Quang Nhật
Khủng hoảng thanh khoản ngân hàng ở Trung Quốc leo thang trầm trọng, lan từ ngân hàng này sang ngân hàng khác, từ tỉnh này sang tỉnh khác. Giờ đây, không chỉ ở ngân hàng nông thôn tỉnh Hà Nam, người gửi tiền ở nhiều tỉnh khác, thuộc các ngân hàng khác cũng đột ngột không rút được tiền mình đã gửi… Quả bom nợ phình to, âm ỷ hàng thập kỷ không thể không phát nổ…
Bạo lực cho thấy sự bất lực của Bắc Kinh trước quả bom nợ
Những ngày này, các ngân hàng thương mại tỉnh Hà Nam không còn tiền để trả cho người gửi tiền nữa, họ đơn giản là cấm người gửi tiền của Trung Quốc đến ngân hàng rút tiền bằng bạo lực. Lực lượng cảnh sát, công an (cả mặc thường phục hay đồng phục) hỗ trợ ngân hàng, chính quyền đánh đập thô bạo người gửi tiền trước sự kinh ngạc của toàn thế giới.
Bạo lực chính quyền và các biện pháp hành chính thô bạo như vậy sẽ chống đỡ ít nhiều cho quá trình sụp đổ ngân hàng ở Trung Quốc. Tuy nhiên, các hành động như vậy cho thấy sự bất lực, giống như đã bị dồn vào chân tường của chính quyền trong việc giải quyết khủng hoảng thanh khoản ngân hàng. Nói cách khác, họ không còn đủ tiền và công cụ tài chính để xử lý khủng hoảng thanh khoản ngân hàng đang lan rộng. Các biện pháp bạo lực và hành chính cho thấy sự bất lực này rất rõ ràng.
Quả thực, khủng hoảng thanh khoản ngân hàng đang lây lan rộng sang các tỉnh thành khác, sang các ngân hàng thương mại khác trên toàn Trung Quốc.
Quả bom nợ lan từ tỉnh này sang tỉnh khác
Chỉ tính riêng ngân hàng nông thôn tỉnh Hà Nam, gần 100.000 người gửi tiền đã không cách nào rút 40 tỷ nhân dân tệ (CNY) của họ ra khỏi ngân hàng. Vào ngày 10/7 vừa qua, khoảng 3.000 người gửi tiền tỉnh Hà Nam đã bị cảnh sát và những người ‘không rõ danh tính’ (nghi là cảnh sát ngầm) bao vây khi biểu tình đòi lại tài sản của mình.
Phương tiện truyền thông ở đai lục tiết lộ rằng nạn nhân gửi tiền ở ngân hàng đã xuất hiện khắp các tỉnh thành trong cả nước. Bởi vì các khoản tiền gửi được huy động qua quảng cáo trên internet, các khoản tiền gửi được thiết kế trực tuyến, khiến gửi tiền vào hết sức dễ dàng. Khi ngân hàng mất khả năng chi trả, họ chỉ đơn giản là cắt dịch vụ trực tuyến. Người gửi tiền buộc phải đến tận Hà Nam để rút tiền. Nhưng chưa kịp bước chân vào Hà Nam thì phần mềm theo dõi Covid-19 được lập trình, tự động bật chế độ “nguy hiểm”, “cảnh báo đỏ” để buộc họ không rời khỏi nhà đi rút tiền. Bản thân ngân hàng tỉnh Hà Nam cũng không mở cửa, không phục vụ rút tiền trực tiếp tại quầy. Người gửi tiền Trung Quốc biểu tình đòi NHTM nông thôn tỉnh Hà Nam phải trả lại tiền gửi cho họ, yêu cầu giải thích và đối thoại. Trong ảnh người biểu tình giăng biểu ngữ trước Cục Quản lý Ngân hàng và Bảo hiểm tỉnh Hà Nam ngày 27/6 (Ảnh chụp từ video)
Nếu đây là ở một quốc gia khác, một ngân hàng như vậy đã phải phá sản sau một đêm. Nhưng đây là Trung Quốc, nơi không có nền kinh tế thị trường, chỉ có quyền lợi của chính quyền và giới tinh hoa của Đảng Cộng sản Trung Quốc được hệ thống công an, cảnh sát bảo vệ, bất chấp hiến pháp, pháp luật.
Tờ Sanlian Life Weekly của đại lục tiết lộ rằng vụ việc có thể được bắt nguồn từ tháng 4 năm nay, và Ngân hàng Nông thôn Phương Đông Mới Khai Phong có thể là ngân hàng mất khả năng thanh khoản, không còn tiền để trả cho người gửi tiền.
Báo cáo dẫn lời ông He Ping, giáo sư tại Trường Tài chính thuộc Đại học Nhân dân Trung Quốc, nói rằng chính phủ có một mức lãi suất chuẩn đối với tiền gửi ngân hàng và các ngân hàng địa phương sẽ tính lãi suất lên cao nhất trong phạm vi thả nổi để thu hút tiền gửi. Nhưng hầu hết các doanh nghiệp mà ngân hàng này cho vay lại không thể kiếm tiền trong bối cảnh tiêu dùng thắt chặt, thị trường bất động sản sụp đổ, sản xuất bị phong tỏa nghiêm ngặt vì chính sách ‘zero Covid’.
Không chỉ Hà Nam, chuỗi vỡ nợ domino bắt đầu đổ vỡ lan sang ngân hàng ở các tỉnh khác. Tờ China Times, một cơ quan truyền thông Trung Quốc, đưa tin một số người mở tài khoản tại Ngân hàng Công thương Hải Nam gần đây đã phát hiện tài khoản của họ bị đóng băng và họ không thể rút tiền, chuyển tiền hoặc tiêu tiền.
Tờ Securities Daily đưa tin, những tình huống tương tự đã lần lượt xảy ra ở Bắc Kinh, Sơn Đông và ở nhiều tỉnh thành khác. Phóng viên của tờ báo này đã phỏng vấn người của ngân hàng đang thực hiện việc ngăn người gửi tiền rút tiền này thì nhận được câu trả lời là: “dịch vụ thẻ bị hỏng” và rằng tình trạng của họ không liên quan tới khủng hoảng thanh khoản ở ngân hàng nông thôn tỉnh Hà Nam.
Lan từ ngân hàng nhỏ sang các ngân hàng lớn…
Các vụ gian lận nổ ra tại nhiều ngân hàng nông thôn tỉnh Hà Nam khiến niềm tin vào các ngân hàng Trung Quốc bị lung lay nghiêm trọng. Ông Pei Minxin, một giáo sư tại Trường Cao đẳng Claremont McKenna, Hoa Kỳ, viết trên tờ Nikkei ngày 17/7 rằng vụ gian lận này cho thấy quả bom nợ của Trung Quốc sắp phát nổ. Giáo sư này cho biết các nhà đầu tư nên chuẩn bị cho những ngày tồi tệ hơn đối với ngành ngân hàng Trung Quốc trong tương lai.
Giáo sư Pei Minxin chỉ ra rằng ĐCSTQ đã vay nặng lãi kể từ năm 2009 để kích thích tăng trưởng kinh tế. Hiện nay tỷ lệ nợ trên tổng sản phẩm quốc nội (GDP) cao tới 264%. Các ngân hàng nông thôn ở Hà Nam đã phải đối mặt với tình trạng thiếu giám sát, quản lý rủi ro kém và tham nhũng, trong khi gần 4.000 ngân hàng Trung Quốc quy mô vừa và nhỏ với tài sản khoảng 14 nghìn tỷ USD cũng phải đối mặt với những rủi ro hệ thống tương tự. Người dân xếp hàng chờ rút tiền từ 6h sáng tại Bank of China, chi nhánh Thâm Quyến trong một video được post lên twitter (Nguồn: Ảnh chụp từ video trên internet ngày 26/6/2022).
Bài báo cảnh báo rằng nếu một số lượng lớn các ngân hàng nhỏ cùng thất bại, có thể xảy ra phản ứng dây chuyền đe dọa sự ổn định của ngành tài chính; các đối tác và người cho vay của họ. Phản ứng dây chuyền này sẽ đặc biệt tác động tới các ngân hàng lớn do niềm tin của người gửi tiền vào hệ thống bị suy giảm trầm trọng. Ngoài ra, các ngân hàng nhỏ thường hút tiền gửi qua chính sách lãi suất cao. Điều này tác động tiêu cực tới năng lực hút tiền gửi của các ngân hàng thương mại lớn. Cuộc chạy đua lãi suất tiền gửi có thể khiến chi phí vốn tăng vọt, làm tắc nghẹt tăng trưởng của nền kinh tế và làm nợ xấu cũng như rủi ro thanh khoản của hệ thống ngân hàng thương mại khắp Trung Quốc gia tăng.
Thực tế, hồi năm 2011 – 2012, trong cuộc khủng hoảng nợ xấu và thanh khoản của ngân hàng Việt Nam đã xảy ra tình huống tương tự. Các ngân hàng thương mại nhỏ, yếu kém, không được kiểm soát và giám sát đủ lâm vào tình trạng nợ xấu mất kiểm soát, mất khả năng thanh khoản. Họ đã phải chạy đua tăng lãi suất huy động làm khốn đốn các ngân hàng thương mại lớn cũng như để lại hậu quả tai hại cho tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2013 – 2015 sau đó.
Tình trạng ở Trung Quốc còn tồi tệ hơn, không chỉ gặp khó khăn do các ngân hàng nhỏ đổ vỡ, các ngân hàng lớn của Trung Quốc đang mắc bẫy nợ từ sáng kiến Vành đai – Con đường (BRI) của chính họ.
Các ngân hàng thương mại lớn cung cấp các khoản vay hàng chục tỷ USD cho các nước nghèo trong khuôn khổ BRI của Bắc Kinh; vốn là cái bẫy nợ mà Trung Quốc giăng ra để thôn tính các nền kinh tế đang phát triển. Đáng tiếc, người tính không bằng trời tính. Cuộc suy thoái toàn cầu khiến các nước đi vay không thể trả nợ, phần lớn danh mục tín dụng của họ có thể chuyển thành các khoản nợ xấu; gần đây là sự sụp đổ của Sri Lanka. Quốc gia bị phá sản bởi nợ Trung Quốc này đang yêu cầu Trung Quốc xóa nợ cho hầu hết các khoản vay của họ.
Trong nước, các ngân hàng thương mại lớn đối diện với sự đổ vỡ không thể chống đỡ của thị trường bất động sản (BĐS). Các doanh nghiệp BĐS Trung Quốc đã vỡ nợ 1.000 tỷ USD ở nước ngoài (trái phiếu doanh nghiệp phát hành bằng USD), theo Bloomberg. Số liệu này cũng khá phù hợp với thống kê của trang Cbonds, 40% Trái phiếu BĐS phát hành bằng USD của Trung Quốc đã vỡ nợ (chính thức hoặc vỡ nợ kỹ thuật), tổng giá trị thị trường TPDN phát hành nước ngoài của Trung Quốc hiện là 3,122 tỷ USD.
Vậy nợ tín dụng của các doanh nghiệp BĐS trong nước thì sao? Chỉ tính riêng thị trường nợ trái phiếu doanh nghiệp, con số này ở Trung Quốc là 12.000 tỷ USD. Các ngân hàng thương mại trên khắp Trung Quốc nắm giữ bao nhiêu trái phiếu doanh nghiệp sắp phát nổ này?
Thêm vào đó, Fed đang tăng lãi suất, đồng USD tăng giá cao nhất trong vài thập kỷ trở lại đây. Dòng tiền đang tháo chạy khỏi Bắc Kinh, theo Viện Tài chính Quốc tế. Cơ quan này không đưa ra con số báo cáo mà họ theo dõi, nhưng khẳng định: “dòng tiền tháo chạy khỏi Trung Quốc ở mức kỷ lục vào quý 1/2022”.
Đổ vỡ ở ngân hàng Trung Quốc là không thể ngăn chặn. Mức độ đổ vỡ và tác hại của nó vô cùng khó lường.
Vỡ nợ lan từ chính quyền địa phương sang ngân hàng thương mại
Cùng với vỡ nợ dây chuyền của các ngân hàng thương mại từ nhỏ tới lớn khắp đại lục, các chính quyền địa phương ở Trung Quốc cũng phải đối mặt với một viễn cảnh tồi tệ: vỡ nợ trái phiếu chính quyền địa phương. Và tình trạng tệ hại này cũng lại trở thành nguyên nhân thúc đẩy các ngân hàng thương mại khắp Trung Quốc phá sản nhanh hơn.
Khác với các nền kinh tế khác, các ngân hàng thương mại địa phương không độc lập với chính quyền. Thực chất, các ngân hàng thương mại địa phương nằm dưới sự chỉ đạo, là cấp dưới, của chính quyền địa phương.
Để có tiền đầu tư cơ sở hạ tầng nhằm chạy theo mục tiêu tăng trưởng mà chính quyền trung ương giao cho, các chính quyền địa phương thả sức phát hành trái phiếu chính quyền địa phương đặc biệt. Nói là đặc biệt vì theo quy định bởi Luật Ngân sách Trung Quốc (2015), chính quyền địa phương có quyền phát hành trái phiếu cho một mục đích cụ thể; ví dụ như đầu tư vào công trình cụ thể ở địa phương, khoản phát hành này không cần hạch toán vào nợ chính quyền, nợ quốc gia. Một khoản nợ nằm ngoài nợ công, nằm ngoài hệ thống hạch toán nợ quốc gia khuyến khích các chính quyền địa phương phát hành vô tội vạ loại công cụ nợ này.
Ai mua nợ? Chính quyền địa phương yêu cầu các ngân hàng thương mại mua nợ cho họ. Chính quyền lấy tiền ở đâu trả nợ? Chính quyền bán đất cho các nhà phát triển bất động sản lấy tiền trả nợ. Nhưng khi thị trường BĐS sụp đổ, các nhà phát triển BĐS mắc nợ khắp toàn cầu và mất khả năng bán hàng, trả nợ thì chính quyền địa phương cũng mất luôn nguồn thu lớn từ đất đai, mất luôn nguồn tiền thanh toán nợ trái phiếu cho các ngân hàng thương mại địa phương.
Ai mất tiền? không phải chính quyền địa phương, không phải ngân hàng thương mại. Người gửi tiền khắp Trung Quốc mất sạch tiền. Nạn nhân gửi tiền ở Hà Nam chỉ là những nạn nhân đầu tiên mà thôi.
Với tất cả lý do này, ngân hàng Trung Quốc, dù lớn hay nhỏ, đều đang ở tình trạng ‘tứ bề thọ địch’; các ngân hàng này không thể không vỡ nợ. Người Trung Quốc không thể không mất tiền. Hỗn loạn và bạo lực sẽ tiếp tục ở Trung Quốc, ngày một leo thang…
Quang Nhật