Cựu lãnh đạo cơ quan gián điệp của Úc cảnh báo rằng “lần nào” Úc cũng cần đẩy lùi Trung Quốc trong cuộc cạnh tranh ở Nam Thái Bình Dương khi mà Bắc Kinh chỉ cần một lần chiến thắng để đạt được mục tiêu của mình.
Bình luận này được đưa ra khi Úc và Trung Quốc tiếp tục tranh giành ảnh hưởng ở Nam Thái Bình Dương, với việc gần đây ông Anthony Albanese đã có chuyến công du đầu tiên tới Indonesia trên cương vị Thủ tướng Úc, chỉ vài ngày sau khi Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị kết thúc chuyến công du tới tám quốc gia Thái Bình Dương.
Hôm thứ Hai (ngày 13/06), ông Dennis Richardson, người từng là Bộ trưởng Quốc phòng Úc từ năm 2012 đến năm 2017 và là cựu tổng giám đốc của Tổ chức Tình báo An ninh Úc (ASIO), cho biết Bắc Kinh sẽ tiếp tục gây sức ép và thách thức để cuối cùng thiết lập sự hiện diện quân sự của họ ở Thái Bình Dương.
Ông lưu ý rằng điều này sẽ khiến việc lập kế hoạch quốc phòng của Úc và Hoa Kỳ, vốn “rốt cuộc là những gì người Trung Quốc quan tâm,” phức tạp lên rất nhiều.
Ông Richardson nói với ABC Radio: “Đây không chỉ là thách thức cho hôm nay hay ngày mai; đó là thách thức trong 10 năm tới.”
“Mỗi khi Trung Quốc thúc đẩy trong khu vực này để tăng cường lợi ích an ninh của họ ở Nam Thái Bình Dương, chúng ta phải đẩy lùi và chúng ta sẽ luôn phải giành chiến thắng trong cuộc cạnh tranh đó.”
“Chúng ta phải thắng mọi thứ; còn họ chỉ phải thắng một lần.”
Cảnh báo trên được đưa ra hôm Chủ Nhật (12/06) khi Bộ trưởng Quốc phòng Úc Richard Marles cho biết chính phủ mới của Đảng Lao Động sẽ tiếp tục bảo vệ lợi ích quốc gia của Úc nhưng sẽ áp dụng một phong cách “tôn trọng” hơn đối với chế độ Cộng sản, khi ông ca ngợi Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Úc.
Ông Marles, người vào tháng Tư đã bị chỉ trích vì không tiết lộ bài diễn văn “ủng hộ Trung Quốc” của ông tại Đại sứ quán Trung Quốc ở Canberra, đã gặp người đồng cấp Trung Quốc, Tướng Ngụy Phượng Hòa tại hội nghị thượng đỉnh an ninh Shangri-La ở Singapore.
Lần tương tác này đánh dấu cuộc tiếp xúc cao cấp đầu tiên với Bắc Kinh kể từ năm 2020, khi chính quyền cộng sản phát động một loạt cuộc chiến thương mại chống lại Úc nhằm trả đũa việc chính phủ đương thời của Đảng Tự Do kêu gọi một cuộc điều tra độc lập về nguồn gốc COVID-19.
Ông Marles đã mô tả cuộc gặp là một “bước đầu tiên quan trọng” trong việc xây dựng lại mối bang giao Canberra-Bắc Kinh trong bối cảnh căng thẳng gia tăng ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và việc gần đây Trung Quốc chặn một chiến đấu cơ Úc tại Biển Đông.
“Mối quan hệ giữa Úc và Trung Quốc là phức tạp, và chính vì sự phức tạp này mà điều thực sự quan trọng là chúng ta phải tham gia đối thoại ngay bây giờ.”
“Trong tương lai, mặc dù có sự thay đổi về phong cách, nhưng hoàn toàn không có sự thay đổi về bản chất lợi ích quốc gia của Úc.”
Cựu giám đốc ASIO Richardson cho biết việc hai vị Bộ trưởng Quốc phòng đồng ý hội đàm “ngay từ cơ hội đầu tiên” là “đáng chú ý” nhưng đề nghị rằng Úc không nên “đi quá xa về vấn đề này.” Ông lưu ý thêm rằng “bất kỳ đột phá đáng chú ý nào” cũng khó có thể xảy ra sớm.
Ông Richardson nói: “Một sự thay đổi của chính phủ sau một thập niên sẽ mang lại cho họ những loại cơ hội như thế này.”
“Vẫn còn rất nhiều khác biệt căn bản giữa Trung Quốc và Úc, mà chính phủ mới hoàn toàn nhận thức được.”
Tuần trước (06-12/06), Bộ Quốc phòng đã tiết lộ một sự cố nguy hiểm xảy ra hồi tháng Năm, khi một chiến đấu cơ của Trung Quốc chặn một trinh sát cơ hàng hải của Úc trên vùng biển quốc tế ở Biển Đông, khiến phi hành đoàn Úc lo ngại cho sự an toàn của mình.
Bắc Kinh không xác nhận hay phủ nhận sự việc, tuy nhiên phát ngôn viên quốc phòng Trung Quốc, Đại tá Đàm Khắc Phi (Tan Kefei) tuyên bố những cảnh báo trên là “thông tin sai lệch” và cáo buộc Úc “xúi giục thù địch và đối đầu.”
Cô Nina Nguyen là một phóng viên tại Sydney. Cô đưa tin về Úc với trọng tâm là các vấn đề xã hội và văn hóa. Cô thông thạo tiếng Việt. Quý vị có thể liên lạc với cô tại nina.nguyen@epochtimes.com.au
Thanh Nhã biên dịch