NATO tăng lực lượng sẵn sàng chiến đấu lên 300.000 quân

NATO tăng lực lượng sẵn sàng chiến đấu lên 300.000 quân
Xe bọc thép của lữ đoàn phản ứng nhanh của NATO ở Fredrikstad, Na Uy, ngày 10/3/2022. (Ảnh: Geir Olsen/NTB/AFP/Getty Images)

Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) sẵn sàng tăng quân số lực lượng phản ứng nhanh thêm 7 lần lên 300.000 binh sĩ, nhằm tăng cường năng lực răn đe và phòng vệ tập thể.

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết, liên minh quân sự đang hướng tới mục tiêu tăng quân số lên hơn 300.000 binh sĩ, điều mà ông gọi là “cuộc cải tổ lớn nhất về năng lực phòng thủ và răn đe tập thể kể từ Chiến tranh Lạnh”.

Ông Stoltenberg phát biểu tại Brussels, Bỉ trước thềm hội nghị thượng đỉnh ở Tây Ban Nha: “Nga đã rời bỏ quan hệ đối tác và đối thoại mà NATO đã cố gắng thiết lập với Nga trong nhiều năm. “Họ đã chọn đối đầu thay vì đối thoại. Chúng tôi rất tiếc về điều đó… nhưng tất nhiên, chúng tôi cần phải đáp ứng với thực tế này”.

Ông Stoltenberg cho biết Lực lượng phản ứng nhanh (NRF) của NATO đã có khoảng 40.000 quân trong tình trạng sẵn sàng chiến đấu. Ngoài kế hoạch tăng quân số cho lực lượng này, NATO cũng dự kiến tăng cường các hệ thống phòng không, dự trữ khí tài.

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg tổ chức cuộc họp báo bế mạc tại trụ sở NATO trong hai ngày diễn ra cuộc họp của các bộ trưởng quốc phòng ở Brussels, Bỉ, hôm 16/6/2022. (Ảnh: Omar Havana / Getty Images)

“Chúng tôi sẽ chuyển đổi lực lượng phản ứng nhanh của NATO và tăng quân số lực lượng sẵn sàng chiến đấu lên hơn 300.000 binh sĩ”, ông Jens Stoltenberg hôm 27/6 cho biết.

Đầu năm nay, NATO tuyên bố sẽ triển khai thêm các đơn vị phản ứng nhanh tới các nước Đông Âu và Baltic sau khi Nga bắt đầu cuộc xâm lược Ukraine vào ngày 24/2.

“Những binh lính này sẽ tập trận cùng với lực lượng phòng thủ nội địa và họ sẽ làm quen với các cơ sở địa hình địa phương… để có thể ứng phó một cách suôn sẻ và nhanh chóng trước bất kỳ trường hợp khẩn cấp nào”, ông Stoltenberg nói.

Căng thẳng giữa Nga và các nước Baltic đã leo thang trong những ngày gần đây sau khi Lithuania cho biết, họ sẽ chặn một số sản phẩm và công nghệ tiếp cận khu vực Kaliningrad của Nga, giáp biên giới với Lithuania và Ba Lan. Các quan chức Lithuania cho biết, họ đang thực thi lệnh phong tỏa thay mặt cho Liên minh châu Âu.

Tổng thống Lithuania Gitanas Nauseda nói với tờ Politico vào ngày 24/6 rằng, căng thẳng mới “khiến chúng tôi không có thời gian để phản ứng” vì quân đội Nga “có thể dễ dàng được triển khai rất gần biên giới của chúng tôi”.

Cùng với việc tập trung vào Nga, ông Stoltenberg cho biết Khái niệm chiến lược cập nhật của NATO sẽ lần đầu tiên đề cập đến Trung Quốc “và những thách thức mà Bắc Kinh đặt ra đối với an ninh, lợi ích và giá trị của NATO”.

Tổng thống Lithuania Gitanas Nauseda tham gia một buổi lễ chính thức đánh dấu kỷ niệm 5 năm NATO tăng cường Hiện diện phía trước ở phía đông của Liên minh ở Rukla, Lithuania, vào ngày 9/2/2022. (Ảnh Getty Images)

Ông nói: “Khái niệm chiến lược cập nhật sẽ bao gồm cách tiếp cận của NATO đối với một số mối đe dọa và thách thức khác, bao gồm chủ nghĩa khủng bố, không gian mạng và chiến tranh hỗn hợp”.

Điện Kremlin vẫn chưa đưa ra phản hồi về thông báo của ông Stoltenberg. Trước đó, các quan chức Nga cáo buộc NATO theo đuổi chiến lược mở rộng về phía đông để gây sức ép lên Moscow, đồng thời cáo buộc liên minh quân sự đang mở rộng từ bên trong Ukraine.

Với kế hoạch này, đây sẽ là đợt cải tổ năng lực răn đe và phòng thủ tập thể lớn quy mô lớn nhất của NATO kể từ Chiến tranh Lạnh. Thông tin được đưa ra ngày trước thềm hội nghị NATO kéo dài 3 ngày bắt đầu từ 28/6. Tại đó, các lãnh đạo NATO sẽ tập trung thảo luận biện pháp ứng phó tập thể đối với xung đột Nga – Ukraine.

“Tôi hy vọng rằng nó sẽ phát đi thông điệp rõ ràng rằng các đồng minh coi Nga là mối đe dọa trực tiếp và đáng kể nhất đối với an ninh của chúng tôi”, ông Stoltenberg nói.

Một máy bay chiến đấu phản lực Mirage 2000-5F cất cánh từ căn cứ không quân 116 Luxeuil-Saint Sauveur, ở Saint-Sauveur, miền đông nước Pháp, vào ngày 13/3/2022. – Là một phần trong sứ mệnh Chính sách đường không tăng cường (eAP) của NATO, nhằm mục đích bảo tồn chủ quyền của không phận Baltic, Lực lượng Không quân và Vũ trụ Pháp (AAE) sẽ kiểm soát bầu trời Estonia từ giữa tháng 3/2022. (Ảnh Getty Images)

NATO đã tăng gấp đôi hiện diện tại các quốc gia thành viên có chung biên giới với Ukraine kể từ cuối tháng 2 khi Nga mở chiến dịch quân sự ở Ukraine. Hiện nay, liên minh quân sự này vẫn chưa coi Nga là mối đe dọa trực tiếp.

Hồi tháng 2 năm nay, NATO lần đầu tiên triển khai lực lượng phản ứng nhanh để tăng cường khả năng phòng thủ trong bối cảnh Nga tiến hành chiến dịch tấn công quân sự Ukraine. Thời điểm đó, ông Stoltenberg cho biết: “Các đồng minh đã kích hoạt các kế hoạch phòng thủ và theo đó, chúng tôi đang triển khai lực lượng phản ứng nhanh của NATO trên bộ, trên biển và trên không nhằm tăng cường khả năng phòng thủ và ứng phó nhanh với bất kỳ tình huống bất ngờ nào”.

Huyền Anh

Related posts