Tin VN sáng thứ Tư: Hơn 66 triệu người Việt bị thu thập dữ liệu cá nhân trên mạng

Hơn 66 triệu người Việt bị thu thập dữ liệu cá nhân trên mạng

Dữ liệu cá nhân của hơn 66 triệu người (tức 2/3 dân số Việt Nam) đang bị lưu trữ, đăng tải, chia sẻ và thu thập trên không gian mạng với nhiều hình thức, mức độ khác nhau. (Ảnh minh họa: a-image/shutterstock)

Dữ liệu cá nhân của hơn 66 triệu người (tức 2/3 dân số Việt Nam) đang bị lưu trữ, đăng tải, chia sẻ và thu thập trên không gian mạng với nhiều hình thức, mức độ khác nhau.

Thông tin trên được nêu trong báo cáo của Bộ trưởng Công an Tô Lâm về một số nội dung liên quan nhóm vấn đề chất vấn tại phiên họp thứ 14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ diễn ra ngày 10/8.

Bộ Công an nhận định tình trạng lộ dữ liệu cá nhân diễn ra phổ biến trên không gian mạng trong khi người sử dụng chưa có ý thức bảo vệ dữ liệu cá nhân, đăng tải công khai hoặc lộ trong quá trình chuyển giao, lưu trữ, trao đổi phục vụ hoạt động kinh doanh hoặc do biện pháp bảo vệ không tương xứng. Việc này dẫn tới dữ liệu bị chiếm đoạt và đăng tải công khai.

Tình trạng mua bán dữ liệu cá nhân đang diễn ra phổ biến, công khai, với các dữ liệu thô và dữ liệu cá nhân đã qua xử lý, nhiều hành vi chưa được xử lý vì thiếu quy định của pháp luật.

Về cách thức, các doanh nghiệp, công ty kinh doanh dịch vụ có thu thập dữ liệu cá nhân của khách hàng, cho phép các đối tác thứ ba tiếp cận thông tin dữ liệu cá nhân nhưng không có yêu cầu, quy định chặt chẽ, để đối tác thứ ba chuyển giao, buôn bán cho các đối tác khác.

Ngoài ra, doanh nghiệp còn chủ động thu thập thông tin cá nhân của khách hàng, hình thành kho dữ liệu cá nhân, phân tích, xử lý các loại dữ liệu đó để tiến hành kinh doanh, buôn bán.

Nhiều dữ liệu bị rao bán công khai, trong thời gian dài, với số lượng lớn trên không gian mạng thông qua các website, tài khoản, trang, nhóm trên mạng xã hội, diễn đàn tin tặc.

Bộ Công an cũng cảnh báo việc xuất hiện một số công ty được thành lập mới, đầu tư xây dựng, vận hành các hệ thống kỹ thuật chuyên thu thập trái phép dữ liệu cá nhân để kinh doanh thu lợi nhuận; xây dựng các phần mềm chuyên thu thập thông tin cá nhân.

Chỉ trong 2 năm từ năm 2019 đến năm 2020, Bộ Công an phát hiện hàng trăm cá nhân, tổ chức liên quan bán dữ liệu cá nhân.

Một số đường dây chiếm đoạt, mua bán dữ liệu quy mô lớn tại Việt Nam đã bị phát hiện, đấu tranh, xử lý. Số lượng dữ liệu cá nhân bị thu thập, mua bán trái phép phát hiện được lên tới gần 1.300 GB, trong đó có nhiều dữ liệu cá nhân nội bộ, nhạy cảm.

Bộ Công an lấy dẫn chứng về việc dữ liệu cá nhân bị khai thác trong trường hợp các cá nhân, tổ chức trên toàn quốc đã sử dụng dịch vụ điện lực của EVN; thông tin phụ huynh, học sinh tại các trường trên cả nước; thông tin khách hàng của các ngân hàng BIDV, VPBank, Agribank…

Ngoài ra, nhiều dữ liệu thông tin người dùng bị khai thác khi sử dụng dịch vụ viễn thông, thuê bao điện thoại của các nhà mạng Viettel, MobiFone, Vinaphone; thông tin khách hàng tại các dự án bất động sản trên toàn quốc; khách hàng điện máy tại 63 tỉnh, thành toàn quốc; thông tin của khách hàng VIP, khách hàng đầu tư tài chính, chứng khoán, khách hàng các ngành spa, nha khoa, thời trang, thẩm mỹ viện…

Hoàng Minh

Tuyên phạt cựu Chủ tịch Trung tâm hỗ trợ người nghèo lừa đảo hơn 1.000 người

Bị cáo Trần Đức Trung (ảnh: VnExpress).

Bị cáo Trần Đức Trung bị TAND TP. Hà Nội tuyên phạt tù chung thân vì chủ mưu vụ lừa đảo hơn 1.000 người, chiếm đoạt hàng gần 30 tỷ đồng.

Ngày 9/8, sau nhiều ngày xét xử, TAND TP. Hà Nội tuyên phạt ông Trần Đức Trung (61 tuổi, cựu Chủ tịch HĐTV Trung tâm Hỗ trợ người nghèo trong phát triển nông thôn mới) án chung thân về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” trong vụ án nhóm lừa đảo thông qua Chương trình “Trái tim Việt Nam”.

Cùng tội danh trên, TAND TP. Hà Nội cũng tuyên phạt cựu nhân viên Trung tâm Hỗ trợ người nghèo trong phát triển nông thôn mới là Bùi Thị Oanh 9 năm tù; Phan Văn Lực 6 năm tù, Nhâm Sỹ Phúc 7 năm tù và Phan Thị Thoa 8 năm tù.

Về trách nhiệm dân sự, HĐXX buộc các bị cáo liên đới bồi thường số tiền hơn 38 tỷ đồng cho các bị hại. Ba người đã hoàn thành toàn bộ nghĩa vụ bồi thường là bà Oanh, ông Phúc và ông Lực.

Theo VnExpress, trước buổi tuyên án sáng nay, em trai của bị cáo Trung đề nghị được thay mặt khắc phục tiền anh trai đã chiếm đoạt của các bị hại gần 30 tỷ đồng. Song bị cáo Trung không đồng ý với lý do “đang kêu oan, không có lý do gì để bồi thường”.

Theo cáo buộc, Trung tâm Hỗ trợ người nghèo trong phát triển nông thôn mới thành lập năm 2013, do Trần Đức Trung làm Chủ tịch Hội đồng thành viên, Lê Thị Hằng (đã chết) làm Tổng giám đốc, chưa được cấp phép hoạt động và không có hoạt động phát sinh doanh thu.

Để tạo niềm tin, các bị cáo tổ chức tuyên truyền, hội thảo. Bị cáo Trung cùng Lê Thị Hằng soạn tâm thư, thư kêu gọi ủng hộ trung tâm và chương trình “Trái tim Việt Nam”, xin chữ ký ủng hộ của một số cán bộ cấp cao và sử dụng làm tài liệu tuyên truyền.

Các bị cáo đưa thông tin sai sự thật về nguồn vốn của Trung tâm, tuyên truyền, hứa hẹn với người tham gia trong khoảng thời gian nhất định sẽ nhận được tiền theo chính sách.

Các bị cáo đã thu tiền của hơn 1.000 bị hại tại 16 tỉnh, thành, sau đó chuyển tiền về trung tâm và văn phòng 102 Trường Chinh, Hà Nội, tổng cộng khoảng 148 tỷ đồng.

Hội An

Giảm thuế nhập khẩu xăng dầu từ 20% xuống 10%

Hôm 8/8 tại Việt Nam, Chính phủ vừa ban hành Nghị định sửa đổi mức thuế nhập khẩu ưu đãi (MFN) đối với mặt hàng xăng động cơ, không pha chì (mã hồ sơ từ 2710.12.21 đến 2710.12.29) từ 20% xuống 10%. Mức giảm được áp dụng từ ngày 8/8.

Theo Bộ Tài chính, việc điều chỉnh giảm thuế MFN đối với xăng có thể không tác động nhiều đến việc giảm giá xăng nội địa do hiện nay, xăng nhập khẩu chủ yếu từ ASEAN và Hàn Quốc.

Về tác động đến thu ngân sách, Bộ Tài chính cho hay, hiện xăng được nhập khẩu chủ yếu từ các quốc gia có ký Hiệp định FTA với Việt Nam nên mức thuế FTA được áp dụng thấp hơn so với thuế MFN. Do đó, việc giảm thuế MFN với xăng về cơ bản sẽ không có nhiều tác động đến việc thu ngân sách quốc gia.

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, năm 2021, tổng kim ngạch nhập khẩu có thuế với mặt hàng xăng dầu là hơn 475 triệu USD, trong đó, nhập khẩu từ quốc gia có kỳ Hiệp định FTA với Việt Nam là hơn 474 triệu USD (chiếm 99.7%).

Đáng chú ý, trong 5 tháng đầu năm 2022, tổng kim ngạch nhập khẩu có thuế với mặt hàng xăng là hơn 826 triệu USD, và đa số cũng là từ các nước có ký hiệp định FTA với Việt Nam.

Vụ 8 sinh viên ngộ độc rượu: Nhà hàng bị phạt hơn 26 triệu đồng

Các bác sĩ đang điều trị tích cực cho bệnh nhân ngộ độc rượu tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định, TP.HCM. (Ảnh: Bệnh viện cung cấp)

Chi nhánh nhà hàng Mr Bao (TP. Thủ Đức, TP.HCM), nơi xảy ra vụ ngộ độc methanol làm 2 người tử vong và 6 người nhập viện, bị phạt hơn 26 triệu đồng.

Chiều 9/8, đại diện Ban quản lý an toàn thực phẩm TP.HCM cho biết đã có quyết định xử phạt Công ty TNHH nhà hàng Mr Bao Cuisine (TP. Thủ Đức) tổng số tiền hơn 26,3 triệu đồng.

Lý do, nhà hàng Mr Bao (phường Phước Long B, TP. Thủ Đức) thuộc công ty TNHH Mr Bao Cuisine, không có giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm, sử dụng nguyên liệu không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Trước đó, hôm 3/8, 8 sinh viên (5 nam, 3 nữ) đã tổ chức nhậu tại quán Mr Bao. Họ uống hết 5 lít rượu pha nước ngọt.

Sau khi uống, 2 người tử vong (1 người chết tại phòng trọ, 1 người chết tại bệnh viện); 6 người đang điều trị (1 người ghi nhận tổn thương lan tỏa cả hai bên bán cầu não, tình trạng nặng, nguy hiểm tính mạng; 5 người đang dần hồi phục).

Tại cơ quan điều tra, ông N.D.B. (32 tuổi, chủ nhà hàng Mr Bao) cho biết nhà hàng bắt đầu kinh doanh từ ngày 1/6/2022, chỉ phục vụ buffet gồm các món nướng và lẩu hải sản, thịt bò. Ngoài ra, nhà hàng chỉ bán rượu Hàn Quốc và vài loại bia, cùng các loại nước ngọt đóng chai, có nguồn gốc xuất xứ.

Theo ông B., khoảng 5 tháng trước, một nhân viên của cơ sở đi mua 5 can nước khoáng (loại 5 lít). Khi mang về thì phát hiện trong số đó có 1 can là rượu nên chủ quán đã dán nhãn “rượu” lên can và cất vào kho cho đến khi nhóm nhân viên mang ra uống và bị ngộ độc.

Về nguồn gốc của rượu, bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP.HCM, cho biết cơ quan công an vẫn đang tiến hành điều tra.

Theo bà Lan, cơ quan công an đã xác định được tiệm tạp hóa bán can rượu trên. Tuy nhiên, chưa có căn cứ để xác định chủ tiệm tạp hóa đã kinh doanh, buôn bán can rượu độc.

Ngoài vụ ngộ độc trên, TP.HCM vừa ghi nhận nhóm 5 thanh niên vào viện cấp cứu và điều trị hồi sức tích cực, sau khi cùng uống rượu pha pha methanol tại nhà. Xét nghiệm độc chất ghi nhận nồng độ methanol trong máu của các bệnh nhân cao gấp nhiều lần so với mức có thể gây ngộ độc.

Minh Long

Related posts