Lam Giang
Tổng thống Nga Vladimir Putin thăm Tehran vào ngày 19/7 để gặp Lãnh tụ tối cao của Iran, Ayatollah Ali Khamenei. Đây là chuyến công du đầu tiên của ông Putin bên ngoài Liên Xô cũ kể từ khi xâm lược Ukraine, theo Reuters.
Ông Putin cho hay, nỗ lực của phương Tây nhằm làm tê liệt kinh tế Nga bằng các chế tài nghiêm khắc nhất trong lịch sử như một lời tuyên chiến kinh tế và nói rằng Nga đang quay lưng lại với phương Tây để tiến về phía Trung Quốc, Ấn Độ và Iran.
Chỉ ba ngày sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden kết thúc chuyến thăm Ả Rập Xê-út, nhà lãnh đạo tối cao của Nga tới Tehran để gặp ông Khamenei lần năm. Ông Khamenei là nhà lãnh đạo tối cao thứ nhì của Iran, người lên nắm quyền vào năm 1989.
“Cuộc tiếp xúc với ông Khamenei là rất quan trọng”, ông Yuri Ushakov, cố vấn chính sách đối ngoại của ông Putin, nói với các phóng viên tại Moscow. “Một cuộc đối thoại tin cậy đã được phát triển giữa họ về những vấn đề quan trọng nhất trong chương trình nghị sự song phương và quốc tế”.
“Trong hầu hết các vấn đề, lập trường của chúng tôi gần nhau hoặc giống hệt nhau”, ông Ushakov nói.
Chuyến thăm của ông Putin tới Iran sẽ trùng với chuyến thăm của ông Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan, và hai nhà lãnh đạo sẽ gặp nhau tại Tehran để thảo luận về một thỏa thuận nhằm nối lại hoạt động xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine ở Biển Đen và bàn về đe dọa của ông Erdogan sẽ khởi động một chiến dịch khác ở miền bắc Syria mà Moscow phản đối.
Trong vấn đề Syria, Nga và Iran bày tỏ ủng hộ Tổng thống Bashar al-Assad chống lại phương Tây, vốn đã liên tục kêu gọi lật đổ ông này kể từ khi cuộc nội chiến Syria bắt đầu vào năm 2011.
Hướng đông?
Người đứng đầu Điện Kremlin 69 tuổi không công du ra nước ngoài trong những năm gần đây do đại dịch COVID và sau đó là cuộc khủng hoảng do cuộc xâm lược Ukraine vào ngày 24/2. Chuyến đi cuối cùng của ông ra khỏi Liên Xô cũ là đến Trung Quốc vào tháng Hai năm nay.
Bằng cách tới Cộng hòa Hồi giáo Iran trong chuyến công du nước ngoài quan trọng đầu tiên kể từ cuộc chiến Ukraine, ông Putin đang gửi một thông điệp rõ ràng tới phương Tây rằng Nga sẽ tìm cách xây dựng mối quan hệ với Iran, kẻ thù của Hoa Kỳ kể từ Cách mạng năm 1979.
Trước chuyến đi, phát ngôn viên của ông Putin, Dmitry Peskov, nói rằng Nga và Iran từ lâu đã phải chịu các chế tài của phương Tây: cái giá phải trả là chủ quyền.
Đối với Tehran, xây dựng mối quan hệ với nước Nga là một cách để cân bằng ảnh hưởng của Hoa Kỳ và các liên minh của nước này trên vùng Vịnh với các nhà cầm quyền Ả Rập và Israel. Ông Putin sẽ gặp Tổng thống Iran Ebrahim Raisi, người được bầu vào năm ngoái.
“Chúng tôi cần một đồng minh mạnh mẽ và Moscow là một siêu cường”, một quan chức cấp cao của Iran đề nghị giấu tên, nói.
Bị thúc đẩy bởi giá dầu cao, Tehran đang đánh cược rằng với sự hỗ trợ của Nga, Tehran có thể gây áp lực buộc Washington phải nhượng bộ để làm sống lại thỏa thuận hạt nhân năm 2015.
Tuy nhiên, việc Nga nghiêng về Bắc Kinh đã làm giảm đáng kể xuất khẩu dầu thô của Iran sang Trung Quốc – nguồn thu nhập chính của Tehran kể từ khi Tổng thống Donald Trump áp đặt lại các chế tài vào năm 2018.
Ukraine và Syria
Các cuộc đàm phán với ông Erdogan sẽ tập trung vào kế hoạch tái tục xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine và việc Thổ Nhĩ Kỳ đe dọa tiến hành các hoạt động quân sự mới ở Syria để mở rộng “vùng an toàn” sâu 30 km dọc theo biên giới.
“Các cuộc thảo luận với ông Putin sẽ tập trung vào ngũ cốc, Syria và Ukraine”, một quan chức cấp cao của Thổ Nhĩ Kỳ yêu cầu giấu tên, cho biết. “Các cuộc đàm phán sẽ cố gắng giải quyết các vấn đề về xuất khẩu ngũ cốc”.
Nga, Ukraine, Thổ Nhĩ Kỳ và Liên Hợp Quốc dự kiến sẽ ký một thỏa thuận vào cuối tuần này nhằm nối lại việc vận chuyển ngũ cốc từ Ukraine qua Biển Đen.
Lam Giang