Ông Tập Cận Bình có kế hoạch gặp ông Putin trước khi gặp ông Biden, phát đi tín hiệu gì?
Tờ Wall Street Journal đưa tin độc quyền rằng ông Tập Cận Bình đang chuẩn bị đến thăm Trung Á vào tháng 9 để gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin. Các nhà phân tích chỉ ra rằng, cuộc gặp của ông Tập với ông Putin trước khi gặp Tổng thống Mỹ Biden vào tháng 11 nhấn mạnh nỗ lực của ông Tập trong việc tăng cường quan hệ Trung-Nga khi phương Tây thắt chặt việc kiềm chế ĐCSTQ.
Theo The Wall Street Journal, những người tham gia vào việc chuẩn bị cho hội nghị thượng đỉnh thường niên của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải sẽ được tổ chức tại Thành phố Samarkand, Uzbekistan, từ ngày 15/9 ngày 16/9, cho biết văn phòng của ông Tập trong tuần này ám chỉ rằng ông có thể đích thân tham dự cuộc họp. Bên cạnh đó, nhà lãnh đạo Trung Quốc cũng có kế hoạch tổ chức các cuộc họp song phương với các nhà lãnh đạo Pakistan, Ấn Độ và Thổ Nhĩ Kỳ bên lề hội nghị thượng đỉnh.
Một số nguồn thạo tin cho biết Bắc Kinh chỉ bắt đầu lên kế hoạch cho ông Tập tham dự hội nghị và gặp ông Putin sau khi thất bại trong việc ngăn chặn chuyến thăm của bà Pelosi. Giới lãnh đạo Trung Quốc lo ngại một cuộc xung đột quân sự bất ngờ với Washington do căng thẳng leo thang ở eo biển Đài Loan.
Hãng thông tấn TASS của Nga hồi tháng 6 đưa tin ông Putin có kế hoạch tham dự hội nghị thượng đỉnh Hợp tác Kinh tế Thượng Hải, nhưng không đề cập đến cuộc gặp với ông Tập.
Các quan chức Trung Quốc nói rằng chuyến thăm đến Uzbekistan ở Trung Á sẽ nhấn mạnh nỗ lực của ông Tập nhằm củng cố mối quan hệ an ninh chặt chẽ hơn với các đồng minh ngoài Hoa Kỳ như một bức tường thành chống lại sự kiềm chế của phương Tây đối với Trung Quốc.
Tổ chức Hợp tác Thượng Hải, một khối an ninh khu vực được thành lập bởi Trung Quốc, Nga và các nước Trung Á vào năm 2001, được gọi là “NATO của phương Đông”. Ấn Độ và Pakistan được thêm vào tổ chức năm 2017. Các nhà quan sát bao gồm Iran và Afghanistan. Thổ Nhĩ Kỳ được liệt kê là đối tác Hội thoại.
Tờ Wall Street Journal trước đó đưa tin rằng ông Tập có kế hoạch thăm Đông Nam Á vào giữa tháng 11 để tổ chức cuộc gặp trực tiếp với Tổng thống Mỹ Joe Biden bên lề Hội nghị thượng đỉnh G20. Đây sẽ là cuộc gặp đầu tiên các nhà lãnh đạo Trung Quốc và Mỹ, kể từ khi ông Biden nhậm chức. Người chủ trì hội nghị thượng đỉnh, Tổng thống Indonesia Joko Widodo, nói với tờ Bloomberg hôm thứ Sáu (19/8) rằng ông Tập, ông Biden và ông Putin đều sẽ tham dự hội nghị thượng đỉnh G20 tại Bali vào tháng 11.
Sau khi chiến tranh nổ ra giữa Nga và Ukraine, Mỹ đã kêu gọi nhóm G20 trục xuất tư cách thành viên của Nga và rút lại lời mời đối với ông Putin. Tuy nhiên, Tổng thống Indonesia nhất quyết mời ông Putin, đồng thời gửi lời mời đến Tổng thống Ukraine Zelensky, người không phải là thành viên G20, với hy vọng đóng một vai trò hòa giải giữa Nga và Ukraine.
Trung Quốc tin rằng cuộc gặp với ông Putin trước cuộc gặp với ông Biden sẽ gửi một tín hiệu: ông Tập cam kết tăng cường mối bang giao Trung-Nga. Ông Putin và ông Tập đã gặp nhau trong Thế vận hội Bắc Kinh hồi tháng 2 năm nay, và một vài tuần sau đó Nga đã phát động một cuộc chiến tranh chống lại Ukraine.
Ông Putin trong tuần này gọi chuyến thăm đài Loan của bà Pelosi là “một sự khiêu khích được lên kế hoạch cẩn thận” nhằm tạo ra hỗn loạn. Bắc Kinh cho biết tuyên bố của ông Putin cho thấy “sự hợp tác chiến lược cấp cao giữa Trung Quốc và Nga”. Quân đội hai nước cũng sẽ tổ chức các cuộc tập trận chung ở Viễn Đông của Nga vào cuối tháng này, một minh chứng khác cho thấy sự ủng hộ của Trung Quốc đối với Moscow vào thời điểm phương Tây giận dữ về việc Nga xâm lược Ukraine
Chuyến thăm Trung Á của ông Tập cận Bình cũng có thể giúp giảm căng thẳng với Ấn Độ. Hai nước đang vướng vào tranh chấp kéo dài về biên giới Himalaya và một cuộc đụng độ quân sự chết người đã nổ ra vào năm 2020. Ấn Độ, cùng với Hoa Kỳ, Nhật Bản và Úc, được gọi là một phần của “Đối thoại An ninh Bốn bên” nhằm chống lại ảnh hưởng của ĐCSTQ ở châu Á.
Trung Quốc và Ấn Độ gần đây đã tranh cãi về việc một tàu khảo sát Trung Quốc cập cảng Sri Lanka, một động thái mà New Delhi lo ngại có thể báo hiệu Bắc Kinh sử dụng Sri Lanka làm căn cứ cho các hoạt động quân sự ở Ấn Độ Dương.
Kể từ sau đại dịch, hầu hết các cuộc gặp của ông Tập với các nhà lãnh đạo toàn cầu đều diễn ra trực tuyến. Vào tháng 6, ông Tập đã hội đàm với các nhà lãnh đạo của Ấn Độ, Nga, Brazil và Nam Phi tại một hội nghị thượng đỉnh trực tuyến BRICS. Cuộc gặp mặt trực tiếp cuối cùng giữa ông Tập và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi diễn ra vào năm 2019.
Chuyến thăm nước ngoài cuối cùng của ông Tập là vào tháng 1/2020, sau khi dịch bệnh Lây lan nhanh chóng ở miền Trung Trung Quốc.
Một số nhà phân tích chỉ ra rằng tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 20 vào mùa thu này, ông Tập cận Bình dự kiến sẽ tái đắc cử tổng bí thư, và sau khi vị trí của ông được củng cố trong Đảng, ông sẽ tiếp tục các chuyến thăm nước ngoài bình thường.
Lam Giang
Theo Visiontimes
Trung Quốc: COVID-19 góp phần làm giảm trầm trọng tỷ lệ sinh và kết hôn
Reuters đưa tin, ngày 23/8, Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc (NHC) cho biết, đại dịch COVID-19 đã góp phần làm giảm tỷ lệ kết hôn và sinh con của nước này, vốn đã ở mức đáng báo động trong những năm gần đây do chi phí giáo dục và nuôi dạy trẻ cao.
Ủy ban này cho hay, nhiều phụ nữ đang tiếp tục trì hoãn kế hoạch kết hôn hoặc sinh con; và đáng lưu ý là sự phát triển kinh tế và xã hội nhanh chóng đã dẫn đến “những thay đổi sâu sắc”.
Việc giới trẻ chuyển đến các khu vực đô thị, dành nhiều thời gian hơn cho giáo dục, và môi trường làm việc áp lực cao cũng góp phần làm gia tăng tình trạng nêu trên.
Các nhà nhân khẩu học nhận định, chính sách “zero-COVID” nghiêm ngặt của Trung Quốc với sự kiểm soát chặt chẽ cuộc sống của người dân có thể đã gây ra thiệt hại sâu sắc cho mong muốn có con của họ.
Ủy ban này nhấn mạnh: “Đại dịch COVID-19 cũng có tác động rõ ràng đến kế hoạch kết hôn và sinh con của một số người.”
Cũng theo các nhà nhân khẩu học, số trẻ mới sinh ở Trung Quốc sẽ giảm xuống mức thấp kỷ lục trong năm nay, với dự báo giảm xuống dưới 10 triệu so với 10,6 triệu trẻ của năm ngoái – thấp hơn 11,5% so với năm 2020.
Tỷ lệ sinh ở mức 1,16 của Trung Quốc vào năm ngoái thấp hơn đáng kể so với tiêu chuẩn 2,1 của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế về dân số ổn định, và hiện thuộc nhóm thấp nhất trên thế giới.
Trung Quốc áp dụng chính sách một con trong suốt 35 năm, đến năm 2015 mới cho phép mỗi cặp vợ chồng sinh 2 con, và năm ngoái đã bắt đầu cho phép các cặp vợ chồng có tối đa 3 con.
Chính quyền lo ngại rằng, tình trạng thiếu hụt lao động sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế của đất nước, vốn đã bị tác động phần nào trong những thập kỷ gần đây do tình trạng dân số trong độ tuổi lao động lớn tuổi của Trung Quốc, theo The Telegraph.
Giới lãnh đạo Bắc Kinh cũng lo ngại tỷ lệ sinh thấp có thể làm ảnh hưởng đến chính sách đối ngoại của mình.
Để giải quyết vấn đề này, chính quyền cấp quốc gia và cấp tỉnh đã đưa ra các biện pháp trong năm qua như giảm thuế, nghỉ thai sản dài hơn, tăng cường bảo hiểm y tế, trợ cấp nhà ở và cung cấp thêm tiền cho con các cặp vợ chồng sinh con thứ ba.
Ủy ban Y tế Trung Quốc cũng cũng tuyên bố, họ sẽ tiến hành quảng bá về sức khỏe sinh sản để nâng cao nhận thức của cộng đồng trong khi “ngăn ngừa mang thai ngoài ý muốn và giảm tỷ lệ phá thai không cần thiết về mặt y tế.”
Nhật Minh
“Zero COVID” khiến doanh số của các thương hiệu quốc tế tại Trung Quốc giảm mạnh
Phong tỏa do chính sách “zero COVID” của chính quyền Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã ảnh hưởng đến nhu cầu của người tiêu dùng trong nước. Trong quý gần đây, doanh số bán hàng tại Trung Quốc của các thương hiệu lớn từ cà phê, đồ trang sức cho đến áo phông đều giảm mạnh.
Theo Bloomberg đưa tin vào ngày 22/8, Starbucks đã bị ảnh hưởng đặc biệt nghiêm trọng bởi chính sách phòng chống dịch của ĐCSTQ. Báo cáo doanh số bán hàng giảm hơn 40% trong quý kết thúc vào ngày 3/7. Công ty đã đóng cửa khoảng 1/4 cửa hàng ở Trung Quốc và 940 cửa hàng ở Thượng Hải do dịch bệnh bùng phát. Các cửa hàng Starbucks ở Trung Quốc trong khoảng 2/3 của quý này đều trong trạng thái không hoạt động do phong tỏa.
Doanh số bán hàng xa xỉ tại thị trường Trung Quốc bị ảnh hưởng bởi sự hỗn loạn của “zero COVID”. Tập đoàn Burberry, Tập đoàn Richemont và Adidas AG gần đây đã báo cáo kết quả kinh doanh hàng quý giảm ít nhất 35%. Doanh số hàng quý của Kering, công ty sở hữu Gucci, giảm hơn 30%; doanh số hàng quý của Nike giảm 20%; doanh số của Yum China Holdings Ltd. và Uniqlo có kết quả tốt hơn một chút, nhưng cũng giảm khoảng 13%.
Apple là hãng có hoạt động tốt nhất trong số các thương hiệu lớn của nước ngoài tại Trung Quốc, với doanh số bán hàng tại Trung Quốc Đại Lục chỉ giảm 1,1% trong quý thứ ba. Nhưng tháng trước, công ty đã tung ra các chương trình khuyến mãi hiếm hoi trên một số iPhone hàng đầu và các phụ kiện liên quan tại thị trường Trung Quốc, qua đó cho thấy thị trường bản địa Trung Quốc đang yếu.
Đối với nhiều thương hiệu, việc Thượng Hải phong tỏa 2 tháng chỉ trong quý vừa qua đã ảnh hưởng đến doanh số bán hàng. Trong khi những hạn chế khó khăn nhất của Thượng Hải đã bắt đầu được nới lỏng, thì một số khu vực ở Trung Quốc đang bùng phát dịch bệnh đã khiến một số thành phố phải đóng cửa, một lần nữa làm suy giảm tâm lý người tiêu dùng và ảnh hưởng đến doanh số bán lẻ.
Bà Belinda Wong, Chủ tịch Starbucks Trung Quốc, cho biết quý đây gần nhất “khá khó khăn”.
Ngoài chính sách “zero COVID” của ĐCSTQ tiếp tục kìm hãm đáng kể chi tiêu của người tiêu dùng, tỷ lệ thất nghiệp ở thanh niên Trung Quốc đã đạt mức cao kỷ lục. Nhiều thanh niên Trung Quốc thắt chặt chi tiêu, một số thanh niên ở Bắc Kinh cho biết, trước đây họ thích mua những thứ mình thích nhưng giờ chỉ mua những thứ mình cần. Điều này cho thấy rõ tác động của đại dịch COVID-19 và chính sách “zero COVID” đối với nền kinh tế Trung Quốc.
Tập đoàn Louis Vuitton cho biết, lệnh phong tỏa gần đây của Trung Quốc đã khiến doanh số bán hàng tại Trung Quốc đã giảm hai con số trong Quý II do lưu lượng khách đến các cửa hàng của họ thấp hơn nhiều so với cùng kỳ năm ngoái. Ông Jean Jacques Guiony, giám đốc tài chính của Louis Vuitton, nói với Financial Times vào cuối tháng 7: “Chúng tôi đã bị ảnh hưởng mạnh mẽ bởi Trung Quốc, nơi nền kinh tế đã tăng trưởng chậm lại và không thuốc chữa bách bệnh nào có thể nói đến.”
Ông nói thêm rằng có một “dấu hỏi lớn” về triển vọng thị trường, và “không có gì có thể cho phép chúng tôi dự đoán liệu những đợt phong tỏa tàn khốc đó có quay trở lại hay không.”
Theo một nghiên cứu gần đây của Oliver Wyman, một số thương hiệu cao cấp đã giảm mạnh kỳ vọng bán hàng tại thị trường Trung Quốc trước tình hình hiện tại, với 80% quản lý cấp cao được khảo sát không mong đợi sự phục hồi “hình chữ V” trong năm nay. Oliver Wyman từ chối nêu tên thương hiệu mà công ty này đã tiến hành khảo sát.
Tâm lý tiêu dùng yếu đã làm dấy lên lo ngại về triển vọng nền kinh tế Trung Quốc, vốn cũng phải đối mặt với khủng hoảng bất động sản, tỷ lệ thất nghiệp ở thanh niên, hạn chế sử dụng điện và ngừng hoạt động do nhiệt độ cao, hạn hán nghiêm trọng. Tầng lãnh đạo ĐCSTQ đã thừa nhận riêng rằng mục tiêu tăng trưởng hàng năm khoảng 5,5% sẽ không đạt được trong năm nay.
Theo Hạ Vũ, Epoch Times
Ukraine cho biết 9000 binh lính của họ đã tử trận kể từ khi Nga khai chiến
Cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine, chạm mốc nửa năm trong tuần này, đã khiến khoảng 9.000 binh sĩ Ukraine thiệt mạng, một tướng lĩnh cho biết, và hiện tại không có dấu hiệu cho thấy cuộc chiến đang dịu lại.
Tại một sự kiện dành cho cựu chiến binh, Tổng tư lệnh quân đội Ukraine, Tướng Valerii Zaluzhnyi, nói rằng những đứa trẻ của Ukraine cần được chăm sóc vì “cha của chúng đã ra tiền tuyến và có lẽ là một trong gần 9.000 anh hùng đã hy sinh”.
Liên hợp quốc cho biết 5.587 dân thường đã thiệt mạng và 7.890 người bị thương trong cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine bắt đầu vào ngày 24 tháng 2, mặc dù ước tính này được cho là chưa phản ánh đầy đủ tình hình.
Tổng thống Mỹ Joe Biden và các nhà lãnh đạo của Anh, Pháp và Đức hôm Chủ nhật đã đề nghị Nga chấm dứt bất kỳ hoạt động quân sự nào gần nhà máy hạt nhân Zaporizhzhya – nhà máy hạt nhân lớn nhất châu Âu – nhưng thành phố gần kề Nikopol đã bị bắn ba lần trong đêm bởi tên lửa và đạn cối. Nhà chức trách cho biết các ngôi nhà, một trường mẫu giáo, một bến xe buýt và các cửa hàng đã bị tấn công.
Có nhiều lo ngại rằng việc tiếp tục pháo kích và giao tranh trong khu vực có thể dẫn đến một thảm họa hạt nhân. Nga đã yêu cầu một cuộc họp khẩn cấp của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc vào thứ Ba để thảo luận về tình hình xung quanh nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia.
Lần cuối cùng Nga đưa ra bản cập nhật là vào ngày 25 tháng 3 khi nước này cho biết 1.351 quân Nga đã thiệt mạng trong tháng đầu tiên giao tranh. Trong khi đó, các quan chức quân đội Mỹ ước tính cách đây hai tuần rằng Nga đã mất từ 70.000 đến 80.000 binh sĩ, cả thiệt mạng và bị thương trong trận chiến.
Ngân Hà
Chương trình “hộ chiếu vàng” khiến Cyprus thất thoát hàng trăm triệu USD
Hôm 22/8 vừa qua, Cơ quan kiểm toán Cộng hòa Cyprus cho biết nước này đã thiệt hại hàng trăm triệu USD liên quan đến chương trình “đổi đầu tư lấy quốc tịch” (cash-for-passports) cho người nước ngoài, còn được gọi là “hộ chiếu vàng”. Nguyên nhân được cho là xuất phát từ việc áp dụng các biện pháp cắt giảm thuế không hợp lý.
Bên cạnh đó, cơ quan kiểm toán cũng nhận định rằng giới chức trách Cyprus có thể đã cấp hộ chiếu cho những cá nhân đầu tư hàng tỷ USD, nhưng chỉ là trên giấy tờ. “Sự giám sát gần như thiếu hụt hoàn toàn”, Văn phòng Tổng kiểm toán Cộng hòa Cyprus cho hay.
Trước khi bị bãi bỏ, chương trình “đổi đầu tư lấy quốc tịch” của Cyprus đã cấp hộ chiếu cho khoảng 7.000 công dân nước ngoài để đối lấy tối thiểu 2 triệu USD đầu tư mỗi người. Do Cộng hòa Cyprus là thành viên Liên minh châu Âu (EU), nên hộ chiếu nước này sẽ giúp người mang di chuyển trong khối dễ dàng hơn.
Tháng 10/2020, chương trình trên phải dừng lại sau khi xuất hiện những thông tin về việc những kẻ lừa đảo và đối tượng trốn tránh pháp luật đang được hưởng lợi, trong đó, bốn cá nhân liên quan đến vụ việc sẽ phải ra tòa vào tháng 9 tới đây.
Hồi năm 2021, một cuộc điều tra độc lập chỉ ra rằng hơn một nửa trong số hộ chiếu trên được cấp một cách phi pháp. Cụ thể, chúng thuộc về người thân trưởng thành của các nhà đầu tư – điều chỉ được Quốc hội Cyprus thông qua vài tháng trước khi chương trình bị hủy bỏ.
Trong báo cáo ngày 22/8, cơ quan kiểm toán cũng đề nghị giới chức trách điều tra khả năng một số giao dịch bất động sản chỉ tồn tại trên giấy tờ. Được biết, người nhập quốc tịch Cyprus được yêu cầu mua nhà thực tế tại nước này.
Phan Anh