Bảo Nguyên
Mới đây, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã nhấn mạnh về yêu cầu ổn định nền kinh tế. Điều này là mâu thuẫn với chính sách zero-Covid của ông Tập, vốn là nguyên nhân gây ra khó khăn cho kinh tế Trung Quốc. Trong khi đó, ông Tập cũng sẽ khó có thể thoái lui trong chính sách chống dịch, vốn được coi là một thành tựu chính trị. Đây đang là một thời điểm quan trọng, quyết định đến việc tái đắc cử sắp tới của ông Tập.
Ổn định kinh tế hay là zero-Covid?
Trong một hội nghị chuyên đề về kinh tế gần đây, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã nhấn mạnh sự cần thiết phải ổn định nền kinh tế và chỉ ra rằng tình hình kinh tế hiện tại của Trung Quốc là “rất thách thức”. Nhưng vào ngày 29/06, lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) Tập Cận Bình đã nhắc lại chính sách “zero-COVID” và nói chính sách này là quan trọng đối với sự phát triển và tiến bộ kinh tế. Sự mâu thuẫn giữa ông Tập và ông Lý một lần nữa trở thành tâm điểm chú ý.
Vào ngày 07/07, Thủ tướng Lý đã triệu tập một cuộc hội thảo kinh tế ở tỉnh Phúc Kiến với các quan chức chủ chốt của chính quyền các địa phương như Thượng Hải, Giang Tô, Chiết Giang và Quảng Đông.
Tại cuộc họp, ông Lý nói rằng nền kinh tế Trung Quốc đã trải qua một giai đoạn rất bất thường kể từ đầu năm nay, “nhưng nhìn về phía trước, nền kinh tế của chúng ta đang phục hồi, [đây là] một nhiệm vụ rất lớn”. Ông nói thêm, “nhưng nền tảng để phục hồi vẫn chưa ổn định và cần rất nhiều nỗ lực để ổn định nền kinh tế”.
Ông Lý nói rằng 5 tỉnh và thành phố dọc theo bờ biển phía tây nam chiếm hơn một phần ba GDP của Trung Quốc và gần 40% tổng thu nhập tài chính. Ông yêu cầu các tỉnh và thành phố này tiếp tục “ổn định mỏ neo của nền kinh tế” và “phá vỡ hơn nữa những tắc nghẽn trong chuỗi cung ứng và công nghiệp, đồng thời thúc đẩy đưa các cơ chế kinh tế trở lại bình thường càng sớm càng tốt”.
Ông nói thêm rằng nền kinh tế của các khu vực cụ thể này đang mạnh mẽ hơn và nên hỗ trợ các bên tham gia thị trường chính, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ và các hộ công nghiệp và thương mại riêng lẻ. Ông nhấn mạnh rằng 70% lao động nhập cư Trung Quốc làm việc tại 5 tỉnh và thành phố này, vì vậy “chúng ta phải làm mọi cách để ổn định việc làm của lao động địa phương và lao động nhập cư”.
Ông Lý cho biết, các khu vực ven biển đã phát triển hội nhập nhiều hơn với nền kinh tế thế giới thông qua thương mại quốc tế trên đồng bằng sông Dương Tử — khu vực ven biển phía đông tập trung quanh Thượng Hải và đồng bằng sông Châu Giang ở phía nam tỉnh Quảng Đông — chiếm gần 60% giao dịch thương mại của Trung Quốc. Ông cho biết điều quan trọng là phải tăng tốc độ thu gom và phân phối các mặt hàng tại các cảng và ổn định thương mại và đầu tư nước ngoài.
Trước đó, ông Tập đã nhấn mạnh sự cần thiết phải tuân thủ các chính sách “zero-COVID cơ động” (áp dụng các biện pháp chống dịch nhằm ngăn chặn đợt bùng phát trước khi dịch bệnh có thể lây lan) và nói rằng ông sẵn sàng hy sinh sự phát triển kinh tế ở một mức độ nhất định để thực hiện chính sách này. Ông cũng nói rằng nếu tính toán tổng thiệt hại và lợi ích, thì “biện pháp phòng ngừa này là kinh tế và hiệu quả nhất”.
Mâu thuẫn trong cách đối phó với Covid-19 của ĐCSTQ đã trở thành công khai. Thủ tướng Lý không bao giờ đề cập đến cách tiếp cận “zero-COVID cơ động” trong các bài phát biểu trước công chúng trong khi ông Tập tiếp tục nhấn mạnh sự cần thiết của “zero-COVID cơ động”, ngay cả khi phải trả giá về mặt kinh tế.
Xung đột không thể hòa giải giữa ông Lý và ông Tập
Nhà bình luận về các vấn đề thời sự của Trung Quốc Lu Tianming nói với The Epoch Times rằng nền kinh tế Trung Quốc hiện đang ở trong tình trạng rất tồi tệ, đặc biệt là trong năm nay khi tất cả các chỉ số đều giảm. Nguyên nhân chính là do dưới chính sách “zero-COVID cơ động”, các biện pháp phong tỏa cực đoan dẫn đến hậu cần yếu kém, nhu cầu ảm đạm và xuất khẩu giảm; làm gián đoạn chuỗi công nghiệp và các doanh nghiệp địa phương, khiến họ không thể nhận được đơn hàng ngoại thương, cuối cùng tạo thành một vòng tròn ác tính.
“Ở Trung Quốc, Thủ tướng Quốc vụ viện chịu trách nhiệm về các vấn đề kinh tế”, ông Lu nói, “nhưng ông Lý không phê chuẩn chính sách zero-COVID cơ động, vì vậy bây giờ ông ấy không muốn chịu trách nhiệm về sự suy giảm kinh tế đang diễn ra do chính sách này gây ra, và đây là lý do tại sao ông ấy không bao giờ đề cập đến zero-COVID cơ động trước công chúng. Ông ấy muốn ổn định nền kinh tế, việc làm và mở cửa, nhưng điều này hoàn toàn trái ngược với chính sách mà ông Tập muốn, do đó tạo ra sự xung đột”.
Ông Lu cũng nói rằng ông Tập coi chính sách zero-COVID là thành tựu chính trị của mình và đã tự gắn mình với chính sách đó và không thể từ bỏ nó.
“Từ bỏ lúc này về cơ bản là thừa nhận rằng chính sách và quyết định của ông ấy là sai lầm, điều này sẽ tạo cơ hội cho các đối thủ chính trị tấn công ông ấy, vì vậy ông ấy không còn cách nào khác ngoài việc tiếp tục đi theo con đường này”.
“Sẽ có sự phân bổ lại quyền lực trước Đại hội toàn quốc lần thứ 20 của ĐCSTQ và giờ đây Hội nghị Beidaihe sắp diễn ra, vì vậy đây là thời điểm quan trọng quyết định liệu ông Tập có được tái đắc cử hay không”.
“[Ông Tập] trước đây đã bị Đảng chỉ trích về việc [ủng hộ] Nga xâm lược Ukraine, vì vậy cơ hội cuối cùng mà ông ấy có nằm trong cái gọi là kiểm soát dịch bệnh, và điều này đương nhiên xung đột và mâu thuẫn với cách tiếp cận của ông Lý. Ông Tập quan tâm đến việc tạo ra tình hình chính trị thuận lợi hơn là các vấn đề kinh tế hiện tại”.
“Tóm lại, ông Lý và ông Tập mâu thuẫn một cách tự nhiên”, ông Lu kết luận. “Ông Lý không thể ủng hộ chính sách zero-COVID cực đoan của ông Tập và để nền kinh tế sụp đổ. Xung đột hiện tại của họ là không thể hòa giải và không ai có thể lùi bước”.
Ông Lý cho biết 5 tỉnh và thành phố dọc theo bờ biển phía đông nam có những đóng góp đáng kể cho nền kinh tế Trung Quốc, hầu hết các doanh nghiệp nhỏ và nông dân tập trung ở đó. “Khi thu nhập và lợi nhuận của các công ty tăng trưởng không tốt, doanh thu từ thuế cũng sẽ giảm mạnh. Kho bạc của ĐCSTQ đã khá trống rỗng và ông Lý đã nói rằng các tỉnh và thành phố không thể dựa vào chính quyền trung ương trong các cuộc họp trước đó, cho thấy rằng kho bạc trung ương cũng khá trống rỗng. Vì vậy, dưới góc nhìn của ông Lý, nền kinh tế Trung Quốc đã đạt đến trạng thái rất nguy hiểm”, ông Lu nói.
Mâu thuẫn trong các bài phát biểu trước công chúng
Nền kinh tế Trung Quốc đang trên đà lao dốc kể từ khi chính sách zero-COVID của ông Tập được áp dụng, và rõ ràng là ông Tập và ông Lý bị mâu thuẫn về cách thức phòng chống dịch bệnh và các vấn đề kinh tế.
Vào ngày 25/05, ông Lý đã triệu tập một cuộc họp khẩn cấp với khoảng 100.000 quan chức ĐCSTQ ở tất cả các cấp, nhấn mạnh sự cần thiết phải “ổn định các chỉ số kinh tế vĩ mô”. Ông Lý đã không đề cập đến chính sách zero-COVID tại cuộc họp và công khai thừa nhận rằng nền kinh tế Trung Quốc đang trượt ra khỏi vùng tích cực.
Cùng ngày, cơ quan ngôn luận của ĐCSTQ People’s Daily đã đăng một bài báo có tiêu đề “Triển vọng phát triển kinh tế của Trung Quốc sẽ sáng sủa hơn”, tuyên bố rằng dưới sự lãnh đạo của ông Tập, Trung Quốc đã đạt được những thành tựu lớn trong việc đối phó với cuộc khủng hoảng Ukraine cùng các biện pháp ngăn chặn COVID.
Nhưng trước đó vào ngày 23/05, ông Lý thừa nhận có một rủi ro đang gia tăng rằng nền kinh tế Trung Quốc sẽ suy giảm và đã triển khai 33 biện pháp để ổn định nền kinh tế.
Vào ngày 18/05, trong bài phát biểu tại Lễ kỷ niệm lần thứ 70 Hội nghị thượng đỉnh xúc tiến thương mại và đầu tư toàn cầu của ĐCSTQ, ông Tập nói rằng dịch bệnh đã đẩy lùi toàn cầu hóa, nhưng không đề cập đến sự suy giảm kinh tế của Trung Quốc.
Cùng ngày, ông Tập đã phát biểu tại lễ khai mạc Đại hội đồng Y tế Thế giới lần thứ 73 rằng “cần phải tăng cường điều phối các chính sách kinh tế vĩ mô quốc tế và duy trì sự ổn định và thông suốt của chuỗi cung ứng và công nghiệp toàn cầu, nhằm khôi phục nền kinh tế toàn cầu”. Nhưng ông không đề cập đến áp lực đi xuống mà nền kinh tế Trung Quốc phải đối mặt. Ông Tập cũng đã cam kết cung cấp 2 tỷ USD viện trợ quốc tế trong vòng hai năm để hỗ trợ các nền kinh tế đang phát triển ứng phó với đại dịch.
Bảo Nguyên
Theo Jessica Mao – The Epoch Times