Nhật Minh
Việc Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đảm bảo với ông Vladimir Putin về sự ủng hộ của Trung Quốc đối với “chủ quyền và an ninh” của Nga – khiến Washington cảnh báo Bắc Kinh có nguy cơ rơi vào “phía sai lầm của lịch sử”.
Trong cuộc điện đàm nhân dịp sinh nhật lần thứ 69 của ông Tập, hai nhà lãnh đạo đồng ý rằng quan hệ giữa Nga và Trung Quốc “đã đạt mức cao chưa từng có và đang không ngừng được cải thiện”.
Hãng truyền thông nhà nước Trung Quốc CCTV dẫn lời ông Tập: “Trung Quốc sẵn sàng làm việc với Nga để tiếp tục hỗ trợ nhau về những lợi ích cốt lõi liên quan đến chủ quyền và an ninh cũng như về các mối quan tâm chính yếu, tăng cường hợp tác chiến lược, tăng cường giao tiếp, phối hợp trong các tổ chức khu vực và quốc tế quan trọng.”
Đây là cuộc điện đàm thứ hai được báo cáo giữa hai nhà lãnh đạo kể từ khi ông Putin tiến hành cuộc xâm lược Ukraine vào ngày 24/2.
Theo CCTV, ông Tập ca ngợi “đà phát triển tốt” trong quan hệ song phương kể từ đầu năm “trước những bất ổn và thay đổi toàn cầu”. Và Bắc Kinh sẵn sàng “tăng cường phối hợp chiến lược giữa hai nước”.
Điện Kremlin cũng cho hay, hai nhà lãnh đạo đã đồng ý tăng cường hợp tác kinh tế khi đối mặt với các lệnh trừng phạt của phương Tây. Thông báo của Kremlin nêu rõ hai bên nhất trí mở rộng hợp tác về năng lượng, tài chính, công nghiệp, giao thông và nhiều lĩnh vực khác trong bối cảnh tình hình kinh tế toàn cầu thời gian qua đã trở nên phức tạp hơn, chủ yếu do chính sách trừng phạt của phương Tây.
Tuy nhiên, phía Hoa Kỳ đã nhanh chóng thể hiện phản ứng lạnh lùng trước sự đồng thuận hợp tác Bắc Kinh với Moscow.
“Trung Quốc tuyên bố trung lập, nhưng hành vi của họ phản ánh rõ việc họ vẫn đang đầu tư vào các mối quan hệ chặt chẽ với Nga,” phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết.
Washington đang “theo dõi chặt chẽ hoạt động của Trung Quốc”, bao gồm cả thực tế là gần 4 tháng sau cuộc chiến của Nga ở Ukraine, gã khổng lồ châu Á vẫn “lặp lại tuyên truyền của Nga trên khắp thế giới” và cho rằng hành động tàn bạo của Moscow ở Ukraine là “dàn dựng”, quan chức này nói thêm.
“Các quốc gia đứng về phía ông Vladimir Putin chắc chắn rồi sẽ thấy mình đã đứng về phía sai lầm của lịch sử.”
Phương Tây đã áp dụng các biện pháp trừng phạt chưa từng có đối với Nga để đáp trả cuộc xâm lược Ukraine. Phía Moscow lại đổ lỗi cho châu Âu và Hoa Kỳ gây ra suy thoái kinh tế toàn cầu.
Moscow cũng đang tìm kiếm các thị trường và nhà cung cấp mới để thay thế các công ty nước ngoài lớn đã rời bỏ Nga sau cuộc xâm lược.
Liên minh châu Âu và Hoa Kỳ đã cảnh báo, bất kỳ sự hậu thuẫn nào từ Bắc Kinh đối với cuộc chiến của Nga, hoặc giúp đỡ Moscow né tránh các lệnh trừng phạt của phương Tây, sẽ làm tổn hại đến mối quan hệ của các bên.
Hiện tại, Trung Quốc và Ấn Độ là hai nền kinh tế lớn không tham gia các biện pháp trả đũa đối với Moscow.
Từng là kẻ thù dai dẳng trong Chiến tranh Lạnh, Bắc Kinh và Moscow đã tăng cường hợp tác trong những năm gần đây như một đối trọng trước cái mà họ coi là sự thống trị toàn cầu của Mỹ.
Hai quốc gia đã xích lại gần nhau hơn trong các lĩnh vực chính trị, thương mại và quân sự như một phần của mối quan hệ mà họ đánh giá là “không có giới hạn”. Tuần trước, họ đã khánh thành cây cầu đường bộ đầu tiên nối hai nước, nối thành phố Blagoveshchensk, miền viễn đông nước Nga với thành phố Hắc Hà, miền Bắc Trung Quốc.
Nhật Minh (Theo AFP)