Đưa ảnh quan chức ‘ngã ngựa’ minh họa cho bài nhạc: ‘Ca khúc của tôi phục vụ chính trị’

Hình ảnh ông Chu Ngọc Anh và ông Nguyễn Thanh Long trong một tiết mục hợp xướng tại Đại hội Hội liên hiệp Văn học nghệ thuật Hà Nội năm 2022. (Ảnh: dẫn qua Ban Thị Xuân Ban/Facebook)

Nhạc sĩ Lân Cường – Trưởng Ban Kiểm tra Hội Âm nhạc Hà Nội, tác giả của bài hợp xướng “Sau lời tuyên thệ” khẳng định việc đưa ảnh các quan chức bị khởi tố, kết án để minh họa cho lời bài hát “không có gì sai trái” và người nào đưa hình ảnh không cùng với lời hát là “muốn bôi nhọ danh dự nhạc sĩ của tôi”.

Đại hội đại biểu lần thứ 13 Hội Liên hiệp văn học nghệ thuật Hà Nội 2022 diễn ra trong hai ngày 26-27/7 tại Hà Nội, do Hội Liên hiệp văn học nghệ thuật Hà Nội tổ chức với khoảng 800 đại biểu và 30 khách mời.

Tuy nhiên, sau khi chương trình ca nhạc vào sáng 27/7 tại sự kiện trên, nhiều người dùng mạng xã hội Facebook đưa ra ý kiến về một tiết mục ca nhạc sử dụng hình ảnh nhiều quan chức bị khởi tố, kết án để minh họa.

Hình ảnh các ông Chu Ngọc Anh – nguyên Chủ tịch UBND TP Hà Nội, ông Nguyễn Thanh Long – nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế, ông Trịnh Xuân Thanh – nguyên Phó chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, ông Nguyễn Bắc Son – nguyên Bộ trưởng Bộ TT-TT… xuất hiện trên màn hình lớn trong tiết mục thứ ba – hợp xướng “Sau lời tuyên thệ”, do nhạc sĩ Lân Cường – người phổ nhạc bắt nhịp.

Qua tài khoản Facebook cá nhân, nhà văn Y Ban cho hay đã liên lạc với nhạc sĩ Lân Cường, được ông nhờ chuyển lời rằng bài hợp xướng được phổ nhạc từ bài thơ “Lời tuyên thệ” của Lê Cảnh Nhạc. Sau khi phổ nhạc, ông Cường thêm chữ “sau”, thành “Sau lời tuyên thệ”.

“Vì sau lời tuyên thệ đã có nhiều Đảng viên không giữ trọn lời tuyên thệ của mình”, ông Cường nói, cho rằng bài hợp xướng “như một lời cảnh tỉnh cho tất cả Đảng viên”.

“Tôi vẫn nghĩ ca khúc của tôi là phục vụ chính trị kịp thời. Việc đưa ảnh các ủy viên TW Đảng và các đảng viên khác xen kẽ trong lời bài hát không có gì sai trái. Những người nào đưa hình ảnh bài hát lên nhưng lại không có lời bình luận về lời của bài hát rõ ràng có ý xấu muốn bôi nhọ danh dự là nhạc sĩ của tôi”, ông Cường khẳng định.

Về phía mình, nhà văn Y Ban cho rằng “bài hát rất có sự kiên định chính trị với sự minh họa bám rất sát chủ đề, tuy có hơi sống sượng, phù hợp vào các dịp tổng kết cuối năm của công an bắt tội phạm hoặc của ngành tư pháp… chứ không phải hát trong Đại hội của văn nghệ sỹ Thủ đô”.

Trên báo Sài Gòn Giải Phóng, nhạc sĩ Lân Cường nói đã cân nhắc có dùng gạch chéo trên những hình ảnh đó không, rằng “những kẻ đã làm mất hàng ngàn tỷ của nhân dân thì phải bị lên án, bị nhận diện”… Mặc dù khẳng định mình làm đúng, ông này cho hay để tránh sự hiểu lầm, tránh để bị lợi dụng…, ông sẽ biên tập và chỉnh sửa phần minh họa này.


Thêm hình ảnh 6 quan chức được sử dụng để minh họa cho lời bài hát “Sau lời tuyên thệ” của nhạc sĩ Lân Cường tại buổi đại hội. (Ảnh: dẫn qua Ban Thị Xuân Ban/Facebook)

Những ý kiến phản đối cho rằng việc đưa hình ảnh quan chức đã bị khởi tố, kết án phóng lớn trong một chương trình như trên là phản cảm, dù những người tổ chức cho rằng điều đó nhằm mục đích phê phán, phản tỉnh.

Luật sư Nguyễn Đăng Tư (Công ty Luật TNHH TriLaw, Đoàn luật sư TP.HCM) nhận định việc đưa hình ảnh quan chức lên minh họa cho nội dung ca nhạc như trên là “vi phạm quyền con người, vi phạm quyền hình ảnh một cách nghiêm trọng”.

Nhà báo Nguyễn Tiến Tường cho hay: “Ai cũng hiểu đây là một chương trình phê phán tham nhũng”, nhưng cách tổ chức chương trình nghệ thuật như trên là “nhộn nhạo, hổ lốn, ăn theo nói leo, không hiểu gì về cuộc sống”.

Nhà báo Hoàng Linh cho rằng việc đưa hình ảnh các ông Chu Ngọc Anh, Nguyễn Thanh Long… trên màn hình trong tiết mục hợp xướng là một hành động “công nhiên sỉ nhục”.

“Pháp luật điều chỉnh hành vi của mỗi người, mỗi người có mức án có nghĩa vụ phải thực hiện. Không ai có quyền xúc phạm những người đó, dù là bị can, bị cáo hay là phạm nhân”, ông Linh đưa ra quan điểm trên kênh Youtube cá nhân.

Minh Sơn

Related posts