Nguyễn Quân
Trong hơn 376.200 tỷ đồng đã chi trong các đợt dịch COVID-19 (viêm phổi Vũ Hán), 7.973 tỷ đồng đã mua kit xét nghiệm COVID-19. Trong đó, tổng tiền mua kit test của Công ty Việt Á – nơi đang bị điều tra việc “thổi giá” kit xét nghiệm COVID-19 – là 2.161,6 tỷ đồng với các đơn hàng từ các đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Y tế cùng hàng loạt tỉnh thành.
Kiểm toán nhà nước vừa gửi báo cáo kiểm toán chuyên đề việc huy động, quản lý, sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19 tại 9 bộ, cơ quan trung ương và 32 địa phương.
Tổng nguồn lực đã huy động cho công tác phòng, chống dịch – theo báo cáo của các bộ, cơ quan trung ương, địa phương – là 376.217 tỷ đồng.
Trong đó, 130.551 tỷ từ ngân sách nhà nước, 11.468 tỷ đồng từ nguồn viện trợ nước ngoài (quy đổi từ 69 triệu liều vắc-xin từ các kênh ngoại giao đã tiếp nhận tính tới 31/12/2021; con số cam kết là 78,1 triệu liều), khoảng 140.589 tỷ đồng từ nguồn thực hiện chính sách hỗ trợ và khoảng 93.608 tỷ đồng từ nguồn huy động xã hội hóa qua các kênh đóng góp.
Riêng đối với việc quản lý và sử dụng kit test (xét nghiệm), Kiểm toán Nhà nước cho biết theo báo cáo của các bộ, ngành địa phương được kiểm toán trong giai đoạn 2020-2021, các đơn vị đã thực hiện mua sắm sinh phẩm, hóa chất và hơn 58,7 triệu kit xét nghiệm, sinh phẩm xét nghiệm PCR với tổng giá trị là 7.973 tỷ đồng với các mức giá khác nhau, tùy thuộc vào chủng loại, xuất xứ, hãng sản xuất.
Trong đó, giá trị mua sắm kit xét nghiệm từ Công ty Cổ phần Công nghệ Việt Á là 2.161,6 tỷ đồng (trực tiếp hoặc qua đơn vị trung gian phân phối).
Các đơn vị đặt mua thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Y tế, Hà Nội, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc; Hà Tĩnh, Đà Nẵng; Quảng Nam, TP.HCM, Hải Dương, Đồng tháp, Tiền Giang,…
Trong đó, Bộ Y tế và các đơn vị trực thuộc mua sắm sinh phẩm, kit xét nghiệm nhanh, PCR trị giá 617,297 tỉ đồng, gồm 1.269.404 kit test nhanh; 237.452 bộ kit xét nghiệm PCR với nhiều mức giá khác nhau, (giá mua kit xét nghiệm nhanh từ 47.000đ – 220.500đ/kit; bộ kit test xét nghiệm PCR từ 126.042 – 653.571 đồng/bộ).
Có 30/32 địa phương được kiểm toán mua kit xét nghiệm của Việt Á, gồm Hà Nội mua hơn 41 tỷ đồng, Bắc Ninh gần 30 tỷ đồng, Vĩnh Phúc hơn 64 tỷ đồng, Nghệ An gần 29 tỷ đồng, Hà Tĩnh gần 9 tỷ đồng, Đà Nẵng hơn 275 tỷ đồng, Quảng Nam 126 triệu đồng, TP.HCM hơn 33 tỷ đồng, Bình Dương gần 93 tỷ đồng, Long An hơn 38 tỷ đồng, Tây Ninh hơn 13 tỷ đồng, Kiên Giang hơn 2,7 tỷ đồng, Hậu Giang hơn 12 tỷ đồng, Cần Thơ gần 22 tỷ đồng, Hải Dương hơn 166 tỷ đồng…
Chỉ 2 tỉnh trong số các địa phương được kiểm toán không mua kit xét nghiệm của Việt Á là Bà Rịa – Vũng Tàu và Bình Thuận.
Tại Hà Nội, mức giá kit test nhanh từ 48.500 đồng đến 242.000 đồng/test; giá kit Test Realtime RT-PCR từ 48.500 đồng đến 210.000 đồng/test.
Quảng Nam giá kit test nhanh từ 48.500đ/test đến 198.000đ/test; giá kit test PCR từ 200.000/test đến 300.000đ/test.
Hải Dương kit xét nghiệm nhanh, đơn giá từ 63.000đ- 198.000đ/kit; kit xét nghiệm RT-PCR, đơn giá từ 84.000đ-181.000đ/kit tách chiết, từ 305.000đ-509.000đ/bộ kit định tính SARS-CoV-2…
Theo Kiểm toán Nhà nước, các đơn vị đã xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch xét nghiệm đột xuất, định kỳ, xét nghiệm cộng đồng, xét nghiệm tại khu cách ly, phong tỏa…; tổ chức dịch vụ xét nghiệm theo nhu cầu.
Việc giám sát kit xét nghiệm, từ nguồn, chất lượng đến số lượng còn hạn chế
Kiểm toán Nhà nước cho rằng việc quản lý, sử dụng sinh phẩm, kit test còn một số hạn chế như việc xây dựng kế hoạch xét nghiệm, phê duyệt, phân bổ kit test chưa kịp thời phục vụ công tác xét nghiệm ; việc quản lý, giám sát chưa chặt chẽ, chưa theo dõi được số lượng thực dùng…Cụ thể như sau:
Có lô kit test PCR tài trợ qua lấy mẫu thử nghiệm chưa bảo đảm chất lượng sử dụng.
Tại Đà Nẵng, lô 4.000 kit của doanh nghiệp tài trợ chưa được Bộ Y tế thực hiện thử nghiệm chất lượng, song kết quả thử nghiệm của Viện Pasteur Nha Trang cho thấy bộ kit không có giá trị sử dụng do kết quả độ nhạy bằng 0%.
Việc hạch toán, lập, quản lý, lưu giữ hồ sơ, tài liệu liên quan như chứng từ phân bổ, kế hoạch xét nghiệm, phiếu nhập, xuất, danh sách cấp phát… chưa đầy đủ; kit test viện trợ hết hạn sử dụng phải tiêu hủy.
Cụ thể, Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM hủy 12.016 kit; Bệnh viện Nhi Trung ương hủy 1.920 kit do kit test khi tiếp nhận còn hạn sử dụng ngắn.
Một số đơn vị chưa kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc quản lý, sử dụng kit test, hóa chất, sinh phẩm xét nghiệm như: Chưa thống kê, kiểm kê, theo dõi đầy đủ, chính xác số lượng nhập, xuất, tồn, còn chênh lệch số liệu giữa các bên liên quan; các đơn vị theo dõi chủ yếu tại khoa cấp phát, chưa theo dõi được theo từng nguồn và số lượng thực dùng tại đơn vị sử dụng (Bộ Y tế (Bệnh viện Chợ Rẫy; Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, Bệnh viện Phổi Trung ương); Bộ Công an (Bệnh viện 19/8; Bệnh viện 30/4); Quảng Nam (CDC); Cần Thơ (CDC; Quận Ninh Kiều; Quận Bình Thủy; huyện Phong Điền, Bệnh viện đa khoa TP Cần Thơ); Hậu Giang (CDC; TTYT TX Long Mỹ; TTYT huyện Châu Thành A; Sở Y tế); Kiên Giang (TTYT TP Rạch Giá); Bến Tre (Bệnh viện Nguyễn Đình Chiểu)…)
Một số hàng hóa chỉ theo dõi về số lượng nhập xuất tồn, chưa có đầy đủ hồ sơ theo dõi về giá trị (Tại hầu hết các đơn vị, nhất là đối với sinh phẩm, hóa chất được tài trợ, viện trợ.)
Một số đơn vị, địa phương ghi nhận việc mượn, mua vật tư, kit test, sinh phẩm xét nghiệm từ các nhà cung cấp với nhiều hình thức khác nhau như có hoặc không có văn bản thỏa thuận, có hoặc không có hợp đồng, đơn giá, phương án hoàn trả…, hoặc thiếu thông tin chi tiết chủ yếu chỉ có biên bản bàn giao Đà Nẵng (Khoa Xét nghiệm – CDC); Bình Dương (CDC; TTYT thành phố Thuận An; TTYT huyện Dầu Tiếng; TTYT huyện Bến Cát; TTYT huyện Phú Giáo); Cần Thơ (CDC, Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KHCN)… với tổng giá trị hàng hóa mượn theo hợp đồng, thỏa thuận là hơn 1000 tỷ đồng và mượn bằng hiện vật không có giá trị.
Ngày 08/4/2022 và ngày 27/4/2022 Kiểm toán Nhà nước đã chuyển danh sách các đơn vị, địa phương vay, mượn kit test có dấu hiệu bất thường sang Thanh tra Chính phủ để biết và lưu ý khi thực hiện thanh tra theo chuyên đề tại các bộ, ngành, địa phương.