Quan hệ Mỹ – Việt đang khởi sắc hay có nốt trầm bế tắc?

BBC

Trợ lý Ngoại trưởng Wendy Sherman gặp gỡ Thứ trưởng Ngoại giao Việt Nam Hà Kim Ngọc tại Washington DC ngày 13/05/2022

Chuyên gia bình luận về mối quan hệ hữu nghị Việt Nam và Hoa Kỳ giữa những đồn đoán về quan hệ đôi bên đang đi xuống trong bối cảnh một số sự kiện được cho là quan trọng bị hủy bỏ.

Cụ thể, tàu sân bay USS Ronald Reagan của Mỹ hủy chuyến thăm cập cảng Tiên Sa, Đà Nẵng vào cuối tháng Bảy. Trước đó, chuyến thăm của Ngoại trưởng Mỹ Blinken tới Việt Nam cũng không thể thực hiện được vào khoảng 9-10/7. Và mới đây, ông Blinken có lịch đi thăm Campuchia và Philippines trong tháng Tám, nhưng không nhắc gì tới Việt Nam.

Tiến sỹ Nguyễn Thành Trung, Giảng viên Đại học Fulbright, cựu Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế (ISCS), bình luận với BBC News Tiếng Việt từ Sài Gòn rằng Mỹ đang có những mối bận tâm khác trong thế giới đầy biến động nên Việt Nam sẽ không nằm trong ưu tiên lịch trình làm việc của phía Mỹ.

Nhà phân tích chính trị, Tiến sỹ Hà Hoàng Hợp, hiện đang ở Việt Nam trao đổi với BBC rằng:

“Nguồn tin ở Hà Nội nói phía Mỹ hủy chuyến vào cảng Tiên Sa của tàu USS Ronald Reagan và chính Mỹ cũng hủy chuyến đến Hà Nội của Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken. Quan hệ Mỹ-Việt vẫn đang phát triển vững chắc,” ông Hợp khẳng định.

Nốt trầm của quan hệ Việt – Mỹ?

Năm 2021, hai quan chức cấp cao của chính quyền Biden là Phó Thủ tướng Kamala Harris và Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Lloyd Austin đã chọn Việt Nam làm điểm đến trong các nước ASEAN ngay chuyến công du đầu tiên sau khi nhậm chức.

Tuy nhiên, đến năm 2022, việc ông Antony Blinken đi liên tục tới các nước trong ASEAN mà không thăm Việt Nam, nước có quan hệ đối tác toàn diện với Hoa Kỳ, đã làm dấy lên một số lo lắng.

Chiều 5/8, bên lề chuỗi hội nghị ASEAN ở Campuchia, ông Antony Blinken đã gặp Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn và khẳng định “quan hệ Đối tác toàn diện Mỹ – Việt Nam đang ngày càng hợp tác chặt chẽ” và “bền chặt”, theo Đại sứ quán Mỹ.

Trả lời BBC News Tiếng Việt, Tiến sỹ Nguyễn Thành Trung nói ông không có thông tin lý do hai sự kiện tàu sân bay USS Ronald Reagan và chuyến thăm của ông Blinken bị hủy. Tuy nhiên, ông Trung đánh giá hai hoạt động riêng rẽ này có một điểm chung là thúc đẩy mối quan hệ song phương Việt-Mỹ.

“Do đó, việc huỷ bỏ hay dời chuyến thăm sang một thời điểm khác trong một thế giới đầy biến động và thay đổi rất nhanh này là một điều đáng tiếc cho cả hai phía. Tất nhiên, phía Việt Nam đã bỏ lỡ một cơ hội để thúc đẩy sự hiểu biết, và làm sâu sắc mối quan hệ với phía Mỹ.

“Cá nhân tôi cũng được thư mời tham gia lên tàu sân bay theo kế hoạch vào tháng Năm, nhưng sau đó là lá thư xin lỗi vì tàu không thể ghé thăm. Lần tháng Bảy thì tôi không được thông báo gì. Sau hai lần tàu sân bay ghé thăm Việt Nam vào các năm 2018, và 2020, phía Mỹ đã thể hiện họ muốn có chuyến tàu sân bay ghé thăm Việt Nam ít nhất một lần cứ mỗi hai năm.

“Tuy nhiên, với việc bị lỡ hẹn hai lần vào tháng Năm và tháng Bảy năm nay cho chuyến ghé thăm của tàu sân bay, có thể nói mối quan hệ quốc phòng giữa hai nước có một nốt trầm trong năm 2022, mặc dù vẫn còn những hoạt động tiếp nối từ những năm trước.”

So sánh mức đầu tư của Mỹ và Trung Quốc vào Việt Nam từ năm 2020 đến 2021

Tiến sỹ Nguyễn Thành Trung còn chỉ ra rằng, Việt Nam thể hiện quan điểm khác biệt với phía Mỹ và phương Tây trong các phiên bỏ phiếu về những vấn đề liên quan đến cuộc xung đột Ukraine ở Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc.

“Phía Mỹ không nhìn lá phiếu của Việt Nam như là kết quả của quá trình tính toán lý trí về lợi ích quốc gia và lợi ích dân tộc, mà là sự thể hiện của sự gắn bó cảm xúc và tư duy từ thời chiến tranh lạnh,”

“Tuy nhiên, tôi hy vọng ngoại trưởng Blinken hay tổng thống Biden có thể ghé thăm chính thức Việt Nam vào cuối năm nay khi phía Mỹ tham dự hội nghị thượng đỉnh ASEAN mở rộng tại Campuchia,” ông Trung đúc kết.

Còn ông Nguyễn Thế Phương, nghiên cứu sinh Tiến sỹ về An ninh và Quân sự Quốc tế tại Đại học New South Wales, Úc thì cho rằng, vụ huỷ lịch trình nói trên có thể là kết quả của quá trình điều chỉnh kỳ vọng của Mỹ và Việt Nam trong quan hệ song phương.

“Việt Nam coi Mỹ là đối tác toàn diện nhưng chỉ dừng ở đó thôi. Mỹ thì muốn nâng tầm chiến lược, nhưng lại chưa được sự đồng ý của Việt Nam. Tôi tin việc Mỹ đã từ chối không để Thủ tướng Phạm Minh Chính được gặp Tổng thống Mỹ Biden hồi tháng Năm cũng cho thấy sự mất kiên nhẫn của Mỹ liên quan tới việc nâng cấp đối tác chiến lược,” ông Phương đánh giá.

Tuy nhiên, sự kiện Hội nghị thượng đỉnh ASEAN – Mỹ từ 12-13/5 vừa rồi, Tổng thống Biden cũng không gặp riêng bất kì nhà lãnh đạo nào trong khối này, theo Reuters.

Phía Campuchia cũng được đại sứ Mỹ ở Phnom Penh, Patrick Murphy, cho biết không có các cuộc gặp riêng giữa Tổng thống Mỹ với lãnh đạo các nước ASEAN vì hội nghị thượng đỉnh vốn có lịch trình dài và vì ông Biden “bận”.

Việt Nam giữa căng thẳng Mỹ-Trung

Về vấn đề khủng hoảng eo biển Đài Loan, khối ASEAN ra thông cáo ngày 4/8, cảnh báo nguy cơ Đài Loan ‘tính toán sai lầm’, sẵn sàng giúp đỡ các bên đối thoại một cách hòa bình.

“ASEAN kêu gọi sự kiềm chế tối đa, kiểm soát các hành động khiêu khích và duy trì các nguyên tắc được ghi trong Hiến chương Liên Hiệp Quốc và Hiệp ước thân thiện và hợp tác TAC (Treaty of Amity and Cooperation),”

Thông cáo còn tái khẳng định sự ủng hộ và tôn trọng của các thành viên của ASEAN đối với chính sách Một Trung Quốc.

Trước đó, hôm 3/8, phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng nói về tình hình eo biển Đài Loan:

“Việt Nam kiên trì thực hiện chính sách “Một Trung Quốc” và mong muốn các bên liên quan kiềm chế, không làm căng thẳng tình hình eo biển Đài Loan, đóng góp tích cực vào việc duy trì hòa bình, ổn định, thúc đẩy hợp tác và phát triển của khu vực và trên thế giới.”

Tiến sỹ Trung nhận xét Việt Nam thể hiện quan điểm về chuyến thăm Đài Loan của bà Pelosi khá giống các quốc gia nhỏ và vừa trong khu vực khi thể hiện sự quan ngại và mong muốn các bên kiềm chế.

“Đây cũng là hành động hợp lý trong bối cảnh cạnh tranh Mỹ-Trung đang lên cao, và các quốc gia trong khu vực không muốn bị ảnh hưởng bởi các tác động tiêu cực từ các hành động phô trương sức mạnh của các bên liên quan,” ông kết luận.

Ông David Brown, cựu nhân viên Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ tại Việt Nam thì cho rằng, trừ khi Trung Quốc gia tăng áp lực đối với Việt Nam, Hà Nội không đạt được lợi ích gì trong việc chính thức hóa mối quan hệ ‘chiến lược’ với Mỹ.

“Do đó, chừng nào Nguyễn Phú Trọng còn là Tổng Bí thư thì khả năng Việt Nam sẽ vô cớ xúc phạm Trung Quốc hoặc Nga rất là thấp. Khi nước Mỹ chưa có được một giải pháp thay thế tốt hơn với động thái này, Washington sẽ không chỉ trích việc Việt Nam duy trì một mối quan hệ dân sự và thuận tiện cho đôi bên đối với cả Bắc Kinh lẫn Moscow.”

Related posts