻ gật đầu thừa nhận, và vì thế, thơ ông từ đó có mặt trong lưu bút, trong sân trường thời trẻ dại và ngay cả sau này khi họ đã thành gia thất.

Cần thiết

“Không có anh lấy ai đưa em đi học về

Lấy ai viết thư cho em mang vào lớp học

Ai lau mắt cho em ngồi khóc

Ai đưa em đi chơi trong chiều mưa

Những lúc em cười trong đêm khuya

Lấy ai nhìn những đường răng em trắng

Đôi mắt sáng là hành tinh lóng lánh

Lúc sương mờ ai thở để sương tan

Ai cầm tay cho đỏ má hồng em

Ai thở nhẹ cho mây vào trong tóc…”

Thơ Nguyên Sa không những trau chuốt về ngôn ngữ nó còn lấn sâu tới một vùng khác đầy hấp dẫn nhưng cũng rất nguy hiểm đối với thể loại văn học dễ làm nhưng khó hay và nhất là khó nổi tiếng: thơ tự do.

Trước đây hơn nửa thế kỷ, một câu thơ đẹp sẽ bị quay lưng khi nó thể hiện hình ảnh, ý tưởng có vẻ “nhạy cảm” đối với người yêu thơ. Trong mỗi cá nhân có thể không giống nhau cách chia sẻ một bài thơ hay nhưng rất giống nhau khi nhìn thấy một câu thơ kỳ khôi, vượt lên trên cảm nhận bình thường của thi ca.

Cảm giác đó vẫn còn đầy đối với người đọc thơ đương đại vậy mà Nguyên Sa làm cho người đọc thơ ông cách đây hơn nửa thế kỷ phải mỉm cười, dù cách so sánh của ông lập dị đến nỗi không ai có thể nghĩ tới. Trong một bài thơ có tên người yêu và cũng là vợ ông sau này, ông viết:

Nga

“Hôm nay Nga buồn như một con chó ốm

Như con mèo ngái ngủ trên tay anh

Ðôi mắt cá ươn như sắp sửa se mình

Ðể anh giận sao chả là nước biển!…”

…..

Hình ảnh đôi mắt cá ươn thật sự gây thích thú cho sinh viên học sinh Việt Nam ngay cả cái mùi không dễ chịu của nó cũng làm họ ngây ngất. Ẩn dụ của Nguyên Sa làm học trò tròn mắt và người lớn mỉm cười. Từ đôi mắt cá ươn, đỏ lên sự nhớ nhung, cho tới cách mà hai con chó ốm quấn quýt nhau đã nâng Nguyên Sa lên bệ của thần tượng trong lòng họ:

“Em nhớ không, anh đã van em đừng buồn

Anh đã van em đừng để những nụ cười chắp nối

Mắt anh sẽ mờ vì những vết kim khâu

Và anh buồn, rồi lấy ai mà dỗ nhau

Lấy ai mà dỗ hai con chó ốm!…

…….

Em đã khóc, anh đã khóc và chúng mình đã khóc

Bước chân lê trên những hè phố không quen

Chúng mình đã khóc vì không được gần nhau như hai con chim

Chúng mình đã khóc vì không có tiền làm lễ cưới, lễ xin

Và em nhớ không, chúng mình đã hỏi nhau:

Tại sao phải làm lễ tơ hồng

Tại sao phải nhờ người ta buộc chỉ vào chân

Khi tay em đã vòng ra đằng sau lưng anh

Khi tay anh đã vòng ra đằng sau lưng em

Người ta làm thế nào cắt được

Bốn bàn tay chim khuyên!…”

“Áo nàng vàng tôi về yêu hoa cúc, áo nàng xanh tôi mến là sân trường” Có lẽ là hai câu thơ làm thành tên tuổi Nguyên Sa. Cảm xúc ngây ngô của chàng thanh niên trong lứa tuổi 16 nói với em, một cô học trò 13 tuổi. Những lời lẽ nếu xuất hiện hôm nay có lẽ cuộc đời sẽ giảm bớt biết bao nhiêu bụi bặm của thời đại.

Em Mười ba tuổi của thời Nguyên Sa rất nguyên sơ và thánh thiện. Chàng thư sinh Nguyên Sa không hề dám tơ tưởng vóc hình em mà chỉ dám chạm đến nhè nhẹ một màu áo, một sân cỏ nơi em bước qua. Đẹp và lãng mạn đến thế là cùng.

Tuổi 13

“Trời hôm ấy mười lăm hay mười tám?

Tuổi của nàng tôi nhớ chỉ mười ba

Tôi phải van lơn ngoan nhé, đừng ngờ…

Tôi phải dỗ như là… tôi đã nhớn

……

Và đôi mắt nhìn tôi ngập ngừng chim sẻ

Đôi mắt nhìn trời nhè nhẹ mây nghiêng

Tôi biết nói gì? Cả trăm phút đều thiêng

Hay muốn nói nhưng lòng mình ngường ngượng

Chân díu bước và mắt nhìn vương vướng

Nàng đến gần tôi chỉ dám… quay đi

Cả những giờ bên lớp học, trường thi

Tà áo khuất thì thầm: “chưa phải lúc…”

Áo nàng vàng tôi về yêu hoa cúc

Áo nàng xanh tôi mến lá sân trường

Sợ thư tình không đủ nghĩa yêu đương

Tôi thay mực cho vừa màu áo tím…”

Trở về Việt Nam trong hoàn cảnh miền Nam đang hít thở bầu không khí chính trị mới, Nguyên Sa đóng góp vào nền văn học Việt Nam trên nhiều lãnh vực. Ngoài thơ, ông còn là một nhà báo, một cây viết phê bình văn học, một nhà lý luận và còn là một nhà giáo dục.

Là Hiệu trưởng trường Văn Học, dạy môn Triết tại trường Chu Văn An cũng như đại học Văn Khoa và nhiều trường trung học nổi tiếng khác tại Sài Gòn như Văn Lang, Hưng Đạo, Thủ Khoa, Thượng Hiền, Nguyễn Bá Tòng… ông có cơ hội tiếp cận với học sinh, sinh viên và để lại trong lòng nhiều lớp người ký ức đẹp đẽ khi theo học thầy Trần Bích Lan, tức nhà thơ Nguyên Sa.

Nguyên Sa, Hạt cát nguyên sơ ấy đã theo chân học trò và người yêu thơ ông góp vào hành trang của họ những luận lý Tây phương cũng như cảm nhận cái đẹp với ý thức hoàn toàn vượt ra khỏi sự cũ kỷ nhàm chán của một nền Hán học vẫn đậm đặc trong xã hội. Thầy Trần Bích Lan không giảng bài mà ông thầm thì với học trò của ông những vần thơ tuyệt đẹp để từ đó nhiều người nhận ra rằng thơ có khả năng mở sáng trí tuệ chứ không chỉ là giai điệu hay những nỗi buồn, niềm vui bình thường của con người.

Giống như hầu hết văn thi sĩ miền Nam, thơ Nguyên Sa trong những năm chiến tranh có thay đổi tuy không lớn và máu lửa như nhiều nhà thơ khác. Trong những bài thơ mang tính thời cuộc ấy vẫn thoang thoảng cá tính Nguyên Sa, một thiên sứ tình yêu, một cung bậc mới trong cảm nhận văn học.

Nguyên Sa đốt lên ngọn lửa trong “Bài hát Cửu Long” nhưng không phải là lửa chống quân thù mà là lửa soi đường cho thanh niên, lửa tin yêu của những chàng trai cô gái hội tụ bên nhau trước vận mệnh mới của dân tộc.

Bài hát cửu long

“Có gì đâu em: có một đoàn người

Có một đoàn người góp sức góp vai

Cùng rủ nhau về góp một thành hai

Những bước chân góp đi làm đến!

Họ không dại khờ: góp trăng làm nến!

Chỉ những miệng cười góp lạ thành quen

Góp những giọng hò làm trống ngũ liên

Góp những bàn tay dựng thành đại hội

Cánh tay chắp cánh tay cho dài thêm nửa với

Gạo quanh nồi góp lại bữa cơm chung

Họ cùng đi cùng góp tháng, góp năm…

Để sáng ngày mai làm sông làm biển

Có gì đâu, có một đoàn người

Bên bờ Cửu Long gõ nhịp

Cả giòng sông gõ nhịp vịn bờ sông

Họ rủ nhau về sương gió vui chung

Dù có phút nước mắt chạy quanh

Hay miệng cười hớn hở

Vẫn bát gạo Hậu Giang, vẫn nụ cười huynh đệ

Mắt nghẹn ngào sáng tỏ nắng phương Nam

Màu nắng vàng không màu nhiệm hào quang

Nhưng dù má bừng lửa cháy

Trán đổ mồ hôi

Họ cùng không đóng cửa mừng vui

Những bàn tay ngượng ngập díu môi cười

Không phải khóc

Một đời người tầm gửi”

…..

Thủy chung Nguyên Sa vẫn yêu tận tình con người, yêu như trai gái yêu nhau, như những cặp tình nhân bất tử. Có lần ông giật mình khi nhìn lại chung quanh và chính bản thân để rồi thở dài cho đời người sao quá nhiều cay đắng, đặc biệt những con người trong thế hệ bị bộ máy chiến tranh bào mòn, nghiến nát:

Bây giờ

“Thế kỷ chúng tôi chót buồn trong mắt

Dăm bảy nụ cười không đủ xóa ưu tư

Tay quờ quạng cầm tay vài tiếng hát

Lúc xòe ra chẳng có một âm thừa

Cửa địa ngục ở hai bên lồng ngực

Phải vác theo trăm tuổi đường dài

Nên có gửi cho ai vài giọng nói

Cũng nghe buồn da diết chạy trên môi

Hai mắt rỗng phải che bằng khói thuốc

Chúng tôi nằm run sợ cả chiêm bao

Mỗi buổi sáng mặt trời làm sấm sét

Nên nhìn đêm mở cửa chẳng đi vào”

Nhà thơ của chúng ta cuối cùng rồi cũng không ra khỏi chiếc vòng tròn tự vấn. Trong bài thơ Sám hối, cái tựa trước tiên gây cảm giác tê tái và lạnh căm, nhưng qua bài thơ này Nguyên Sa phủ trùm lên nó thứ ánh sáng tái sinh của sự tận hiến. Chàng trai xưng tội với một người đàn bà, biểu tượng lòng thành mà một đời chàng trân trọng.

Chàng không sám hối điều chàng đã làm cho nàng. Những điều mà chàng thốt ra thật khó hình dung, diễn đạt lại vì thế cái cảm giác ăn năn, tự trách vẫn bồng bềnh trong bài thơ khiến chúng ta không thể hiểu tại sao.

Bài thơ này có lẽ mang tính triết học đậm đặc nhất trong toàn bộ cuộc đời làm thơ của ông. Sám hối, trở về với nguyên ủy sự sống. Vòng quay bất tận của tái sinh hay sự trở về gục đầu vào lòng người nữ vẫn luôn là đớn đau bất tận của nhân loại.

Sám hối

“Khi nắng mở cửa một bầu trời nạm bạc,

anh sẽ trở về trên con đường không có mùi cỏ ải

mà chỉ có nắng vàng hanh.

Anh sẽ trở lại bên em – mà cúi đầu – mà quỳ gối –

mà nghe rụng trong lòng ánh sáng hành tinh.

Anh sẽ quỳ gối bên em nhưng không dám nói chuyện trần gian.

Anh không dám kể lể dài dòng như một người giang hồ

nói với người giang hồ về những chuyện quê hương.

Anh chỉ dám dâng em chút ít đớn đau với nỗi niềm sám hối.

Nỗi niềm của một kiếp người đã nhiều tháng ngày ngồi trong ngõ tối.

……

Anh không dám nhắc đến cuộc đời xa cũ.

E sợ rằng lời lẽ chua cay sẽ biến thành bốn con ngựa già

kéo linh hồn anh chạy về bốn phía chân trời

trong những ngày giá lạnh.

Anh cũng không dám khóc. Nước mắt em ơi, đã đóng đinh

vào lòng bàn tay anh và linh hồn dớm máu…

Anh chỉ ngồi nhìn sao khuya rung động.

Nghe bờ môi tát cạn nhưng hơi thở yếu dần.”

Nhắc đến Nguyên Sa người yêu thơ ông vẫn tưởng nhà thơ đang rong chơi đâu đó vì ngôn ngữ vẫn sát với khung cảnh thường nhật hôm nay. Mặc dù nhà thơ đã từ trần vào ngày 8 tháng Tư năm 1998, cách đây đã mười sáu năm, nhưng thơ ông vẫn được nhiều người nhắc tới như xưa, đặc biệt trong hoàn cảnh tình yêu tuổi học trò ngày một biến mất để thay vào đó là những trò chơi tình cảm nhục dục của thanh niên trong thời đại mới.

Mỗi tiếng thở dài tiếc nuối quá khứ là một câu thơ của Nguyên Sa. Mỗi câu thơ của ông có khả năng làm mới tâm hồn để biết rằng trong bất cứ thời đại nào nhịp đập tình yêu vẫn là suối nguồn sự sống.

NGUỒN: rafa – Đài Á Châu Tự Do

Related posts