Xuân Hoa
Bộ trưởng Nội vụ Anh Priti Patel đã chấp thuận việc dẫn độ nhà sáng lập WikiLeaks, ông Julian Assange, sang Mỹ. Tổng thư ký Tổ chức Ân xá Quốc tế cho rằng sự việc này gửi đi một thông điệp ớn lạnh tới các nhà báo trên toàn thế giới.
Ông Assange bị chính quyền Mỹ truy nã với 18 tội danh, bao gồm cả cáo buộc gián điệp, liên quan đến việc WikiLeaks công bố một loạt hồ sơ quân sự bí mật của Mỹ và các bức điện ngoại giao mà Washington cho rằng đã khiến nhiều người gặp nguy hiểm.
Những người ủng hộ khẳng định ông Assange là một anh hùng bị đối xử bất công sau khi vạch trần nhiều hành động sai trái của Mỹ trong các cuộc xung đột ở Afghanistan và Iraq. Việc truy tố ông Assange được cho là một cuộc tấn công có động cơ chính trị nhằm vào báo chí và tự do ngôn luận.
Sau khi các tòa án Anh kết luận việc dẫn độ ông Assange là hợp lý và không lạm dụng tố tụng, Bộ Nội vụ Anh hôm thứ 6 (17/06) cho phép dẫn độ ông Assange sang Mỹ để đối mặt với các cáo buộc hình sự. Bộ Nội vụ Anh nói rằng việc dẫn độ không trái với các quyền con người, bao gồm quyền được xét xử công bằng và quyền tự do ngôn luận; và ông Assange sẽ được đối xử một cách thích hợp.
Vợ của ông, bà Stella, cho biết ông sẽ kháng cáo và bà thề sẽ đấu tranh bằng mọi cách hợp pháp có thể. Ông Assange có 14 ngày để kháng cáo lên Tòa án tối cao của London.
“Chúng tôi sẽ chiến đấu. Chúng tôi sẽ sử dụng mọi con đường kháng cáo”, bà Stella Assange nói với các phóng viên, gọi quyết định của Bộ Nội vụ Anh là điều bôi bác. “Tôi sẽ dành từng giờ để chiến đấu cho Julian cho đến khi anh ấy được tự do, cho đến khi công lý được thực thi”.
Anh trai của ông Assange, ông Gabriel Shipton, nói với Reuters rằng quá trình kháng cáo sẽ cung cấp thông tin mới trước đây chưa được đưa ra tòa án, bao gồm cả những tuyên bố trong một báo cáo hồi năm ngoái về kế hoạch ám sát ông Assange.
Thông điệp ớn lạnh
Bà Stella Assange đã gọi quyết định của Bộ trưởng Nội vụ Anh Priti Patel là “một ngày đen tối cho tự do báo chí và cho nền dân chủ Anh”.
Nick Vamos, cựu trưởng phòng dẫn độ tại Cơ quan Công tố Vương miện của Anh, cho biết các phán quyết thường bị Tòa án tối cao lật lại. Ông Assange có thể chứng minh rằng việc dẫn độ mang động cơ chính trị; đồng thời đưa ra bằng chứng mới, chẳng hạn như cáo buộc CIA đã âm mưu ám sát ông.
WikiLeaks trở nên nổi tiếng vào năm 2010 khi công bố một video quân sự của Mỹ. Video này cho thấy một cuộc tấn công năm 2007 bằng trực thăng Apache ở Baghdad khiến hàng chục người thiệt mạng, trong đó có 2 phóng viên thuộc hãng tin Reuters.
Sau đó, WikiLeaks đã phát hành hàng trăm nghìn tệp tin và điện tín ngoại giao mật trong vụ vi phạm an ninh lớn nhất lịch sử quân sự Mỹ.
Các công tố viên Mỹ và quan chức an ninh phương Tây coi ông Assange là kẻ thù của nhà nước – một kẻ đe dọa đến tính mạng của các đặc vụ có tên trong tài liệu bị rò rỉ.
Ông Assange và những người ủng hộ lập luận rằng ông đang bị trừng phạt vì làm xấu mặt giới cầm quyền và sẽ phải đối mặt với 175 năm tù nếu bị kết tội.
Agnes Callamard, Tổng thư ký của Tổ chức Ân xá Quốc tế, cho biết: “Việc cho phép Julian Assange bị dẫn độ sang Mỹ sẽ khiến ông ấy gặp rủi ro lớn và gửi một thông điệp ớn lạnh tới các nhà báo trên toàn thế giới”.
Chính phủ Úc cho hay họ sẽ tiếp tục nói với London và Washington rằng vụ việc đã “kéo dài quá lâu và nên được kết thúc”.
Câu chuyện pháp lý
Cuối năm 2010, Thụy Điển muốn dẫn độ ông Assange từ Anh vì cáo buộc phạm tội tình dục. Khi thua kiện vào năm 2012, ông Assange trốn đến đại sứ quán Ecuador ở London, nơi ông đã ở trong 7 năm.
Ông Assange phải rời đại sứ quán Ecuador và vào tù vào tháng 04/2019 sau khi bị kết án vì vi phạm các điều kiện tại ngoại của Anh, mặc dù hồ sơ chống lại ông từ phía Thụy Điển đã được hủy bỏ. Ông đã chiến đấu chống lại việc dẫn độ sang Mỹ kể từ tháng 06/2019 và vẫn ở trong tù.
Ban đầu, một thẩm phán người Anh đã phán quyết ông Assange, 50 tuổi, không nên bị trục xuất bởi ông có thể sẽ tự tử nếu bị kết án và bị giam cẩn mật trong tù.
Nhưng phán quyết này đã bị lật ngược trong một cuộc kháng cáo sau khi Mỹ đưa ra một gói bảo đảm, bao gồm cả cam kết rằng ông Assange có thể được chuyển đến Úc để chấp hành bất kỳ bản án nào.
Ông Assange kết hôn trong nhà tù Belmarsh ở London. Buổi lễ chỉ có 4 khách mời gồm 2 người làm chứng và 2 lính canh. Trong thời gian ở tại Đại sứ quán Ecuador, ông có 2 con với người vợ hiện tại.
Xuân Hoa