Hôm thứ Sáu (24/06), ông Tiếu Thiên (Xiao Qian), Đại sứ Trung Quốc tại Úc đã đến thăm trụ sở của Công ty Phát thanh Truyền hình Úc (ABC) ở Sydney. Tại chuyến thăm đó, ông đã khuyến khích tổ chức truyền thông được tài trợ bằng thuế của người dân này hãy xây dựng câu chuyện thân thiện hơn đối với Bắc Kinh.
Theo trang web của Đại sứ quán Trung Quốc, ông Tiếu đã được những nhân vật chủ chốt của ABC, bao gồm Phó Giám đốc ABC News Gavin Fang và Giám đốc Ban Biên tập Trong nước và Quốc tế Lisa Whitby tiếp đón.
Ông Tiếu được đưa tin dẫn lời nói rằng ông hy vọng đài ABC “sẽ phát huy hết những lợi thế độc đáo của mình” với tư cách là một cơ quan truyền thông chính thống có ảnh hưởng mạnh mẽ để đưa tin về mối bang giao Trung-Úc “một cách hợp lý và khách quan hơn.”
Đại sứ Trung Quốc cũng ca ngợi ABC là “nhân chứng và cơ quan ghi chép” các cuộc trao đổi giữa Trung Quốc và Úc, đồng thời kêu gọi đài truyền hình quốc gia này “có những đóng góp tích cực để tăng cường hiểu biết lẫn nhau.”
Theo đại sứ quán Trung Quốc, ông Fang và những người khác đã nói với ngài Đại sứ rằng họ sẵn sàng tăng cường đối thoại và lưu ý rằng mối bang giao Úc-Trung luôn là một trong những ưu tiên đưa tin của ABC.
The Epoch Times đã liên lạc với đài ABC để yêu cầu bình luận nhưng không nhận được phản hồi vào thời điểm phát hành bài báo này.
ABC là một trong những cơ quan truyền thông đầu tiên ở phương Tây thành lập văn phòng tại Trung Quốc.
Tuy nhiên, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã chính thức kiểm duyệt trang web của ABC vào ngày 22/08/2018, vì đài này bị cáo buộc vi phạm các quy tắc Internet của Trung Quốc. Việc kiểm duyệt này diễn ra sau khi chính phủ đương thời của ông Turnbull cấm Huawei, công ty tư nhân lớn nhất của Trung Quốc, tham gia vào việc khai triển mạng 5G của Úc vì những lo ngại về an ninh quốc gia.
Bắc Kinh đã phủ nhận rằng việc kiểm duyệt trang web ABC của họ có động cơ chính trị, nhưng không giải thích ABC đã vi phạm các quy định về Internet của họ như thế nào.
Đại sứ bị thách thức về nhân quyền
Chuyến thăm của ông Tiếu đến ABC diễn ra một ngày trước khi ông có bài diễn thuyết tại Đại học Công nghệ Sydney, kêu gọi “thiết lập lại” quan hệ hợp tác kinh tế giữa Úc và Trung Quốc.
Những người phản đối đã làm gián đoạn bài diễn văn này sáu lần khi đứng lên và đặt câu hỏi về cách đối xử của Bắc Kinh đối với người dân ở Tây Tạng, Hồng Kông, và Tân Cương.
“Ông thật không biết hổ thẹn,” một người phản đối hét lên, cáo buộc ĐCSTQ đã phạm tội diệt chủng đối với cộng đồng người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương. “Còn quyền tự do ngôn luận thì sao?”
Ông Tiếu nói, “Tự do ngôn luận khác với tự do tuyệt đối. Trên thế giới này, không có thứ gọi là tự do tuyệt đối. Quyền tự do là tự do trong phạm vi của luật pháp.”
Một trong những người tổ chức cuộc biểu tình, ông Drew Pavlou, người đứng đầu Đảng Liên minh Dân chủ, cho biết hôm thứ Sáu rằng ông Tiếu đáng lẽ không được trao cho một cơ hội để thúc đẩy luận điệu của Bắc Kinh.
Ông Pavlou gọi bài diễn văn của ông Tiếu là “một sự kiện tuyên truyền tẩy trắng hoàn chỉnh.”
“Chúng tôi đáng lẽ ra sẽ không được phép nói chuyện với ngài đại sứ Trung Quốc,” ông nói với The Epoch Times.
Khi được hỏi về hai công dân Úc hiện đang bị giam giữ ở Trung Quốc, ông Dương Hằng Quân (Yang Hengjun) và cô Thành Lôi (Cheng Lei), đại sứ Trung Quốc nói rằng ông không nghĩ là họ nên được trả tự do.
Ông Tiếu cũng bảo vệ việc Bắc Kinh giam giữ người Duy Ngô Nhĩ, nói rằng việc làm đó là vì “sự toàn vẹn của quốc gia”, “ngăn chặn chủ nghĩa ly khai”, và “chống lại chủ nghĩa khủng bố”.
“Để tôi dẫn chứng ví dụ này nhé. Tasmania là một phần của Úc, và không ai có thể thách thức điều đó,” ông nói.
Chuyến thăm của ông Tiếu diễn ra khi chính phủ Lao Động trung tả mới của Úc đang tìm cách áp dụng một giọng điệu “tôn trọng” hơn đối với ĐCSTQ.
Cố gắng làm thay đổi ý kiến dư luận
Việc đại sứ Trung Quốc thúc đẩy một cách đưa tin thân thiện hơn với Bắc Kinh được đặt ra trong bối cảnh công chúng Úc ngày càng lên án ĐCSTQ, do Trung Quốc đáp trả Úc bằng các biện pháp trừng phạt kinh tế cũng như vì cách nước này đối phó với dịch COVID-19.
Theo một cuộc thăm dò của Viện Lowy vào năm 2021, chỉ 1% người Úc tin rằng Úc nên ủng hộ nhà cầm quyền ở Bắc Kinh, gần hai phần ba coi Trung Quốc dưới sự cai trị của chính quyền Trung Quốc là một mối đe dọa an ninh — tăng 22 điểm phần trăm so với năm 2020, và chỉ 34% xem Trung Quốc là một đối tác kinh tế so với 55% vào năm 2020.
Trong khi đó, các chuyên gia về Trung Quốc đã chỉ trích gay gắt các chiến thuật của Bắc Kinh trong việc đánh đồng đảng cộng sản Trung Quốc với nhân dân Trung Quốc.
Hôm 01/09/2021, Giáo sư Dư Mâu Xuân (Miles Yu), cựu cố vấn của Ngoại trưởng tiền nhiệm Pompeo về các chiến lược liên quan đến Trung Quốc, cho biết rằng “bất kỳ ai đã từng trải nghiệm cuộc sống ở Trung Quốc sẽ ngay lập tức kết luận rằng lợi ích của Đảng và người dân không phải là một.”
“Ví dụ, người dân muốn tự do nhưng bị khước từ với lý do an ninh quốc gia.”
“Trong khi ĐCSTQ bịt miệng người dân và trói tay họ, họ tuyên bố đại diện cho những người mà họ bắt làm con tin — đây là bản chất thật của một chế độ bất hảo.”
Cô Nina Nguyen là một phóng viên tại Sydney. Cô đưa tin về Úc với trọng tâm là các vấn đề xã hội và văn hóa. Cô thông thạo tiếng Việt. Quý vị có thể liên lạc với cô tại nina.nguyen@epochtimes.com.au
Hồng Ân biên dịch