Lam Giang
Hôm 21/06, Hoa Kỳ đã cấm nhập cảng hàng hóa từ khu vực Tân Cương của Trung Quốc, thực thi Đạo luật Ngăn chặn Lao động Cưỡng bức người Duy Ngô Nhĩ được Tổng thống Joe Biden ký thành luật hồi năm ngoái.
Theo quy định, tất cả hàng hóa được sản xuất toàn bộ hoặc một phần ở Tân Cương sẽ không được phép nhập cảng vào Hoa Kỳ, trừ khi nhà nhập cảng cung cấp “bằng chứng rõ ràng và thuyết phục” rằng không có lao động cưỡng bức được sử dụng trong quá trình sản xuất hàng hóa, theo Cơ quan Hải quan và Bảo vệ Biên giới Hoa Kỳ.
Hôm thứ Ba (21/6), Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken đã tái khẳng định cam kết của ông Biden trong việc chống lao động cưỡng bức và tăng cường phối hợp quốc tế chống lại các vi phạm nhân quyền ở Tân Cương.
Ông Blinken cho biết trong một tuyên bố: “Cùng với các đối tác liên ngành của Hoa Kỳ, chúng tôi sẽ tiếp tục nhắc nhở các công ty về các nghĩa vụ pháp lý đối với Hoa Kỳ, trong đó cấm nhập cảng hàng hóa được làm bằng lao động cưỡng bức”.
Ông nói thêm: “Hoa Kỳ đang tập hợp các đồng minh và đối tác của mình để khiến các chuỗi cung ứng toàn cầu không sử dụng lao động cưỡng bức, lên tiếng chống lại những hành động tàn bạo ở Tân Cương, cùng chúng tôi kêu gọi chính phủ Trung Quốc chấm dứt ngay lập tức các hành động tàn bạo và vi phạm nhân quyền, bao gồm cả lao động cưỡng bức”.
Đáp lại, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân nói rằng Bắc Kinh cực lực lên án đạo luật này và cam kết thực hiện các biện pháp để bảo vệ quyền và lợi ích của các doanh nghiệp Trung Quốc.
Ông Uông nói với các phóng viên tại một cuộc họp báo ở Bắc Kinh hôm thứ Ba: “Hành động này là một dấu hiệu rõ ràng cho thấy Hoa Kỳ đang tìm cách gây ra tình trạng thất nghiệp bắt buộc ở Tân Cương thông qua hình thức các hành động hợp pháp và khiến thế giới tách rời khỏi Trung Quốc”.
Các vi phạm nhân quyền
Ông Biden đã ký thành luật vào tháng 12 năm ngoái Đạo luật Ngăn chặn Lao động Cưỡng bức người Duy Ngô Nhĩ (Uyghur Forced Labor Prevention Act) để cấm nhập cảng hàng hóa được làm bằng việc sử dụng lao động cưỡng bức, sau cáo buộc Trung Quốc vi phạm nhân quyền đối với tộc người thiểu số Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương.
Những người Duy Ngô Nhĩ bị bức hại, các nhóm nhân quyền, và các nhà lập pháp trên toàn thế giới đã cáo buộc chính quyền Trung Quốc ở Tân Cương tạo điều kiện cho lao động cưỡng bức bằng cách giam giữ tùy tiện hơn một triệu người Duy Ngô Nhĩ và các tộc người thiểu số khác trong một mạng lưới các trại giam ở khu vực Tây Bắc nước này.
Bắc Kinh ban đầu phủ nhận các cáo buộc trên. Tuy nhiên, sau đó họ tuyên bố rằng họ đã thành lập “các trung tâm đào tạo nghề” ở Tân Cương để hạn chế những gì họ nói là khủng bố, chủ nghĩa ly khai, và chủ nghĩa cực đoan tôn giáo.
Hoa Kỳ, Vương Quốc Anh, và các quốc gia khác đã kêu gọi Tổ chức Lao động Quốc tế của Liên Hiệp Quốc thành lập một sứ mệnh điều tra các cáo buộc lạm dụng lao động ở Tân Cương và thúc giục Bắc Kinh cho phép quyền tiếp cận không bị giới hạn.
Lam Giang
Theo The Epoch Times