Xuân Hoa
Việc Bộ Quốc phòng Đài Loan không bắn hạ, cũng không đưa ra cảnh báo không kích, khi Trung Quốc bắn một số tên lửa đạn đạo ở gần vùng biển Đài Loan hôm thứ 5 đã gây ra phản ứng trái chiều từ giới chuyên gia, nhà bình luận và công chúng.
Trong một tuyên bố đưa ra vào hôm thứ 5 (04/08), Bộ Quốc phòng Đài Loan cho biết Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) đã bắn 11 tên lửa đạn đạo Dongfeng về phía Đài Loan. Bộ Quốc phòng Nhật Bản sau đó nói rằng 5 tên lửa đã rơi xuống vùng đặc quyền kinh tế của Nhật và 4 tên lửa trong số đó có khả năng đã được bắn qua Đài Loan.
Không đánh chặn tên lửa của Trung Quốc
Nhiều người đã đặt câu hỏi tại sao quân đội Đài Loan không sử dụng hệ thống phòng không của họ, chẳng hạn như tên lửa Patriot, để đánh chặn tên lửa của Trung Quốc.
Nhà phân tích Su Tzu-yun tại Viện Nghiên cứu Quốc phòng và An ninh Đài Loan nói với CNA – hãng thông tấn quốc gia Đài Loan – rằng theo dữ liệu do Bộ Quốc phòng Nhật Bản công bố, tầm di chuyển của 4 tên lửa nằm trong khoảng từ 500 đến 700 km.
Theo kiến thức vật lý chuyên ngành, độ dài quỹ đạo của một viên đạn được tính bằng 2 lần độ cao tối đa của nó, điều này cho thấy 4 tên lửa bắn qua Đài Loan đạt đỉnh ở độ cao hơn 250 km, ông Su cho biết.
Đoạn video do PLA công bố cho thấy chúng có khả năng là tên lửa đạn đạo Dongfeng-15B, được phóng từ Căn cứ số 61 của Lực lượng Tên lửa PLA ở tỉnh An Huy, nằm cách khu vực đích đến 850 km, có nghĩa là chúng có khả năng ở ngoài không gian khi đi qua Đài Loan.
Trích dẫn Hiệp ước bên ngoài không gian của Liên Hợp Quốc, ông Su cho biết độ cao ở mức đó không nằm trong không phận của bất kỳ quốc gia nào; vì vậy tên lửa đã không xâm phạm không phận của Đài Loan và ít gây ra đe dọa cho quốc đảo độc lập.
Ông Su nói thêm, vụ phóng tên lửa là một phần trong “cuộc chiến tranh tâm lý” của Trung Quốc nhằm vào Đài Loan.
Giám đốc Trung tâm Phân tích An ninh Đài Loan Mei Fu-shing cũng bày tỏ quan điểm tương tự, nhưng ông ước tính rằng 4 tên lửa đã đạt đỉnh ở độ cao 150 km. Điều đó có nghĩa là chúng đã ở độ cao hơn 100 km khi bay qua Đài Loan. Trung Quốc có lẽ đã tránh xâm phạm không phận của Đài Loan để không vi phạm luật pháp quốc tế và tránh nguy cơ bị khiếu nại, ông Mei nói.
Dựa trên phân tích của ông Su Tzu-yun và ông Mei Fu-shing, có thể hiểu tại sao Đài Loan không sử dụng hệ thống tên lửa của họ để đánh chặn Bắc Kinh. Tên lửa Dongfeng của Trung Quốc bay qua Đài Loan trong giai đoạn giữa hành trình trong không gian, không nằm trong không phận Đài Loan.
Tuy vậy, đây không phải là vấn đề duy nhất đang được thảo luận sôi nổi. Một số người cũng đặt câu hỏi tại sao công chúng Đài Loan không được thông báo về hành trình của tên lửa Trung Quốc.
Làm suy yếu đòn chiến tranh tâm lý của Bắc Kinh
Hôm thứ 5 (04/08), Bộ Quốc phòng Đài Loan không đưa ra bất kỳ chi tiết cụ thể nào về đường đi của các tên lửa. Thông tin này đã gây ra nhiều tranh cãi về sự thiếu minh bạch của bộ này.
Trước vấn đề này, ông Chou Yu-ping, cựu quan chức Bộ Tư lệnh Tên lửa và Phòng không Không quân Đài Loan, cho biết 4 tên lửa được cho là bắn qua Đài Loan đã rơi xuống bên ngoài lãnh hải Đài Loan, theo Focus Taiwan.
Nếu chúng rơi trong lãnh hải của Đài Loan, đó sẽ là một tình huống chiến lược hoàn toàn khác và sẽ có tác động lớn đến cuộc sống của người dân Đài Loan, ông Chou nói.
Bộ Quốc Phòng Đài Loan rất có thể đã xác định đích đến của các tên lửa, dựa trên phân tích quỹ đạo do trạm radar Lạc Sơn ở huyện Tân Trúc thực hiện; có lẽ họ đã quyết định không thông báo cho công chúng Đài Loan để tránh gây căng thẳng, ông Chou phân tích.
Còn theo ông Mei, việc Đài Bắc quyết định không đưa ra cảnh báo không kích hoặc thậm chí không xác nhận rằng tên lửa đã bay qua Đài Loan có thể gây bất ngờ cho Bắc Kinh và làm suy yếu đòn chiến tranh tâm lý của Bắc Kinh.
Tuy nhiên, ông Chang Yen-ting, cựu Phó Tổng Tư lệnh Lực lượng Không quân Đài Loan, lại không đồng tình với quan điểm trên. Ông cho biết Bộ Quốc phòng Đài Loan lẽ ra nên phát đi cảnh báo để thông báo cho người dân Đài Loan về các tên lửa, đồng thời cần nêu chi tiết về các loại tên lửa cùng bất kỳ nỗ lực nào đang được thực hiện để đánh chặn chúng và lý do tại sao.
Ông Chang nói Bộ Quốc phòng Đài Loan nên soạn thảo những thông điệp như vậy từ trước để có thể phát chúng đi kịp thời.
Vì chỉ còn là vấn đề thời gian trước khi người dân Đài Loan có được những thông tin đó, Bộ Quốc phòng Đài Loan nên minh bạch và cởi mở hơn. Điều này sẽ cho thấy rằng Đài Loan luôn kiểm soát được tình hình trong bất kỳ cuộc chiến thông tin nào với Trung Quốc, ông nói.
Việc Tokyo là bên đầu tiên công bố thông tin chi tiết về đường bay của tên lửa đã chứng tỏ giá trị của câu khẩu hiệu đang được lan truyền phổ biến hiện nay: “Vấn đề của Đài Loan là vấn đề của Nhật Bản”, ông Chang cho biết thêm.
Xuân Hoa