Bảo Nguyên
Một trong các lý do dẫn tới sự sụp đổ đầy bi kịch của Sri Lanka là các chính sách xanh. Chính quyền nước này bắt đầu áp dụng các chính sách xanh từ vài năm trước, tin rằng có thể trở nên thịnh vượng trong khi cứu lấy trái đất. Kết quả là, kinh tế Sri Lanka đã sụp đổ, nước này rơi vào tình trạng vô chính phủ cùng với khủng hoảng thiếu lương thực, thiếu nhiên liệu.
Câu chuyện về sự sụp đổ khiến Sri Lanka chìm trong hỗn loạn, nghèo đói và vô chính phủ là một bi kịch. Nhưng đó cũng là một dấu hiệu cảnh báo nữa về những gì sẽ xảy ra khi các tư tưởng cánh tả được áp dụng.
Nếu bạn không theo dõi diễn biến cuộc khủng hoảng đang diễn ra hàng ngày trên đường phố Sri Lanka — một quốc gia châu Á cách đây không lâu vẫn còn là một quốc gia trung lưu thịnh vượng với sự giàu có và hoạt động thương mại — thì việc đất nước này sụp đổ và trở thành một nước vô chính phủ hoàn toàn hỗn loạn gần như là một điều hết sức kỳ lạ và khó tin.
Trở nên thịnh vượng trong khi cứu trái đất
Vài năm trước, chính quyền Sri Lanka đã bắt đầu nghe theo lời khuyên về các chính sách xanh theo hướng cấp tiến đi ngược lại tăng trưởng. Họ đã đặt cược mọi thứ vào kế hoạch này – đến mức Sri Lanka đã đạt được một trong những điểm ESG (môi trường / xã hội / quản trị) cao nhất trên thế giới. Họ sẽ giúp cứu hành tinh này và trở nên giàu có và vững mạnh trong quá trình thực hiện việc đó.
Nhưng chờ đã. Mọi thứ không diễn ra tốt đẹp như vậy.
Sri Lanka đang ở trong tình trạng kinh tế suy sụp hoàn toàn và tình trạng vô chính phủ. Các trường học và doanh nghiệp bị đóng cửa. Quốc gia này đã hết nhiên liệu. Đầu tháng này, những người biểu tình đầy bạo lực đã xông vào dinh thự chính thức của Tổng thống và sau đó phóng hỏa dinh Thủ tướng. Vài ngày sau, Tổng thống nước này đã lên máy bay rời đi vào lúc nửa đêm. Ông ấy hiện đã từ chức và sống lưu vong — và tại Sri Lanka hiện nay không có chính phủ nào thực sự hoạt động. Một người đàn ông xếp hàng chờ mua dầu diesel tại trạm nhiên liệu của Tập đoàn Dầu khí Ceylon ở Colombo vào ngày 09/04/2022.
Điểm ESG gần như hoàn hảo và sự sụp đổ kinh tế
Có nhiều yếu tố đằng sau sự sụp đổ của Sri Lanka, nhưng một trong số đó là các chính sách xanh.
Sri Lanka đã tự chủ về sản xuất lương thực cho đến năm 2021. Tổng thống khi đó là Gotabaya Rajapaksa đã ban hành lệnh cấm đối với tất cả phân bón và thuốc trừ sâu tổng hợp nhằm thúc đẩy “nông nghiệp hữu cơ”.
Sản lượng gạo, một loại lương thực chính ở Sri Lanka, đã giảm từ 40 đến 50% trên toàn quốc. Giá thực phẩm tăng hơn 80% và hiện đang thiếu hụt trầm trọng, dẫn đến tình trạng thiếu dinh dưỡng và thiếu ăn lan rộng.
Ông Michael Shellenberger, một nhà phân tích tự do chuyên về các vấn đề môi trường, đã giải thích trên blog của mình về điều đã xảy ra. Ông nói rằng các nhà lãnh đạo Sri Lanka “bị mê hoặc bởi giới tinh hoa xanh phương Tây đang rao bán nông nghiệp hữu cơ và ‘ESG’”. Các nhà lãnh đạo Sri Lanka đã hoàn toàn tin tưởng vào những câu chuyện hoang đường rằng sẽ không có rắc rối gì với canh tác hữu cơ và thuốc trừ sâu và phân bón là rất nguy hiểm.
Những người ủng hộ môi trường đã có được những gì họ mong muốn. “Sri Lanka có điểm ESG gần như hoàn hảo (98), cao hơn Thụy Điển (96) hay Mỹ (51)”, theo ông Shellenberger. Nhưng Sri Lanka cũng đồng thời không thể nuôi sống người dân của nó và đã cạn kiệt gần như tất cả mọi thứ.
Hiện đất nước đang áp dụng luật tình trạng khẩn cấp, và thực phẩm đang được chuyển đến để ngăn chặn tình trạng đói ăn hay thậm chí là nạn đói. Mức sống đã giảm một nửa hoặc hơn đối với hầu hết các cư dân. Nhiều thập kỷ phát triển kinh tế đã bị xóa sổ.
Nạn nhân của lời hứa hão huyền
Câu chuyện này sẽ lặp lại bao nhiêu lần nữa? Sự nổi lên của phe cánh tả cùng với sự giúp sức của các nhà bảo vệ môi trường xanh cấp tiến đã hủy diệt hết quốc gia này đến quốc gia khác. Chile đã trở nên giàu có khi áp dụng các chính sách đúng đắn vào những năm 70, 80 và 90, nhưng giờ đây, nước này đã có các nhà lãnh đạo theo hướng cánh tả và sự phát triển kinh tế mà nó đạt được đang phai nhạt nhanh chóng. Colombia đã đi đúng hướng cho đến tháng trước, khi một chính quyền cánh tả được bầu ra. Nguồn vốn hiện đang chảy tự do ra khỏi đất nước. Câu chuyện đau lòng tương tự có thể được kể về Cuba, Venezuela và Argentina.
Những chính sách đưa đến thịnh vượng đang bị che mờ bởi những lời kêu gọi bình đẳng, công lý và cứu hành tinh. 20 triệu người dân của Sri Lanka là nạn nhân mới nhất của những lời hứa hão huyền này. Liệu chúng ta có rút ra được bài học?
Bảo Nguyên