Tiêu Nhiên
Ngày 21/8, Thống đốc Mỹ Holcomb tiểu bang Indiana của Mỹ đã dẫn đầu một phái đoàn đến Đài Loan, trở thành chính khách mới nhất của Mỹ thăm Đài Loan – động thái khiến Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) tức giận vô cớ và thường có hành động leo thang căng thẳng.
Văn phòng Thống đốc Indiana cho biết trong một tuyên bố, ông Holcomb là Thống đốc Mỹ đầu tiên đến thăm Đài Loan kể từ năm 2019 và là Thống đốc Indiana đầu tiên đến thăm Đài Loan trong 17 năm. Phái đoàn của Thống đốc Holcomb sẽ gặp Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn – vấn đề rất nhạy cảm đối với giới chức ĐCSTQ. Bộ Ngoại giao Đài Loan hôm Chủ Nhật cho biết, phái đoàn có kế hoạch ký một bản ghi nhớ với các quan chức Đài Loan để thúc đẩy hợp tác kinh doanh, thương mại và khoa học.
“Tôi cảm ơn sự chào đón nồng nhiệt của ông Douglas Yu-tien Hsu, Cục trưởng Cục Bắc Mỹ thuộc Bộ Ngoại giao Đài Loan”, ông Holcomb đã tweet và đăng một bức ảnh chung của ông và ông Douglas Yu-tien Hsu.
Phái đoàn bang Indiana bao gồm các quan chức phát triển nhà nước, các nhóm doanh nghiệp tư nhân và Viện trưởng Viện Kỹ thuật của Đại học Purdue, họ sẽ ở lại Đài Loan 2 ngày trong khuôn khổ chuyến công du phát triển kinh tế châu Á. Thống đốc cũng có kế hoạch gặp các quan chức Chính phủ Đài Loan và Hàn Quốc, các nhà lãnh đạo doanh nghiệp và các tổ chức học thuật.
Trong một tuyên bố, Văn phòng Thống đốc Holcomb lưu ý rằng trong số hơn 1000 doanh nghiệp nước ngoài đang hoạt động tại bang Indiana có 10 doanh nghiệp Đài Loan.
Nhà sản xuất chip bán dẫn lớn của Đài Loan là MediaTek gần đây đã công bố một thỏa thuận lớn với Intel, công ty này tiết lộ vào ngày 1/8 rằng họ đang hợp tác với Đại học Purdue ở Indiana để xây dựng một trung tâm thiết kế chip mới.
Chuyến đi của ông Holcomb diễn ra sau chuyến thăm Đài Loan của Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi vào đầu tháng này trong bối cảnh mối quan hệ của Washington với Bắc Kinh không ngừng xấu đi. Bà Pelosi trở thành Chủ tịch Hạ viện Mỹ đầu tiên trong 25 năm đến thăm Đài Loan. ĐCSTQ đã phản ứng mạnh mẽ bằng cách bao vây Đài Loan bằng các cuộc tập trận quân sự và đình chỉ quan hệ ngoại giao quan trọng với Mỹ, đồng thời đưa ra Sách Trắng về vấn đề Đài Loan, nhắc lại quan điểm không loại trừ việc thống nhất Đài Loan bằng quân sự.
Tuy nhiên điều đó đã không ngăn Mỹ tiếp tục cử các quan chức cấp cao tới Đài Loan và chính quyền Tổng thống Biden tuần trước đã công bố kế hoạch bắt đầu đàm phán với Đài Loan về một thỏa thuận thương mại mới. 12 ngày sau chuyến thăm của bà Pelosi đến Đài Loan, một phái đoàn lưỡng đảng tiếp theo do Thượng nghị sĩ Dân chủ Markey dẫn đầu đã đến Đài Loan với mục đích “tái khẳng định sự ủng hộ của Mỹ đối với Đài Loan” và “khuyến khích sự ổn định và hòa bình trên eo biển Đài Loan”, động thái lại khiến nhà chức trách ĐCSTQ tức giận.
Bất chấp những tuyên bố của Mỹ rằng chính sách “một Trung Quốc” không thay đổi, truyền thông ĐCSTQ Tân Hoa Xã đã đăng một bài xã luận vào Chủ Nhật gọi chuyến thăm của bà Pelosi là “sự khiêu khích trắng trợn” và bảo vệ cho hành động diễn tập bắn đạn thật quy mô lớn của quân đội ĐCSTQ.
Đại sứ Mỹ tại Trung Quốc: Trung Quốc cần hành động hòa bình ở eo biển Đài Loan
Trong một cuộc phỏng vấn với CNN hôm thứ Sáu (19/8), Đại sứ Mỹ tại Trung Quốc Nicholas Burns một lần nữa cáo buộc Bắc Kinh “phản ứng thái quá” với chuyến đi gần đây của bà Pelosi và các nhà lập pháp Mỹ khác tới Đài Loan, động thái đó đã “gây một cuộc khủng hoảng” trong bối cảnh Mỹ không có bất kỳ thay đổi nào trong chính sách đối với Đài Loan.
Ông Burns cho biết, Trung Quốc cần thuyết phục các nước khác rằng họ không phải là “nhân tố gây bất ổn” và sẽ hành động một cách hòa bình ở eo biển Đài Loan.
Ông nói với CNN: “Tôi nghĩ rằng có rất nhiều lo ngại trên khắp thế giới rằng Trung Quốc đã trở thành một nhân tố gây bất ổn ở eo biển Đài Loan, điều đó không có lợi cho bất kỳ ai”.
Dường như ngay sau khi chuyên cơ của bà Pelosi đến sân bay Tùng Sơn – Đài Bắc, ông Burns đã nhận được lệnh triệu tập từ Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Tạ Phong (Xie Feng). Ông nói về vấn đề này: “Chúng tôi đã có một cuộc họp rất nóng và ít nhiều có tranh cãi. Tôi bảo vệ Chủ tịch Hạ viện Pelosi. Tôi ủng hộ quyền đi du lịch đến Đài Loan của bà ấy”.
Ông Burns yêu cầu ông Tạ Phong đảm bảo rằng Chính phủ Trung Quốc sẽ hành động theo cách “thúc đẩy hòa bình và ổn định”.
Mỹ tuân thủ chính sách “một Trung Quốc”, nhưng chưa bao giờ chấp nhận yêu sách của ĐCSTQ đối với chủ quyền của Đài Loan. Washington đã duy trì “sự mơ hồ chiến lược” trong vấn đề liệu Mỹ có cung cấp phòng thủ cho Đài Loan một khi Bắc Kinh xâm lược Đài Loan bằng vũ lực hay không.
Hành động trả đũa ngoại giao của ĐCSTQ đối với Mỹ bao gồm việc hủy các cuộc điện đàm và cuộc họp trong tương lai giữa các nhà lãnh đạo quốc phòng ĐCSTQ và Mỹ, đồng thời đình chỉ các cuộc đàm phán song phương về khí hậu giữa hai nước phát thải carbon lớn nhất thế giới này. Ông nói: “Chúng tôi đặc biệt kêu gọi (Trung Quốc) quay trở lại bàn đàm phán về khí hậu với Mỹ”.
Tiêu Nhiên, Vision Times