Ai sẽ lãnh đạo ngành ngoại giao Trung Quốc sau Đại hội 20?

Nguồn: Richard McGregor và Neil Thomas, “The next wolf warriors: China readies new generation of tough diplomats,” Nikkei Asia, 06/07/2022

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Đại hội đảng đang đến gần và Tập Cận Bình đã bắt đầu thay thế dàn lãnh đạo chính sách đối ngoại của đất nước.

Tập Cận Bình dự kiến sẽ tái đắc cử nhiệm kỳ thứ ba kéo dài 5 năm tại đại hội của Đảng Cộng sản Trung Quốc ở Bắc Kinh vào cuối năm nay, thể hiện quyết tâm mạnh mẽ của Chủ tịch Trung Quốc trong việc xóa bỏ những quy định về tuổi nghỉ hưu và trở thành lãnh đạo trọn đời.

Tuy nhiên, trong lĩnh vực chính sách đối ngoại lại là một câu chuyện rất khác: hai quan chức ngoại giao cấp cao nhất của đất nước chuẩn bị rời đi trong sự kiện sẽ trở thành đợt thay máu nhân sự hàng đầu lớn nhất của ngành ngoại giao Trung Quốc suốt nhiều thập niên qua.

Sau chín năm là nhà ngoại giao hàng đầu của Trung Quốc, Dương Khiết Trì 72 tuổi, chuẩn bị rời Bộ Chính trị và cũng rời luôn chức Chủ nhiệm Ủy ban Công tác Ngoại sự Trung ương (CFAC) tại đại hội đảng lần thứ 20, nhiều khả năng sẽ được triệu tập vào tháng 10 hoặc tháng 11.

Nếu Tập coi mình là ngoại lệ duy nhất đối với quy định về nghỉ hưu, thì Vương Nghị, Ngoại trưởng 68 tuổi và là nhà ngoại giao số 2 của Trung Quốc, cũng sẽ phải ra đi. Nhiệm kỳ của ông sẽ kết thúc vào tháng 3, thời điểm chuyển giao các vị trí trong bộ máy nhà nước tại phiên họp lập pháp hàng năm của đất nước.

Vương Nghị đã giữ chức Ngoại trưởng suốt 10 năm qua, đồng thời là Ủy viên Quốc vụ chuyên trách các vấn đề đối ngoại kể từ năm 2018. Dương Khiết Trì giữ chức Ngoại trưởng trong vòng 6 năm trước khi Vương lên thay, sau đó phục vụ 5 năm trong vai trò Ủy viên Quốc vụ cấp cao, trước khi đặt chân vào Bộ Chính trị cách đây 5 năm. Cộng chung, hai người đàn ông có tới một phần tư thế kỷ kinh nghiệm ở các vị trí ngoại giao hàng đầu.

Việc họ có khả năng sẽ ra đi trong vòng vài tháng tới đã tạo ra cơ hội để Tập xây dựng một thế hệ lãnh đạo chính sách đối ngoại mới. Những lựa chọn mà Chủ tịch nước đưa ra sẽ nhấn mạnh các ưu tiên toàn cầu của ông, cũng như mang đến cho các nhà ngoại giao sắp tới một hình mẫu về loại công việc sẽ giúp họ được thăng tiến trong ngành.

Là những nhân vật kỳ cựu của Bộ Ngoại giao, cả Dương và Vương đều quen thuộc với cái gọi là ‘ngoại giao chiến lang’ – khả năng đáp trả mạnh mẽ mỗi khi người nước ngoài chỉ trích Bắc Kinh. Tuy nhiên, họ đã được đề bạt trong thời kỳ hòa hoãn hơn của nền ngoại giao Trung Quốc.

Dương Khiết Trì là một người nói tiếng Anh lưu loát, ông từng học tại Trường Kinh tế London và cho con gái của mình theo học tại Đại học Yale. Ông đã gầy dựng sự nghiệp của mình như là một chuyên gia về Mỹ, kết bạn với cựu tổng thống George H.W. Bush trong chuyến đi đến Tây Tạng năm 1977, và nỗ lực xoa dịu căng thẳng song phương với tư cách Đại sứ Trung Quốc tại Washington trong nhiệm kỳ đầu tiên của George W. Bush.

Trong khi đó, Vương Nghị, được truyền thông Trung Quốc đặt biệt danh là “cáo bạc” vì vẻ ngoài điển trai, là một chuyên gia về Nhật Bản có trình độ tiếng Nhật và kinh nghiệm vượt trội nhờ quãng thời gian làm Đại sứ Trung Quốc tại Tokyo vào giữa thập niên 2000. Dù luôn hành xử cứng rắn công khai mỗi khi các đối thủ của Trung Quốc trong khu vực xúc phạm Bắc Kinh, nhưng đã có lần, các bức điện bị rò rỉ đã tiết lộ việc ông nói với các nhà ngoại giao Mỹ rằng mình sẵn sàng đàm phán về một “thỏa thuận mềm” để Nhật Bản “giữ thể diện.”

Nhưng lứa quan chức ngoại giao trẻ tuổi hơn sắp được thăng chức – với ví dụ điển hình là Triệu Lập Kiên, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao, người nổi bật nhất trong số các “chiến lang” hiện tại – lại có xuất thân khác biệt hoàn toàn.

Triệu Lập Kiên là người nổi bật nhất trong số các nhà ngoại giao được gọi là “chiến lang” của Trung Quốc. © Kyodo

Cụm từ này xuất phát từ bộ phim ăn khách cùng tên của Trung Quốc, nói về những người lính yêu nước chiến đấu chống lại những tên lính đánh thuê xấu xa ở nước ngoài.

Trong khi Dương Khiết Trì và Vương Nghị trải qua những năm đầu sự nghiệp với cương vị đại diện cho một nước Trung Quốc còn yếu kém, các nhà ngoại giao trẻ tuổi, giống như người hùng trong phim Chiến Lang, đã trưởng thành trong một đất nước giàu có hơn, hùng mạnh hơn, và tự tin hơn nhiều.

Kỷ nguyên mới

Những người thay thế Dương và Vương, dù họ là ai, cũng sẽ là những nhà ngoại giao dày dạn kinh nghiệm. Tuy nhiên, cùng với một loạt thứ trưởng và trợ lý bộ trưởng mới, họ sẽ phụ trách một hệ thống nhà nước quyết đoán và không bao giờ tỏ ý hối lỗi.

Chính sách ngoại giao của họ – vừa chịu áp lực từ Tập Cận Bình, vừa được thúc đẩy bởi bản năng của riêng thế hệ họ – theo đó sẽ được điều chỉnh cho phù hợp. Năm ngoái, Tập đã nói với các đảng viên rằng họ phải “dám đấu tranh” và “bảo vệ chủ quyền, an ninh, và lợi ích phát triển của đất nước với một ý chí chưa từng có.”

Kể từ năm 1949, chính sách đối ngoại của Trung Quốc đã trải qua nhiều giai đoạn đặc biệt – xây dựng quan hệ đối tác với Liên Xô cũ; giai đoạn cách mạng tự lực cánh sinh sau khi Mao Trạch Đông mâu thuẫn với Nikita Khrushchev; tiếp đến là thời kỳ bán liên minh với Mỹ, chống lại Liên Xô trong những năm 1970 và 1980.

Sau cuộc biểu tình Thiên An Môn năm 1989 và sự tan rã của Liên Xô, những thập niên cải cách kinh tế và tăng trưởng điên cuồng, được tăng tốc nhờ việc Bắc Kinh gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới vào năm 2001, đã giúp kiềm chế căng thẳng âm ỉ với Mỹ và phần lớn phương Tây. Trong thời kỳ này, Bắc Kinh hầu như đã tuân theo mệnh lệnh nổi tiếng của Đặng Tiểu Bình – “ẩn mình chờ thời.”

Nhưng ngày đó thật sự đã qua rồi. Tập kiên quyết không chịu “ẩn mình,” thay vào đó, ủng hộ “phấn đấu đạt thành tích.” Bắc Kinh và Washington hiện đang tham gia vào một cuộc cạnh tranh toàn diện, trên nhiều lĩnh vực. Trung Quốc có các lợi ích toàn cầu và một chương trình nghị sự toàn cầu đi cùng với họ, được hỗ trợ bởi một quân đội đang mở rộng nhanh chóng.

Bắc Kinh đã loại bỏ câu nói “ẩn mình chờ thời” nổi tiếng của Đặng Tiểu Bình để ủng hộ lời kêu gọi của Tập Cận Bình là “mở rộng sức mạnh quốc gia toàn diện của chúng ta.” © Reuters

Tập không ngại thể hiện tham vọng của Trung Quốc. Trong một bài phát biểu vào năm 2020, ông nói Trung Quốc nên “mở rộng sức mạnh quốc gia toàn diện của chúng ta … và đặt nền tảng cho một tương lai nơi chúng ta sẽ giành được thế chủ động và sở hữu vị trí thống trị.”

Tập nói với các quan chức rằng họ phải áp dụng “tinh thần chiến đấu” để bảo vệ lợi ích quốc gia cốt lõi của Trung Quốc trong khi “thế giới đang trải qua những thay đổi chưa từng thấy suốt một thế kỷ.”

Các sự kiện như Brexit, nhiệm kỳ tổng thống của Donald Trump, và việc phương Tây xử lý đại dịch COVID-19 một cách kém cỏi trong giai đoạn đầu, đã thuyết phục Chủ tịch Trung Quốc ra tuyên bố vào năm 2020, về một “sự điều chỉnh sâu sắc trong cán cân quyền lực quốc tế” – nhận định táo bạo nhất cho đến nay của đảng cộng sản về lợi thế địa chính trị của Trung Quốc.

Niềm tin của Tập vào một môi trường bên ngoài thuận lợi hơn đã khiến ông đề cao các mục tiêu chính trị dân tộc chủ nghĩa trong chính sách đối ngoại, vượt lên trên chủ nghĩa thực dụng kinh tế và sự hợp tác với phương Tây. Ông tin rằng sức mạnh kinh tế của Trung Quốc sẽ giúp nước này có thể chống chọi với đòn đáp trả của nước ngoài.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã đưa lịch sử, văn hóa, và hành trang của riêng mình vào quan điểm đắc thắng này, một dòng quan điểm được Tập và ‘đội cổ vũ’ của ông liên tục lặp lại trên các phương tiện truyền thông chính thức. Tại lễ kỷ niệm 100 năm thành lập đảng, được tổ chức vào năm ngoái, Tập tuyên bố rằng “nhân dân Trung Quốc tuyệt đối không được cho phép bất kỳ thế lực ngoại bang nào bắt nạt, đàn áp, hoặc nô dịch chúng ta.”

Trong một biểu tượng không thể nhầm lẫn, có ý ám chỉ sự yếu kém và thói phục tùng của người Trung Quốc, các nhà ngoại giao nước này đôi khi nhận được những viên canxi qua đường bưu điện, một cách để nói với họ rằng: hãy rèn luyện để có cột sống cứng cáp hơn, từ đó mới có thể đứng vững trước người nước ngoài.

Trước những nghi ngờ đó, các nhà ngoại giao Trung Quốc đã chọn lối cư xử hung hăng, phi ngoại giao, từ rất lâu trước khi được gọi là “chiến lang,” Peter Martin của Bloomberg nói, và hành động đó không chỉ vì họ cảm thấy cần phải bù đắp cho những nhận thức về sự yếu kém trong quá khứ.

Trong cuốn sách năm 2021 viết về Bộ Ngoại giao Trung Quốc, China’s Civilian Army: The Making of Wolf Warrior Diplomacy, Martin nhận định lý do còn là bởi “họ không thể giải phóng bản thân khỏi những ràng buộc của một hệ thống chính trị bí mật, hoang tưởng.”

“Dù khi nhìn từ bên ngoài, hành động của họ đôi khi có vẻ hung hăng, thậm chí kỳ quái,” Martin viết, “nhưng chúng hoàn toàn có nghĩa khi nhìn từ góc độ trong nước”.

Thất thượng, Bát hạ

Bất kỳ phân tích nào về giới tinh hoa chính trị của Trung Quốc cũng cần có sự khiêm tốn. Sẽ rất nguy hiểm khi dự đoán những thay đổi nhân sự trong một tổ chức ít minh bạch như Đảng Cộng sản Trung Quốc, đặc biệt là khi việc lựa chọn các nhà ngoại giao hàng đầu tiếp theo của Bắc Kinh chỉ nằm trong tay một cá nhân duy nhất.

Dù Tập sẵn sàng phá bỏ các quy định về tuổi nghỉ hưu để kéo dài thời gian cầm quyền của mình, nhưng cuộc cải tổ lãnh đạo tại đại hội đảng vừa qua cho thấy rằng các thành viên Bộ Chính trị vẫn sẽ bị kiểm soát bởi quy tắc “Thất thượng, Bát hạ” (67 lên, 68 xuống) đã được giới thiệu từ năm 2002.

Nói cách khác, một cán bộ từ 67 tuổi trở xuống có thể được bổ nhiệm hoặc phục vụ thêm một nhiệm kỳ 5 năm nữa trong cơ quan ra quyết định hàng đầu của đảng, còn bất kỳ ai 68 tuổi trở lên đều sẽ phải nghỉ hưu.

Theo thông lệ, người sẽ thay thế Dương Khiết Trì trong Bộ Chính trị sẽ là nhà ngoại giao số 2 dưới quyền ông, tức Ngoại trưởng, nhưng nhiệm kỳ kéo dài của Vương Nghị có nghĩa là ông cũng đã đến tuổi nghỉ hưu.

Về lý thuyết, Tập có thể dùng quyền lực của mình để bỏ qua quy ước và thăng chức cho Vương vào Bộ Chính trị. Lý do để ông làm việc đó thực ra rất đơn giản. Xét đến bối cảnh chiến tranh đang hoành hành ở châu Âu và căng thẳng leo thang ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, chẳng ai có thể bằng Vương về bề dày kinh nghiệm ngoại giao, cũng như mạng lưới quan hệ trên khắp thế giới.

Dương Khiết Trì và Vương Nghị, ngồi bên cạnh Tập Cận Bình, có tổng cộng 1/4 thế kỷ kinh nghiệm ở các vị trí ngoại giao hàng đầu. © Reuters

Tuy nhiên, dù là một cấp dưới trung thành, Vương không phải là tay chân thân tín của Tập, và việc thăng chức cho ông có nghĩa là đổ ‘vốn’ chính trị vào một hệ thống mà Tập đang ép buộc phải trao cho ông một nhiệm kỳ thứ ba, bất chấp các tiền lệ.

Tập có thể ngày càng cảnh giác với việc làm rung chuyển hệ thống, trước những thách thức ngày càng gia tăng mà ông phải đối mặt do chính sách zero-covid mang dấu ấn của mình, và đi kèm là áp lực đối với triển vọng tăng trưởng của Trung Quốc.

Một kịch bản khác là Tập sẽ loại bỏ hoàn toàn vị trí của Dương Khiết Trì khỏi Bộ Chính trị – Trung Quốc đã trải qua 15 năm mà không có đại diện chính sách đối ngoại nào trong cơ quan này, trước khi Dương được thăng chức vào năm 2017.

Nhưng một quyết định như vậy có vẻ mâu thuẫn với nỗ lực của Tập nhằm củng cố vị thế của bộ máy đối ngoại trong đảng, và với chính chương trình nghị sự ngoại giao đang mở rộng của Trung Quốc. Vương Nghị là Ngoại trưởng đầu tiên kiêm nhiệm chức Ủy viên Quốc vụ kể từ thời nhà ngoại giao huyền thoại Tiền Kỳ Tham hồi thập niên 1990.

Củng cố sức mạnh

Chính sách đối ngoại của Bắc Kinh đã thay đổi đáng kể kể từ khi Tập Cận Bình lên nắm quyền vào cuối năm 2012. Trung Quốc ngày càng trở nên quyết đoán và mạnh mẽ hơn, đồng thời sẵn sàng đối đầu ngoại giao trực diện với Mỹ cùng các đồng minh, vốn là điều mà các nhà lãnh đạo trước đây luôn né tránh.

Theo quan điểm của Tập, những thành tựu đã đạt được là rất đáng kể. Ví dụ, Bắc Kinh đã khởi động Sáng kiến Vành đai và Con đường, một dự án cơ sở hạ tầng trị giá 1000 tỷ USD được hơn 140 quốc gia ủng hộ, nhằm nâng cao vai trò của Trung Quốc trong đầu tư, thương mại, và thiết lập tiêu chuẩn toàn cầu.

Dưới thời Tập, Bắc Kinh cũng đã củng cố lập trường của mình về lãnh thổ, bao gồm cả việc tập trận quân sự nhiều hơn xung quanh Đài Loan và ở Biển Hoa Đông. Ở Biển Đông, nước này đã xây dựng một số đảo nhân tạo để sử dụng làm căn cứ quân sự.

Dưới thời Tập, Bắc Kinh đã củng cố lập trường của mình về lãnh thổ và sử dụng các cuộc tập trận quân sự xung quanh Đài Loan và ở Biển Hoa Đông để thể hiện quan điểm của mình. © Tân Hoa Xã / AP

Bắc Kinh ngày càng lạm dụng các biện pháp cưỡng bức kinh tế để trừng phạt các quốc gia có bất đồng chính trị, bao gồm cả việc chống lại Hàn Quốc và Australia, hai đồng minh khu vực thân cận nhất của Washington.

Tập cũng không ngần ngại trừng phạt các chính trị gia, tổ chức, công ty, và hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ và các nước châu Âu để trả đũa hành động của các chính phủ này về vấn đề thương mại, nhân quyền, và Đài Loan. Ông dường như không quan tâm đến việc những quan điểm bất lợi cho Trung Quốc đã lên mức cao nhất trong lịch sử ở nhiều nước phương Tây, cũng như ở Nhật Bản và Hàn Quốc, theo Trung tâm Nghiên cứu Pew.

Dù Tập là người chỉ đạo chính sách đối ngoại, Dương Khiết Trì và Vương Nghị đã đưa ra lời khuyên về các vấn đề quốc tế, đồng thời giúp triển khai chương trình nghị sự đầy tham vọng và đôi khi đối đầu của chủ tịch nước bằng loại kỹ năng được rèn giũa qua nhiều năm kinh nghiệm trên tiền tuyến ngoại giao toàn cầu.

Bên trong hệ thống, Bộ Ngoại giao cũng chịu sự giám sát chặt chẽ hơn của đảng, tuân theo cam kết “phối hợp đối nội và đối ngoại” và “cải thiện hệ thống lãnh đạo của đảng đối với các vấn đề đối ngoại” của Tập.

Năm 2019, một quan chức thuộc cơ quan nhân sự của đảng – Phó Ban Tổ chức Trung ương – Tề Ngọc (Qi Yu), đã được bổ nhiệm làm Bí thư Đảng ủy Bộ Ngoại giao, một động thái chưa từng có: cho một người trung thành với Tập phụ trách công việc chính trị nội bộ của bộ, dù người này không có kinh nghiệm ngoại giao.

Người nước ngoài có thể sẽ không hiểu được tầm quan trọng của quyết định bổ nhiệm này, nhưng những người trong cuộc thì chẳng có nghi ngờ gì: Đó là một tín hiệu không thể nhầm lẫn, rằng Tập muốn trung ương đảng kiểm soát chính sách đối ngoại của Trung Quốc nhiều hơn, và rằng ông sẽ đưa ra quyết định thăng chức dựa trên cơ sở trung thành với tầm nhìn chính trị của mình.

Bộ Ngoại giao cũng không thoát khỏi chương trình chống tham nhũng của Tập, một cuộc thanh trừng do các cơ quan nội bộ đảng tiến hành. Quan chức cấp cao nhất bị sa bẫy là Trương Côn Sinh, Trợ lý Ngoại trưởng, người đã bị bắt vào năm 2015.

Những ứng viên sẽ kế nhiệm Dương Khiết Trì

Cả Dương Khiết Trì và Vương Nghị đều không có người kế nhiệm rõ ràng, nhưng các quyết định thuyên chuyển nhân sự cấp cao nhất trong những tháng gần đây cho thấy Tập sẽ sử dụng đại hội đảng và việc kết thúc nhiệm kỳ của các quan chức chính phủ để làm sạch bộ máy. Hai ứng viên nặng ký nhất cho những chức vụ ngoại giao hàng đầu hiện đã bị gạt sang bên lề.

Dựa trên thâm niên, cái tên có nhiều khả năng sẽ kế nhiệm Dương Khiết Trì nhất là Tống Đào, người cho đến đầu tháng 6 vừa qua vẫn giữ chức vụ Trưởng Ban Liên lạc Đối ngoại Trung ương (ILD), nơi quản lý các thông điệp trao đổi với hơn 500 đảng phái chính trị nước ngoài.

Tập đã củng cố trọng tâm của Bắc Kinh đối với ngoại giao đảng trong khuôn khổ ILD, như một sự bổ sung cho bang giao truyền thống. Ông coi ngoại giao đảng là một cách trực tiếp hơn để tác động đến giới tinh hoa nước ngoài, đồng thời tăng cường ảnh hưởng chính trị và ý thức hệ của Trung Quốc ở nước ngoài.

Tống, 67 tuổi, đủ tiêu chuẩn về độ tuổi để ngồi vào ghế Bộ Chính trị và lại là người có mối quan hệ cá nhân vô giá với Tập, khi từng làm việc dưới quyền ông ở tỉnh Phúc Kiến trong những năm 1980 và 1990.

Tống cũng là một trong số ít các nhà lãnh đạo chính sách đối ngoại ở cấp bộ trưởng, thấp hơn một bậc so với các ủy viên Bộ Chính trị, trong thang thứ bậc hành chính của đảng. Nhưng hồi cuối tháng 6, ông đã được chuyển sang cơ quan tham vấn chính trị của Trung Quốc, một sự thuyên chuyển thường là dấu hiệu của việc sắp nghỉ hưu.

Tại hội nghị thượng đỉnh ASEAN ở Hà Nội năm 2010, Dương Khiết Trì nói với các quốc gia Đông Nam Á rằng “Trung Quốc là một nước lớn, còn các nước khác là nước nhỏ, và điều đó đơn giản là sự thật.” © EPA / Jiji

Có lẽ nhà ngoại giao cấp cao nhất còn lại trong cuộc đua giành lấy chiếc ghế của Dương Khiết Trì là Lưu Kết Nhất (Liu Jieyi), Chủ nhiệm Văn phòng sự vụ Đài Loan Quốc vụ viện – một chức vụ cấp bộ trưởng. Giống như Tống Đào, ông là một trong số 200 thành viên có quyền bỏ phiếu thuộc Ủy ban Trung ương Đảng.

Lưu – người sẽ bước sang tuổi 65 vào tháng 12 – đang nằm trong độ tuổi của các thành viên Bộ Chính trị. Ông cũng có một bản lý lịch ngoại giao vô cùng ấn tượng khi từng làm Đại sứ Trung Quốc tại Liên Hiệp Quốc, Phó Ban ILD, và Trợ lý Ngoại trưởng.

Trong giai đoạn đầu của sự nghiệp, Lưu đã làm việc tại các phái bộ của Trung Quốc tại Liên Hiệp Quốc ở New York và Geneva, lãnh đạo các vụ của Bộ Ngoại giao chuyên về kiểm soát vũ khí, các tổ chức quốc tế, và Hoa Kỳ. Ông nói được tiếng Anh, tiếng Pháp, và tiếng Tây Ban Nha.

Việc thăng chức cho Lưu từ cơ quan quản lý vấn đề Đài Loan lên vị trí quan chức ngoại giao hàng đầu sẽ là một dấu hiệu mạnh mẽ, cho thấy Tập tin rằng quan hệ hai bờ eo biển đang xấu đi, và cần phải được kiểm soát, quản lý chặt chẽ hơn từ cấp cao nhất. Sự ủng hộ ngày càng tăng của Washington đối với Đài Bắc và sự tự chủ ngày càng lớn của hòn đảo có thể khiến Bắc Kinh sử dụng các biện pháp mạnh mẽ hơn nhằm thúc đẩy mục tiêu thống nhất.

Tống Đào và Lưu Kết Nhất là những ứng viên thích hợp nhất để thay thế Dương Khiết Trì và Vương Nghị. © Reuters

Với kinh nghiệm làm việc trong các thể chế đa phương của Lưu, việc thăng chức cho ông cũng sẽ làm nổi bật sứ mệnh của Tập là vận động các nước đang phát triển bảo vệ Bắc Kinh khỏi sự chỉ trích của phương Tây, cũng như nâng cao ảnh hưởng chuyên chế của Trung Quốc đối với các quy tắc, chuẩn mực, và các tổ chức quốc tế.

Nếu Lưu không kế nhiệm Dương, hoặc nếu vị trí của Dương bị xóa hoàn toàn khỏi Bộ Chính trị, thì ông vẫn là một lựa chọn mạnh mẽ cho vai trò Ủy viên Quốc vụ hoặc trở thành Ngoại trưởng tiếp theo.

Ai sẽ là người kế nhiệm Vương Nghị?

Có một nhóm ứng viên đông hơn, khó đoán hơn, có thể kế nhiệm chức Ngoại trưởng của Vương Nghị. Đầu tiên, Lưu Kết Nhất từng giữ chức vụ mà Vương đã làm trước khi lãnh đạo Bộ Ngoại giao – Chủ nhiệm Văn phòng sự vụ Đài Loan Quốc vụ viện – nhưng nếu được chọn, ông sẽ trở thành Ngoại trưởng lớn tuổi nhất trong lịch sử của nước Cộng hòa Nhân dân.

Kể từ năm 1982, mọi Ngoại trưởng Trung Quốc đều từng là Thứ trưởng Ngoại giao, làm việc tại Bắc Kinh ngay trước khi được bổ nhiệm, và đều 62 tuổi trở xuống ở thời điểm nhậm chức. Nếu những điều kiện này tiếp tục được áp dụng, hiện đang có ba ứng viên hàng đầu.

Cuộc đua bắt đầu vào tháng 6, khi Bắc Kinh loại bỏ Lạc Ngọc Thành, một chuyên gia về Nga, người là cấp phó đồng thời là người kế nhiệm hàng đầu của Vương, thông qua một quyết định đầy bất ngờ: thuyên chuyển ông về Cục Quản lý Phát thanh và Truyền hình Quốc gia.

Lạc trước đây là một tiếng nói nổi bật ở Bắc Kinh, chuyên thực hiện các cuộc phỏng vấn trên phương tiện truyền thông để chỉ trích chính sách đối ngoại của Mỹ, và để lập luận rằng chính sách “ngoại giao chiến lang” là cần thiết cho việc bảo vệ “lợi ích và phẩm giá” của Trung Quốc.

Nếu quyết định bổ nhiệm Lạc Ngọc Thành, một người nói tiếng Nga chứ không phải một người nói tiếng Anh như truyền thống, thì điều này hẳn sẽ giúp củng cố ý định xoay trục của Tập sang Moscow như một đối trọng chiến lược với Mỹ, đối thủ mà Bắc Kinh tin rằng đang cố gắng lôi kéo thế giới chống lại Trung Quốc.

Hiểu biết về Nga đã giúp Lạc có được lợi thế trong giai đoạn hai nước Trung Quốc và Nga, cũng như các nhà lãnh đạo hai bên, đang hợp tác với nhau. Dù không có lý do nào được đưa ra để giải thích quyết định thuyên chuyển, một số nhà bình luận cho rằng Lạc đã bị đổ lỗi cho phản ứng sai lầm của Bắc Kinh trước cuộc xâm lược Ukraine của Tổng thống Nga Vladimir Putin vào tháng 2.

Mã Triêu Húc (Ma Zhaoxu), 58 tuổi, là người có khả năng kế nhiệm Vương Nghị cao nhất, vì ông hiện đã trở thành thứ trưởng ngoại giao cấp cao nhất. Trước đây, Mã đã từng là Đại diện của Trung Quốc tại Liên Hiệp Quốc ở New York và Geneva, sau khi làm Đại sứ Trung Quốc ở Australia, và giữ nhiều vị trí khác tại Liên minh châu Âu, Vương quốc Anh, và Liên Hiệp Quốc.

Cũng giống như Lưu Kết Nhất, Mã Triêu Húc là một trong những nhà ngoại giao đa phương giàu kinh nghiệm nhất của Bắc Kinh, và việc thăng chức cho ông sẽ củng cố khả năng của Tập để nâng cao sức mạnh của Trung Quốc trong việc định hình các thể chế toàn cầu, và bảo vệ lập trường của họ về các vấn đề như biến đổi khí hậu, các ưu tiên phát triển, và yêu sách lãnh thổ.

Thứ trưởng Ngoại giao Lạc Ngọc Thành (trái); Thứ trưởng Ngoại giao Mã Triêu Húc; Ủy viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc tại Hong Kong Tạ Phong; và Đại sứ Trung Quốc tại Thổ Nhĩ Kỳ Đặng Lý. © Reuters.

Dù thường tỏ ra là người điềm đạm, Mã vẫn thể hiện mình cũng có năng khiếu ngoại giao cứng rắn. Sau khi Bắc Kinh bỏ tù người đoạt giải Nobel Hòa bình Lưu Hiểu Ba vì các hoạt động dân chủ của ông, thì vào năm 2010, Mã đã tuyên bố rằng “không có người bất đồng chính kiến ở Trung Quốc.”

Nếu Mã được thăng chức, Trung Quốc sẽ có một bộ trưởng ngoại giao có kinh nghiệm làm việc với phương Tây. Kết hợp với việc giáng chức Lạc Ngọc Thành, điều đó có thể gợi ý rằng Tập đang thận trọng hơn trong mối quan hệ ngày càng căng thẳng với Mỹ và các đồng minh.

Bất chấp tất cả vẻ tự tin bên ngoài của Trung Quốc, Tập biết nước mình cần công nghệ và thị trường của phương Tây, chí ít là vào thời điểm hiện tại.

Hai ứng viên còn lại là Tạ Phong (Xie Feng), 58 tuổi và Đặng Lý (Deng Li), 57 tuổi. Tạ từng làm việc dưới quyền Dương Khiết Trì tại đại sứ quán Trung Quốc ở Mỹ, trước khi trở thành người đứng đầu phái bộ của Bắc Kinh ở Indonesia và Hong Kong. Trong khi đó, Đặng là một chuyên gia về Trung Đông và Bắc Phi, với chức vụ gần nhất là Đại sứ Trung Quốc tại Thổ Nhĩ Kỳ.

Những lựa chọn ngoài ngành ngoại giao

Sự tuân thủ chặt chẽ đáng ngạc nhiên của Tập đối với các quy định nhân sự tại đại hội đảng vừa qua khiến các thứ trưởng ngoại giao hiện tại trở thành lựa chọn khả dĩ cho chức vụ ngoại giao hàng đầu. Tuy nhiên, ông vẫn có thể chọn một quan chức có ít kinh nghiệm đối ngoại hơn, nhưng đã từng làm việc trực tiếp dưới sự lãnh đạo của ông trong các cơ quan hàng đầu của đảng.

Ứng viên ngoài ngành nặng ký nhất là Lưu Hải Tinh (Liu Haixing), 59 tuổi, Phó chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban An ninh Quốc gia, cơ quan cấp cao mà Tập đã tạo ra để điều phối phản ứng của Bắc Kinh trước các mối đe dọa trong và ngoài nước.

Giống như Tập, Lưu cũng là con trai của một quan chức cấp cao. Cha của ông là Thứ trưởng Ngoại giao vào thập niên 1980, điều này có lẽ đã giúp ích cho sự nghiệp của ông trong bộ, nơi trước đây ông từng giữ chức Trợ lý Bộ trưởng.

Ngựa ô thứ hai là Đặng Hồng Ba (Deng Hongbo), 57 tuổi, một người được Dương Khiết Trì bảo trợ, hiện đang là cấp phó của ông trong văn phòng CFAC. Đặng là một chuyên gia về Mỹ, người đã dành tám năm trong thập niên vừa qua với tư cách là nhân vật số 2 của Trung Quốc tại Washington, sau thời gian làm Đại sứ tại Kenya và Đại diện tại Văn phòng Liên Hiệp Quốc ở Nairobi.

Thăng chức cho Lưu Hải Tinh, hay Đặng Hồng Ba, lên làm lãnh đạo Bộ Ngoại giao sẽ là một lời nhắc nhở mạnh mẽ rằng việc tuân phục Tập và chương trình nghị sự của ông là điều quan trọng duy nhất đối với các nhà ngoại giao của Trung Quốc.

Hoa Xuân Oánh đã nổi lên vào năm 2019 với một bài luận cho rằng một số nhà ngoại giao Trung Quốc “thiếu tinh thần chiến đấu.” © Reuters

Tập cũng có khả năng sẽ thể hiện chính sách ngoại giao quyết đoán hơn của Trung Quốc bằng cách thăng chức cho các “chiến lang” hàng đầu như Triệu Lập Kiên (Zhao Lijian) và sếp của ông ta là Hoa Xuân Oánh (Hua Chunying), những người đã nổi lên vào năm 2019 với một bài luận cho rằng một số nhà ngoại giao Trung Quốc “thiếu tinh thần chiến đấu.”

Như Peter Martin đã chỉ ra trong cuốn sách của mình, đúng là các nhà ngoại giao Trung Quốc luôn có một cảm giác “chiến lang”, dù trước đây nanh vuốt của họ thường chỉ được trưng ra sau những cánh cửa đóng kín.

Năm 2010, Dương Khiết Trì đã có ‘bài giáo huấn’ các quốc gia Đông Nam Á tại hội nghị cấp cao ASEAN ở Hà Nội, nhắc nhở họ rằng “Trung Quốc là một nước lớn, còn các nước khác là nước nhỏ, và điều đó đơn giản là sự thật.”

Dương đã nhiều lần lớn tiếng trong những cuộc gặp riêng tư với người Nhật, vì phía Nhật đã không tỏ ra hối hận về những lần xâm lược Trung Quốc trong quá khứ. Và vào đầu năm ngoái, ở Alaska, khi máy quay đang chĩa vào mình, trong một động thái được hoan nghênh nhiệt liệt ở quê nhà, ông đã ‘thuyết giảng’ cho Antony Blinken, Ngoại trưởng Mỹ, về những thất bại của nền dân chủ và chính sách đối ngoại của Mỹ.

Năm 2016 tại Ottawa, Vương Nghị trả lời một nhà báo Canada đã hỏi ông về nhân quyền rằng câu hỏi “vô trách nhiệm” của cô “chứa đầy sự kiêu ngạo” và “thành kiến.” © AP

Vương Nghị cũng có những lần bộc phát. Năm 2016 tại Ottawa, ông đã đùng đùng nổi giận với một nhà báo Canada dám hỏi ông vấn đề nhân quyền, nói rằng câu hỏi “vô trách nhiệm” của cô “chứa đầy sự kiêu ngạo” và “thành kiến.”

Thái độ quyết đoán như vậy giờ đây có thể trở thành tiêu chuẩn, chứ không còn là ngoại lệ trong chính sách ngoại giao của Trung Quốc.

Thách thức phía trước

Đội ngũ lãnh đạo ngoại giao mới của Trung Quốc có thể sẽ dựa vào mối quan hệ của Trung Quốc với Nga, và việc nước này thúc đẩy vị trí lãnh đạo trong thế giới phi phương Tây, một lập trường chắc chắn sẽ gây ra cạnh tranh chiến lược với Mỹ và các đồng minh.

Họ sẽ tăng cường bảo vệ Bắc Kinh về vấn đề mô hình chính trị và yêu sách lãnh thổ, đồng thời tận dụng ảnh hưởng kinh tế ngày càng tăng của đất nước làm công cụ cưỡng chế trong chính sách đối ngoại.

Tuy nhiên, ngay cả những chiến lang hung dữ nhất cũng vẫn phải tuân theo chỉ thị của chủ tịch nước.

Dấu hiệu chân thực nhất về suy nghĩ của Tập sẽ xuất hiện trong bài báo cáo mà ông trình bày vào ngày đầu tiên của đại hội đảng, một thông điệp sẽ được che đậy bằng nhiều lớp thuật ngữ ý thức hệ, nhưng vẫn báo hiệu định hướng chung của chính sách đối ngoại trong vòng 5 năm tới.

Hướng dẫn định hướng chính sách gần đây nhất đã được đưa ra vào tháng 11, khi đảng ban hành một “nghị quyết lịch sử” với thẩm quyền cấp cao, một tài liệu hiếm giúp tăng cường sự lãnh đạo của Tập và thể hiện chủ trương tiếp tục duy trì ngoại giao quyết đoán.

Tại Alaska vào năm 2021, khi máy quay đang chĩa vào mình, Dương Khiết Trì đã ‘dạy bảo’ Antony Blinken, Ngoại trưởng Mỹ, về những thất bại của nền dân chủ và chính sách đối ngoại của Mỹ, và nhận được sự tán thưởng lớn ở quê nhà. © Reuters

Nghị quyết lưu ý về “những rủi ro bên ngoài chưa từng có tiền lệ,” nhưng nói rằng Trung Quốc “không thể bị đánh lạc hướng hoặc bị đe dọa” bởi kẻ thù nước ngoài, vì “thỏa hiệp để đạt được mục đích của mình sẽ chỉ dẫn đến những hoàn cảnh nhục nhã hơn.”

Tài liệu đặc biệt ca ngợi các hành động của Tập đối với Hong Kong, Đài Loan, Tân Cương, và Tây Tạng, cũng như ở “vùng lãnh hải,” một dấu hiệu mạnh mẽ cho thấy Bắc Kinh sẽ tiếp tục phớt lờ chỉ trích nước ngoài và thúc đẩy các chính sách gây tranh cãi của mình.

Báo cáo của Tập cũng có thể báo hiệu một sự thay đổi về ý thức hệ rõ ràng hơn trong chính sách đối ngoại của Trung Quốc, vì nghị quyết nói rằng dưới quyền Tập, đảng đã “tạo ra sự thay đổi lớn, có lợi cho chủ nghĩa xã hội trong quá trình tiến hóa lịch sử trên toàn thế giới” và trong “cuộc cạnh tranh” với chủ nghĩa tư bản.

Tất cả những gợi ý trên đều cho thấy Bắc Kinh sẽ hướng nhiều hơn vào cuộc cạnh tranh chiến lược giữa Trung Quốc và phương Tây, bên có thể tiến hành đối trọng lại và phân tách xa hơn khỏi Trung Quốc, gây căng thẳng lớn hơn cho nền kinh tế Trung Quốc và tăng trưởng dài hạn của nước này.

Trong trường hợp xấu nhất, căng thẳng có thể bùng phát thành chiến tranh ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Tập sẽ cần một nhóm các nhà ngoại giao tài năng để giải quyết vấn đề đó.

Richard McGregor là nghiên cứu viên cấp cao tại Viện Lowy ở Sydney.

Neil Thomas là chuyên gia phân tích Trung Quốc của Eurasia Group ở Washington D.C.

Related posts