Huyền Anh
Hai ngày trước sinh nhật của nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình, ông đã thực hiện hai động thái lớn. Các nhà phân tích tin rằng những động thái này nhằm tăng đòn bẩy của ông Tập cho việc tái tranh cử nhiệm kỳ thứ ba trước thềm Đại hội Đảng lần thứ XX sắp tới.
Ở các quốc gia theo chủ nghĩa cộng sản, ngày sinh của các nhà lãnh đạo cấp cao nhất là những ngày quan trọng đối với toàn thể quốc gia. Ông Tập sinh ngày 15/6/1953.
Vào ngày 13/6, ông Tập được cho là đã ký “Đề cương cho các hành động quân sự phi chiến tranh của quân đội Trung Quốc”. Cùng ngày, Bộ Ngoại giao Trung Quốc bất ngờ thay đổi luận điệu và tuyên bố công khai chủ quyền đối với eo biển Đài Loan. Nhà Trắng ngay lập tức phản ứng, cáo buộc ĐCSTQ phá hoại hòa bình và ổn định trên Eo biển Đài Loan.
Bản phác thảo, nội dung chi tiết được giữ kín, chính thức được ban hành vào ngày 15/6, ngày sinh của ông Tập. Truyền thông nhà nước Trung Quốc tuyên bố rằng, điều đó nhằm bảo vệ chủ quyền và an ninh quốc gia, đồng thời cung cấp cơ sở pháp lý để Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) “tiến hành các hoạt động quân sự phi chiến tranh”.
Cũng trong ngày 15/6, ông Tập đã điện đàm với Tổng thống Nga Putin, nhắc lại rằng hai nhà lãnh đạo sẽ tiếp tục làm sâu sắc hơn mối quan hệ Trung-Nga và bày tỏ sự ủng hộ lẫn nhau đối với các chương trình nghị sự của hai quốc gia.
Hai ngày trước đó, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Nguỵ Phượng Hoà đã tuyên bố công khai tại Diễn đàn An ninh Châu Á rằng quân đội Trung Quốc sẽ “không ngần ngại chiến đấu” để “thống nhất” Đài Loan.
Hoạt động quân sự ‘phi chiến tranh’ hay hoạt động quân sự ‘khác ngoài chiến tranh’
Dựa trên từ ngữ của Đề cương, các nhà phân tích tin rằng hoạt động quân sự có thể xảy ra của ĐCSTQ chống lại Đài Loan có thể được thực hiện trong một kịch bản “phi chiến tranh”.
Ông Yaita Akio, giám đốc chi nhánh Đài Bắc của tờ Nhật báo Sankei Shimbun, cho biết trong một bài đăng trên Facebook hôm 14/6: “Xét việc Tổng thống Nga Vladimir Putin xâm lược Ukraine dưới danh nghĩa ‘chiến dịch quân sự đặc biệt’, ông Tập Cận Bình có thể tấn công Đài Loan với danh nghĩa chống khủng bố và chống tội phạm”. “Nếu đó là một hoạt động phi chiến tranh, nó có thể né tránh các quy định liên quan của luật pháp quốc tế và cũng có thể lách một số đòn trừng phạt kinh tế”.
Ông Li Yanming, một nhà bình luận nổi tiếng về các vấn đề thời sự, nói với The Epoch Times rằng hàng loạt hành động gần đây của ĐCSTQ cho thấy Trung Quốc và Nga đang hợp lực vì mục tiêu chung là thay đổi trật tự quốc tế hiện có do Mỹ dẫn đầu. Cho dù đó là cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine hay các mối đe dọa quân sự không ngừng của ĐCSTQ ở eo biển Đài Loan, Đông Á và Biển Đông, tất cả đều nhắm vào trật tự thế giới mà Hoa Kỳ đang lãnh đạo, vì Hoa Kỳ đóng vai trò đại diện và duy trì trật tự quốc tế. Đồng thời, ông Tập đang cố gắng tạo thêm đòn bẩy cho việc tái tranh cử tại Đại hội Đảng lần thứ XX.
Hội nghị thượng đỉnh Trung-Nga cam kết tiếp tục ‘hỗ trợ lẫn nhau’
Mặc dù Trung Quốc và Nga đã đưa ra những nhận xét khác nhau về cuộc điện đàm giữa ông Tập và ông Putin, nhưng hai bên bày tỏ sự ủng hộ lẫn nhau trong cuộc chiến Nga-Ukraine và chiến lược của ĐCSTQ đối với Đài Loan.
“Trung Quốc sẽ tiếp tục ủng hộ Nga trong các vấn đề liên quan đến lợi ích cốt lõi và các mối quan tâm lớn như chủ quyền và an ninh”, ông Tập nói trong cuộc điện đàm với người đồng cấp Putin, theo thông cáo báo chí ngày 15/6 của Tân Hoa xã.
Phía Nga tuyên bố rằng ông Tập “công nhận tính hợp pháp của các hành động của Nga nhằm bảo vệ các lợi ích cơ bản của đất nước trước những thách thức an ninh do các thế lực bên ngoài tạo ra”.
Ông Tập nói rằng Trung Quốc sẽ đưa ra những đánh giá độc lập về cuộc chiến Nga-Ukraine dựa trên quan điểm lịch sử rộng lớn và đâu là đúng, đâu là sai. Ông Putin đáp lại rằng, Nga ủng hộ các hành động của ĐCSTQ về các vấn đề liên quan đến Tân Cương, Hồng Kông và Đài Loan, đồng thời Moscow phản đối sự can thiệp của nước ngoài vào công việc nội bộ của Trung Quốc.
Ông Heng He, một nhà bình luận nổi tiếng về các vấn đề thời sự, tin rằng cuộc điện đàm này đánh dấu một bước ngoặt khác sau cuộc trò chuyện của ông Tập và ông Putin vào ngày 25/2, ngày đầu tiên Nga tiến hành xâm lược Ukraine. Nó phục vụ mục tiêu làm sâu sắc hơn nữa mối quan hệ giữa hai quốc gia.
Ông Shi Yinhong, giáo sư Quan hệ quốc tế tại Đại học Renmin của Trung Quốc, nói với Hãng thông tấn Trung ương Đài Loan rằng Trung Quốc hiện cảm thấy lạc quan hơn về kết quả cuộc chiến của Nga ở miền đông Ukraine, khiến Trung Quốc càng thân Nga và chống Mỹ.
ĐCSTQ bất ngờ tuyên bố chủ quyền trên Eo biển Đài Loan
Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 13/6 tuyên bố vùng biển của eo biển Đài Loan là “vùng nội thủy” và đó là “tuyên bố sai lầm khi một số quốc gia coi eo biển Đài Loan là“ vùng biển quốc tế”.
Đáp lại, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ Ned Price cho biết trong một email gửi tới tờ Reuters: “Eo biển Đài Loan là một tuyến đường thủy quốc tế, có nghĩa là eo biển Đài Loan là một khu vực mà các quyền tự do trên biển cả, bao gồm quyền tự do hàng hải và hàng không, được đảm bảo theo luật pháp quốc tế”.
Ông Price nhắc lại rằng, Hoa Kỳ quan ngại sâu sắc về “những lời lẽ hung hăng và hoạt động cưỡng bức của Trung Quốc liên quan đến Đài Loan”. Ông cho biết thêm, Hoa Kỳ “sẽ tiếp tục các chuyến bay, di chuyển bằng đường thuỷ và hoạt động ở bất cứ nơi nào luật pháp quốc tế cho phép, bao gồm cả quá cảnh qua eo biển Đài Loan”.
Thế giới có “mối quan tâm lâu dài đối với hòa bình và ổn định ở eo biển Đài Loan, và Hoa Kỳ coi đây là trung tâm an ninh và thịnh vượng ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương rộng lớn hơn”, ông Price nói thêm.
Đài Loan đã phản ứng mạnh mẽ trước các hành động của ĐCSTQ. Cơ quan hàng đầu của Đài Loan về các mối quan hệ xuyên eo biển, Hội đồng Các vấn đề Đại lục, đã đưa ra một tuyên bố vào ngày 14/6, nói rằng những nhận xét của Trung Quốc làm suy yếu hiện trạng ở eo biển Đài Loan và làm gia tăng căng thẳng trong khu vực.
Thủ tướng Đài Loan Tô Trinh Xương (Su Tseng-chang) hôm 14/6 cho biết, eo biển Đài Loan “hoàn toàn không phải là biển nội địa của Trung Quốc”, nói thêm rằng “Trung Quốc chưa bao giờ ngừng hoặc che giấu tham vọng thôn tính Đài Loan”.
Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida cũng cảnh báo tại Đối thoại Shangri-La diễn ra từ ngày 10/6 đến ngày 12/6 rằng, “Ukraine ngày nay là Đông Á của ngày mai”. Ông chỉ ra rõ ràng rằng việc ĐCSTQ tiếp tục đe dọa quân sự ở eo biển Đài Loan, giống như hành động quân sự của Nga chống lại Ukraine, là nhằm “làm lung lay nền tảng của trật tự quốc tế”.
Ông Akio Yaita nói trên trang Facebook của mình rằng tuyên bố của ĐCSTQ về “vùng nội thủy” là “sự thách thức trắng trợn đối với Công ước Quốc tế về Luật Biển và là sự thay đổi cưỡng bức các quy tắc hiện hành của cộng đồng quốc tế”.
Huyền Anh
Theo The Epoch Times