Chính sách ‘Zero-COVID’ của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã gây thiệt hại không chỉ cho các công ty ở Trung Quốc mà còn với nhiều doanh nghiệp nước ngoài, làm lạm phát leo thang. Theo đó, thương hiệu Louis Vuitton (LVMH) cũng không tránh khỏi bị liên lụy. Tuy nhiên, sự phục hồi du lịch và tiêu dùng ở châu Âu và Hoa Kỳ đã mang lại cho thương hiệu xa xỉ này lợi thế riêng.
Doanh thu của Louis Vuitton trong Quý II đã vượt ước tính khi tăng 19% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn dự báo trung bình là 11% mà giới phân tích đưa ra, nhưng giảm so với mức tăng 23% của trước đó 3 tháng. Dù vậy tình hình này cũng rất khả quan, đặc biệt là vào thời điểm ĐCSTQ phong tỏa gây ra hỗn loạn trên thị trường Trung Quốc, cũng như tình hình lạm phát kinh tế và chiến tranh ở Ukraine đã ảnh hưởng xấu đến tiêu dùng.
Thương hiệu Louis Vuitton tên đầy đủ là LVMH Moët Hennessy Louis Vuitton, còn được gọi tắt là LVMH, là tập đoàn xa xỉ đa quốc gia lớn nhất thế giới có trụ sở chính tại Paris – Pháp.
Sự hồi sinh của du lịch châu Âu và hồi sinh của doanh số bán hàng tại Mỹ đã giúp Louis Vuitton bù đắp những tổn thất cho hoạt động kinh doanh của họ ở Trung Quốc do chính sách ‘Zero-COVID’ của ĐCSTQ gây ra.
Trung Quốc là thị trường lớn thứ 2 của ngành hàng xa xỉ toàn cầu, nhưng các cửa hàng đã buộc phải đóng cửa theo đợt phong tỏa COVID-19 cực đoan mới nhất của ĐCSTQ, đồng thời cũng khiến ít khách du lịch Trung Quốc đến châu Âu chi tiêu hơn. Thực trạng này đã khiến doanh thu của Louis Vuitton giảm mạnh trong năm nay, tuy nhiên vẫn có thể duy trì được sự tăng trưởng trong liên tiếp 2 quý đầu của năm.
Giám đốc tài chính Jean Jacques Guiony của Louis Vuitton nói với Financial Times: “Chúng tôi đã bị cú sốc từ Trung Quốc do nền kinh tế nước này tụt dốc mà không có phương thuốc nào hóa giải được”. Ông nói thêm rằng có một “dấu hỏi lớn” về triển vọng thị trường Trung Quốc khi chúng tôi không thể dự đoán được liệu những đợt phong tỏa tàn bạo như vậy có quay trở lại hay không.
Vào năm 2020, sau đợt phong tỏa đầu tiên của ĐCSTQ, từng có dạo người tiêu dùng Trung Quốc như muốn chi tiêu “trả thù” khiến tình hình kinh doanh khả quan. Nhưng khi chính sách ‘Zero-COVID’ được thực hiện lâu dài, đông đảo người Trung Quốc ngày càng lo ngại cho sinh kế nên họ phải thắt chặt hầu bao.
Tập đoàn Louis Vuitton cho biết lệnh phong tỏa gần đây của ĐCSTQ khiến lượng khách hàng của họ thấp hơn nhiều so với cùng kỳ năm ngoái làm doanh số bán hàng tại Trung Quốc trong Quý II đã giảm hai con số.
Nhưng ông Guiony chia sẻ rằng phục hồi ở các nước khác của ‘gã khổng lồ’ hàng xa xỉ này đang tốt: Sự trở lại của khách du lịch từ châu Âu, Mỹ và thế mạnh của đồng USD đang thúc đẩy chi tiêu ở các thủ đô mua sắm như Paris và Milan.
“Louis Vuitton thường được biết đến là một trong những thương hiệu hàng đầu trong ngành công nghiệp xa xỉ, nhưng dù chịu những khó khăn thì hãng cũng cố gắng giữ tinh thần lạc quan và tự tin”, ông Guiony nói.
Ngoài tương lai không chắc chắn của Trung Quốc, lạm phát đang gia tăng trên toàn thế giới gây thách thức ngày càng tăng đối với các nhà sản xuất. Riêng trong ngành công nghiệp xa xỉ phải kể như chi phí vận chuyển cao hơn hoặc giá nguyên liệu thô như vàng cao hơn.
Tuy vậy, các thương hiệu cao cấp từ lâu đã được biết đến với tài năng chuyển vấn đề tăng chi phí cho người tiêu dùng. Công ty cho biết hiện nay Louis Vuitton đang tận hưởng “chuyến đi tuyệt đẹp” ở Mỹ, trong nửa đầu năm nay họ đã tăng giá hàng thời trang và da từ 3% đến 7% nhưng người tiêu dùng không phàn nàn gì.
Người Mỹ đang chi tiêu ít hơn khiến hôm thứ Hai (25/7), Walmart Inc. phải một lần nữa đưa ra cảnh báo lợi nhuận cách cảnh báo trước đó mới chưa đầy 2 tháng. Dù vậy, những người Mỹ giàu có hơn, bao gồm cả khách du lịch Mỹ quay trở lại châu Âu, vẫn không hạn chế chi tiêu. Cả hai bên bờ Đại Tây Dương đều còn nguyên nhu cầu về rượu Champagne và trang sức Dior. Điều đó kỳ vọng sẽ giúp Louis Vuitton giảm thiểu tác động của lạm phát.
Trong nửa đầu năm 2022, Louis Vuitton đã báo cáo lợi nhuận hoạt động và tỷ suất lợi nhuận cao hơn: Thu nhập chính tăng 34% so với một năm trước đó lên mức 10,2 tỷ euro, trong khi lợi nhuận ròng tăng 23% lên 6,5 tỷ euro, dòng tiền tự do đạt hơn 4 tỷ euro (4,1 tỷ USD) trong nửa đầu năm, khoản tiền vay của Louis Vuitton đã giảm kể từ khi mua lại Tiffany vào đầu năm ngoái, trong đó mảng có lợi nhuận cao thứ 2 lại là bộ phận rượu vang và rượu mạnh.
Bloomberg đưa tin rằng nếu những người mua sắm xa xỉ cắt giảm chi tiêu, chẳng hạn như mỗi năm chỉ mua một chiếc túi xách thay vì hai chiếc trước đó, thì họ lại theo xu hướng tập trung vào những thương hiệu mạnh nhất.
Theo Lý Ngôn, Epoch Times