Mộc Vệ
Vào ngày 29/7, Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi đã dẫn đầu phái đoàn Quốc hội Mỹ bắt đầu chuyến thăm châu Á, có liệt kê Đài Loan là quốc gia “dự kiến” đến. Trước chuyến đi này giới chức Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã có nhiều cảnh báo, trong một cảnh báo mới cho thấy khả năng họ sẽ tập trận bắn đạn thật tại vùng biển Phúc Kiến gần Đài Loan.
NBC trích dẫn hai nguồn tin cho biết phái đoàn Quốc hội Mỹ do Chủ tịch Hạ viện Pelosi dẫn đầu đã rời Washington vào thứ Sáu, tuy nhiên không chắc chắn có đi đến Đài Loan hay không. Một trong hai nguồn tin cho hay vào chiều thứ Năm, rằng hành trình cho chuyến thăm bao gồm Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia và Singapore, còn Đài Loan đã được đánh dấu là “dự kiến”.
Bloomberg cũng đưa tin rằng phái đoàn của bà Pelosi đã khởi hành vào thứ Sáu (29/7) – ngày làm việc cuối cùng trước thời gian tạm nghỉ ngơi vào tháng Tám.
Ngoài ra, được biết bà Pelosi đã mời một số nhà lập pháp cấp cao đến Đài Loan, bao gồm Chủ tịch Gregory Meeks của Ủy ban Đối ngoại Hạ viện, Chủ tịch Mark Takano của Ủy ban Các vấn đề Cựu chiến binh Hạ viện mà năm trước đã dẫn đầu một phái đoàn đến thăm Đài Loan. Một số nghị sĩ lưỡng đảng được mời bao gồm cả ông McCall, nhưng do xung đột lịch trình nên chưa thống nhất.
ĐCSTQ đã có phản ứng mạnh sau khi tờ Financial Times tiết lộ kế hoạch chuyến thăm của bà Pelosi. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao và Bộ Quốc phòng Trung Quốc đã nhiều lần cảnh báo rằng chuyến thăm Đài Loan của bà Pelosi sẽ để lại hậu quả nghiêm trọng.
Hôm thứ Năm, lãnh đạo ĐCSTQ Tập Cận Bình đã có những lời lẽ gay gắt trong cuộc điện đàm với Tổng thống Mỹ Joe Biden, đe dọa về vấn đề Đài Loan rằng “đùa với lửa ắt sẽ tự thiêu”, đồng thời nhắc lại phản đối kiên quyết của ông đối với cái gọi là “Đài Loan độc lập” và can thiệp bởi nước ngoài. Trong khi đó, Tổng thống Biden bày tỏ quan điểm phản đối việc phá hoại hòa bình và ổn định trên eo biển Đài Loan.
Ông Rick Larsen phe Dân chủ là đồng chủ tịch Nhóm công tác lưỡng đảng Mỹ-Trung Quốc nói với NBC, rằng các quan chức ĐCSTQ đã yêu cầu ông cố gắng ngăn cản bà Pelosi đến Đài Loan. Ông tiết lộ vào thứ Hai một quan chức từ Tổng Lãnh sự quán ĐCSTQ ở San Francisco đã gặp ông đưa ra yêu cầu tương tự khi ông đến khu vực bầu cử của ông. “Tôi nghĩ nỗ lực của ĐCSTQ nhằm gây áp lực với bất kỳ thành viên nào của Quốc hội Mỹ đối với bất kỳ chuyến thăm nào cũng là tính toán sai lầm lớn, nói gì đến chuyến thăm này”, ông nói.
Kế hoạch bảo vệ an ninh cho bà Pelosi
Quân đội Mỹ đã xây dựng một kế hoạch bảo vệ an ninh cho bà Pelosi: tăng cường lực lượng ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương; trong thời gian chuyến bay của bà Pelosi đến Đài Loan và khi bà Pelosi ở Đài Loan, sẽ điều động máy bay chiến đấu, tàu chiến và máy bay trinh sát, cùng các công trình quân sự khác để bảo vệ chéo nhiều lớp cho bà Chủ tịch Hạ viện.
Đồng thời, nhóm tác chiến tàu sân bay USS Ronald Reagan đã trở lại Biển Đông để tuần tra định kỳ sau kết thúc chuyến thăm Singapore hôm thứ Ba (26/7). Các máy bay chiến đấu cánh cố định và cánh quay trên tàu sân bay Ronald Reagan sẽ huấn luyện tác chiến cất cánh và hạ cánh, các cuộc tấn công trên biển và phối hợp trên biển-trên không.
Đối đầu với ĐCSTQ đã trở thành một trong những đồng thuận hiếm hoi của lưỡng đảng trong Quốc hội Mỹ. Vào ngày diễn ra cuộc điện đàm thứ 5 giữa Tập và Biden (28/7), Quốc hội Mỹ đã thông qua “Đạo luật chip” mang tính lịch sử để trợ cấp cho ngành công nghiệp bán dẫn trong nước, Tổng thống Biden dự kiến sẽ sớm ký thành luật để tăng cường khả năng cạnh tranh chống lại ĐCSTQ. Vấn đề về chuỗi cung ứng chip ảnh hưởng đến các ngành công nghiệp như ô tô và vũ khí đã trở thành một vấn đề an ninh quốc gia Mỹ.
ĐCSTQ tuyên bố tập trận bắn đạn thật ở Phúc Kiến
Về diễn biến căng thẳng này, mạng xã hội Trung Quốc gần đây đã tràn ngập những lời bàn tán về việc máy bay quân sự ĐCSTQ tiếp cận máy bay của bà Pelosi và thậm chí tiến vào Đài Loan.
Gần đây, có thông tin cho rằng quân đội ĐCSTQ có thể sẽ tiến hành các cuộc tập trận để đáp lại chuyến thăm của Pelosi tới Đài Loan, và địa điểm được chọn Bình Đàm – Phúc Kiến chỉ cách Đài Loan 125 km.
Theo thông báo của Cơ quan An toàn Hàng hải Bình Đàm – Phúc Kiến ngày 28/7, từ 8:00 sáng đến 21:00 ngày 30/7 các cuộc huấn luyện bắn đạn thật sẽ được tiến hành tại vùng biển gần đảo Yiqiyu ở Bình Đàm tỉnh Phúc Kiến, theo đó cấm tất cả tàu đi vào. Phạm vi phong tỏa trong thông báo gồm thủy vực kết nối 4 điểm tọa độ:
A:25°25′27″N/119°48′15″E,
B:25°21′55″N/119°44′35″E,
C:25°14′45″N/119°48′17″E,
D:25°22′10″N/119°53′27″E.
Ngoài ra, cộng đồng mạng Weibo Trung Quốc đã đăng lại một thông báo của một đơn vị của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc đóng tại Phúc Kiến, cho hay từ 8:00 sáng đến 21:00 tối ngày 30/7 yêu cầu ngư dân không đi biển vào phạm vi phong tỏa cụ thể là:
A: 119°44’35”,25°21’55”
B: 119°48’15”,25°25’27”
C: 119°53’27”,25°22’10”
D: 119°48’17”,25°14’45”.
Theo phạm vi của cuộc tập trận, quân đội ĐCSTQ chỉ tiến hành bắn đạn thật ở khu vực nhỏ, tuy nhiên vì Bình Đàm gần Đài Loan nên từ năm 2009, ĐCSTQ đã thành lập “Khu thực nghiệm chung Phúc Châu” (Bình Đàm) nhằm tìm kiếm xây dựng thành khu vực trình diễn hợp tác xuyên eo biển, vì vậy tin tức về cuộc tập trận này đã gây những suy đoán từ giới quan sát.
Bloomberg dẫn lời chuyên gia chính sách quốc phòng Ấn Độ – Thái Bình Dương Blake Herzinger chỉ ra, dù có thể quân đội ĐCSTQ tăng cường tuần tra trên biển và trên không trong chuyến thăm có thể xảy ra của bà Pelosi tới Đài Loan, nhưng không nhiều khả năng có tình huống nghiêm trọng. “Nếu ĐCSTQ lên kế hoạch cho một cuộc xâm lược vào Đài Loan, có thể bắt đầu từ tuần sau, vậy thì đồng nghĩa họ sẽ tự sát”, ông nhận định.
Còn nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Kinh tế Quốc tế Peterson là Martin Chorzempa cho rằng ĐCSTQ cố tình phóng đại vấn đề Đài Loan để chuyển hướng chú ý của cộng đồng quốc tế đối với thế tiến thoái lưỡng nan của kinh tế Trung Quốc, nhưng nếu ĐCSTQ đưa ra “những hành động mạnh mẽ có thể kích hoạt các lệnh trừng phạt của Mỹ”, điều đó sẽ có tác động rất lớn đến Trung Quốc và nền kinh tế thế giới”.
Mộc Vệ