‘Bất cứ thứ gì chúng tôi chạm vào đều là vũ khí’: Video tuyển quân mới thu hút chú ý về mối đe dọa từ Trung Quốc

Andrew Thornebrooke

Video “Những Bóng ma trong Cỗ máy” của Nhóm Hoạt động Tâm lý chiến số 4 của Lục quân Hoa Kỳ cho thấy một cảnh báo đáng ngại về mối đe dọa từ Trung Quốc và Nga. (Ảnh chụp màn hình)

Cụm từ “Một mối đe dọa trỗi dậy ở phương đông” hiện lên trên nền thước phim chiếu cảnh các cuộc diễu binh của quân đội Trung Quốc và Nga. Tiếng nhạc siêu thực, kỳ quái vang lên khi những ấn tượng điện ảnh về liên minh Á-Âu giữa Trung Quốc và Nga được xen kẽ với những hình ảnh về các cuộc đấu tranh điển hình nhất cho các giá trị dân chủ trong thế kỷ vừa qua.

Có những cảnh quay về sự sụp đổ của Bức tường Berlin, về cuộc biểu tình đòi quyền tự do ngôn luận ở Hồng Kông, việc lật đổ bức tượng Saddam Hussein ở Baghdad và thế đứng kiên định của “Người chặn xe tăng” trên Quảng trường Thiên An Môn.

Đây không phải là một bộ phim tài liệu về vô số mối đe dọa mà nền dân chủ đã phải đối mặt nhiều lần, mà là một video mới do Nhóm Hoạt động Tâm lý chiến số 4 của Lục quân thực hiện và được Bộ Tư lệnh Lực lượng Đặc biệt Hoa Kỳ chia sẻ trên kênh truyền thông xã hội.

Với tỷ trọng ngang nhau gồm video tuyển dụng và chiến tranh tâm lý thực tế, có thể mô tả chính xác nhất dự án này như một sự chứng minh cho năng lực của quân đội trong việc xây dựng sự tự tin ở trong nước và reo rắc nỗi sợ hãi ở nước ngoài.

Đoạn video với tựa đề rất chuẩn “Những Bóng ma trong Cỗ máy” (“Ghosts in the Machine”), bắt đầu bằng một câu trích trong “Binh pháp Tôn Tử”, được nhà triết học quân sự Trung Quốc Tôn Tử viết cách đây khoảng 2,500 năm:

“Nếu đối thủ là kẻ nóng tính, hãy tìm cách chọc tức hắn. Hãy giả vờ yếu đuối, để hắn có thể trở nên kiêu ngạo.”

Thoạt nhìn, người ta có thể nghĩ rằng câu trích dẫn này ám chỉ rằng Đảng Cộng sản Trung Quốc đã vờ tỏ ra yếu kém trong nhiều năm để ru ngủ Hoa Kỳ vào một cảm giác sai lầm về ưu thế. Tuy nhiên, chỉ ít lâu sau khi sự bất ổn gia tăng, người ta tự hỏi liệu ngay từ đầu mọi chuyện đã là hoàn toàn ngược lại hay không.

Thật vậy, đó có thể chính là mục đích của video ‘Những Bóng ma trong Cỗ máy’. Xét cho cùng, bản thân đoạn video này là cuộc chiến tâm lý.

Viên đạn bọc đường

Để nhận ra tầm quan trọng của các hoạt động tâm lý chiến như video ‘Những Bóng ma trong Cỗ máy’, người ta cần nhìn xa hơn khía cạnh bề mặt của sự tráng lệ điện ảnh và sự rùng rợn có chủ đích, để hiểu thấu mối đe dọa mà video này đang nỗ lực  chống lại.

Theo vô số báo cáo từ các tổ chức tư vấn chính sách của quốc gia và các học viện, Hoa Kỳ đang trong một cuộc chiến, mặc dù phần lớn giới lãnh đạo Hoa Kỳ dường như không biết về điều đó. Đó là một cuộc chiến không có vũ khí thông thường, nhưng nó vẫn đang diễn ra trong trái tim và khối óc ở khắp mọi nơi. Thật vậy, đó là một cuộc chiến trong tâm trí của người Mỹ ở khắp mọi nơi.

Đó là chiến dịch tâm lý của chiến tranh hỗn hợp không hạn chế do Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ-Trung Cộng) tiến hành, với mục đích tiêu diệt ý chí tự vệ và bảo vệ các giá trị dân chủ của Hoa Kỳ.

Theo một báo cáo (pdf) do Viện Hudson có trụ sở tại thủ đô Hoa Thịnh Đốn công bố vào đầu tháng này, cuộc chiến tranh tâm lý này là một phần của cái gọi là các hoạt động nhận thức được chế độ Trung Cộng sử dụng để phá hoại an ninh của Hoa Kỳ.

“Các hoạt động nhận thức liên quan đến việc sử dụng chiến tranh tâm lý để định hình hoặc thậm chí kiểm soát suy nghĩ nhận thức và khả năng ra quyết định của kẻ thù,” báo cáo nêu rõ.

Thật vậy, bản báo cáo trích dẫn trực tiếp từ tờ Nhật báo Quân Giải phóng Nhân dân (PLA Daily), một cơ quan tuyên truyền chính yếu của quân đội Trung Quốc, rằng mục đích cuối cùng của các hoạt động nhận thức là để “thao túng các giá trị, tinh thần dân tộc/đặc tính, hệ tư tưởng, truyền thống văn hóa, niềm tin vào lịch sử của một quốc gia v.v.,  để xúi giục họ từ bỏ sự hiểu biết lý thuyết, hệ thống xã hội và con đường phát triển của mình, để đạt được các mục tiêu chiến lược mà không cần chiến thắng.”

Nói một cách ngắn gọn, đó là một chiến dịch quân sự chống lại Hoa Kỳ, nhằm thuyết phục người Mỹ từ bỏ xã hội của mình mà không cần giao chiến.

Theo một báo cáo của Trường Nghiên cứu Quốc tế Cao cấp Johns Hopkins, đó là “chiến lược lâu dài của chính quyền Trung Quốc nhằm khai thác các hãng thông tấn nước ngoài để phát tán tuyên truyền của Trung Quốc.” Mục đích của việc này là gây mất ổn định và mặt khác lại can thiệp vào các trình tự chính trị của Hoa Kỳ, bằng cách đưa ra một “viên thuốc bọc đường”, một thứ dễ nuốt nhưng gây chết người khi sử dụng, thường dưới hình thức tuyên truyền chống Mỹ, được ngụy trang dưới dạng thông tin trong nước và được sao chép lại trên mạng.

Sử dụng tên viết tắt [PLA] của Quân đội Giải phóng Nhân dân, tên chính thức của quân đội của chế độ [Trung Cộng], báo cáo trên nêu rõ: “Theo PLA, Trung Quốc đã liên tục tranh luận về câu chuyện trỗi dậy của Trung Quốc và những ý định của PLA với các quốc gia khác, ở cả bên trong và bên ngoài Trung Quốc, và nổi bật nhất là chống lại Hoa Kỳ.”

Chiến tranh tâm lý của ĐCSTQ đã ăn sâu, bén rễ. Có thể thấy những ‘tua leo’ của chúng lan tràn khắp các hãng thông tấn phương Tây, dưới dạng các twitter bot, các bài báo được tài trợ và những thông tin sai lệch do nhà nước hậu thuẫn. Và cuộc tấn công dữ dội này đã diễn ra trong nhiều thập kỷ.

Chiến tranh không giới hạn

Những nỗ lực hiện tại của ĐCSTQ có thể truy nguyên từ cuốn sách 1999 “Siêu Hạn Chiến” (“Unrestricted Warfare”). Cuốn sách được hai đại tá PLA đã về hưu viết, mô tả chiến lược và những hoạt động qua đó Trung Quốc có thể vượt qua Hoa Kỳ — mà không bị sa lầy vào chiến tranh truyền thống.

Cuốn “Siêu Hạn Chiến” lập luận rằng điểm yếu của Hoa Kỳ là việc đa số trong giới lãnh đạo quân đội và chính trị Hoa Kỳ tin rằng ưu thế của quân đội chỉ phụ thuộc vào các phương tiện công nghệ chứ không phải các yếu tố pháp lý, kinh tế, hoặc xã hội.

Do đó, cuốn sách ủng hộ việc sử dụng chiến tranh pháp lý, chiến tranh kinh tế, khủng bố, và dữ liệu cũng như sự gián đoạn mạng lưới chuỗi cung ứng như những phương tiện khác nhau để làm suy yếu quân đội Hoa Kỳ.

Phần lớn chiến lược mà cuốn sách này đề xướng sau đó đã được hệ thống hóa thành “Chiến lược Tam chiến” trong một tài liệu năm 2003 do PLA xuất bản, và có tiêu đề “Hướng dẫn Công tác Chính trị của Quân Giải phóng Nhân dân.”

Kể từ đó, ĐCSTQ đã nỗ lực không ngừng để điều chỉnh Chiến lược Tam chiến cho phù hợp với thời đại truyền thông xã hội, sử dụng các nền tảng mạng xã hội làm công cụ chiến tranh để chống lại ý định của những kẻ thù của đảng. Hơn nữa, việc đưa ra chiến lược Tam chiến đã giúp nhấn mạnh việc ban hành sự hợp nhất quân sự-dân sự, một chiến lược của ĐCSTQ tìm cách làm xói mòn bất kỳ ranh giới nào giữa các lĩnh vực dân sự và quân sự, do đó đẩy nhanh sự xói mòn phân biệt giữa chiến tranh và hòa bình.

Để đạt được mục tiêu đó, điều quan trọng là phải hiểu rằng PLA không phải là quân đội của nhà nước Trung Quốc, mà là một cánh tay của ĐCSTQ. Do đó, toàn bộ bộ máy quân sự của Trung Quốc được thiết kế trước tiên và trên hết là để bảo vệ và thúc đẩy chủ nghĩa cộng sản.

Đảng đứng trên tất cả

Trong một cuộc phỏng vấn với chương trình “China Insider” [Nội tình Trung Quốc] của Epoch TV hôm 12/05, Chuẩn Tướng Không quân Hoa Kỳ đã về hưu Robert Spalding đã làm sáng tỏ cách thức quân đội Trung Quốc phục vụ những ý thích bất chợt của ĐCSTQ hơn là lợi ích của người dân Trung Quốc.

Ông Spalding tuyên bố: “Quân Giải phóng Nhân dân là bộ phận vũ trang của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Ở phương Tây, chúng ta coi quân đội là lực lượng bảo vệ nhà nước, mà trong một nền dân chủ thì nhà nước này bao gồm cả nhân dân. Trong trường hợp của Trung Quốc, Quân đội Giải phóng Nhân dân thực sự là một quân đội của đảng, vì vậy, nó bảo vệ các đặc quyền của đảng.”

“Không giống như quân đội quốc gia chuyên bảo vệ đất nước và nhân dân, mục đích của quân đội Trung Quốc là tạo ra sức mạnh chính trị cho đảng.”

Theo một báo cáo của Ủy ban Đánh giá Kinh tế và An ninh Hoa Kỳ-Trung Quốc, giới lãnh đạo Hoa Kỳ trong nhiều năm tin rằng những nỗ lực chiến tranh tâm lý của ĐCSTQ đã là dĩ vãng.

Tuy nhiên, những niềm tin như vậy đã được chứng minh là sai lầm, với sự nổi lên của Tổng Bí thư ĐCSTQ Tập Cận Bình vào năm 2012. Sự cai trị của ông Tập đã bao quát một làn sóng sáng kiến của đảng nhằm đẩy mạnh những hoạt động tâm lý chiến như một phần cốt lõi của chiến lược quốc gia của Trung Quốc.

Ông Tập đã gọi công việc của các tổ chức tham gia hoạt động tâm lý chiến cho ĐCSTQ là “vũ khí ma thuật” của Trung Quốc. Các tổ chức này, chủ yếu bao gồm Tổng cục Chính trị trong PLA và Ban Công tác Mặt trận Thống nhất vốn có nhiệm vụ giám sát các hoạt động gây ảnh hưởng ở nước ngoài của chế độ này và báo cáo trực tiếp cho Ủy ban Trung ương của ĐCSTQ.

Thật vậy, kể từ khi ông Tập lên nắm quyền, hãng thông tấn nhà nước Trung Quốc, Tân Hoa Xã, đã đi xa hơn nữa khi mô tả rõ ràng đặc điểm chiến tranh tâm lý và công việc chính trị của PLA, là “thực hiện triệt để những tư tưởng của Tập Cận Bình về chủ nghĩa xã hội mang những đặc trưng Trung Quốc trong thời đại mới.”

Theo báo cáo của Johns Hopkins, điều quan trọng là các đơn vị chiến tranh tâm lý của ĐCSTQ dưới sự chỉ thị của ông Tập, đã tìm cách tận dụng mạng xã hội như một thành phần quan trọng của “hoạt động trong lĩnh vực nhận thức” để mở rộng quy mô tuyên truyền của Trung Quốc tới khán giả toàn cầu, và để làm dao động, gây phẫn nộ, và đưa thông tin sai lệch cho công dân nước ngoài vì lợi ích của đảng.

Ông Spalding nêu rõ: “Trung Quốc sử dụng các công cụ thông tin và tài chính để thúc đẩy chiến tranh chính trị trên quy mô toàn cầu.

“Đó là một kiểu chiến tranh hoàn toàn xa lạ với cách chúng ta nghĩ về chiến tranh.”

Do đó, trong khi các nhà lãnh đạo quân đội Hoa Kỳ và các thành viên Quốc hội đã bàn đi bàn lại về các đề xuất ngân sách và số lượng chiến hạm được đóng cho Hải quân, thì ĐCSTQ đã cam kết chiến thắng trong một cuộc chiến mà không tốn một viên đạn nào.

Thế giới mới tươi đẹp

Trọng tâm của các nỗ lực của ĐCSTQ nhằm tác động đến tư tưởng của công chúng Mỹ, là năng lực trọng yếu của hãng truyền thông xã hội và các công nghệ liên quan để tạo ra nội dung có thể có ảnh hưởng trong thế giới thực.

“PLA đang phát triển các công nghệ để nhắn thông điệp ngầm, công nghệ siêu làm giả (dịch giả: deepfake — một từ ghép của “deep learning” và “fake” —  là công nghệ cho phép người dùng có thể chỉnh sửa khuôn mặt, khẩu hình của nhân vật trong video hoặc ảnh bằng trí tuệ nhân tạo AI), tuyên truyền công khai, và phân tích tình cảm công chúng trên Facebook, Twitter, LINE, và các nền tảng khác,” theo một báo cáo của tổ chức nghiên cứu RAND Corporation.

“Các bài báo khác cũng ám chỉ rằng PLA có thể tống tiền hoặc làm hoen ố danh tiếng của các chính trị gia, cũng như thu hút những cá nhân dùng mạng xã hội dân sự có ảnh hưởng, để mở rộng phạm vi tuyên truyền của Trung Quốc, trong khi che đậy nguồn gốc xuất phát từ Đảng của những tuyên truyền này.”

Chính nhờ sự “thao túng xã hội thù địch trên các nền tảng nước ngoài” này mà về cơ bản, ĐCSTQ có thể rửa sạch các tuyên truyền được nhà nước hậu thuẫn, thông qua các kênh ủy quyền theo cách mà một kẻ cướp có thể rửa những khoản lợi nhuận bất chính thông qua một tổ chức bình phong. Bằng cách che đậy nguồn gốc của các bài đăng trên mạng xã hội và sử dụng các công nghệ như deepfake, đảng này có thể làm suy giảm niềm tin của người Mỹ vào khả năng và sự đáng trọng của Hoa Kỳ, một cách hiệu quả hơn.

Ông Spalding tuyên bố: “Những gì họ có thể làm là sử dụng những người được thụ ủy ở phương Tây để có quyền kiểm soát tương tự đối với những câu chuyện ở phương Tây mà họ có ở bên trong Trung Quốc.

“Chúng ta không có tổ chức nào ở phương Tây được giao nhiệm vụ tìm hiểu hình thức chiến tranh này.”

Những nhận xét của ông Spalding cũng tương đồng với những bình luận gần đây của Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken, người đã nói rằng ĐCSTQ đang khai thác các kênh thông tin tự do và cởi mở và mạng xã hội của Hoa Kỳ để quảng bá chủ nghĩa độc tài ở nước ngoài và tấn công vào trung tâm của nền dân chủ Hoa Kỳ.

Những Bóng ma trong Cỗ máy

Sự xuất hiện bất ngờ của một video tuyển quân cho các đơn vị chiến tranh tâm lý trong quân đội Hoa Kỳ có lẽ không phải là một điều bí ẩn như vậy, trong bối cảnh các trận chiến đang diễn ra nhằm vào tâm trí của người Mỹ.

Mục tiêu chính của những mưu toan của ĐCSTQ là tạo ra sự nghi ngờ, sợ hãi, và kiệt sức đến mức giới lãnh đạo Hoa Kỳ sẽ mắc sai lầm trong việc hoạch định và thực thi chiến lược. Tương tự như thế, video “Những Bóng ma trong Cỗ máy” của Quân đội Hoa Kỳ cũng phản ánh mưu toan này.

Bất cứ thứ gì chúng tôi chạm vào đều là vũ khí,” video nêu rõ, trước khi lóe lên khẩu hiệu của Nhóm Hoạt động Tâm lý chiến số 4, “Verbum Vincet” — “Lời của kẻ chinh phục”.

Thông điệp này đã đủ rõ ràng, chiến dịch trấn áp và khủng bố tâm lý xuyên quốc gia của Trung Quốc không phải là không có biện pháp giải quyết. Trước đây, bộ máy chiến tranh tâm lý của quân đội Hoa Kỳ và cộng đồng tình báo đã từng làm thay đổi lịch sử, và có thể làm lại điều đó nữa.

Chắc chắn không phải ngẫu nhiên mà những hình ảnh về các cuộc biểu tình nổi tiếng trên Quảng trường Thiên An Môn được xen kẽ với các cảnh quay về các cuộc cách mạng ủng hộ dân chủ, hoặc thước phim về cuộc diễu hành của PLA được đặt bên cạnh sự sụp đổ của Liên Xô.

Đoạn video ngụ ý rằng Hoa Kỳ đã lật đổ các cường quốc từ bên trong và bên ngoài, và có thể làm lại như vậy.

Khi video bất ngờ tuyên bố, “Chúng tôi ở khắp mọi nơi.”

Ông Andrew Thornebrooke là một phóng viên của The Epoch Times, chuyên đưa tin về các vấn đề liên quan đến Trung Quốc với trọng tâm là quốc phòng, các vấn đề quân sự, và an ninh quốc gia. Ông có bằng Thạc sĩ lịch sử quân sự tại Đại học Norwich.

Yến Nhi biên dịch

Related posts