Tin thế giới sáng thứ Năm: Ông Pence nói Đảng Cộng Hòa không nên chỉ trích FBI bố ráp nhà của ông Trump

Trung Quốc dỡ bỏ lệnh cấm đánh bắt cá hàng năm ở Biển Hoa Đông

Một khinh hạm tên lửa của Trung Quốc tiến vào vùng biển gần quần đảo Senkaku. (Ảnh do Bộ Quốc phòng Nhật Bản cung cấp)

Bắc Kinh hôm 16/8 đã dỡ bỏ lệnh cấm hàng năm đối với các tàu cá của họ ở vùng biển Hoa Đông bao gồm quần đảo Senkaku do Nhật Bản kiểm soát.

Lệnh cấm đã được dỡ bỏ vào buổi trưa. Đơn vị Lực lượng Cảnh sát biển Nhật Bản có quyền tài phán đối với khu vực này cho biết có khoảng 10 tàu cá Trung Quốc ngay bên ngoài vùng biển của Senkakus vào buổi sáng, nhưng họ không thể xác nhận liệu có tàu nào vượt biển vào lúc 5 giờ chiều hay không.

Một quan chức chính phủ Nhật Bản cho biết: “Có rất nhiều tàu đánh cá đã ra khơi ngay sau khi lệnh cấm đánh bắt được dỡ bỏ, vì vậy chúng tôi sẽ phải theo dõi chặt chẽ họ trong một thời gian”.

Trước khi lệnh cấm được dỡ bỏ, nhà chức trách Taizhou, tỉnh Chiết Giang, cho biết trên một trang web của chính phủ hôm 14/7, thông báo cho ngư dân một tháng trước khi lệnh cấm kết thúc. Thông báo cho biết: “Nghiêm cấm đi vào các vùng biển nhạy cảm”.

Chuyển động của các tàu cá là một thước đo cho thấy lập trường của Trung Quốc đối với Nhật Bản tại bất kỳ thời điểm nào. Vào tháng 8 năm 2016, khi căng thẳng lên cao, các tàu đánh cá của Trung Quốc đã tràn vào khu vực xung quanh quần đảo Senkakus.

Nhưng năm nay, Đảng Cộng sản cầm quyền của Trung Quốc tổ chức đại hội toàn quốc 5 năm một lần – nơi các quan chức cấp cao được bổ nhiệm – và có dấu hiệu cho thấy Bắc Kinh đang kiểm soát các tàu cá để tránh làm gia tăng căng thẳng với Tokyo.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đang tìm kiếm một nhiệm kỳ thứ ba chưa từng có trên cương vị lãnh đạo của đảng, và tháng 9 sẽ đánh dấu kỷ niệm 50 năm bình thường hóa quan hệ với Nhật Bản. Giữ mối quan hệ ổn định với các nước láng giềng dường như là ưu tiên hàng đầu.

Tuy nhiên, ông Tập cũng đã tăng cường áp lực quân sự lên quần đảo Senkakus. Năm 2018, ông chuyển giao quyền kiểm soát lực lượng bảo vệ bờ biển từ lĩnh vực dân sự sang Quân ủy Trung ương.

Năm 2021, lực lượng bảo vệ bờ biển được phép sử dụng vũ lực sát thương đối với tàu nước ngoài trong vùng biển Trung Quốc nếu xét thấy cần thiết.

Vào tháng 7, một tàu Cảnh sát biển Trung Quốc đã dành 64 giờ 17 phút ngoài khơi Senkakus trong vùng biển mà Nhật Bản tuyên bố là của mình.

Trong tờ Nhân dân Nhật báo, một cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản cầm quyền Trung Quốc, chuyên mục các vấn đề quốc tế của Zhong Sheng đã cáo buộc Nhật Bản hôm thứ Hai “liên tục gây rắc rối về vấn đề quần đảo Điếu Ngư”, sử dụng cái tên Trung Quốc cho đảo Senkakus mà Trung Quốc tự xưng là của mình.

Trung Quốc coi quần đảo này là một phần lãnh thổ cố hữu của mình và kết nối với vấn đề Đài Loan, nói rằng chúng thuộc quyền quản lý của chính quyền địa phương Đài Loan dưới thời nhà Thanh.

Trần Phong

Ông Pence nói Đảng Cộng Hòa không nên chỉ trích FBI bố ráp nhà của ông Trump

Cựu Phó Tổng thống Mike Pence hôm thứ Tư (17/8, giờ Mỹ) đã có tuyên bố trái ngược với cựu Tổng thống Donald Trump và nhiều thành viên Đảng Cộng hòa khác về vụ việc FBI bố ráp dinh thự Mar-a-Lago. Ông Pence kêu gọi các đồng nghiệp cùng đảng nên chấm dứt chỉ trích FBI.

Ông Pence khi phát biểu tại một sự kiện tại St. Anselm College nói: “Tôi cũng muốn nhắc nhở các thành viên Đảng Cộng hòa rằng chúng ta có thể buộc tổng chưởng lý phải chịu trách nhiệm về quyết định ông ta đã đưa ra nhưng đừng tấn công vào những sĩ quan thực thi pháp luật bình thường tại FBI”.

“Đảng Cộng hòa là đảng của luật pháp và trật tự”, ông Pence nói, theo AP. “Đảng của chúng ta sát cánh với những người đàn ông và phụ nữ trong hàng ngũ thực thi pháp luật cấp liên bang, tiểu bang và địa phương, nên các cuộc tấn công như này vào FBI phải chấm dứt. Kêu gọi ngừng cấp tiền cho FBI cũng là sai như kêu gọi ngừng cấp tiền cho cảnh sát”.

Ông Trump và một số thành viên Đảng Cộng hòa nói FBI đã nhắm mục tiêu vào những người theo cánh hữu bảo thủ một cách bất công và cơ quan này đã đang chưa làm đủ mạnh để kiềm chế những kẻ cực đoan cánh tả, trong đó có các phần tử mà mùa hè này đã đe dọa các nhóm ủng hộ sự sống, các trung tâm chăm sóc bà mẹ sau khi Tối cao Pháp viện quyết định lật ngược án lệ phá thai Roe v. Wade.

Ngoại giới nhận định rằng, với phát biểu nêu trên ông Pence dường như đang muốn giữ khoảng cách chiến lược với cựu Tổng thống Trump. Nhiều chuyên gia chính trị nhận định với những phát biểu trong các sự kiện gần đây, ông Pence đang nỗ lực chuẩn bị cho cuộc chạy đua vào Nhà Trắng năm 2024.

Ông Pence và ông Trump đã không còn đi chung đường kể từ sau ngày 6/1/2021. Ông Trump chỉ trích cấp phó của mình vì không dũng cảm phản đối hoặc trì hoãn phê duyệt kết quả bầu cử tổng thống Mỹ 2020. Trong khi đó, ông Pence nhiều lần nói rằng ông không có quyền trong tiến trình chứng nhận kết quả bầu cử tại phiên họp lưỡng viện hôm 6/1.

Xuân Thành

Tỷ phú Elon Musk tuyên bố sẽ mua… câu lạc bộ Manchester United

Ngày 17/8, Tỷ phú Elon Musk, Giám đốc điều hành Tesla và SpaceX, tuyên bố trên tài khoản mạng xã hội Twitter rằng ông sẽ mua câu lạc bộ bóng đá Manchester United.

Dù ông Elon Musk không nói thêm gì nhưng dòng trạng thái ngắn trên Twitter đã nhanh chóng trở thành tâm điểm chú ý của cộng đồng mạng nói chung và người hâm mộ môn thể thao vua nói riêng.

Trong nhiều năm qua, người hâm mộ câu lạc bộ Manchester United luôn phản đối gia đình nhà Glazer (bên đã mua câu lạc bộ từ năm 2005) do sự sa sút phong độ của đội tuyển lừng danh một thời. Hiện gia đình Glazer chưa có phản ứng trước thông tin trên.

Được biết, Manchester United đã 20 lần giành giải vô địch bóng đá Anh và từng 3 lần giành cúp châu Âu. Tuy nhiên, trong mùa giải lần này, đội bóng đã có khởi đầu tệ hại khi để thua 2 trận đầu tiên bao gồm cả trận thua đậm 4-0 trước câu lạc bộ Brentford vào ngày 13/8. Tính đến cuối ngày 16/8, câu lạc bộ Manchester United có vốn hóa thị trường là 2,08 tỷ USD. Một số người hâm mộ đã kêu gọi tỷ phú Musk mua Manchester United thay vì mua Twitter.

Hồi tháng 4, tỷ phú Musk tuyên bố kế hoạch mua mạng xã hội Twitter với giá 44 tỷ USD. Tuy nhiên, 3 tháng sau, ông đã bác bỏ thương vụ với lý do Twitter vi phạm thỏa thuận.

Twitter đang kiện ông Musk để tìm cách buộc ông thực hiện lời hứa trước đó, còn vị tỷ phú thì lên tiếng thách thức Giám đốc điều hành của Twitter, Parag Agrawal, tranh luận công khai về tỷ lệ bot (tài khoản ảo) trên nền tảng truyền thông xã hội này.

Một phiên tòa giải quyết vụ tranh chấp giữa các bên đã được ấn định vào ngày 17/10 tới đây.

Phan Anh

TT Hàn Quốc: Đàm phán với Triều Tiên không nên là màn trình diễn chính trị

Hôm thứ Tư (17/8), Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol nhận định, các cuộc đàm phán với Triều Tiên không nên nhằm mục đích chính trị mà cần góp phần thiết lập hòa bình.

Ông Yoon nhắc lại việc sẵn sàng cung cấp viện trợ kinh tế theo từng giai đoạn cho Triều Tiên nếu nước này chấm dứt phát triển vũ khí hạt nhân và bắt đầu phi hạt nhân hóa. Ông cũng lưu ý rằng, ông đã kêu gọi đối thoại với Bình Nhưỡng kể từ chiến dịch tranh cử của mình.

Ông phát biểu trong cuộc họp báo đánh dấu 100 ngày tại nhiệm: “Bất kỳ cuộc đối thoại nào giữa các nhà lãnh đạo hai miền Nam – Bắc, hoặc các cuộc đàm phán giữa các quan chức cấp cao, không nên là màn trình diễn chính trị, mà cần phải góp phần thiết lập hòa bình thực chất trên bán đảo Triều Tiên và ở Đông Bắc Á.”

Các bình luận này có ý chỉ trích một loạt hội nghị thượng đỉnh liên quan đến người tiền nhiệm Moon Jae-in, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un và Tổng thống Mỹ khi đó là ông Donald Trump.

Bất chấp những cuộc gặp đó, các cuộc đàm phán về phi hạt nhân hóa đã bị đình trệ vào năm 2019 và Triều Tiên tuyên bố sẽ không đánh đổi khả năng tự vệ của mình, mặc dù họ đã kêu gọi chấm dứt các lệnh trừng phạt. Bình Nhưỡng thậm chí còn có thể chuẩn bị cho một vụ thử hạt nhân tiềm ẩn; và nếu điều này xảy ra, đó sẽ là vụ thử đầu tiên kể từ năm 2017.

Trước đó, ngày 15/8 ông Yoon cam kết hỗ trợ Triều Tiên hiện đại hóa hạ tầng, hỗ trợ tài chính và đầu tư quốc tế. Đổi lại, Bình Nhưỡng cần chấm dứt chương trình vũ khí hạt nhân, bắt đầu một quy trình phi hạt nhân hóa thực chất.

Khi được hỏi về việc thay đổi chế độ Triều Tiên, nhà lãnh đạo Hàn Quốc khẳng định: “Đảm bảo an ninh cho chế độ Triều Tiên không phải điều chính phủ Hàn Quốc có thể thực hiện. Nhưng cả tôi và chính phủ Hàn Quốc đều không muốn hiện trạng ở Triều Tiên bị thay đổi bất hợp lý hay bằng vũ lực.”

Các vụ thử tên lửa và phát triển hạt nhân gần đây của Triều Tiên đã làm dấy lên cuộc tranh luận về việc liệu Hàn Quốc có theo đuổi vũ khí hạt nhân của riêng mình hay không.

Dù vậy, ông Yoon cho biết, ông đã cam kết với Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT) và sẽ phối hợp với Hoa Kỳ để tăng cường “khả năng răn đe mở rộng” cho Hàn Quốc.

Nhật Minh (Theo Reuters)

Related posts