Tại Hội nghị thượng đỉnh an ninh Á Châu thường niên, bộ trưởng quốc phòng từ nhiều quốc gia đã đặt trọng tâm vào việc Trung Quốc lặp đi lặp lại tín hiệu rằng họ sẽ thống nhất Đài Loan bằng vũ lực.
Các bộ trưởng quốc phòng và quan chức ngoại giao từ hơn 40 quốc gia đã có mặt tại Singapore để tham dự Đối thoại Shangri-La, hội nghị thượng đỉnh về an ninh tối quan trọng của Á Châu kéo dài từ ngày 10 đến ngày 12/06.
Trình bày tại cuộc họp ngày 12/06, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa tuyên bố rằng Trung Quốc phải hoàn thành việc thống nhất Đài Loan với đại lục.
Ông nói: Nhà cầm quyền cộng sản này sẽ “không ngần ngại một cuộc chiến hay tổn thất để chống lại bất kỳ sự can thiệp nào của thế lực ngoại bang.”
Ông Ngụy nhấn mạnh một quyết tâm tương tự khi ông gặp Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Lloyd Austin trước đó vào ngày 09/05.
Mặc dù Trung Quốc đã quen tuyên bố khả năng xảy ra chiến tranh trong nhiều năm, nhưng với tình hình hiện nay, các quốc gia cần cảnh giác hơn.
Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Nobuo Kishi, sau khi hội đàm với ông Ngụy vào ngày 12/06, đã bày tỏ lo ngại sâu sắc về ý đồ xâm lược của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) nhằm đơn phương [thống nhất Đài Loan] bằng vũ lực.
Để đáp lại các cuộc tập trận chung trên không mới đây của oanh tạc cơ Trung Quốc và Nga xung quanh Nhật Bản, ông Kishi mô tả hoạt động này là một “cuộc phô diễn lực lượng” trước Nhật Bản.
Hôm 11/06, Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Austin cho biết Hoa Kỳ tuân thủ chính sách một Trung Quốc nhưng kiên quyết phản đối “những thay đổi đơn phương đối với hiện trạng của một trong hai bên.”
Ông Austin đã chỉ trích các hoạt động quân sự của ĐCSTQ gần Đài Loan là đang gây ra một mối đe dọa đối với an ninh trong khu vực.
Nhật Bản, Hoa Kỳ, và Nam Hàn đã đưa ra một bản tuyên bố chung sau cuộc họp ba bên ngày 10/06, nhấn mạnh tầm quan trọng của hòa bình và ổn định trên Bán đảo Triều Tiên và trong khu vực Eo biển Đài Loan.
Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida đã cảnh báo trong bài diễn văn khai mạc của mình tại diễn đàn vào ngày 10/06 rằng “Ukraine hôm nay có thể là Đông Á ngày mai,” kêu gọi duy trì một “trật tự quốc tế dựa trên luật lệ,” cho thấy tham vọng tích cực của ĐCSTQ tại khu vực Á Châu Thái Bình Dương.
Ông nói thêm, Nhật Bản cần củng cố khả năng quân sự của mình để trợ lực cho an ninh hàng hải của các quốc gia Đông Nam Á.
Kênh France 24 đưa tin hôm 10/06, chính phủ của ông Kishida đã tăng ngân sách quốc phòng của đất nước lên 2% GDP, tương đương với ngân sách của các thành viên NATO.
Trong chuyến thăm Vương quốc Anh hồi tháng trước, ông Kishida nói rằng cuộc chiến ở Ukraine là một mưu đồ của Nga nhằm làm lung lay nền tảng của trật tự quốc tế bằng vũ lực và kêu gọi 40 quốc gia trong khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương phải đảm nhiệm trọng trách trong chuyện này.
Không chỉ đơn thuần là đe dọa bằng lời nói, ĐCSTQ gần đây đã thường xuyên khai triển quân lực ở Biển Hoa Đông và Biển Đông.
Hôm 12/06, Bộ trưởng Quốc phòng Úc Richard Marles cho biết rằng ĐCSTQ đang tiến hành “đợt xây dựng quân đội lớn nhất mà chúng tôi từng thấy kể từ khi Đệ nhị Thế chiến kết thúc.”
Ông cho biết Úc sẽ duy trì chi tiêu quốc phòng để hỗ trợ an ninh và ổn định của khu vực theo luật lệ quốc tế.
Ông Marles nói với Bloomberg vào ngày 13/06 rằng ông đã đồng ý với ông Kishida về việc ủng hộ trật tự dựa trên luật lệ được thiết lập sau Đệ nhị Thế chiến, với lý do nó là nền tảng cho sự tăng trưởng kinh tế của cả Á Châu lẫn Úc.
Asian Times đưa tin vào ngày 07/06 rằng, một trinh sát cơ hàng hải của Úc đã bị chiến đấu cơ của Trung Quốc đánh chặn trên Biển Đông hôm 26/05, một hành động bị phía Úc chỉ trích là “hành động đe dọa” của quân đội Trung Quốc.
Hôm 11/06, Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia Hishammuddin Hussein nói về căng thẳng trong khu vực, lo ngại rằng một số vụ va chạm gần đây trên Biển Đông có thể biến thành các cuộc xung đột lớn hơn nếu sự việc vượt ngoài tầm kiểm soát.
Hôm 06/06, Thủ tướng Canada Justin Trudeau đã lên án việc chiến đấu cơ Trung Quốc liên tục áp sát can nhiễu trinh sát cơ của Canada trong không phận quốc tế gần Bắc Hàn là “hành động khiêu khích và vô trách nhiệm.”
Trinh sát cơ này đang hỗ trợ [lệnh trừng phạt của] Liên Hiệp Quốc trong khu vực nhằm giám sát việc tuân thủ thỏa thuận hạt nhân của Bắc Hàn.
Bà Jennifer Bateman là một cây viết chuyên về tin tức tại Trung Quốc.
Hồng Ân biên dịch