Hội thảo cảnh báo về việc ‘Trung Quốc phá hoại’ nền kinh tế Hoa Kỳ

Nathan Worcester

Một cảnh sát quân sự Trung Quốc tuần tra Quảng trường Thiên An Môn ở Bắc Kinh vào ngày 06/02/2000. (Ảnh: STEPHEN SHAVER/AFP/Getty Images)

Thành viên Ủy ban Tình báo Hạ viện LaHood: Thuế quan của ông Trump ‘được người Trung Quốc chú ý tới’

Các diễn giả trong đó có Dân biểu Darin LaHood (Cộng Hòa-Illinois), một thành viên của Ủy ban Đặc biệt Thường trực về Tình báo của Hạ viện, đã thảo luận về những tổn thất và lợi ích tiềm tàng của việc tách rời Trung Quốc tại một diễn đàn của Viện Doanh nghiệp Hoa Kỳ (AEI) hôm 14/06 bàn về việc chống lại “sự phá hoại của Trung Quốc.

“Trung Quốc có kế hoạch thay thế chúng ta — nhưng chúng ta bị ràng buộc với họ về mặt kinh tế,” ông LaHood, người cho rằng hai nước này đang hướng tới “tâm lý Chiến tranh Lạnh,” cho biết.

“Tôi nói chung không phải là người thích thuế quan, nhưng thuế quan do Tổng thống Trump thực hiện đã được người Trung Quốc chú ý tới,” ông LaHood nói khi được hỏi về việc Trung Quốc tiếp tục giao dịch tài chính với Nga giữa các lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ đối với nước đó.

Ông Derek Scissors, một thành viên cao cấp tại AEI, cho biết: “Có một nhận thức chung là chúng ta không thể kinh doanh như bình thường — nhưng … không có sự nhất trí về những gì phải làm.”

Ông hướng sự chú ý đến những tổn thất về kinh tế khi làm ăn với Trung Quốc, chẳng hạn như trộm cắp tài sản trí tuệ.

“Quý vị là một mục tiêu ngay khi quý vị là một đối tác,” ông nói. “Ông Tập Cận Bình sẽ không ra đi, và ông ấy sẽ không thay đổi.”

Trong khi ông Scissors thể hiện vẻ quyết đoán hơn ông LaHood về sự cần thiết của việc tách rời, thì ông lại tỏ ra kém cứng rắn hơn với viễn cảnh một cuộc đối đầu về số phận của Đài Loan.

Ông nói: “Nếu như chúng ta xảy ra xung đột với Trung Quốc vì vấn đề Đài Loan, để so sánh thì thiệt hại do cuộc xâm lược Ukraine của Nga gây ra đối với các chuỗi cung ứng sẽ là không đáng kể — và tôi không chắc Hoa Kỳ đã sẵn sàng cho điều đó.”

Ông James Palmer, một phó tổng biên tập của tạp chí Foreign Policy, lập luận rằng những chỉ trích gay gắt của Trung Quốc nhắm vào Hoa Kỳ có thể bộc lộ những lỗ hổng thực sự — chẳng hạn như, sự phụ thuộc của chúng ta vào đất hiếm được khai thác và chế biến ở quốc gia đó.

“Chúng ta nên hành động nghiêm túc hơn rất nhiều trong việc chuyển những chuỗi đó trở về trong nước,” ông nói.

Ông Adolfo Urso, một nhà lãnh đạo của ủy ban tình báo quốc hội Ý từng phục vụ trong chính phủ của cựu Thủ tướng Silvio Berlusconi, đã đưa ra những nhận xét tương tự trong cuộc thảo luận nhóm.

Nói thông qua một phiên dịch viên, ông lập luận rằng phương Tây phải bảo đảm rằng công nghệ chiến lược, bao gồm cả “công nghệ xanh,” được tập trung trong các bàn tay thân thiện.

Ông Palmer cho rằng các doanh nghiệp Mỹ bị cám dỗ rất nhiều bởi “lợi nhuận khổng lồ” có thể kiếm được ở Trung Quốc.

Ông nói: “Chúng ta có thể thấy họ bị cám dỗ như thế nào bởi thực tế là các doanh nghiệp Mỹ vẫn giữ cam kết ngay cả sau tất cả những gì họ nhận được từ ĐCSTQ (Đảng Cộng sản Trung Quốc).”

Quyền lực đang lớn lên của ĐCSTQ đối với các tập đoàn và các chính trị gia Hoa Kỳ đã được ghi lại đầy đủ ở nhiều nguồn, bao gồm cả ấn phẩm năm 2019 của Viện Hoover “Ảnh hưởng của Trung Quốc và Lợi ích của Hoa Kỳ.”

Bài viết này lưu ý vai trò quan trọng của lực lượng nội bộ chính của Trung Quốc đối với sự ảnh hưởng thương mại ở Hoa Kỳ, Phòng Thương mại Trung Quốc (CGCC).

Các chính trị gia Mỹ có liên hệ với CGCC bao gồm Thống đốc Illinois J.B. Pritzker, một thành viên Đảng Dân Chủ.

Ông Pritzker đã có bài diễn văn tại buổi dạ tiệc năm 2019 của tổ chức này, như đã báo cáo trên trang web của họ và trên blog CapitolFax.

CapitolFax và Cision đều báo cáo rằng buổi dạ tiệc diễn ra tại một khách sạn Hyatt Regency ở trung tâm thành phố Chicago.

Gia đình tỷ phú Pritzker từ lâu đã có liên quan tới cái tên Hyatt. Cha của ông J.B. Pritzker, ông Donald Pritzker, được mô tả là một sáng lập viên hoặc đồng sáng lập của Tập đoàn Hyatt. Chủ tịch điều hành hiện tại của Tập đoàn Hyatt là Thomas Pritzker, em họ của ông J.B.

The Epoch Times đã liên lạc với ông J.B. Pritzker để xin bình luận.

Ông Palmer của tạp chí Foreign Policy tuyên bố rằng chính phủ Trung Quốc có kỹ năng “tiếp cận và tâng bốc cái tôi” của các doanh nhân Mỹ khi họ đến thăm quốc gia này.

“Kết quả là quý vị tự biến mình thành một người vận động hành lang cho họ,” ông nói tại cuộc thảo luận nhóm hôm 14/06 của nhóm AEI.

Ông Urso nhấn mạnh sự phản đối của ông đối với việc Ý tham gia vào Sáng kiến ​​Vành đai và Con đường của Trung Quốc mặc dù trước đó ông đã ủng hộ việc nước này gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới vào năm 2001.

“Trung Quốc ngày nay đã sẵn sàng để trở thành cường quốc toàn cầu chính — không phải là một trong nhiều siêu cường, mà là siêu cường duy nhất,” ông Urso nói, chỉ ra rằng Trung Quốc đã tiến tới xóa bỏ những giới hạn nhiệm kỳ đối với các chủ tịch của mình vào năm 2018, có khả năng cho phép ông Tập giữ chức chủ tịch nước suốt đời. 

Vào thời điểm đó, một số chuyên gia Trung Quốc đã suy đoán rằng hành động của ông Tập có thể đã được đưa ra trong bối cảnh rộng lớn hơn của điều mà sau đó họ coi là một ĐCSTQ bị chia rẽ.

“Ông Tập có thể đã hứa với giới quan chức cao cấp trong đảng rằng ông ấy sẽ không phá hoại thể chế kế vị chính trị bằng cách giữ quyền lực trọn đời,” ông Đặng Duật Văn (Deng Yuwen) thuộc Viện Charhar viết trong một bài xã luận của South China Morning Post vào ngày 14/03/2018, như đã được đưa tin trên The Epoch Times.

Khi được ông LaHood hỏi về viễn cảnh tách rời, ông Palmer lập luận rằng “tính đa nghi bên trong nội bộ” của chính quyền Trung Quốc về ảnh hưởng văn hóa Mỹ thường là một phương tiện hữu ích để chia rẽ những người nắm quyền lực.

Ông nói: “Đặc biệt là thời hậu Ukraine, chúng ta đã chứng kiến ​​sự tăng cường các biện pháp bên trong Trung Quốc nhằm tìm cách cắt bớt một số mối quan hệ này.”

Ông dẫn ra các giới hạn ngày càng nghiêm ngặt của chính quyền này đối với việc các bộ phim Mỹ có thể được xem ở Trung Quốc, chứng tỏ điều đó đang bắt đầu ảnh hưởng đến việc ra quyết định ở Hollywood.

Ông Scissors, thuộc AEI, nói rằng một dự luật cải cách năm 2018 của Ủy ban Đầu tư Ngoại Quốc tại Hoa Kỳ (CFIUS) có thể cung cấp một mô hình để tách Hoa Kỳ ra khỏi Trung Quốc.

“Chúng ta đã có rất nhiều người lo lắng về việc lạm quyền, đó là một mối quan tâm chính đáng mà phần lớn đã được giải quyết ở cấp quốc hội,” ông Scissors nói.

Trong khi phiên bản cuối cùng nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của lưỡng đảng, thông qua với tỷ lệ 85-10 tại Thượng viện và 400-2 tại Hạ viện, thì các nhà bình luận đã chỉ ra rằng phiên bản này đã loại bỏ một điều khoản trước đó mà sẽ cho phép CFIUS xem xét những chuyển giao công nghệ xảy ra trong các liên doanh của các công ty Hoa Kỳ và các công ty ngoại quốc.

Thay vào đó, dự luật đã ủy quyền cho Bộ Thương mại Hoa Kỳ sàng lọc “các công nghệ nền tảng và mới nổi.”

The Epoch Times đã liên lạc với Bộ Thương mại về sự tồn tại của danh sách đó.

Bộ Thương mại đã tham gia vào một tiểu ban của Hội đồng Khoa học và Công nghệ Quốc gia về “Các Công nghệ Quan trọng và Mới nổi” đã đưa ra một danh sách các công nghệ như vậy vào tháng 02/2022.

Các danh mục công nghệ và các danh mục phụ trong danh sách đó gồm có “năng lượng định hướng,” “thiết kế của các hệ thống phân phối virus và virus,” “siêu thanh,” và, theo “các công nghệ và hệ thống không gian,” “quản lý chất lỏng đông lạnh.”

Ông Nathan Worcester là một phóng viên môi trường tại The Epoch Times. Quý vị có thể liên lạc với ông tại nathan.worcester@epochtimes.us hoặc theo dõi ông trên Twitter @nnworcester.

Cẩm An biên dịch

Related posts