Vợ cũ của cựu Tổng thống Donald Trump qua đời ở tuổi 73
Người vợ đầu tiên của cựu Tổng thống Donald Trump, bà Ivana Trump đã qua đời hôm thứ Năm (14/7) tại nhà riêng ở Thành phố New York.
Bà Ivana Trump, 73 tuổi, là mẹ của ba người con cả của ông Trump. Gia đình Trump đã thông báo về cái chết của bà Ivana: “Mẹ của chúng tôi là một phụ nữ tuyệt vời, một thế lực trong thương trường, một vận động viên đẳng cấp quốc tế, một vẻ đẹp lộng lẫy, và là một người mẹ, người bạn tận tâm”.
“Ivana Trump là một người sống sót. Bà đã chạy trốn khỏi chế độ cộng sản và sát cánh với đất nước này”, tuyên bố của gia đình Trump nhấn mạnh.
Bà Ivana Trump sinh tại Tiếp Khắc (cũ), một quốc gia cộng sản bị Liên Xô kiểm soát. Chế độ cộng sản Tiệp Khắc sụp đổ vào đầu những năm 1990, chia tách thành hai nước là Cộng hòa Czech và Slovakia.
Bà Ivana Trump là mẹ của Donald Trump Jr., Ivanka Trump, và Eric Trump. Ông Donald Trump có thêm hai người con nữa, Tiffany Trump với vợ hai và con út Barron Trump với người vợ hiện tại, Melania Trump.
Bà Ivana Trump “đã dạy những người con của bà về sự kiên cường, rắn rỏi, thiện lương và quyết tâm. Mẹ của bà, ba người con của bà và 10 người cháu của bà sẽ rất nhớ bà”, tuyên bố của gia đình Trump tiếp tục.
Trên mạng xã hội Truth Social, cựu Tổng thống Donald Trump đã ca ngợi bà Ivana là “người phụ nữ phi thường, xinh đẹp và tuyệt vời, đã sống một cuộc đời vĩ đại và truyền cảm hứng…”.
“Tôi rất buồn khi phải loan báo với tất cả những người đã yêu thương bà, rất nhiều người, rằng Ivana Trump đã qua đời tại nhà riêng ở Thành phố New York”, ông Trump viết.
Sau khi rời khỏi Tiệp Khắc, bà Ivana đã lập gia đình với ông Donald Trump vào năm 1977. Hai người ly dị vào năm 1992. Người chồng sau của bà Ivana, ông Rossano Rubicondi đã qua đời vào năm 2021.
Sau khi ly hôn, bà Ivana Trump đã phát triển sự nghiệp kinh doanh riêng về lĩnh vực may mặc, đồ trang sức và các sản phẩm khác. Bà cũng viết nhiều cuốn sách, tác phẩm báo chí.
Gia đình Trump không loan báo nguyên nhân khiến bà Ivana qua đời. Trong khi đó, cảnh sát tại Thành phố New York cho biết họ đã nhận được cuộc gọi vào khoảng 12:40 chiều ngày 14/7 (giờ miền Đông nước Mỹ) về một người bị ngưng tim, cư trú tại East 64th Street. Theo ABC7, người bị ngưng tim đó được xác nhận là bà Ivana Trump.
Giới chức nói với ABC7 rằng cái chết của bà Ivana không có gì bất thường, bà đã qua đời một cách tự nhiên.
Tin tức mới nhất, cảnh sát đã tìm thấy thi thể của bà Ivana nằm dưới cầu thang do nhồi máu cơ tim (heart attack).
Xuân Thành
Indonesia đang bước vào làn sóng dịch bệnh COVID-19 thứ 4
Ngày 14/7, Trưởng nhóm chuyên trách thuộc Hiệp hội Y tế Indonesia (IDI), Giáo sư Zubairi Djoerban, nhận định rằng quốc gia Đông Nam Á này đang bước vào đợt lây lan dịch bệnh COVID-19 thứ 4.
Theo ông Zubairi, số ca mắc COVID-19 mới hằng ngày của Indonesia bắt đầu tăng từ ngày 2/7 với 1.794 ca. Kể từ đó, số ca mắc mới được ghi nhận theo ngày đã tăng đáng kể (3.822 ca). Đáng chú ý, đã có 12 ca tử vong trong ngày 13/7.
Ông Zubairi kêu gọi người dân cần tiếp tục tuân thủ các quy định y tế để ngăn chặn sự lây lan dịch COVID-19. Tuy nhiên, chuyên gia y tế này cũng kêu gọi dân chúng không hoang mang vì tốc độ lây lan dịch ở Indonesia vẫn thấp hơn so với Singapore, Malaysia, Úc và New Zealand.
Ngoài ra, ông cho biết bản thân mình ủng hộ việc chính phủ kêu gọi người dân tiếp tục đeo khẩu trang khi thực hiện các hoạt động trong nhà cũng như ngoài trời.
Theo Lực lượng đặc trách xử lý COVID-19 của Chính phủ Indonesia, 3.361 ca mắc mới đã được ghi nhận trong ngày 14/7, nâng tổng số ca mắc bệnh tại quốc gia này kể từ đầu đại dịch lên 6.116.347 ca.
Các tỉnh thành ghi nhận nhiều ca mắc COVID-19 nhất trong ngày bao gồm thủ đô Jakarta (1.594 ca), Tây Java (728 ca), Banten (393 ca), Đông Java (279 ca) và Bali (125 ca). Hiện cả nước còn 21.916 bệnh nhân đang được chữa trị tại bệnh viện hoặc tự cách ly ở nhà.
Bộ trưởng Y tế Budi Gunadi Sadikin dự báo số ca mắc COVID-19 sẽ đạt đỉnh tại Indonesia trong tháng 7 này, với khoảng 81% số ca nhiễm các dòng phụ BA.4 và BA.5 của biến thể Omicron.
Con trai ông Hồ Cẩm Đào được bầu làm đại biểu Đại hội 20 ĐCSTQ
Ông Hồ Hải Phong, con trai của ông Hồ Cẩm Đào, hiện đang là Bí thư Thành ủy thành phố Lệ Thủy tỉnh Chiết Giang, lần đầu tiên được bầu làm đại biểu đảng của tỉnh Chiết Giang. Tương lai chính trị của ông đang thu hút sự chú ý.
Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 20 của Đảng Cộng sản Trung Quốc (Đại hội 20 ĐCSTQ), ban chấp hành Trung ương sẽ được bầu lại khóa mới. Hiện 31 khu hành chính cấp tỉnh, thành trên cả nước đã triệu tập đại hội đảng bộ và bầu ban thường vụ đảng ủy khóa mới.
Ngày 12/7, tờ Minh Báo (Ming Pao) tại Hồng Kông đưa tin, sau khi bầu ủy ban thường vụ đảng ủy địa phương khóa mới, trong số những nhân vật số 1, số 2 của 31 tỉnh thành, có đến 20 người không phải là ủy viên Ủy ban Trung ương, không phải là ủy viên dự khuyết Ủy ban Trung ương, cũng không phải là ủy viên Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương. Nếu không có điều bất ngờ gì khác, thì họ sẽ vào danh sách của Ủy ban Trung ương mới. Đồng thời, sau cuộc bầu cử địa phương hiện nay, các ủy viên thường vụ tỉnh ủy sinh sau năm 1970 chiếm 17,8% trên tổng số.
Ông Hồ Hải Phong là thế hệ sinh sau năm 1970, lần đầu tiên được bầu làm đại biểu đảng tại đại hội đảng gần đây ở tỉnh Chiết Giang. Trong số các đại biểu đảng khóa mới, ngoài ông Hồ Hải Phong ra còn có Phó Chủ tịch nước Vương Kỳ Sơn, 74 tuổi, được bầu ở tỉnh Giang Tô; Ủy viên Bộ Chính trị kiêm Chủ nhiệm Văn phòng Đối ngoại Trung ương Dương Khiết Trì, 72 tuổi, được bầu ở tỉnh Liêu Ninh.
Bản tin của Minh Báo nói rằng trong những năm gần đây, mặc dù ông Hồ Hải Phong từng nhiều lần có tin đồn về việc thăng chức, nhưng cuối cùng vẫn không thành hiện thực. Trong khi đó, thành phố Lệ Thủy do ông đứng đầu, nhấn mạnh việc xây dựng một mô hình quốc gia “non xanh nước biếc chính là núi vàng núi bạc”; vào tháng Tư năm nay, tờ “Thời báo học tập” của ĐCSTQ, đã xuất bản một bài viết nhấn mạnh những thành tựu “3 năm” của thành phố Lệ Thủy. Giới quan sát cho rằng tương lai sự nghiệp chính trị của ông Hồ Hải Phong rất lạc quan.
Ông Hồ Hải Phong, sinh tháng 11/1972, năm nay 50 tuổi, hai năm trở lại đây có nhiều tin đồn ông được thăng cấp phó tỉnh, bao gồm cả tin đồn được thăng cấp thường vụ tỉnh ủy Phúc Kiến kiêm trưởng ban tổ chức tỉnh ủy Phúc Kiến, bí thư thành ủy Tây An, thị trưởng Đại Liên và thị trưởng Thanh Đảo, ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hồ Nam kiêm bí thư thành ủy Trường Sa, và bí thư thành ủy Nam Xương của Giang Tây. Gần đây nhất là vào tháng Một năm nay, có tin đồng ông được bổ nhiệm làm ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy Chiết Giang kiêm tổng thư ký tỉnh ủy.
Mặc dù tin đồn thăng chức liên tục không thành hiện thực, nhưng trong thời gian nhậm chức tại thành phố Gia Hưng và thành phố Lệ Thủy của tỉnh Chiết Giang, ông Hồ Hải Phong vẫn nhiều lần bày tỏ lòng trung thành với ông Tập Cận Bình. Vào đúng dịp kỷ niệm 100 năm thành lập ĐCSTQ vào năm ngoái, ông Hồ Hải Phong đã ca ngợi “phương pháp tư duy khoa học của ông Tập Cận Bình” trong một cuộc phỏng vấn với phóng viên truyền hình địa phương, và gọi đó là “của cải tinh thần quý giá mà Tổng Bí thư Tập Cận Bình để lại cho Chiết Giang”. Các bình luận bên ngoài cho rằng việc thể hiện lòng trung thành với ông Tập Cận Bình như thế này là quá lố.
Tờ Minh Báo trước đó đưa tin rằng Ban Tổ chức Trung ương đã nhiều lần xem xét việc thăng chức cho ông Hồ Hải Phong, nhưng đều bị từ chối vì cha của ông là ông Hồ Cẩm Đào đã ngăn cản. Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 20 của ĐCSTQ năm nay, một nhóm quan chức địa phương sẽ bước vào hàng ngũ dự khuyết của Ủy ban Trung ương, hiện tại những quan chức cấp phó bộ sinh sau năm 1970 trên toàn quốc đã lên đến hơn 100 người, nếu ông Hồ Hải Phong không được thăng chức thì e là sẽ bị rớt lại phía sau.
Ông Hồ Cẩm Đào từng được coi là đồng minh chính trị của ông Tập Cận Bình. Trong 10 năm nắm quyền, ông Hồ Cẩm Đào chịu sự can thiệp chính trị của ông Giang Trạch Dân. Ban đầu, ông Giang từ chức Tổng Bí thư nhường ghế cho ông Hồ, nhưng tiếp tục giữ chức Chủ tịch Quân ủy trong hai năm. Sau đó, ông ta cũng sử dụng nhiều thân tín mà mình bồi dưỡng để kiểm soát ông Hồ Cẩm Đào. Tại Đại hội 18 ĐCSTQ, ông Hồ Cẩm Đào đã rút lui hoàn toàn, không còn tham luyến quyền lực, khi hạ đài không nắm quyền lực trong quân đội thêm vài năm như người tiền nhiệm Giang Trạch Dân, mà trực tiếp trao lại quyền Chủ tịch Quân ủy cho ông Tập Cận Bình. Ông Tập từng ca ngợi ông Hồ Cẩm Đào “có đức độ”.
Đổng Lâm San, Vision Times
Ông Gordon Chang: Hệ thống ngân hàng của Trung Quốc đang thiếu tiền mặt
Theo chuyên gia kiêm tác giả Gordon Chang, Trung Quốc đang trải qua một cuộc khủng hoảng nợ hệ thống vì thiếu tính thanh khoản.
Trong bình luận với NTD, hãng thông tấn liên kết với The Epoch Times, ông lưu ý rằng 400,000 người gửi tiền được cho là không được một số ngân hàng ở tỉnh Hà Nam, Trung Quốc cho phép rút tiền.
Ông nói: “Đảng [Cộng sản Trung Quốc] hiện không có câu trả lời nào về kinh tế. Đất nước nói chung đang mắc quá nhiều nợ. Và vì vậy từ nay trở đi đây sẽ là một vấn đề.”
Ông Chang chỉ ra một tình huống tương tự xảy ra ở Thượng Hải.
Ông nói, “Các ngân hàng Thượng Hải có những hạn chế nghiêm ngặt về lượng tiền rút. Về mặt kỹ thuật, nó không phải là một vụ vỡ nợ, theo một nghĩa nào đó, nhưng mọi người không thể truy cập vào tiền của họ. Không có đủ thanh khoản trong hệ thống ngân hàng Trung Quốc. Và điều này không chỉ ở một tỉnh xa xôi nào đó. Vì vậy, điều này đang xảy ra trên toàn hệ thống ngân hàng Trung Quốc.”
Ông cho biết các cuộc biểu tình đã diễn ra trước Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc Hà Nam, là ngân hàng trung ương, thay vì tại các ngân hàng nông thôn của khu vực, nơi các quỹ đã bị nhà nước đóng băng kể từ tháng Tư.
Ông nói: “Vì vậy, mọi người hiểu rằng cuộc khủng hoảng này không chỉ là bất kỳ một tổ chức nào, đó là một cuộc khủng hoảng mang tính hệ thống.”
Ông Chang lưu ý rằng cuộc khủng hoảng nợ kéo dài sang các khu vực khác của nền kinh tế, với lý do là một số công ty bất động sản lớn vỡ nợ.
Ông nói, “Ví dụ, Evergrande có nghĩa vụ 305 tỷ USD. Các nhà phát triển bất động sản lớn khác, mặc dù không mắc nợ đến mức như vậy nhưng về căn bản họ không thể trả được nợ của họ.”
Không có giải pháp
Ông Chang nói rằng Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) không có bất kỳ cách nào khả thi để giải quyết các khoản nợ lớn của mình.
“Tôi cho rằng họ có thể in tiền. Nhưng Trung Quốc đã có một vấn đề lạm phát. Vì vậy, đó sẽ không phải là một giải pháp lâu dài.”
Theo ý kiến của ông Chang, nhà cầm quyền đã phải đối mặt với vấn đề tài chính này một thời gian.
“Tình trạng đó đã bị che đậy, bởi vì Đảng Cộng sản đã có thể thu được tiền từ bên ngoài. Nó đã được che đậy bởi vì họ đã phát sinh nợ. Nhưng bây giờ họ sắp hết dư địa để làm gì đó.”
Vì vậy, ông Chang cho biết ông ấy tin rằng điều đó có thể là nguyên nhân dẫn đến sự thất bại của ĐCSTQ vì “Đảng Cộng sản không thể đưa ra các giải pháp cứu vãn tình thế.”
Ông chỉ ra việc cảnh sát dùng bạo lực đối với những người gửi tiền ở Hà Nam, nói rằng nó bắt nguồn từ ý thức hệ của ĐCSTQ.
Ông Chang cho biết, “Đây là một vở kịch điển hình của Đảng Cộng sản: đe dọa, sử dụng vũ lực. Đường lối của Đảng là ‘tiền này không phải của quý vị mà là tiền của chúng tôi. Và chúng tôi sẽ làm những gì chúng tôi muốn với nó.’”
“Vì vậy, có một nhận thức sai lầm căn bản giữa người dân và Đảng.”
Hannah Ng
Vân Du biên dịch