Ông Lê Văn Minh, cựu Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 4 bị cáo buộc đã trực tiếp nhận và thông qua vợ con, nhận 6.9 tỷ đồng (khoảng 430,000 Úc Kim) để bảo kê cho “trùm” buôn lậu xăng dầu Phan Thanh Hữu, chức vụ Giám đốc Công ty TNHH TM Phan Lê Hoàng Anh.
Theo tin công bố, Tòa án quân sự Quân khu 7 dự kiến từ ngày 12-14/7 sẽ đưa ra xét xử 14 bị cáo trong vụ án “Buôn lậu”, “Nhận hối lộ”, “Tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài” và “Không tố giác tội phạm” trong vụ buôn lậu hơn 200 triệu lít xăng dầu từ Singapore về Việt Nam do bị can Phan Thanh Hữu (Giám đốc Công ty TNHH TM Phan Lê Hoàng Anh) cầm đầu.
Hàng loạt sĩ quan bộ đội biên phòng bị truy tố, nhiều người có quân hàm và chức vụ cao cấp, gồm:
Ông Phùng Danh Thoại – cựu Đại tá, cựu Trưởng phòng Xăng dầu Cảnh sát Biển bị truy tố tội “Buôn lậu”.
Bị truy tố về tội “Nhận hối lộ” gồm các ông Lê Văn Minh – cựu Thiếu tướng, cựu Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 4; Lê Xuân Thanh – cựu Thiếu tướng, cựu Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 3; Lưu Thế Đức – cựu thiếu tá, cựu Phó đoàn trưởng Trinh sát 2 Bộ tư lệnh Cảnh sát biển; Phạm Văn Trên – cựu Đại tá, cựu Chỉ huy trưởng Biên phòng tỉnh Trà Vinh; Nguyễn Văn Hùng – cựu Thượng tá, cựu Đồn trưởng Biên phòng cảng Trường Long Hòa, tỉnh Trà Vinh; Nguyễn Thanh Lâm – cựu trung tá, cựu Hải đội trưởng 2 thuộc Biên phòng tỉnh Sóc Trăng; Lê Văn Phương – cựu thượng tá, cựu Phó phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh Trà Vinh; Sơn Hoàng Ngự – nhân viên đồn biên phòng cảng Trường Long Hòa, tỉnh Trà Vinh.
Riêng ông Nguyễn Thế Anh – cựu Đại tá, cựu Chỉ huy trưởng Biên phòng Kiên Giang bị truy tố tội “Nhận hối lộ” và “Tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài trái phép”.
Cùng bị truy tố về tội “Nhận hối lộ” còn một số người thuộc các đơn vị dân sự, gồm Phan Thị Xuân, Nguyễn Văn An, Phạm Hồ Hải.
Bị cáo còn lại – Cao Phước Hoài, lao động tự do bị truy tố vê tội “Không tố giác tội phạm”.
Thẩm phán, chủ tọa phiên tòa là Thượng tá Nguyễn Hồng Phong; 3 sĩ quan thuộc Viện kiểm sát quân sự Bộ đội Biên phòng thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử.
Khi cấp tướng nhận bảo kê
Theo cáo trạng, từ tháng 9/2019 đến tháng 2/2021, Tư lệnh Lê Văn Minh bị VKS cáo buộc “vì động cơ vụ lợi, lợi dụng chức vụ, quyền hạn” đã trực tiếp nhận và thông qua vợ con, nhận tổng cộng 6,9 tỷ đồng để bảo kê cho Phan Thanh Hữu – Giám đốc Công ty TNHH TM Phan Lê Hoàng Anh vận chuyển, buôn lậu xăng trên biển và từ biển vào nội địa mà không bị bắt giữ, xử lý.
Trong quá trình điều tra, nhà chức trách tuyên bố đã thu giữ tổng số tiền hơn 34 tỷ đồng qua bắt giữ, khám xét và các bị cáo khắc phục hậu quả. Trong đó, hai tướng Lê Văn Minh và Lê Xuân Thanh là 2 trong 7 người đã khắc phục xong toàn bộ thiệt hại bị cáo buộc.
Hai cựu Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 4, Vùng Cảnh sát biển 3 cùng bị Cơ quan điều tra hình sự Bộ Quốc phòng đã khởi tố, bắt tạm giam vào đầu tháng 10/2021.
Theo kết luận kỷ luật về mặt đảng của Ban Bí thư, cựu Thiếu tướng Lê Xuân Thanh, Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 3 đã vi phạm pháp luật trong việc ký các văn bản, hồ sơ để thanh toán chi phí xử lý vụ việc, thuê phương tiện, xăng dầu, gây thất thoát lớn ngân sách Nhà nước; nhận hối lộ.
Còn cựu Thiếu tướng Lê Văn Minh, Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 4 đã vi phạm pháp luật trong việc ký, phê duyệt các văn bản, hồ sơ xử lý các vụ việc, thuê phương tiện và đề nghị thanh toán, rút tiền từ ngân sách Nhà nước; nhận hối lộ.
Vào ngày 7/7, VKSND tỉnh Đồng Nai đã truy tố Phan Thanh Hữu cùng 72 đồng phạm về tội Buôn lậu theo khoản 4 Điều 188 Bộ luật Hình sự – khung hình phạt 12 đến 20 năm tù. Những người này được đình chỉ điều tra hành vi Đưa hối lộ do chủ động khai báo trước khi bị phát giác.
Bị can Ngô Văn Thụy – nguyên Đội trưởng Đội Kiểm soát chống buôn lậu khu vực miền Nam (Đội 3), Cục Điều tra chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan bị truy tố về tội Nhận hối lộ.
Cơ quan tố tụng xác định từ tháng 3/2020 đến tháng 2/2021, đường dây của ông Hữu và đồng phạm đã buôn lậu hơn 204 triệu lít xăng, tổng trị giá gần 2.900 tỷ đồng. Trong đó, hơn 196 triệu lít đã được tiêu thụ, trong đó riêng ông Hữu hưởng hơn 105 tỷ đồng.
Nguyễn Sơn