Lê Tiểu Quỳ, Vision Times
Đại sứ Myanmar tại Trung Quốc U Myo Thant Pe đã qua đời tại Vân Nam vào ngày 7/8. Có thông tin cho rằng ông U Myo Thant Pe là Đại sứ nước ngoài thứ tư qua đời tại Trung Quốc trong năm qua. Cái chết đột ngột của ông đã làm dấy lên nhiều suy đoán.
Đại sứ Myanmar tại Trung Quốc chết vì đau tim?
Theo trang web chính thức của Đại sứ quán Myanmar tại Trung Quốc, ông U Myo Thant Pe đã giữ chức vụ này kể từ tháng 11/2019. Gần đây, ông đã đến thăm Vân Nam và gặp ông Vương Dư Ba (Wang Yubo) – Phó Bí thư Tỉnh ủy kiêm Tỉnh trưởng Vân Nam, ông Vệ Cương (Wei Gang) – Phó Bí thư châu tự trị kiêm Trưởng châu tự trị Đức Hồng, ông Đỗ Kiến Huy (Du Jianhui) – Phó Bí thư Thành ủy kiêm Thị trưởng thành phố Lan Thương và ông Dương Quân (Yang Jun) – Bí thư Thành ủy thành phố Bảo Sơn.
Vào ngày 4/8, ông U Myo Thant Pe cũng cho biết trong cuộc hội đàm với ông Vương Dư Ba rằng Trung Quốc và Myanmar đã duy trì mối quan hệ hữu nghị lâu dài, và còn gọi Trung Quốc là “paukhpau” (phiên âm tiếng Myanmar, có nghĩa là “anh em đồng bào“). Hy vọng cùng tỉnh Vân Nam thực hiện những nhận thức chung quan trọng mà lãnh đạo hai nước đã đạt được.
Tuy nhiên, sau đó có tin ông U Myo Thant Pe đột ngột qua đời trên đường trở về Bắc Kinh từ thành phố Côn Minh, tỉnh Vân Nam.
Lần xuất hiện cuối cùng trước công chúng của ông U Myo Thant Pe là ở Vân Nam vào ngày 6/8. Ba nhà ngoại giao nói với Reuters rằng ông U Myo Thant Pe đã qua đời vào ngày 7/8 khi đang đi Vân Nam, có thể do một cơn đau tim.
Tuy nhiên, Bộ Ngoại giao Myanmar đã công bố cáo phó trên một tờ báo nhà nước mà không đề cập đến nguyên nhân tử vong.
Theo Hãng thông tấn Trung ương Đài Loan (CNA), ông U Myo Thant Pe được bổ nhiệm đến Trung Quốc vào cuối năm 2019 với tư cách là Đại sứ Myanmar tại Trung Quốc và tại vị sau cuộc đảo chính quân sự Myanmar vào tháng 2/2021.
Ông U Myo Thant Pe là đại sứ thứ tư qua đời tại Trung Quốc kể từ năm ngoái
Trong một năm qua, 3 đại sứ nước ngoài khác đã tử vong ở Trung Quốc.
Ông Jan Hecker, Đại sứ 54 tuổi của Đức, đã tử vong trong vòng 2 tuần sau khi được cử tới Bắc Kinh vào tháng Chín năm ngoái. Ông Serhiy Kamyshev, 65 tuổi, Đại sứ Ukraine, đã qua đời vào tháng Hai năm nay, ông đến Thế vận hội mùa đông Bắc Kinh trước khi qua đời.
Đại sứ Philippines, ông Jose Santiago Romana, 74 tuổi, qua đời hồi tháng Tư khi đang bị cách ly ở tỉnh An Huy.
Về việc Đại sứ Myanmar U Myo Thant Pe qua đời đột ngột, xuất hiện nhiều đồn đoán. Có cư dân mạng để lại bình luận: “Sao vừa khỏi mà lại bị đau tim?”; “Dù sao nguyên nhân cái chết cũng tùy tiện đưa ra, hoàn toàn không liên quan gì ĐCSTQ và virus!?”; “Biết bí mật nên đã bị bịt miệng phải không?”
ĐCSTQ đã từng nhượng lãnh thổ cho Myanmar
Nói về mối quan hệ giữa ĐCSTQ và Myanmar, lẽ ra phải tính từ đầu những năm 1960, khi ĐCSTQ và Liên Xô mâu thuẫn và nền kinh tế gặp khó khăn, Chu Ân Lai đã bắt đầu “ngoại giao lãnh thổ”, bán nước để đổi lấy cái gọi là sự công nhận của cộng đồng quốc tế.
Tuy nhiên, sau khi ĐCSTQ nhượng đất, “tình hữu nghị” giữa Trung Quốc và Myanmar chỉ kéo dài được 6 năm, năm 1967, ở Myanmar nổi lên một làn sóng chống Trung Quốc, và một nhân viên của Đại sứ quán ĐCSTQ ở Myanmar đã bị quân đội Myanmar bắn chết mà không rõ lý do.
Năm 1964, Đảng Cộng sản Myanmar, được sự trợ giúp của ĐCSTQ, đã phát triển nhanh chóng và đánh chiếm thành phố cũng như thiết lập các “căn cứ địa” rộng lớn, khiến Myanmar rơi vào cuộc nội chiến toàn diện. Tháng 3/1969, quân đội Chính phủ Myanmar thua các lực lượng vũ trang của Đảng Cộng sản Myanmar và buộc phải rút khỏi khu vực Kokang. Vào tháng Tư cùng năm, huyện Kokang và Huyện ủy Kokang do Đảng Cộng sản Myanmar lãnh đạo được thành lập, và Pheung Kya-shin được bổ nhiệm làm “Huyện trưởng huyện Kokang”.
Sau cái chết của Mao Trạch Đông vào năm 1976, nền kinh tế Trung Quốc gần như sụp đổ, Đặng Tiểu Bình ngừng hỗ trợ vũ khí và lương thực cho Đảng Cộng sản Myanmar, và một số lượng lớn quan chức quân đội bắt đầu buôn bán ma túy. Toàn bộ khu vực do Đảng Cộng sản Myanmar kiểm soát gần như đã trở thành nhà máy chế biến cho ma túy. Ma túy sau đó tràn vào Trung Quốc Đại Lục qua biên giới Vân Nam.
Vào tháng 3/2015, lực lượng vũ trang người Hoa chống chính quyền Kokang và Chính phủ quân sự Myanmar đã khai chiến ở biên giới Trung Quốc – Myanmar. Pháo binh đã tràn vào Trung Quốc, gây thương tích cho dân thường dọc biên giới Trung Quốc, và làm tổn hại rất nhiều đến thể diện của ĐCSTQ.
Myanmar bùng nổ đảo chính bị nghi ngờ có sự hậu thuẫn của ĐCSTQ
Vào tháng 2/2021, tại Myanmar đã xảy ra một cuộc đảo chính, khi đó dư luận đã chỉ ra rằng chính quyền quân sự Myanmar được ĐCSTQ hậu thuẫn. Mặc dù không có xác nhận chính thức từ ĐCSTQ, các thỏa thuận đầu tư khổng lồ đạt được giữa ĐCSTQ và Chính phủ quân sự Myanmar, chẳng hạn như Trạm thủy điện Myitsone và Mỏ đồng Letpadaung, đã bị gác lại do sự phản đối của người dân địa phương. Sau khi bà Aung San Suu Kyi lên nắm quyền, đã từng có thời điểm đề xuất khôi phục các dự án này, nhưng đều không được thực hiện. Ngoài ra, ĐCSTQ đã điên cuồng khai thác và buôn lậu ngọc phỉ thúy ở Myanmar.
Theo Đài Tiếng nói Đức (Deutsche Welle) đưa tin, có khoảng 600 công ty phát triển ngọc phỉ thúy ở Hpakant, khu vực sản xuất ngọc phỉ thúy hàng đầu thế giới ở Myanmar, nhưng việc sản xuất và vận hành về cơ bản tập trung ở 10 công ty, hầu hết là liên doanh do người Trung Quốc kiểm soát doanh nghiệp.
Theo số liệu chính thức, Trung Quốc đã nhập khẩu ngọc phỉ thúy trị giá 540 triệu USD từ Myanmar trong 9 tháng đầu năm 2015. Còn theo Global Witness, một tổ chức phi chính phủ, ước tính rằng sản lượng ngọc phỉ thúy thực tế của Myanmar trong năm 2014 lên tới 31 tỷ USD. Trong số đó, hơn 20 tỷ USD được nhập lậu và xuất khẩu, điều này đã làm giảm nguồn thu thuế của Chính phủ Myanmar lên đến hàng tỷ USD.
Từng có tin đồn cựu Bí thư Vân Nam có lợi ích rất lớn ở Myanmar
Không chỉ vậy, năm 2015, truyền thông tiếng Trung Quốc bên ngoài nước này tiết lộ, một số quan chức cấp cao bao gồm Tần Quang Vinh (Qin Guangrong) và Bạch Ân Bồi (Bai Enpei), hai cựu Bí thư tỉnh ủy Vân Nam, có lợi ích rất lớn ở Myanmar, thậm chí thông tin biên giới Trung Quốc – Myanmar còn bị nghi ngờ là bị các quan chức cấp cao ở Bắc Kinh chặn và sửa đổi.
Theo thông tin công khai, Bạch Ân Bồi từng là Bí thư Tỉnh ủy Vân Nam từ tháng 10/2001 đến tháng 8/2011, và bị giáng chức xuống Phó chủ tịch Ủy ban Bảo vệ Tài nguyên và Môi trường của Đại hội Nhân dân Toàn quốc của ĐCSTQ vào tháng 8/2011; tháng 8/2014 Bạch Ân Bồi “ngã ngựa”; tháng 1/2015 bị “lập án điều tra và áp dụng các biện pháp cưỡng chế”; ngày 9/10/2016, Tòa án Trung cấp của thành phố An Dương, tỉnh Hà Nam đã kết án Bạch Ân Bồi mức án tử hình, hoãn thi hành án 2 năm, và sau đó giảm xuống còn tù chung thân.
Tần Quang Vinh giữ chức Phó tỉnh trưởng và Tỉnh trưởng tỉnh Vân Nam từ tháng 1/2003 đến tháng 8/2011; từ tháng 8/2011 đến tháng 10/2014, ông giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Vân Nam; năm 2019, Tần Quang Vinh chủ động đến Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật và Ủy ban Giám sát Quốc gia đầu thú; vào tháng 1/2021, ông này bị kết án 7 năm tù trong phiên sơ thẩm.
Theo báo cáo, Tần Quang Vinh và Bạch Ân Bồi bị nghi ngờ đã gửi những khoản lợi ích khổng lồ cho gia đình Chu Vĩnh Khang, và Tần Quang Vinh còn bị nghi ngờ có liên quan đến cuộc đảo chính Bạc Hy Lai, Chu Vĩnh Khang. Sau sự kiện Trùng Khánh, Tần Quang Vinh đã tháp tùng Bạc Hy Lai với tư cách cấp cao, đồng thời đến thăm phòng trưng bày lịch sử quân sự của Bộ Tư lệnh Lục quân 14.
Lê Tiểu Quỳ, Vision Times