Tạ Phong Tần
Thời gian gần đây, cư dân Việt ở Nam Cali có cảm giác bất an, khi mà liên tục xảy ra nhiều vụ cướp có vũ trang ở các tiệm bán rượu, tiệm tạp hóa nhỏ vào ban đêm, làm 2 người chết và 3 người bị thương, khiến cho ban đêm không ai dám tới các tiệm đó. Tôi cũng cho rằng cách mọi người đề phòng như vậy là đúng. Dù tôi không có tài sản gì đáng giá để cướp, nhưng ai biết được. Nếu đột nhiên tôi rơi vô hoàn cảnh đó, chắc gì tôi đã tránh khỏi bị “Cháy thành vạ lây” và tôi lại hành động cuốn theo hoàn cảnh một cách bất khả kháng?
Nhiều người nghĩ rằng nếu cư dân Mỹ không sở hữu súng thì sẽ giảm hẳn tình trạng cướp có vũ trang, hoặc giảm những kẻ nổi hứng xả súng vô đám đông vì những lý do rất tào lao vớ vẩn. Tuần rồi (Thứ Bảy, 23 Tháng Bảy,) Sở Cảnh Sát Santa Ana (SAPD) tổ chức buổi “Gun Buyback” nhằm mua lại súng của bất cứ ai, không giới hạn nơi cư trú, không cần xuất trình giấy tờ cá nhân, cứ mỗi khẩu súng được nhận “gift card” trị giá $300 của thành phố Santa Ana. Cuối ngày, SAPD đã thu lại được hơn 500 khẩu súng các loại. Phía SAPD đánh giá đây là con số nhiều ngoài dự kiến và đáng mừng. Nhưng tôi thì đánh giá con số thấp so với dân số và địa bàn (bất cứ ai, không giới hạn nơi cư trú,) còn những người đem súng đổi lấy quà là công dân lương thiện, họ không thích giữ súng dù họ có giữ súng thì cũng không gây tác hại gì, trái lại, còn mang cảm giác mệt mỏi nếu cứ giữ nó, đặc biệt là đối với những khẩu súng “từ trên trời rơi xuống” vô tay mình. Kẻ cố tình giữ súng với ý đồ xấu thì họ không bao giờ léo hánh tới bất cứ cuộc Gun Buyback nào.
Bạn bè, người quen của tôi ở Cali, tôi biết họ mua súng, học bắn, có người sở hữu 2 -3 cây súng khác nhau, nhỏ có lớn có, nhưng không ai tham gia “Gun Buyback” cả, khi mà số tiền họ bỏ ra mua súng quá lớn và nhằm mục đích tự vệ.
Năm 1992, Ðội Cảnh Sát Ðiều Tra giao cho tôi quản lý một khẩu Rouleau. Nhìn quanh, thấy mấy tủ gỗ trong phòng việc không an toàn. Tôi vội vàng gói kín, đem về nhà bỏ vô rương bằng sắt khóa kỹ, không dám cho ai biết trong rương có khẩu súng. Lại suy nghĩ, xứ mình chỉ có mấy loại trộm cắp lặt vặt, cờ bạc, số đề, chứa mại dâm… đâu cần sử dụng tới súng, chẳng bắn được ai, mà rủi bị trộm vô nhà lấy mất thì “Thấy ông bà ông vải,” tôi là người chịu trách nhiệm trước tiên. Nhà mình lại không kín đáo, giữ nó không ích lợi gì mà hại thì nhiều, nguy hiểm quá. Một tháng sau, tôi đem trả lại đơn vị, không thèm giữ nữa. Có người hỏi tôi sao không giữ, giắt trong người khi ra ngoài cũng tốt. Tôi trả lời nó nặng thấy mẹ, rủi lạc đạn, cướp cò thì thôi xong đời, nếu cần thiết tự vệ xài khúc gỗ ngắn tiện hơn nhiều, đỡ nguy hiểm.
Ðông Lào cấm dân sở hữu súng, nhưng súng quân dụng, súng tự chế vẫn tràn ngập trong tay các băng nhóm xã hội đen bởi các tay buôn lậu đường bộ qua biên giới. Ngày nào, mở báo đọc cũng thấy tin tức về các vụ cướp, giết, thanh toán nhau rất dã man. Rồi các băng nhóm dân anh chị xài mã tấu, dao cán sắt dài (ngoài Bắc gọi là “phóng lợn”) gây nên nhiều trường huyết chiến kinh hoàng, thương vong cho nhiều người vô tội. Mới đây, đã xảy ra mấy vụ thanh toán đối thủ bằng cách chém một phát rụng mất một chân, chặt rơi đầu như phim cổ trang Tàu, trói nạn nhân ném xuống ao, đầm… Những kiểu giết người này còn dã man, kinh khủng hơn dùng súng bắn nhiều.
Vụ thảm sát ở Texas ngày 24 Tháng Năm, 2022, khiến 19 trẻ em và 2 giáo viên tử nạn là một minh chứng. Kẻ tấn công đã tự do muốn bắn ai thì bắn trong vòng 90 phút, mà các nạn nhân không có bất kỳ vũ khí nào để tự vệ. Các phụ huynh bị ngăn cản bên ngoài, còn tay súng kia vẫn ở trong trường, đã khiến công chúng ngày càng tức giận. Giả sử, hai giáo viên kia nếu cũng có súng, ngay từ đầu hạ gục kẻ cuồng sát thì hậu quả không làm chết nhiều người vô tội như vậy.
Ðài truyền hình KTAL (May 4, 2022) thông tin, một tên cướp đã bị bắn chết trong cuộc đấu súng với một nhân viên tại tiệm thuốc lá Compton hôm thứ Ba và hai nghi phạm đang bị truy lùng. Cảnh sát trưởng quận Los Angeles nói việc xảy ra ngay trước 7 giờ tối, tại dãy nhà 1500 của Ðại lộ Nam Wilmington. Video được công bố cho thấy có 3 nghi phạm vô tiệm, chĩa súng ngắn vô nhân viên đứng sau quầy hàng, nhân viên rút vũ khí của anh ta ra. Hai bên đấu súng nhau, các nghi phạm bỏ chạy, người nhân viên bị các vết thương do đạn bắn vào cổ và mặt nhưng không nguy hiểm. Sau đó, người ta biết được một người qua đời tại bệnh viện Martin Luther King chính là tên cướp đã đấu súng với nhân viên nọ. Hai tên cướp còn lại chưa tìm ra.
Tôi quen chị bạn làm công việc chụp chiếu cho bệnh nhân ung thư. Mỗi ngày chị đều tiếp xúc với các bình thép dày và nặng chứa chất phóng xạ. Những bình này còn dày và nặng hơn bình chứa gas thép mà chúng ta dùng trong bếp. Chị kể nếu không có nó, không thể nhìn thấy rõ ràng tình trạng ung thư trong cơ thể bệnh nhân. Nói chung, bất cứ vấn đề gì, hiện tượng gì cũng có hai mặt tốt xấu song hành với nhau. Chất phóng xạ nếu đem chế tạo vũ khí thì nó thật đáng sợ, nhưng dùng để sản xuất điện hay dùng trong y học thì lại là nguyên tố không thể thiếu để cứu mạng người. Thuốc chữa bệnh là thuốc độc, dùng đúng liều lại cứu được người bệnh. Thuốc bổ là thuốc giúp cho người ta tăng cường sức khỏe, dùng quá liều lại bị ngộ độc thuốc bổ.
Phàm thói đời, cái gì càng cấm, mà người ta đã muốn thì cố chiếm hữu cho bằng được, không chiếm hữu công khai được thì họ tìm cách chiếm hữu qua con đường bất hợp pháp. Rốt cuộc, sự cấm đoán làm cho kẻ xấu có lợi còn người tốt bị thiệt thòi khi mà người tốt trở nên yếu thế trước kẻ xấu, như cừu non trước hàm răng nanh sắc bén của sói. Tôi cho rằng vấn đề không nằm ở khẩu súng hay con dao, mà ở ý thức của người sở hữu và sử dụng. Nếu sử dụng đúng chỗ, đúng lúc thì dao, súng phục vụ cho lợi ích người dùng. Ngược lại, nếu nhằm mục đích đen tối, phạm tội thì đâu cần súng, mà dao, dây hay bất cứ thứ gì cũng đều có thể giết được nạn nhân. Một khẩu súng trong tay kẻ điên rồ, đó là một thảm họa, nhưng ngược lại, khẩu súng nằm trong tay một công dân gương mẫu thì sẽ biến người đó thành một người hùng.
Người xưa có câu: “Cầu nhân bất như cầu kỷ.” Cầu người không bằng cầu chính mình, ỷ lại vô người khác không bằng tự mình đứng lên. Mỗi người tự bảo vệ mình trước, vẫn hơn là chờ người khác chạy tới cứu. Thực tế đã chứng minh, nếu không hành động phản ứng tức thời lúc nguy cấp, đến lúc có người tới cứu thì đã muộn màng không thể sửa chữa được. Có lẽ các giới chức cần nghiên cứu ban hành quy định chặt hơn về điều kiện được phép mua và sở hữu súng. Thí dụ: Cá nhân phải được thẩm tra về tiểu sử bản thân, trình độ học vấn, nhận thức chính trị xã hội, độ tuổi, sức khỏe tâm thần, thu nhập, chứng chỉ đã qua các lớp đại cương về dân luật, hình luật… trước khi được phép mua và sở hữu súng.
Tạ Phong Tần