Một chuyên gia đã kêu gọi phân cấp cho các cơ cấu quản lý của New Zealand nhiều hơn khi việc chính quyền trung ương tại thành phố thủ đô Wellington ngày càng tăng cường quyền lực đang khiến nước này không thể đáp ứng nhu cầu ngày càng lớn ở các vùng.
Kinh tế gia Oliver Hartwich nói với The Epoch Times rằng New Zealand vốn là một quốc gia tập trung quyền lực cao, và đang ngày càng tập trung quyền lực hơn, đồng thời nhiều người dân nước này không nhận thức được những vấn đề gắn liền với hình thức chính phủ này.
Những hành động gần đây nhằm biến New Zealand trở nên tập trung quyền lực hơn bao gồm một hệ thống y tế mới, tại đó 20 ban y tế quận được hợp nhất thành một cơ quan y tế quốc gia hôm 01/07. Ngoài ra, trong năm 2020, tất cả 16 trường kỹ thuật, là cơ sở giáo dục và đào tạo nghề của nước này, cũng được sáp nhập thành một tổ chức duy nhất.
Một năm sau khi hợp nhất, Phó Giám đốc điều hành trường kỹ thuật Merran Davis đã từ chức nói với Newstalk ZB hôm 28/07 rằng bà rời bỏ chức vụ vì mất niềm tin vào tổ chức này.
Nghị trình hiện nay là tập trung hóa các dịch vụ cấp nước, được gọi là Cải tổ Ba Nguồn nước. Dịch vụ cấp nước đang được 67 hội đồng điều hành tại địa phương, nhưng nếu dự luật được thông qua, thì những hội đồng này sẽ được thay thế bằng bốn tổ chức mới và được quản lý theo “các nguyên tắc của Hiệp ước Waitangi.”
Ông Hartwich nói: “Vì vậy, mặc dù chúng ta đã là một trong những nước tập trung quyền lực nhất trên hành tinh, nhưng chính phủ đương nhiệm sẽ khiến nó tập trung hơn nữa.”
Ông Hartwich cũng là giám đốc điều hành của viện nghiên cứu Sáng kiến New Zealand. Ông cho biết công chúng hầu như không nhận thấy mọi thứ có thể được điều hành khác đi như thế nào, tức là có nhiều người ủng hộ hệ thống này hoặc có thái độ thờ ơ.
“Công chúng tin rằng mọi thứ diễn ra đúng theo mong đợi bởi vì đất nước này quá nhỏ nên thậm chí không cần đến chính quyền địa phương,” ông nói. “Nhân đây tôi nói rằng điều đó không đúng. Tôi không đồng ý với điều đó.”
Chính phủ mới điều hành đất nước như một nước xã hội chủ nghĩa
Ông Hartwich cho biết không phải gần đây sự tập trung quyền lức của chính phủ mới tiến triển, mà đã được tập trung hóa “có lẽ là trong một thế kỷ.”
“Trong một thời gian rất dài, New Zealand đã rất tập trung quyền lực, và chính phủ còn tập trung quyền lực hơn nữa. Vì vậy, vào những năm 1980, chẳng hạn, họ hợp nhất một số cơ quan chính quyền địa phương thành những cơ quan lớn hơn”.
Ông nói: “Nhưng về căn bản, tình cảnh mà chúng ta có hiện nay thực sự là một nơi mà đất nước bị tập trung hóa quyền lực hơn 90%.”
Theo ông Hartwich, chính phủ Wellington chiếm hơn 90% số thuế thu được ở New Zealand, khi lưu ý rằng ngoài kia có những nước nhỏ khác quản lý đất nước khác hẳn, nhưng lại rất thành công.
Ông lưu ý rằng Thụy Sĩ là một ví dụ về một nước tương đối nhỏ, ở đó mỗi hội đồng địa phương và tiểu bang có thể tự đánh thuế để giải quyết các vấn đề ở địa phương.
Ông nói: “Sẽ tốt hơn nhiều nếu … chúng ta có những cộng đồng địa phương mạnh mẽ và thuế thu nhập địa phương để cộng đồng thực sự có thể lập kế hoạch cho những thứ họ cần. Nhưng thật không may, nước này được điều hành giống như một quốc gia xã hội chủ nghĩa đích thực.”
Trong khi đó, bà Muriel Newman, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Chính trị New Zealand, cho biết các chính phủ tiền nhiệm luôn hiểu rằng cách tiếp cận phi tập trung quyền lực sẽ mang lại hiệu quả tốt hơn cho cộng đồng.
“Vì vậy, những gì chính phủ này đã làm là họ đã vào cuộc, và vì nhiều lý do, họ đã quyết định rằng tập trung quyền lực và sự kiểm soát là lựa chọn tốt hơn cho New Zealand,” bà nói với The Epoch Times. “Nhưng họ đã áp đặt điều đó lên đất nước này. Thực ra chúng ta đã không tranh luận đúng cách về vấn đề này.”
Nhưng bà Newman giải thích rằng chính quyền địa phương ở New Zealand luôn có các chức năng giới hạn đối với việc cấp nước, cơ sở hạ tầng đường bộ, thu gom rác, và quyền cho phép xây dựng.
Bà nói: “[Các quốc gia như Hoa Kỳ và Úc] là các quốc gia do các tiểu bang điều hành, vì vậy họ có chính quyền tiểu bang, trong khi đó chúng tôi có chính quyền địa phương.”
“Ở một số quốc gia, chính quyền các tiểu bang điều hành hệ thống giáo dục hoặc điều hành hệ thống y tế hoặc bất cứ thứ gì. Ở New Zealand thì không giống như thế. Các cơ quan này được điều hành một cách tập trung.”
Giáo dục
Hệ thống giáo dục ở New Zealand do Bộ Giáo dục đứng đầu, đề ra những gì được dạy ở các cấp tiểu học, trung học, và cấp ba. Mỗi trường cũng có hội đồng trường riêng để kiểm soát chương trình giảng dạy.
Tuy nhiên, giống như nhiều quốc gia phương Tây khác, tiêu chuẩn giáo dục ở New Zealand đã xuống cấp với tốc độ ngày càng nhanh.
Sau khi đại dịch COVID-19 bùng phát hồi năm 2020, Bộ trưởng Giáo dục Chris Hipkins cũng được giao thêm chức trách của bộ trưởng ứng phó COVID-19.
Việc tất cả các bộ trưởng trong nội các ở New Zealand giám sát nhiều mảng công việc là điều bình thường, nhưng ông Newman cho biết kỳ vọng chung là các bộ trưởng đảm nhiệm nhiều mảng công việc lớn, chẳng hạn như y tế, phúc lợi, và giáo dục, sẽ nhận thêm những mảng ít quan trọng hơn.
Một cuộc thử nghiệm gần đây đối với các kỳ thi trung học mới cho thấy tỷ lệ thi trượt đáng báo động, với 2/3 số học sinh không đạt chuẩn môn viết và 1/3 không đạt chuẩn các môn đọc và làm toán.
Trước đây ông Michael Johnston, một chuyên gia giáo dục của viện nghiên cứu Sáng kiến New Zealand, từng nói với The Epoch Times rằng tỷ lệ thi trượt cao không phải do các kỳ thi quá khó mà nguyên nhân chủ yếu là vì trình độ giảng dạy yếu kém.
Tuy nhiên, tình trạng trốn học cũng trở thành một vấn đề ngày càng nghiêm trọng. Vấn đề này đã tăng nhanh trong đại dịch COVID-19 và cũng góp phần vào các vấn đề khác như tình trạng leo thang tội phạm thanh thiếu niên.
Ông Newman nói: “Hồi [chính phủ] tiền nhiệm, họ sẽ nêu lên vấn đề này và giải thích những gì họ đang làm để cố gắng giải quyết. Nhưng đối với chính phủ này, đó không phải là việc ưu tiên.”
The Epoch Times đã liên hệ với văn phòng Bộ trưởng Chris Hipkins để đề nghị bình luận nhưng không nhận được phản hồi.
Cô Rebecca Zhu sống tại Sydney. Cô chuyên đưa tin về các vấn đề quốc gia của Úc và New Zealand.
Thanh Nhã biên dịch