Khu trục hạm Hoa Kỳ di chuyển gần các đảo tranh chấp ở Biển Đông

Aldgra Fredly

Khu trục hạm USS Benfold (DDG 65) mang hỏa tiễn dẫn đường lớp Arleigh Burke, được khai triển tiền phương tới khu vực hoạt động của Hạm đội 7 Hoa Kỳ, tiến hành các hoạt động đang diễn ra ở Biển Đông hôm 13/07/2022. (Ảnh: Hải quân Hoa Kỳ/Handout qua Reuters)

Hôm 13/07, Hoa Kỳ đã điều một khu trục hạm đi qua Biển Đông, trong một khu vực mà chính quyền Trung Quốc đã có những hành động ngày càng gây hấn nhằm củng cố các yêu sách lãnh thổ phi pháp của mình.

Trong một tuyên bố, Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Hoa Kỳ cho biết khu trục hạm USS Benfold đã đi gần Quần đảo tranh chấp Paracel — mà Trung Quốc gọi là Quần đảo Tây Sa — là một phần của “hoạt động tự do hàng hải” của Hải quân Hoa Kỳ.

“Hoạt động này phản ánh cam kết của chúng tôi nhằm bảo vệ quyền tự do hàng hải và quyền sử dụng hợp pháp biển như một nguyên tắc. Hoa Kỳ sẽ tiếp tục bay, đi trên biển, và hoạt động ở bất cứ nơi nào luật pháp quốc tế cho phép, như USS Benfold đã làm ở đây,” tuyên bố nói.

Bộ Tư lệnh Chỉ huy miền Nam của Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) đã cáo buộc khu trục hạm Hải quân này “xâm phạm” lãnh hải của nước này, và đã cử lực lượng hải quân và không quân đến để cảnh cáo khu trục này.

Hải quân Hoa Kỳ bác bỏ lời khẳng định của Bắc Kinh và nói rằng chính quyền Trung Quốc có mục đích “xuyên tạc các hoạt động hàng hải hợp pháp của Hoa Kỳ và khẳng định các yêu sách hàng hải quá mức và phi pháp của họ trong khi làm tổn hại các nước láng giềng Đông Nam Á ở Biển Đông của họ”.

Trích dẫn Điều 7 của Công ước Luật Biển, Hải quân Hoa Kỳ cho biết: “Bất kể bên tuyên bố chủ quyền nào có chủ quyền đối với các đảo thuộc Quần đảo Paracel, các đường cơ sở thẳng, thì không thể được vẽ toàn bộ một cách hợp pháp xung quanh Quần đảo Paracel”.

“Với những đường cơ sở này, Trung Quốc đã cố gắng đòi các vùng nội thủy, lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế, và thềm lục địa hơn những gì họ được hưởng theo luật pháp quốc tế”.

Lãnh thổ tranh chấp

Trong khi Trung Quốc chiếm Quần đảo Paracel từ tay chính quyền cũ của Việt Nam vào năm 1974, thì Đài Loan và Việt Nam phản đối yêu sách của Bắc Kinh đối với quần đảo này. Ở Việt Nam, quần đảo này được gọi là quần đảo Hoàng Sa.

Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền của phần lớn Biển Đông theo “đường chín đoạn”. Một tòa án ở La Hay đã phán quyết vào năm 2016 rằng các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc đối với phần lớn hơn các vùng biển là không có giá trị và đã phán quyết có lợi cho Philippines; Trung Quốc đã từ chối tuân theo phán quyết đó.

Brunei, Malaysia, Đài Loan, và Việt Nam cũng có các tuyên bố tranh chấp với Trung Quốc về Biển Đông.

Cô Aldgra Fredly là một nhà văn tự do sống tại Malaysia, chuyên đưa tin về khu vực Á Châu-Thái Bình Dương cho The Epoch Times.

Cẩm An biên dịch

Related posts