Ngân Hà
Hôm thứ Ba, cựu Chủ tịch Hạ viện Gingrich nói với Fox News rằng khi đến thăm hòn đảo, ông đã đạt được một số thỏa thuận với Bắc Kinh trước đó. Ông đã đến thăm Nhật Bản trước Đài Loan để tránh đi thẳng đến hòn đảo từ Đại lục.
Chủ tịch Hạ viện xếp hàng thứ 3 trong danh sách kế vị Tổng thống Hoa Kỳ và bà Pelosi là chính trị gia Hoa Kỳ cấp cao nhất đến thăm hòn đảo kể từ chuyến đi của ông Gingrich năm 1997. Hôm thứ Ba, đại sứ Trung Quốc tại Mỹ Qin Gang nói với CNN rằng chuyến thăm năm 1997 là “hoàn toàn sai lầm”.
Ông Qin nói: “Phía Trung Quốc đã kiên quyết phản đối điều đó ngay từ đầu. “Phía Hoa Kỳ nên rút ra bài học kinh nghiệm, thay vì lặp đi lặp lại những sai lầm đó, và một sai lầm không thể biện minh cho những sai lầm tiếp theo.”
Tuy nhiên, vào năm 1997, Bắc Kinh hầu như im lặng trước chuyến thăm của ông Gingrich, trái ngược hoàn toàn với những lời đe dọa rầm rộ và các cuộc tập trận bắn đạn thật xung quanh hòn đảo trong chuyến đi lần này của bà Pelosi.
Su Hao, giáo sư quan hệ quốc tế tại Đại học Ngoại giao Trung Quốc, cho biết Bắc Kinh nhìn nhận ý định đằng sau hai chuyến thăm là khác nhau.
Năm 1997, việc xây dựng mối quan hệ chặt chẽ hơn giữa Mỹ và Trung Quốc là mục tiêu cao trong chương trình nghị sự của cả đảng Cộng hòa và đảng Dân chủ ở Washington.
“Vào thời điểm đó, quan hệ song phương đang được cải thiện và có xu hướng hợp tác giữa hai nước”, ông Su nói, lưu ý rằng ông Gingrich đã gặp Chủ tịch Giang Trạch Dân và thủ tướng Lý Bằng vào năm 1997, cũng như Wang Daohan, cựu thị trưởng Thượng Hải và một trong số quan chức hàng đầu của Trung Quốc về quan hệ xuyên eo biển.
“Nhưng bây giờ, bà Pelosi đã bất chấp cảnh báo từ Trung Quốc và chuyến thăm được tiến hành rất khiêu khích, rầm rộ.”
Ông Gingrich đã đến thăm ngay trước khi Hồng Kông chuyển giao cho Trung Quốc cai trị – thời điểm mà Bắc Kinh không muốn để các tranh chấp với Mỹ làm loãng đi bầu không khí.
Cả hai bên cũng mong muốn cải thiện quan hệ vốn đang căng thẳng sau chuyến thăm Mỹ của Tổng thống Đài Loan Lee Tung-hui vào năm 1995 và một loạt vụ phóng tên lửa sau đó của PLA ở eo biển Đài Loan.
Ông Gingrich, người đã dẫn đầu chiến dịch chấm dứt các lệnh trừng phạt đối với Bắc Kinh sau cuộc đàn áp đẫm máu ở Thiên An Môn năm 1989, cũng bày tỏ sự ủng hộ đối với quan điểm của chính phủ Trung Quốc rằng Đài Loan và Trung Quốc là một phần của cùng một quốc gia.
Văn phòng của Tổng thống Lee đã đưa ra một tuyên bố sau chuyến thăm của ông Gingrich, nói rằng “không cần phải tuyên bố độc lập” vì “Trung Hoa Dân Quốc [tên chính thức được sử dụng cho hòn đảo] là một quốc gia có chủ quyền độc lập”.
Tuy nhiên, hiện nay căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc đang gia tăng và hành trình của bà Pelosi tới Đài Loan đã chạm vào nhiều điểm nhức nhối của Bắc Kinh.
Không giống như ông Gingrich chỉ dừng lại Đài Loan 3 giờ đồng hồ, bà Pelosi đã ở lại qua đêm và gặp Tổng thống Thái Anh Văn, các nhà lập pháp, bất đồng chính kiến và các nhà hoạt động nhân quyền.
Mặc dù Tổng thống Mỹ đã cố gắng thuyết phục Bắc Kinh rằng Quốc hội là một nhánh riêng khác với Nhà Trắng, ông Tập Cận Bình đã cảnh báo ông Biden trong cuộc điện đàm gần đây rằng Washington không nên “đùa với lửa” đối với vấn đề Đài Loan.
“Bản chất của mối quan hệ song phương giữa Trung Quốc và Mỹ đã thay đổi và vấn đề Đài Loan đang được sử dụng trong nỗ lực của Washington nhằm kiềm chế Trung Quốc”, Wang Yong, một giáo sư của Đại học Bắc Kinh cho biết.
Sự thù địch của lưỡng đảng đối với Bắc Kinh cũng đang gia tăng ở Washington, ông Wang lưu ý. Ông nói: “Cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa đang cạnh tranh để áp dụng các chính sách cứng rắn đối với Trung Quốc và thông qua việc bán vũ khí cho Đài Loan, nên vấn đề Đài Loan ngày càng được coi là một phần của các cuộc đối đầu ý thức hệ.”
“Trung Quốc có phản ứng mạnh mẽ, bởi vì vấn đề Đài Loan là lợi ích quốc gia cốt lõi của Trung Quốc,” ông nói thêm.
Ngân Hà (theo SCMP)