Chi Anh
Gần đây, Elon Musk – người đàn ông được cho là có ảnh hưởng nhất thế giới – đã đưa ra một số lời khuyên dành cho giới doanh nhân tham vọng. Nếu bạn muốn kiếm tiền, tiền thật, hãy khai thác lithium. Đó là lời khuyên đúng đắn. Tầm quan trọng của lithium – đôi khi được gọi là “dầu trắng” – là vô cùng to lớn.
Từ năm 1848 đến đầu những năm 1900, như các nhà sử học Benjamin Mountford và Stephen Tuffnell đã thảo luận rất chi tiết, thế giới trải qua cơn sốt vàng chưa từng có. Theo hai nhà sử học, từ phía tây của châu Mỹ đến Tây Phi, “các cuộc tìm kiếm vàng và các cuộc di cư đã tạo nên nhiều vùng lãnh thổ và nhà nước mới; gây ra các cuộc bùng nổ và suy thoái ngắn hạn; kích động xung đột bạo lực với các cộng đồng bản địa và cộng đồng dân cư khác”. Khát vọng tích lũy của cải “đã khơi dậy tinh thần kinh doanh ở mọi lĩnh vực; định hình lại sản xuất, thương mại và lao động; và bộc lộ năng lực của con người”.
Tua nhanh đến năm 2022, có một cơn sốt mới đang càn quét thế giới. Bạn thấy đấy, theo nhiều cách, lithium là vàng mới (thực tế, nó được gọi là “dầu trắng” và được so sánh với vàng – điều này giúp bạn hiểu tại sao nguyên tố này lại có giá trị như vậy).
Pin được sử dụng trong điện thoại di động, máy tính bảng, máy tính xách tay, máy ảnh kỹ thuật số và tất nhiên là xe điện, cũng như hàng triệu máy điều hòa nhịp tim đều yêu cầu có lithium.
Năm 2016, thế giới có 2 triệu xe điện. Ngày nay, thế giới có 20 triệu xe điện. Đến năm 2030, con số này sẽ là 145 triệu. Năm 2050 là gần 1 tỷ. Càng nhiều xe điện chạy trên đường, càng cần nhiều lithium. Khoảng 91% dân số thế giới (tương đương 7,26 tỷ người) đang sở hữu một chiếc điện thoại thông minh; khi xét đến việc thế giới sẽ có thêm ít nhất 1 tỷ người vào năm 2030, dự kiến số lượng người sở hữu điện thoại thông minh sẽ tăng lên — và nhu cầu về lithium cũng sẽ tăng lên.
Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) hiểu rõ điều này.
ĐCSTQ nắm thế chủ động trong cuộc chiến Lithium
Ba quốc gia có trữ lượng lithium lớn nhất đều nằm ở Nam Mỹ, được gọi là “tam giác lithium” bao gồm Argentina, Bolivia và Chile. Xét đến mức độ can thiệp của Trung Quốc ở cả ba quốc gia này, có lẽ tốt hơn nên gọi nó là “hình chữ nhật lithium”.
Bolivia – một quốc gia nhỏ, không giáp biển, có diện tích nhỏ hơn 3 lần so với bang Montana của Mỹ – là nơi có trữ lượng lithium lớn nhất thế giới – chính xác là 21 triệu tấn. Vào năm 2018, Trung Quốc và Bolivia đã đồng ý hợp tác sâu sắc hơn, thực tế hơn.
Chưa đầy một năm sau, như Reuters đưa tin, chính phủ Bolivia ký một thỏa thuận trị giá 2,3 tỷ USD với ĐCSTQ. Theo đó, nước này cấp cho Tập đoàn Tân Cương TBEA của Trung Quốc 49% cổ phần trong liên doanh với YLB – công ty lithium lớn nhất của Bolivia. Mặc dù người Bolivia, cho đến rất gần đây, đã vật lộn để biến tiềm năng [khai thác lithium] thành hiện thực, mọi thứ dường như đang thay đổi, Trung Quốc có vẻ như đã có được thứ mà họ vô cùng mong muốn: tiếp cận chiến lợi phẩm [các mỏ lithium].
Trung Quốc cũng đang đạt được những gì họ muốn ở Chile, quê hương của 9 triệu tấn lithium. Vào đầu năm, các nhà chức trách Chile đã trao một hợp đồng khai thác sinh lợi cao, trị giá 120 triệu USD, cho BYD – một tập đoàn có trụ sở tại Thâm Quyến (còn gọi là Thung lũng Silicon của Trung Quốc).
Gần đây hơn, tại Argentina, quốc gia sở hữu ít nhất 17 triệu tấn lithium, Ganfeng Lithium Co. của Trung Quốc – một trong những nhà sản xuất lithium hàng đầu thế giới – đã gây chú ý khi mua 2 hồ muối sản xuất lithium cacbonat với giá 1 tỷ USD.
Như chúng ta đều biết, ai kiểm soát lithium, người đó sẽ kiểm soát tương lai. Theo một bài báo gần đây của Forbes, Trung Quốc hiện kiểm soát 7,9% trữ lượng lithium của thế giới (trong khi đó, Mỹ kiểm soát 4%). Hơn nữa, với trữ lượng khổng lồ của riêng mình, Trung Quốc hiện là “nhà sản xuất lithium lớn thứ 3 thế giới, sản xuất nhiều hơn Mỹ vào năm 2020”.
Liệu trong cuộc đua lithium, Mỹ có cam chịu thất bại dưới đối thủ cạnh tranh lớn nhất của họ hay không?
Lithium ở California là niềm hy vọng của nước Mỹ
Mặc dù câu trả lời có vẻ là có, nước Mỹ không mất tất cả hy vọng. Nếu Ủy ban Năng lượng California (CEC) chấp thuận thì biển hồ Salton có thể là sự cứu rỗi dành cho Mỹ. Theo CEC, biển hồ Salton – không giáp biển, cách biên giới California – Mexico khoảng một giờ lái xe về phía bắc – có đủ trữ lượng để đáp ứng nhu cầu lithium của Mỹ và 40% của thế giới.
Tin vui là việc chiết xuất lithium tại đây sẽ không gây ra bất kỳ vấn đề gì, nhờ vào vị trí địa lý khá độc đáo của biển hồ Salton. Chẳng hạn, không giống như các mỏ ở Bolivia, lithium ở California tồn tại dưới dạng chất lỏng tự nhiên. Điều này có nghĩa là không cần đào mỏ, không cần nổ mìn, và có rất ít thiệt hại môi trường.
Trong thời gian gần đây, California đã nhận nhiều lời chỉ trích – vì một lý do chính đáng [California theo đuổi văn hóa thức tỉnh]. Tuy nhiên, California có thể giúp nước Mỹ duy trì khả năng cạnh tranh với ĐCSTQ trong cuộc chiến lithium.
Chi Anh
Theo John Mac Ghlionn – The Epoch Times