Huyền Anh
Ngoại trưởng Úc Penny Wong sẽ tới thăm quần đảo Solomon vào ngày 17/6 trong bối cảnh quan hệ ngày càng căng thẳng với Thủ tướng Manasseh Sogavare về một thỏa thuận an ninh gây tranh cãi với Bắc Kinh.
Đây sẽ là chuyến đi thứ ba đến khu vực Thái Bình Dương của bà Wong, sau đó bà sẽ đến thăm New Zealand. Trước đó, bà đã có các chuyến thăm đến Fiji, cũng như Samoa và Tonga.
Bà Wong nói trong một tuyên bố: “Chúng tôi cam kết làm sâu sắc hơn mối quan hệ hợp tác với Quần đảo Solomon, cùng nhau đối mặt với những thách thức chung và đạt được các mục tiêu chung bao gồm cả vấn đề biến đổi khí hậu”.
Ngoại trưởng Úc nêu rõ: “Tôi mong muốn thảo luận về những biện pháp để chúng ta có thể tiếp tục đạt được tiến bộ trong quá trình phục hồi sau đại dịch Covid-19, phát triển kinh tế và các ưu tiên sự dịch chuyển lao động, cũng như giải quyết các lợi ích an ninh chung của chúng ta”.
Cuộc gặp của bà Wong với Thủ tướng Sogavare sẽ có sự khác biệt so với cách tiếp cận của chính phủ Liên minh trước đây, với việc cựu Bộ trưởng Ngoại giao Marise Payne cố tình né tránh các cuộc đàm phán cấp cao với ông Sogavare theo lời khuyên từ các quan chức ngoại giao.
Chính phủ Đảng Lao động kể từ khi đắc cử, đã bắt tay vào các cuộc gặp trực tiếp với các nhà lãnh đạo của Đối thoại An ninh Tứ giác, quốc gia láng giềng Indonesia và Thái Bình Dương – trong nỗ lực để lại dấu ấn riêng trong quan hệ đối ngoại.
Các sáng kiến tham vọng hơn về biến đổi khí hậu cũng là điểm khác biệt chính so với chính phủ tiền nhiệm, mà Thủ tướng Anthony Albanese và bà Wong đã mài dũa. Hiện Úc đã hứa hẹn nửa tỷ USD tài trợ khí hậu cho các quốc gia Thái Bình Dương.
Tuy nhiên, các chuyên gia đã miễn cưỡng chấp nhận cách tiếp cận này. Cựu giáo sư truyền thông chính trị Eric Louw cảnh báo rằng, các nhà lãnh đạo tham nhũng sẽ chỉ khai thác cảm xúc của phương Tây về biến đổi khí hậu – và cảm giác tội lỗi xung quanh chủ nghĩa thực dân – để có được các khoản tài trợ.
Tham nhũng là một vấn đề nhức nhối ở nhiều quốc đảo Thái Bình Dương.
“Ông Sogavare tin rằng, ông có thể kiếm được tiền từ sự cạnh tranh toàn cầu giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc”, ông viết trên The Epoch Times.
Trong khi cựu sĩ quan lực lượng đặc nhiệm Úc Heston Russell nói rằng, có thể đạt được rất ít lợi ích bằng cách thu hút trực tiếp các nhà lãnh đạo của các quốc gia Thái Bình Dương. Thay vào đó, ông cho rằng các nhà lãnh đạo dân chủ nên tập trung vào sự tham gia ở cấp cơ sở.
“Có một sự tách biệt giữa cấp độ chính trị và dân số địa phương. Hầu hết người dân đều quá bận rộn với cuộc sống hàng ngày của họ, nên không hào hứng tham gia vào chính trị hoặc quan tâm đến những gì đang diễn ra”, ông nói với The Epoch Times.
“Điều đó cho phép giới tinh hoa chính trị khai thác đất nước, bị ảnh hưởng, bị tha hóa, và lọt ngay vào tay các nước có tài nguyên lớn, diện tích lớn, cơ sở quyền lực lớn như Trung Quốc”.
Ông Russell, người trước đây đã làm việc ở khu vực Thái Bình Dương, cho biết các quốc gia dân chủ có thể hợp tác song phương với nhau, như việc Hoa Kỳ cung cấp một khuôn khổ “chiến lược, tài chính và ngoại giao” bao quát để đối phó với Bắc Kinh ở Thái Bình Dương. Trong đó, Úc và New Zealand cung cấp các giải pháp thực tiễn để hỗ trợ kết nối nhân lực, thể dục thể thao, xây dựng trường học, hỗ trợ cơ sở hạ tầng và giúp cứu trợ thiên tai.
Những nỗ lực này cuối cùng sẽ kích hoạt, gây áp lực cho các nhà lãnh đạo cấp cơ sở và có khả năng phục hồi quá trình dân chủ từ cấp này.
Vào tháng 3, những nghi ngờ xuất hiện xung quanh tham vọng dài hạn của Bắc Kinh ở khu vực Thái Bình Dương từ sự xuất hiện của một thỏa thuận an ninh được ký với thủ tướng Solomons. Theo đó, thoả thuận này cho phép ĐCS Trung Quốc đóng quân, trang bị vũ khí và tàu hải quân trong khu vực — chỉ cách 1.700 km từ thành phố Cairns phía bắc nước Úc.
Thoả thuận này làm giấy lên lo ngại về việc quân sự hóa Nam Thái Bình Dương giống như Biển Đông và làm gia tăng căng thẳng trong khu vực.
Gần đây, nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình đã ký một bản phác thảo mới về “các hành động quân sự phi chiến tranh”, cho phép quân đội Trung Quốc được đồn trú ở các quốc gia khác.
Điều này có thể sẽ báo hiệu rằng, ĐCS Trung Quốc sẽ tăng cường các hành vi gây hấn mới ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, nơi nhà cầm quyền này đang tiếp tục mở rộng mạnh mẽ lãnh thổ của mình thông qua việc tạo ra các đảo nhân tạo và tìm cách ngăn cản các nỗ lực quốc tế nhằm hợp tác với Đài Loan.
Trong lịch sử, ĐCS Trung Quốc đã từng sử dụng các hoạt động gìn giữ hòa bình của mình để tạo nền tảng ngoại giao ở các quốc gia hải ngoại, qua đó có thể mở rộng dấu ấn quân sự của mình. Các hoạt động của họ ở Châu Phi và Trung Đông đã được sử dụng để thiết lập các thỏa thuận hợp tác quân sự, mua bán vũ khí và công nghệ giám sát, cũng như phát triển tên lửa và năng lượng hạt nhân, chứ không nói gì đến căn cứ quân sự ở ngoại quốc của họ ở Djibouti trên vùng Sừng Châu Phi.
Trong một bối cảnh tương tự, ĐCS Trung Quốc đã gấp rút nỗ lực vào tháng Năm để tạo ra một thỏa thuận an ninh 10 quốc gia ở Nam Thái Bình Dương dưới chiêu bài cho rằng họ đang tạo ra một thỏa thuận an ninh và thương mại trên diện rộng. Nỗ lực đó cuối cùng đã bị các bên ký kết từ chối sau khi người ta phát hiện ra thỏa thuận của ĐCS Trung Quốc sẽ yêu cầu họ chấp thuận các Học viện Khổng Tử và lớp học về tư tưởng cộng sản, và có thể cắt đứt khả năng đánh bắt cá ngừ của Hoa Kỳ trong khu vực này.
Tuyên bố của ông Tập cũng được đưa ra chỉ vài ngày sau khi Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Nguỵ Phượng Hoà nói với Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Lloyd Austin rằng ĐCS Trung Quốc sẽ “không ngần ngại châm ngòi một cuộc chiến bất kể giá nào”, nếu họ bị thúc ép về vấn đề Đài Loan.
Huyền Anh
Theo The Epoch Times