Lam Giang
Lãnh đạo Trung Quốc và Campuchia đã chính thức ‘động thổ’ dự án cải tạo căn cứ hải quân lớn nhất Campuchia hôm 8/6. Một quan chức Trung Quốc mô tả, mối “quan hệ đối tác son sắt” với Campuchia được củng cố bằng hợp tác quân sự do Trung Quốc tài trợ, vốn khiến Hoa Kỳ lo ngại lâu nay về ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc.
Thông báo này có khả năng làm rung chuyển cộng đồng an ninh quốc gia Mỹ. Vào năm 2019, Hoa Kỳ đã đã đưa ra cảnh báo rằng, Campuchia và Trung Quốc đã soạn thảo một hiệp ước bí mật nhằm đảm bảo việc Trung Quốc có thể tiếp cận căn cứ quân sự nằm trên Vịnh Thái Lan, mà không bị kiểm soát vào cảng sau khi dự án hoàn thành.
Thủ tướng Campuchia Hun Sen đã coi những lời cảnh báo là tin giả vào thời điểm đó.
Ông Sen nói vào năm 2019: “Đây là tin tức tồi tệ nhất từng bịa đặt chống lại Campuchia. Không thể có chuyện đó xảy ra vì việc đặt các căn cứ quân sự ở nước ngoài là vi phạm hiến pháp Campuchia”.
Tuy nhiên, vào ngày 8/6, Bộ trưởng Quốc phòng Campuchia Tea Banh nói rằng bất kỳ quốc gia nào cũng có thể sử dụng các cơ sở tại căn cứ hải quân Ream và Campuchia sẵn sàng chấp nhận hỗ trợ quân sự từ tất cả các quốc gia.
Các tàu nạo vét của Trung Quốc lần đầu tiên được nhìn thấy vào tháng Giêng, trong công cuộc chuẩn bị mở rộng khu vực này. Quy mô được cho là bao gồm một bến tàu khô, một bến tàu mở rộng, một bệnh viện, một nhà xưởng và một “tòa nhà tiếp tân”.
Việc mở rộng và hiện đại hóa căn cứ quân sự sẽ gia tăng kích thước của các tàu ở khu vực này lên gấp 5 lần, những con tàu có lượng choán nước từ 1.000 tấn lên 5.000 tấn. Điều đó có nghĩa là, cảng này vẫn còn quá nhỏ để có thể chứa các tàu tuần dương tên lửa dẫn đường Type 055 mới nhất của Trung Quốc, nhưng nó có thể tiếp nhận các tàu khu trục nhỏ hơn, gồm cả những tàu được trang bị tên lửa chống hạm và các gói tác chiến điện tử.
Về phần mình, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Campuchia Tea Banh kêu gọi các tùy viên quốc phòng Hoa Kỳ không nên lo lắng về tác động của một tấm biển có mặt tại lễ khởi công, trong đó có nội dung cho rằng dự án được tài trợ bởi “viện trợ không hoàn lại từ Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa”.
“Xin đừng quá lo lắng về căn cứ Ream này”, ông Banh nói.
“Cảng này quá nhỏ và thậm chí sau khi nâng cấp, nó không thể là một cảng có sức đe dọa đối với bất kỳ quốc gia nào”.
“Là một trụ cột vững chắc của quan hệ đối tác bền chặt như sắt đá, hợp tác quân sự Trung Quốc – Campuchia là vì lợi ích cơ bản của hai quốc gia và hai dân tộc chúng ta”, Đại sứ Trung Quốc tại Campuchia, Wang Wentian, nói trong một bài phát biểu tại lễ động thổ ở căn cứ trên Vịnh Thái Lan hôm 8/6.
Báo The Washington Post trong tuần này dẫn lời nhiều quan chức phương Tây giấu tên cho biết, Trung Quốc đang xây căn cứ bí mật dành riêng cho Quân giải phóng nhân dân (PLA) thuộc căn cứ hải quân Ream của Campuchia bên bờ vịnh Thái Lan.
Cả Campuchia và Trung Quốc đều phủ nhận thông tin của tờ Washington Post. Phnom Penh thậm chí còn nói việc xây dựng cơ sở mới ở căn cứ Ream không phải là điều bí mật.
Một quan chức Campuchia cho biết, việc cải tạo sẽ mất hai năm. Căn cứ Ream là điểm nóng trong quan hệ Mỹ – Campuchia trong nhiều năm.
Ream nằm trên Vịnh Thái Lan, ngay nơi tiếp giáp với Biển Đông. Đây cũng là nơi Trung Quốc liên tục khẳng định các yêu sách phi pháp để mở rộng lãnh thổ của mình, cả thông qua việc phát minh ra “quyền lịch sử” và tạo ra các đảo nhân tạo mà họ tuyên bố là một phần của lãnh thổ của nước này.
Đại sứ Trung Quốc tại Campuchia Wang Wen Tian nói rằng, việc xây dựng sẽ tuân theo một kế hoạch đã được Thượng nghị sĩ và nhà lãnh đạo ĐCS Trung Quốc Tập Cận Bình nhất trí, và sẽ “… thúc đẩy việc xây dựng một cộng đồng với một tương lai chung mang ý nghĩa chiến lược”.
Ông Wang nói, cảng này sẽ là minh chứng cho “tình hữu nghị và hợp tác lâu bền giữa hai quân đội” Trung Quốc và Campuchia.
ĐCS Trung Quốc đã nỗ lực trong nhiều năm để lôi kéo Campuchia vào phạm vi ảnh hưởng của mình và tránh xa mối quan hệ tốt đẹp hơn với Hoa Kỳ. Vào năm 2016, Trung Quốc đã gây ảnh hưởng, dẫn đến nỗ lực đại tu hệ thống tư pháp Campuchia sao cho ngày một ‘giống với hệ thống tư pháp’ của nước này. Tương tự như vậy, Trung Quốc đã đầu tư hàng trăm tỷ USD vào cơ sở hạ tầng của Campuchia, đồng thời giúp Campuchia phá dỡ các tòa nhà trước đây được thực hiện bằng nguồn tài trợ của Hoa Kỳ.
Dự án cảng tại Căn cứ Hải quân Ream chỉ là dự án mới nhất trong một loạt các động thái của ĐCS Trung Quốc nhằm tích cực tăng cường sự hiện diện quân sự ở nước ngoài thông qua việc thiết lập các căn cứ và dàn xếp an ninh. Gần đây nhất, Trung Quốc nỗ lực mở rộng phạm vi ảnh hưởng đến 10 quốc gia ở Tây Thái Bình Dương, tuy nhiên mọi chuyện không ‘suôn sẻ’ như những gì nước này mong muốn.
ĐCS Trung Quốc hiện chỉ thừa nhận một căn cứ quân sự ở nước ngoài ở Cộng hòa Djibouti, ngay phía nam Yemen.
Năm ngoái, Mỹ cáo buộc Campuchia không minh bạch về vai trò của Trung Quốc trong việc nâng cấp cơ sở này.
Mối quan hệ giữa Campuchia – Hoa Kỳ đã rạn nứt trong nhiều năm vì những cáo buộc của Hoa Kỳ rằng, Thủ tướng Hun Sen và đảng cầm quyền lâu năm của ông đã kìm hãm nền dân chủ thông qua cuộc đàn áp phe đối lập.
Gạt bỏ những lo ngại đó, ông Hun Sen đã xích lại gần Trung Quốc, quốc gia mà cho đến nay vẫn là nhà đầu tư lớn nhất ở Campuchia.
Có vị trí gần các tuyến đường vận chuyển quan trọng và khu vực Biển Đông đầy tranh chấp, cảng mới sẽ được đào sâu để cho phép các tàu quân sự lớn hơn cập cảng, đồng thời sẽ bao gồm một cơ sở bảo dưỡng, đường trượt, ụ tàu và bến tàu.
Nhấn mạnh mối quan hệ ‘nồng ấm’ của Campuchia với Trung Quốc, ông Tea Banh tuần này đăng những bức ảnh trên mạng xã hội về cảnh ông đang ngâm mình dưới biển cùng với ông Wang ở gần căn cứ.
Mặt khác, ông Tea Banh cũng muốn xoa dịu nỗi lo ở Hoa Kỳ và các quốc gia trong khu vực rằng Campuchia có thể mở cửa cho quân đội Trung Quốc.
“Vương quốc Campuchia sẽ không cho phép một căn cứ quân sự nước ngoài nào trên lãnh thổ của mình”, ông nói trong một bài phát biểu hôm 8/6.
Lam Giang