Lê Văn Hưu và Đại Việt Sử Ký

Vị vua vĩ đại trong lịch sử Trung Hoa là Đường Thái Tông từng nói:

“Lấy đồng làm gương soi có thể sửa y phục cho ngay ngắn; lấy lịch sử làm gương soi có thể biết sự hưng vong của một triều đại; lấy người làm gương soi có thể biết là được hay mất”. (Tam kính luận)

Đại Việt sử ký toàn thư (Ảnh: Wikimedia Commons)

Điều đó cho thấy lịch sử đối với nền chính trị của một quốc gia là vô cùng quan trọng. Bản thân Sử cũng là một trong những loại sách quan trọng nhất trong văn minh phương Đông, nhất là các quốc gia Nho giáo. Kinh sử tử tập là bốn loại sách mà trí thức ngày xưa ai mà tinh thông sẽ được trọng vọng và có thể vào triều làm việc quốc gia đại sự. Sử chỉ xếp sau Kinh vốn là những loại sách từ các bậc Thánh nhân của Nho gia trước tác, là tấm gương ứng dụng Nho học vào đường lối xử thế và trị quốc.

Lê Văn Hưu, một bậc Đại Nho lỗi lạc với văn tài xuất chúng đã để lại cho hậu nhân nước Việt một trước tác quan trọng góp phần củng cố nền văn minh Đại Việt còn non trẻ.

Bảng nhãn đầu tiên của Đại Việt

Lê Văn Hưu (chữ Hán: 黎文休, 1230-1322) người làng Phủ Lý, huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa, nay thuộc xã Thiệu Trung, huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa. Ông là một nhà sử học đời nhà Trần, tác giả bộ Đại Việt sử ký, bộ quốc sử đầu tiên của Việt Nam. Bộ sách này đã thất lạc trong chiến loạn nhưng nhờ nó mà sử gia Ngô Sĩ Liên đã dựa vào để soạn bộ Đại Việt sử ký toàn thư. Ông là Bảng nhãn đầu tiên của Đại Việt, đỗ khi 17 tuổi, cùng khoa thi với trạng nguyên Nguyễn Hiền và thám hoa Đặng Ma La.

Thời Lê Văn Hưu là thời Đại Việt cường thịnh, vua là người tu Phật, nhân tài xuất hiện lớp lớp. Lê Văn Hưu cũng là người ứng vận sinh ra để trợ giúp triều đình. Đến nay còn truyền giai thoại câu đối tiên tri về sự nghiệp của ông:

“Một hôm đi ngang qua lò rèn, thấy người ta đang làm những cái dùi sắt, Lê Văn Hưu muốn xin một cái để làm dùi đóng sách. Người thợ rèn thấy vậy, bèn ra một vế đối:

– Than trong lò, sắt trong lò, lửa trong lò, thổi phì phò đúc nên dùi sắt.

Lê Văn Hưu liền đối:

– Nghiên ở túi, bút ở túi, giấy ở túi, viết lúi húi giành lấy khôi nguyên”.

“Đinh Mùi, [Thiên Ứng Chính Bình] năm thứ 16 [1247], (Tống Thuần Hựu năm thứ 7). Mùa xuân, tháng 2, mở khoa thi chọn kẻ sĩ. Ban cho Nguyễn Hiền đỗ trạng nguyên, Lê Văn Hưu đỗ bảng nhãn; Đặng Ma La đỗ thám hoa lang. Cho 48 người đỗ thái học sinh, xuất thân theo thứ bậc khác nhau”. (Đại Việt sử ký toàn thư)

Đại Việt sử ký, bộ sử đầu tiên của nước ta

Như đã nói ở trên, lịch sử là bộ phận vô cùng quan trọng của nền văn minh. Một dân tộc nếu không có lịch sử thành văn sẽ không thể được coi là một dân tộc văn minh. Nhất là đối với các quốc gia Nho giáo thì Sử càng quan trọng hơn, vì nó là 1 trong 4 cột trụ quan trọng trong việc xây dựng học thức của bộ máy cai trị chính quyền trung ương.

Lê Văn Hưu ứng mệnh sinh ra ở Đại Việt, không chỉ đơn giản là thi đậu bảng nhãn và trở thành một vị quan phục vụ triều đình. Nhiệm vụ của ông còn cao quý hơn thế, biên soạn bộ sử thành văn đầu tiên và giảng dạy để hồng dương nền văn minh Nho giáo đang phát triển mạnh mẽ vào thời Trần.

“Nhâm Thân, [Thiệu Long] năm thứ 15 [1272], (Tống Hàm Thuần năm thứ 8, Nguyên Chí Nguyên năm thứ 9). Mùa Xuân, tháng Giêng, Hàn lâm viện học sĩ kiêm Quốc Sử viện giám tu Lê Văn Hưu vâng sắc chỉ soạn xong bộ Đại Việt sử ký từ Triệu Vũ Đế đến Lý Chiêu Hoàng, gồm 30 quyển, dâng lên. Vua xuống chiếu khen ngợi”. (Đại Việt sử ký toàn thư)

Đáng tiếc là sau khi nhà Hồ thay nhà Trần thì bộ sử này đã thất lạc. Sau khi xâm lược nước Đại Ngu, nhà Minh đã đưa những sách quý của nước Nam về Trung Quốc, trong đó có 30 quyển Đại Việt sử ký, những sách ấy nay đã thất lạc. Sử gia Trần Trọng Kim viết: “Hai trăm năm mươi năm sau, sử quan Ngô Sĩ Liên, đời vua Lê Thánh Tông, soạn lại bộ Đại Việt sử ký chép từ họ Hồng Bàng đến vua Lê Thái Tổ. Nghĩa là từ ông Ngô Sĩ Liên, ở về thập ngũ thế kỷ trở đi, thì sử ta mới chép truyện về đời thượng cổ”. (Việt Nam sử lược)

Những lời nhận xét giá trị muôn đời

Nếu Sử chỉ là dùng để ghi lại những gì đã xảy ra trong quá khứ của một dân tộc, một quốc gia thì có lẽ nó sẽ không đóng vai trò quan trọng đến thế trong nền văn minh. Đối với các quốc gia cổ đại phương Đông, nhất là từ khi Khổng Tử biên soạn Xuân Thu, san định kinh sách cổ và truyền lại các kiến thức Nho gia một cách chính thống thì Sử trở thành một trong những trụ cột của chính quyền. Xuân Thu là bộ sử mẫu mực đầu tiên là bởi vì nó có những lời bàn và nhận định của Khổng Tử dựa trên nền tảng luân lý Nho gia, nên mới khiến Sử trở thành một loại tài liệu tham khảo bắt buộc cho các Nho sinh cũng như nhà cầm quyền.

Tuy bộ Đại Việt sử ký đã mất, nhưng 29 lời nhận xét thẳng thắn và đầy học thức uyên bác đã khiến Lê Văn Hưu đời đời lưu danh nơi đất Việt. Ông đã dùng cái học chính thống của Nho giáo của bản thân để phê bình những việc làm đúng và chưa đúng của các triều vua, làm căn cứ để hậu nhân lấy đó làm gương.

Người viết xin trích dẫn nơi đây những lời nhận xét xác đáng của bậc tiên hiền đại nho mà bản thân tâm đắc nhất, hầu quý độc giả thưởng lãm.

Khen các bậc đế vương trọng đức vì theo Nho gia có đức mới ở ngôi cao và giữ được thiên hạ. Dưới đây là nhận xét về Triệu Vũ Đế:

“Đất Liêu Đông không có Cơ Tử thì không thành phong tục mặc áo đội mũ [như Trung Hoa], đất Ngô Cối không có Thái Bá thì không thể lên cái mạnh của bá vương. Đại Thuấn là người Đông Di nhưng là bậc vua giỏi trong Ngũ Đế. Văn Vương là người Tây Di mà là bậc vua hiền trong Tam Đại. Thế mới biết người giỏi trị nước không cứ đất rộng hay hẹp, người Hoa hay Di, chỉ xem ở đức mà thôi. Triệu Vũ Đế khai thác đất Việt ta mà tự làm đế trong nước, đối ngang với nhà Hán, gửi thư xưng là “lão phu”, mở đầu cơ nghiệp đế vương cho nước Việt ta, công ấy có thể nói là to lắm vậy. Người làm vua nước Việt sau này nếu biết bắt chước Vũ Đế mà giữ vững bờ cõi, thiết lập việc quân quốc, giao thiệp với láng giềng phải đạo, giữ ngôi bằng nhân, thì gìn giữ bờ cõi được lâu dài, người phương Bắc không thể lại ngấp nghé được”.

So sánh hai vua Lê và Lý, nhấn mạnh về nhờ trọng đức mà nhà Lý được suy tôn:

“Lê Đại Hành giết Đinh Điền, bắt Nguyễn Bặc, tóm Quân Biện, Phụng Huân dễ như lùa trẻ con, như sai nô lệ, chưa đầy vài năm mà bờ cõi định yên, công đánh dẹp chiến thắng dẫu là nhà Hán, nhà Đường cũng không hơn được. Có người hỏi: Đại Hành với Lý Thái Tổ ai hơn? Thưa rằng: Kể về mặt trừ dẹp gian trong, đánh tan giặc ngoài, làm mạnh nước Việt ta, ra oai với người tống thì Lý Thái Tổ không bằng Lê Đại Hành có công lao gian khổ hơn. Nhưng về mặt tỏ rõ ân uy, lòng người suy tôn, hưởng nước lâu dài, để phúc cho con cháu thì Lê Đại Hành không bằng Lý Thái Tổ lo tính lâu dài hơn. Thế thì Lý Thái Tổ hơn ư? Đáp: Hơn thì không biết, chỉ thấy đức của họ Lý dày hơn họ Lê, vì thế nên nói theo họ Lý”.

Thân làm nam nhi mà khoanh tay cúi đầu trước thời thế, thì không xứng đáng giữ nghiệp bá vương, cũng không xứng đáng với quốc thổ của cha ông, nhận xét về Trưng Vương:

“Trưng Trắc, Trưng Nhị là đàn bà, hô một tiếng mà các quận Cửu Chân, Nhật Nam, Hợp Phố, cùng 65 thành ở Lĩnh Ngoại đều hưởng ứng, việc dựng nước xưng vương dễ như trở bàn tay, có thể thấy hình thế đất Việt ta đủ dựng được nghiệp bá vương. Tiếc rằng nối sau họ Triệu cho đến trước họ Ngô, trong khoảng hơn nghìn năm, bọn đàn ông chỉ cúi đầu bó tay, làm tôi tớ cho người phương Bắc, há chẳng xấu hổ với hai chị em họ Trưng là đàn bà hay sao? Ôi! Có thể gọi là tự vứt bỏ mình vậy”.

Phê phán việc vua Lý tùy ý thay đổi tôn xưng:

“Thiên tử tự xưng là ‘trẫm’, là ‘dư nhất nhân’. Bề tôi xưng vua là ‘bệ hạ’, chỉ chỗ thiên tử ở là triều đình, chỉ chỗ chính lệnh ban ra là ‘triều sảnh’, từ xưa không thay đổi xưng hô. Nay [Lý] Thái Tông bảo các quan gọi mình là ‘triều đình’, sau [Lý] Thánh Tông tự xưng là ‘Vạn thặng’, Cao Tông bảo người gọi mình là ‘Phật’ đều không theo phép ở đâu, mà là thích khoe khoang. Khổng Tử nói: ‘Danh không chính thì nói không thuận’ là thế”.

Phê phán vua Lý Thái Tông thích thêm chữ vào tôn hiệu để khoe khoang:

“Đế Nghiêu, Đế Thuấn, Văn Vương, Vũ Vương đều lấy một chữ làm hiệu, chưa từng thấy có tăng thêm tôn hiệu bao giờ. Đế vương thời sau thích khoe khoang mới có tôn hiệu đến vài chục chữ. Nhưng chỉ lấy công đức mà xưng tụng, chưa bao giờ lấy đồ vật và tên man di xen chắp vào. Thái Tông chịu nhận cho bầy tôi dâng tám chữ ‘Kim Dũng Ngân Sinh, Nùng Bình Phiên Phục’ làm hiệu thì việc khoe khoang lại thô bỉ nữa. Thái Tông không có học nên không biết, nhưng bọn Nho thần dâng lên những chữ ấy để nịnh hót vua thì không thể bảo là không có tội”.

Phê phán vua Lý ham mê điềm lành, chim thú quý lạ mà lạm dụng phong quan:

“Phàm người xưa gọi là điềm lành, là nói việc được người hiền và được mùa, ngoài ra không có gì đáng gọi là điềm lành cả. Huống chi chim quý thú lạ không nuôi ở quốc đô cũng là lời khuyên răng của tiên vương để lại. Thần Tông nhân Nguyễn Lộc và Nguyễn Tử Khắc (Lộc và Tử Khắc nguyên là họ Lý, Văn Hưu kiêng húy nhà Trần nên gọi là họ Nguyễn) dâng hươu trắng, cho là vật điềm lành, cho Lộc tước đại liêu ban, cho Tử Khắc tước minh tự, thì cả người thưởng và người nhận thưởng đều sai cả. Tại sao vậy? Thần Tông vì dâng thú mà cho quan tước, thế là lạm thưởng. Lộc và Khắc không có công mà nhận thưởng, thế là dối vua”.

Lời bàn: 

Nho gia chủ trương nhập thế, giáo hóa thế nhân, lập nên công nghiệp bất hủ nghìn đời.

Để làm được việc đó thì cần phải làm được một trong ba việc, cao nhất là “lập đức”, tiếp theo là “lập công”, cuối là “lập ngôn”. Tác phẩm “Đại Việt sử ký” là công lao lớn nhất của Lê Văn Hưu với nước nhà, cộng thêm những lời bàn uyên bác lưu lại đến ngày nay cũng có thể coi là lời “lập ngôn”. Bản thân ông là đại thần triều đình, thầy của Chiêu Minh Vương , đức hạnh còn truyền lưu trong sách vở “Lê Văn Hưu vừa có tài, vừa có hạnh, làm thầy Chiêu-Minh-Vương, đổi làm Kiểm pháp quan, sửa sách Việt chí” (trích An Nam chí lược, Lê Tắc), chính là “lập đức”. Một bậc đại nho toàn vẹn như vậy, có thể nói là cổ kim hy hữu, đáng kính thay.

Minh Bảo

Related posts