Tình trạng của các ngân hàng ở Trung Quốc chiếm ưu thế trong những lo ngại về nền kinh tế và tăng trưởng toàn cầu. Hình ảnh đám đông giận dữ bên ngoài các ngân hàng và xe tăng trên đường phố ở một thành phố để dập tắt sự bất mãn về việc không thể rút tiền, đã đặt câu hỏi về tình trạng thực sự của các ngân hàng Trung Quốc.
Về mặt chính thức, các ngân hàng Trung Quốc đang hoạt động tốt. Các khoản nợ xấu thấp và được xử lý một cách có kiểm soát. Các ngân hàng vẫn thoải mái trong giới hạn quy định về tăng trưởng cho vay, và tiền gửi tiếp tục tăng. Tuy nhiên, cũng như đối với tất cả mọi thứ ở Trung Quốc, một cái nhìn đằng sau các số liệu thống kê chính thức cho thấy nguyên nhân đáng lo ngại.
Thứ nhất, các phân loại khoản vay ở Trung Quốc không nắm bắt được mức độ rủi ro vỡ nợ thực sự. Việc phân loại các khoản cho vay ở Trung Quốc nổi tiếng là linh hoạt, vì vậy các ngân hàng Trung Quốc có thể đặt ra các tiêu chuẩn cho các khoản cho vay được phân loại là nợ xấu mà có thể không vượt qua được sự giám sát của cơ quan quản lý ở các nước khác, một thực tế mà họ công khai thừa nhận.
Trong khi khoản thanh toán lãi suất ở hầu hết các lãnh thổ quá hạn 90 ngày sẽ bị thay đổi phân loại, một số ngân hàng Trung Quốc cho biết họ không thay đổi phân loại khoản vay thành nghi ngờ cho đến khi “hoạt động của bên vay bị đình chỉ trong ít nhất nửa năm.” Việc ngừng hoạt động của một công ty sẽ làm cho bất kỳ khoản nợ chưa thanh toán nào trở nên đáng ngờ.
Thứ hai, các ngân hàng Trung Quốc có tỷ lệ đòn bẩy cao và thiếu vốn. Tỷ lệ dự trữ có trọng số đối với tất cả các ngân hàng ở Trung Quốc hiện chỉ là 8.4% tổng vốn. Đây là mức giảm so với hơn 21% của một thập niên trước. Điều này có nghĩa là các ngân hàng Trung Quốc có ít vốn hơn đáng kể để xử lý các khoản lỗ và ít tiền mặt hơn để người gửi tiền rút. Những con số dự trữ này là con số chính thức, vì vậy ngay cả những thay đổi nhỏ đối với số nợ xấu, một vấn đề như vừa được lưu ý rất đáng ngờ, cũng có thể nhanh chóng khiến con số 8.4% đó nhỏ hơn.
Thứ ba, các ngân hàng đang đối mặt với làn sóng người đi vay khó khăn ngay khi vốn của họ đang ở mức thấp lịch sử, và họ đã làm giả dữ liệu trong một thời gian. Các chính quyền địa phương đã chứng kiến doanh thu sụt giảm do hoạt động kinh tế thấp hơn từ COVID-19 và địa ốc. Lĩnh vực địa ốc, chiếm khoảng 30% GDP, đang chịu áp lực rất lớn, với người mua và nhà phát triển đều cảm thấy áp lực. Nói cách khác, ngay khi ngân hàng cần số vốn đó nhất, thì ngân hàng có mức vốn thấp nhất trong nhiều năm.
Tin xấu là các lựa chọn có sẵn cho Bắc Kinh bị hạn chế do nhiều năm thúc đẩy chính sách tài khóa và tiền tệ mở rộng nhanh chóng để hỗ trợ tăng trưởng. Việc tái tạo vốn cho các ngân hàng sẽ cần một khoản tiền lớn vốn buộc phải có lạm phát hoặc phá giá đáng kể của đồng nhân dân tệ của Trung Quốc so với đồng USD. Do người tiêu dùng vay quá mức và giá địa ốc cao, người tiêu dùng không có tâm lý để vay thêm, trên thực tế là giải cứu chính quyền địa phương và các nhà phát triển.
Môi trường quốc tế cũng không dễ dàng hơn. Trong nhiều năm, Trung Quốc được hưởng lợi từ một chu kỳ kinh doanh đồng bộ với Hoa Kỳ. Tuy nhiên, Hoa Kỳ hiện đang nhanh chóng thắt chặt do lạm phát gần hai con số, khi Trung Quốc đang tìm cách giảm bớt áp lực tài chính đối với một nền kinh tế đang tăng trưởng nhanh chóng.
Khi lãi suất hội tụ giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ, điều đó gây áp lực lớn hơn đối với dòng vốn bỏ trốn khỏi Trung Quốc. Các ngân hàng Trung Quốc đã thắt chặt các giới hạn đối với việc chuyển tiền ra ngoại quốc bằng USD, nhưng sự thắt chặt đã chẳng giúp được mấy để ngăn chặn tình trạng rò rỉ dòng vốn ra khỏi Trung Quốc.
Thực tế phũ phàng là sự điều chỉnh lớn của giá tài sản Trung Quốc, và vốn ngân hàng là cần thiết để quay trở lại con đường bền vững hơn. Đia ốc ở các thành phố lớn của Trung Quốc ngày càng đắt đỏ hơn so với thu nhập, và những ngày tháng của những người tiết kiệm Trung Quốc đã là là dĩ vãng. Giờ đây, thực tế là người tiêu dùng và doanh nghiệp Trung Quốc là những người mắc nợ nhiều nhất trên thế giới, và tốc độ tăng trưởng đang giảm nhanh chóng. Không có lối thoát đơn giản. Thời kỳ sử dụng tăng trưởng nhanh để giải quyết các vấn đề đã qua rồi.
Ông Christopher Balding từng là giáo sư tại Đại học Fulbright Việt Nam và Trường Kinh doanh HSBC thuộc Trường Cao học Đại học Bắc Kinh. Ông chuyên về kinh tế Trung Quốc, thị trường tài chính và công nghệ. Là thành viên cao cấp của Hội Henry Jackson, ông đã sống ở Trung Quốc và Việt Nam hơn một thập kỷ trước khi chuyển đến Hoa Kỳ.
Vân Du biên dịch