Đơn hàng xuất khẩu của Trung Quốc giảm vì Zero Covid

Đông Phương

Đơn hàng xuất khẩu của Trung Quốc giảm vì Zero Covid
Các công nhân đang lắp ráp ô tô đồ chơi tại nhà máy đồ chơi ở Trung Quốc. (STR/AFP via Getty Images)

Thành phố Nghĩa Ô, tỉnh Chiết Giang, chợ bán buôn lớn nhất Trung Quốc, đang tạm đóng cửa một tuần do phong tỏa, hàng hóa không thể lưu thông. Chính sách Zero Covid đang làm các doanh nghiệp Trung Quốc đánh mất nhiều đơn hàng xuất khẩu.

Ngày 11/8, thành phố Nghĩa Ô, tỉnh Chiết Giang ra thông báo cho biết, từ 0h cùng ngày, thành phố sẽ thực hiện “quản lý tĩnh toàn khu vực” trong 3 ngày. 

“Quản lý tĩnh toàn khu vực” cũng là một hình thức phong tỏa, người dân địa phương phải ở trong nhà và các phương tiện giao thông công cộng bị dừng hoạt động.

Theo tờ Yicai, một số ít đường phố và thị trấn ở Nghĩa Ô đã trở lại trạng thái bình thường từ 0 giờ ngày 14/8 do không có ca Covid cộng đồng nào trong 7 ngày liên tiếp. Tuy nhiên, hầu hết các nơi còn lại vẫn đang chịu hạn chế, hoạt động sản xuất và logistics của một lượng lớn doanh nghiệp vẫn gặp trở ngại.

Theo bài báo, một số khách hàng cho hay, ban đầu họ cảm thấy 3 ngày là con số trong ngưỡng chịu đựng, tuy nhiên, họ trở nên lo lắng khi biết rằng sẽ phải đợi thêm 7 ngày nữa.

Ông Trần Hiển Xuân (Chen Xianchun), Giám đốc Kinh doanh của Công ty Văn phòng phẩm Kim Tôn ở Nghĩa Ô cho biết, mọi hoạt động sản xuất và logistics đều bị dừng lại trong thời gian quản lý tĩnh. Nếu khách hàng không thể chờ đợi, công ty chỉ có thể chấp nhận hoàn lại toàn bộ tiền và tự chịu thiệt hại. Hiện tại, công ty có một số thành phẩm hoặc bán thành phẩm đang tồn đọng trong kho do không thể giao hàng.

Chỉ còn chưa đầy 100 ngày nữa là diễn ra giải bóng đá World Cup tại Qatar (ngày 21/11), các sản phẩm liên quan đã được đặt hàng gấp tại Nghĩa Ô. Ngoài ra, Nghĩa Ô còn đóng góp 2/3 nguồn cung các mặt hàng Giáng sinh trên thế giới. Do đó, các đơn hàng cho mùa Giáng sinh được coi là một phần quan trọng trong việc thúc đẩy hoạt động ngoại thương của Trung Quốc vào nửa cuối năm.

Theo CNA, Nghĩa Ô được mệnh danh là “thủ đô hàng hóa của thế giới”, hàng hóa ở đây được xuất khẩu sang hơn 210 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, thị trường nước ngoài chiếm trên 65%. Trong nửa đầu năm nay, tổng giá trị xuất nhập khẩu ngoại thương của Nghĩa Ô đã vượt mức 200 tỷ nhân dân tệ (hơn 29,45 tỷ USD).

Tuy nhiên, dù biện pháp phong tỏa gây nguy hiểm cho ngành thương mại của Nghĩa Ô, hay gây thiệt hại cho ngành du lịch ở Tam Á, tỉnh Hải Nam và những nơi khác, có thể thấy chính quyền Bắc Kinh sẽ không thay đổi chính sách Zero Covid.

Ngày 28/7, tại cuộc họp bàn về tình hình kinh tế hiện nay và công tác kinh tế nửa cuối năm của Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, nhà chức trách yêu cầu các cấp “phải phòng chống được dịch bệnh, nền kinh tế phải ổn định, phát triển phải an toàn”.

Nhiều chuyên gia và học giả Trung Quốc phân tích rằng, thứ tự công bố chính sách trên cho thấy giới chức nước này đặt phòng chống dịch bệnh lên hàng đầu, phát triển kinh tế chỉ đứng thứ 2.

Việc chính quyền Bắc Kinh kiên quyết với chính sách Zero Covid cũng khiến đơn đặt hàng của các doanh nghiệp tư nhân bị giảm.

Theo Bloomberg, từ các nhà sản xuất quần áo cho đến nhà sản xuất đồ trang trí Giáng sinh đều tiết lộ rằng, đơn đặt hàng từ khách nước ngoài đang giảm dần. Báo cáo từ các nhà sản xuất cho thấy, chỉ số xuất khẩu của Trung Quốc có thể sẽ thụt giảm.

Bài báo dẫn lời ông Larry Hu, chuyên gia kinh tế trưởng về Trung Quốc tại Macquarie Group, cho biết xu hướng chung là tăng trưởng xuất khẩu sẽ chậm lại trong vài tháng tới và có thể đạt giá trị âm vào cuối năm.

Nhà xuất khẩu Vita Leisure cho biết, các đơn đặt hàng xuất khẩu liên tục giảm kể từ tháng 3; lượng đặt hàng của các khách Châu Âu chỉ bằng 30 đến 50% những gì họ yêu cầu trong năm ngoái. Khách hàng ở nước ngoài đang tìm cách xử lý hàng tồn kho thay vì đặt mua sản phẩm mới. Doanh số bán hàng năm nay đang lao dốc so với năm ngoái, nhu cầu thậm chí còn thấp hơn trước đại dịch, có một cảm giác hoảng sợ.

Một số doanh nghiệp cho hay, rất nhiều khách mua lẻ muốn chốt đơn hàng trước thời hạn, đây là tín hiệu cho thấy nhu cầu tiêu dùng có khả năng sẽ tiếp tục giảm trong nhiều tháng tới.

Các chính sách phòng dịch của Bắc Kinh đã đè nặng lên tâm lý người tiêu dùng và tàn phá ngành sản xuất.

Đông Phương

Theo Vision Times

Related posts