Trương Đình
Hội nghị thượng đỉnh G7 kéo dài 3 ngày đã kết thúc vào thứ Ba (ngày 28/6). Ngoài việc thảo luận về các vấn đề Nga – Ukraine cấp bách nhất, một tâm điểm chú ý khác tại hội nghị thượng đỉnh này là mối đe dọa của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ). Một thông cáo chung do G7 đưa ra đã tổng kết những cách thức đối kháng với Chính phủ Trung Quốc về chính sách kinh tế và các vấn đề nhân quyền.
Nhà Trắng cho biết trong một tuyên bố hôm thứ Ba rằng thông cáo chung của G7 đã sử dụng “cách diễn đạt tập thể và chưa từng có” để nhấn mạnh những tổn thương do hành vi xấu của ĐCSTQ gây ra.
Một quan chức cấp cao của chính quyền Biden cho biết, các nhà lãnh đạo G7 đã tham gia vào một loạt các cuộc đối thoại thành công và hiệu quả tại hội nghị thượng đỉnh về chủ đề Trung Quốc và các thách thức khác trong thế kỷ 21.
Thông cáo chung của G7 lên án ĐCSTQ vì đã làm méo mó nền kinh tế toàn cầu và xâm phạm nhân quyền
Thông cáo chung của G7 lên án các hành động xâm lược của Trung Quốc ở Biển Đông và Biển Hoa Đông, kêu gọi Chính phủ Trung Quốc tôn trọng nhân quyền và quyền tự trị của Hồng Kông, đồng thời gây sức ép buộc Trung Quốc hợp tác để chấm dứt hành động xâm lược của Nga đối với Ukraine.
Thông cáo cho biết: “Về vai trò của Trung Quốc trong nền kinh tế toàn cầu, chúng tôi đang tiếp tục tham khảo bàn bạc về cách tiếp cận tập thể, bao gồm cả bên ngoài G7, để ứng phó với những thách thức do các chính sách và cách làm phi thị trường, làm méo mó nền kinh tế toàn cầu mang lại.”
Thông cáo cho biết, G7 vẫn “quan ngại nghiêm trọng” đến tình hình ở Biển Hoa Đông và Biển Đông, đồng thời “phản đối mạnh mẽ bất kỳ nỗ lực đơn phương nào nhằm thay đổi hiện trạng và gia tăng căng thẳng bằng vũ lực hoặc uy hiếp”.
“Chúng tôi nhấn mạnh rằng các tuyên bố chủ quyền hàng hải sâu rộng của Trung Quốc (ĐCSTQ) ở Biển Đông là không có cơ sở pháp lý.” G7 cho biết trong thông cáo, đồng thời nhắc nhở Chính phủ Trung Quốc rằng họ phải tuân thủ các nghĩa vụ của mình theo luật pháp quốc tế và ngừng “các hành động đe dọa, uy hiếp, dọa nạt, hoặc sử dụng vũ lực”.
Các nhà lãnh đạo G7 cũng bày tỏ “quan ngại nghiêm trọng” về tình hình nhân quyền ở Trung Quốc, bao gồm cả lao động cưỡng bức ở Tây Tạng và Tân Cương, đây là cách diễn đạt mà G7 chưa từng sử dụng tại hội nghị thượng đỉnh năm ngoái.
G7 cho biết: “Chúng tôi sẽ tiếp tục thúc đẩy các giá trị phổ quát, bao gồm cả việc kêu gọi Trung Quốc (ĐCSTQ) tôn trọng các quyền con người và các quyền tự do cơ bản.”
Các nhà lãnh đạo G7 cũng thúc giục Trung Quốc thực hiện các cam kết mà mình đã đưa ra trong “Tuyên bố chung Trung – Anh” và “Luật Cơ bản” để đảm bảo “các quyền lợi, tự do và tự chủ ở mức độ cao” của Hồng Kông.
G7 lên án “những biện pháp can thiệp không minh bạch và làm méo mó thị trường” của Bắc Kinh, đồng thời cho biết G7 sẽ xây dựng sự hiểu biết chung về những hành động này, “và sau đó, chúng tôi sẽ cùng nhau đưa ra các hành động phối hợp để đảm bảo một sân chơi bình đẳng cho các doanh nghiệp và người lao động của chúng tôi, thúc đẩy đa dạng hóa và năng lực chống lại sự đe dọa về kinh tế, cũng như giảm bớt tính phụ thuộc của chiến lược.”
Trước những lời chỉ trích gay gắt hiếm hoi của G7 đối với các chính sách và hồ sơ nhân quyền của Bắc Kinh, một quan chức cấp cao của chính quyền Mỹ đã nói trong một cuộc họp ngắn rằng đây là một động thái chưa từng có trong bối cảnh Thượng đỉnh G7.
“So với tuyên bố của G7 năm ngoái, tôi cho rằng [từ tuyên bố của G7 năm nay] bạn sẽ thấy những tiến triển thực chất về mọi mặt”, quan chức này nói.
G7 cam kết đối kháng Trung Quốc theo cùng một cách
Nhà Trắng đưa ra một tuyên bố hôm thứ Ba (ngày 28/6) rằng Tổng thống Biden đã gặp các nguyên thủ quốc gia khác của G7 hôm nay để “tăng cường hợp tác của chúng ta về các vấn đề kinh tế, không gian mạng và lượng tử, cũng như các thách thức khác của thế kỷ 21, bao gồm những thách thức mà Trung Quốc (ĐCSTQ) mang lại cho công nhân, doanh nghiệp và an ninh quốc gia của chúng ta”.
Nhà Trắng cho biết, các nhà lãnh đạo G7 cam kết “đối kháng với các hành vi kinh tế không công bằng của Trung Quốc (ĐCSTQ) theo một cách thức thống nhất”.
Nhà Trắng nói: “G7 sẽ đưa ra ngôn ngữ tập thể chưa từng có, để xác nhận những tổn thương gây ra bởi những chỉ lệnh công nghiệp không minh bạch, làm méo mó thị trường của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (ĐCSTQ). G7 sẽ cam kết cùng nỗ lực đưa ra một phương thức phối hợp để uốn nắn chính sách và cách làm phi thị trường của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (ĐCSTQ), nhằm đảm bảo một sân chơi công bằng cho các doanh nghiệp và người lao động.”
Theo tuyên bố của Nhà Trắng, các nhà lãnh đạo G7 cam kết cải thiện khả năng phục hồi của chuỗi cung ứng, tăng cường phát triển các chuỗi cung ứng có trách nhiệm, bền vững và minh bạch đối với các khoáng sản quan trọng, đồng thời thiết lập một chiến lược hướng tới tương lai bao gồm các quy trình chế biến, tinh chế và thu hồi.
Nhà Trắng cũng cho biết, G7 cam kết thúc đẩy các tiêu chuẩn đại diện cho các giá trị của G7 về công nghệ, thương mại và đổi mới để cạnh tranh với Trung Quốc (ĐCSTQ). Thông qua các diễn đàn như Ủy ban Thương mại và Công nghệ Mỹ – EU, “chúng tôi sẽ cho thế giới thấy cách tiếp cận dân chủ và định hướng thị trường đối với thương mại, công nghệ và đổi mới có thể cải thiện cuộc sống của công dân của chúng ta, và trở thành động lực cho sự thịnh vượng lớn hơn”.
Nhà Trắng cũng cho biết, G7 nỗ lực cải thiện khuôn khổ đa phương để tái cơ cấu nợ. G7 sẽ nhấn mạnh cam kết thực hiện thành công “Khuôn khổ chung về quản lý nợ của G20”. G7 sẽ thúc giục tất cả các chủ nợ liên quan, bao gồm cả các nước không thuộc Câu lạc bộ Paris – chẳng hạn như Trung Quốc – và các chủ nợ tư nhân, chiểu theo yêu cầu để đóng góp mang tính xây dựng vào việc quản lý nợ cần thiết. G7 cũng sẽ tái khẳng định cam kết thúc đẩy sự minh bạch cho tất cả các con nợ và chủ nợ để cải thiện tính bền vững của nợ.
Nhà Trắng cho biết, G7 cam kết giải quyết vấn đề lao động cưỡng bức và bảo vệ nhân quyền. G7 sẽ lên án hàng loạt hành vi vi phạm nhân quyền trên toàn cầu, bao gồm sự xâm lược của Nga đối với Ukraine, đàn áp của Trung Quốc ở Tân Cương và Tây Tạng, cuộc đảo chính quân sự ở Myanmar và việc Iran tiếp tục đàn áp tự do. G7 cũng sẽ cam kết đẩy nhanh tiến độ giải quyết vấn đề lao động cưỡng bức, với mục tiêu loại bỏ tất cả các hình thức lao động cưỡng bức khỏi chuỗi cung ứng toàn cầu, bao gồm cả lao động cưỡng bức do nhà nước hỗ trợ, chẳng hạn như ở Tân Cương. Là một ví dụ quan trọng về cuộc chiến chống lao động cưỡng bức ở Trung Quốc, Mỹ đang thực thi Đạo luật Ngăn chặn Cưỡng bức Lao động Người Duy Ngô Nhĩ (UFLPA).
Nhà Trắng cho biết, các nhà lãnh đạo của G7, cũng như các nhà lãnh đạo của Argentina, Ấn Độ, Indonesia, Senegal và Nam Phi – đã ra tuyên bố về khả năng phục hồi dân chủ, “khẳng định tầm quan trọng trong việc tăng cường khả năng chống lại các mối đe dọa độc tài trong các quốc gia dân chủ của chúng ta và các nơi trên toàn thế giới”.
Các nhà lãnh đạo G7 hôm thứ Ba đã nhất trí tăng cường phòng thủ trước các thông tin sai lệch và tấn công mạng của nước ngoài, bao gồm cả các mối đe dọa do Nga gây ra.
G7 cho biết trong một thông cáo cuối hội nghị thượng đỉnh tại Đức, “Chúng tôi cũng cam kết tăng cường hơn nữa an ninh nội bộ của mình trước các mối đe dọa xuyên quốc gia do Nga và các chế độ độc tài khác gây ra.”
Thủ tướng Đức Olaf Scholz cảnh báo, ĐCSTQ không nên phá hoại các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với Nga.
Theo Trương Đình, Epoch Times