SAN SẺ TÌNH THƯƠNG

Huy Lâm

Trong khoảng thời gian đại dịch vừa qua, người già là nhóm người bị cô lập nhất. Với những kỹ thuật tân tiến ngày nay, có rất nhiều công cụ hiện đại – trong đó đáng kể nhất là điện thư, tin nhắn và mạng xã hội – giúp cho người ta giữ liên lạc với nhau rất dễ dàng. Nhưng dường như những công cụ này lại thường bỏ quên người già, cũng là những người chậm chạp trong việc học để sử dụng và cập nhật các kỹ thuật mới.Tuy nhiên, hiện nay có một nhóm người, cũng có thể gọi là một tổ chức, đang sử dụng một cách thức liên lạc hết sức cổ điển để làm bầu bạn và giúp cho những người già nói trên bớt cô đơn trong khi vẫn giữ được khoảng cách xã hội an toàn.

Trước đây, để giữ mối dây liên lạc, người ta thường viết và gửi thư cho nhau. Những bức thư nhận được có thể là từ những người họ hàng thân thích, từ bạn bè, và từ những người kết bạn qua thư từ (tiếng Anh gọi là pen pals). Cái thời đó nay đã quá xa rồi. Ngày nay chẳng mấy ai còn đủ kiên nhẫn để ngồi nắn nót viết một lá thư bằng tay, sau đó bỏ vào phong bì, dán tem và gửi đi qua đường bưu điện. Muốn liên lạc với ai, người ta gửi điện thư hoặc tin nhắn, vừa nhanh vừa tiện. Nhưng cũng chính điều đó gây ra khá nhiều khó khăn cho những người già và vô tình đẩy họ sang bên lề của lối sống mới trong xã hội hiện đại.

Như câu chuyện của bà LaVonne Birge, trong thời gian hai năm của đại dịch đã phải sống thui thủi một mình trong căn phòng của một viện dưỡng lão tại thành phố Omaha. Một ngày tiêu biểu của những người già trong thời đại dịch: Viện dưỡng lão bị phong toả, và những người già như bà Birge bị cô lập, tách biệt với thế giới bên ngoài.

Nhưng rồi một ngày nọ, có người cháu gái được phép tới thăm trong chốc lát đã gõ cửa và mang vào trong phòng cả một rổ đầy thư từ, khoảng 500 lá, tất cả được viết tay nắn nót gửi tới cho bà Birge.

Trận đại dịch đã tạo ra một thực trạng xã hội mới mà hiệp hội người nghỉ hưu AARP gọi là “dịch bệnh cô đơn” ở những người già, là nhóm người trong thời gian đại dịch thường bị cách ly và cô lập với thế giới bên ngoài do lo ngại ảnh hưởng đến an toàn sức khoẻ của họ.

Tuy nhiên, hiện nay đang có hàng nghìn tình nguyện viên trên khắp thế giới – được kết nối thông qua tổ chức Love For Our Elders (Tình thương dành cho người cao tuổi) – đã đáp lại bằng một cử chỉ đơn giản nhưng đầy mãnh lực: viết thư tay.

Họ bỏ thời gian rảnh rỗi mỗi ngày để âm thầm làm công việc mang đầy ý nghĩa như nói trên. Những lá thư khi lần đầu tới được tay người nhận đều mang đến cho người nhận sự ngạc nhiên và cảm động không ít. Những lá thư mang vào trong căn phòng nhỏ của những người già đầy ắp những lời chúc, những câu chuyện, những tiếng nói cười. Thông điệp được gửi đi trong tất cả những lá thư đó đều giống nhau, nhắc nhở cho những người già biết rằng họ không bị bỏ rơi và không cô đơn.

Có điều ngạc nhiên là “trụ sở chính” của hoạt động gửi hàng chục ngàn lá thư mỗi tháng tới cho hàng trăm cụ già trên khắp thế giới lại nằm trong một phòng trọ của khu ký túc xá đại học Yale của người sáng lập là anh sinh viên Jacob Cramer. Điều đáng ngạc nhiên hơn nữa là Cramer bắt đầu hoạt động này khi còn là một cậu học sinh trung học.

Tổ chức Love For Our Elders mà anh Cramer đang điều hành cùng với 13 thiện nguyện viên khác, nhiều người trong số họ còn rất trẻ, hiện đang nối kết với khoảng 60,000 người thiện nguyện viết thư tay từ hơn 70 quốc gia trên thế giới và viết đều đặn cho những người già đang cần một lời động viên tinh thần.

Anh Cramer cho biết ý tưởng để có được một tổ chức hoạt động như ngày hôm nay được bắt đầu từ ông nội anh là Marvin Cramer. Khi còn là cậu bé, Jacob Cramer thường có mặt tại nhà ông nội trong tất cả các ngày lễ và hầu hết những ngày cuối tuần. Anh ghi nhớ công ơn của ông nội là đã dạy cho anh biết giá trị của những hành động thương yêu và tử tế, và thậm chí một cái bắt tay thật chặt như một cử chỉ để mang đến cho người đối diện cảm giác thân thiết và tự tin hơn. Đọc thêm

Sau khi ông nội qua đời năm 2010, anh Cramer muốn được tiếp tục sống và duy trì những giá trị trên, vì vậy anh bắt đầu làm việc thiện nguyện tại những cơ sở chăm sóc người già yếu gần nơi anh ở. Và sau khi làm việc thiện nguyện được một thời gian tại các viện dưỡng lão, anh bắt đầu nhận ra rằng anh là khách thường xuyên viếng thăm duy nhất của một số người già sống tại đây. Điều này khiến anh cảm thấy khó chịu và đã đi đến quyết định làm gì đó để thay đổi.

Mặc dù lớn lên trong thời đại kỹ thuật số của tin nhắn và điện thư nhưng anh Cramer luôn cảm thấy bị quyến rũ bởi những bức thư thực sự viết tay, chúng mang tới cho người nhận cảm giác gần gũi, thân mật. Trở lại năm 2013, anh đã tìm cách kết hợp một nghệ thuật cũ là dùng bút viết trên giấy cùng với kỹ thuật mới là quảng cáo trên internet tìm người tham gia công việc viết thư tay gửi tới cho những người già sống trong viện dưỡng lão.

Giấc mơ cất cánh. Chỉ trong vòng một năm, anh phải cần thuê hộp thư tại bưu điện để nhận tất cả thư được gửi về, sau đó sắp xếp rồi gói lại cẩn thận và gửi đi.

Khi đại dịch nổ ra, rất nhiều người già cần được kết nối với thế giới bên ngoài hơn bao giờ hết, nhưng đồng thời, theo lời anh Kramer kể lại, số người muốn viết thư tay cũng tăng lên đáng kể, một phần có lẽ do họ cũng bị bắt buộc ở trong nhà và có nhiều thì giờ rảnh rang.

Cô Phoebe Clark, sinh viên theo học ngành tâm lý tại Đại học Loyola Maryland, là một trong số những thiện nguyện viên mới tham gia trong thời đại dịch. Sau khi trường đóng cửa vì đại dịch, cô trở về sống với cha mẹ và được chứng kiến chính người ông của cô gặp nhiều khó khăn với chứng mất trí nhớ. Người ông một đôi khi tâm sự với cô rằng ông cảm thấy như một người bị bỏ quên, và cũng giống như anh Kramer, điều đó đã khiến cô không vui.

Kết quả một số cuộc khảo sát cho biết, mặc dù người già trong thời đại dịch có thể là nhóm người bị cô lập nhiều hơn, nhưng kinh nghiệm sống và quan điểm sống của họ giúp họ sống kiên cường hơn so với hầu hết các nhóm người trẻ tuổi. Tuy nhiên, nói như vậy không có nghĩa là họ không cần nối kết với xã hội và với con người, là những thứ không gì có thể thay thế được.

Tổ chức Love For Our Elders vẫn luôn tìm cách điều chỉnh hoạt động của họ để tăng cường sự kết nối thêm nhiều người già hơn nữa. Trước đây, tổ chức thu thập các lá thư viết với nội dung mang tính cách chung chung và sau đó gửi đi thành từng bó tới các viện dưỡng lão. Năm ngoái, tổ chức chuyển sang những lá thư viết tay nhắm vào cá nhân hơn. Cứ mỗi tháng họ lại chọn ra và giới thiệu một số cụ tiêu biểu trên trang mạng của tổ chức trong suốt tháng đó. Nhưng làm vậy trung bình mỗi cụ được nhận hơn 300 lá thư, là con số hơi nhiều, nên tổ chức đang cố gắng đề cử thêm nhiều người hơn mỗi tháng để trải rộng niềm vui và tình thân thương tới tay nhiều cụ hơn.

Thông thường khi viết thư, người ta viết về đủ mọi đề tài, viết về bất cứ điều gì họ nghĩ ra trong đầu, tuy nhiên tổ chức Love For Our Elders yêu cầu người viết tránh viết bất cứ đề tài nào liên quan tới chính trị hoặc những đề tài có thể gây ra tranh cãi, và tập trung vào những trải nghiệm chung trong cuộc sống hoặc bày tỏ cảm nhận thú vị về tiểu sử cá nhân của một cụ nào đó được đăng tải trên trang mạng của tổ chức.

Có thể nói tổ chức Love For Our Elders hoạt động rất âm thầm, không khoa trương, và vì vậy cũng không nhiều người biết tới. Do đó, chúng ta lại càng phải tán dương việc làm này của họ nhiều hơn nữa. Công việc họ làm có thể bị nhiều người cho là tầm thường và không thèm đụng đến. Nhưng công việc tầm thường đó mang lại nhiều ý nghĩa và có nhiều ảnh hưởng tâm lý tới những người già, là nhóm người hết sức yếu đuối mong manh và rất cần đến sự quan tâm. Và trên hết, những việc làm của tổ chức Love For Our Elders khiến cho chúng ta thêm vững tin rằng trong cái thế giới ngày càng có vẻ lạnh lùng và nặng về cá nhân chủ nghĩa như hiện nay vẫn còn có nhiều người vẫn muốn mang tình thương của mình san sẻ với người khác, trong đó có những người họ chưa từng gặp mặt bao giờ.

Huy Lâm

Related posts