Apple có kế hoạch sản xuất iPhone 14 ở Ấn Độ khi gặp khó khăn tại Trung Quốc
Apple Inc có kế hoạch bắt đầu sản xuất iPhone 14 tại Ấn Độ, trong bối cảnh gã khổng lồ công nghệ Mỹ tìm kiếm các lựa chọn thay thế cho Trung Quốc sau khi căng thẳng Mỹ – Trung tiếp tục gia tăng và các vụ phong tỏa trên khắp đất nước đã làm gián đoạn sản xuất, Bloomberg News đưa tin.
Theo báo cáo, Apple đã làm việc với các nhà cung cấp để tăng tốc sản xuất ở Ấn Độ và rút ngắn độ trễ trong việc sản xuất iPhone mới, báo cáo cho biết hôm thứ Ba (23/8), trích dẫn những người quen thuộc với vấn đề này.
Nhà cung cấp Foxconn có trụ sở tại Đài Loan của Apple đã nghiên cứu quy trình vận chuyển các mặt hàng từ Trung Quốc và lắp ráp iPhone 14 tại nhà máy bên ngoài thành phố Chennai, miền nam Ấn Độ.
Báo cáo cho biết thêm, việc sản xuất những chiếc iPhone 14 đầu tiên từ Ấn Độ có thể sẽ được hoàn thành vào cuối tháng 10 hoặc tháng 11.
Apple đã chuyển một số lĩnh vực sản xuất iPhone từ Trung Quốc sang các thị trường khác bao gồm Ấn Độ, thị trường điện thoại thông minh lớn thứ hai thế giới, và cũng đang có kế hoạch lắp ráp máy tính bảng iPad ở đó.
Ấn Độ và các quốc gia như Mexico và Việt Nam ngày càng trở nên quan trọng đối với các nhà sản xuất ký hợp đồng cung cấp các nhãn hiệu của Mỹ khi họ cố gắng đa dạng hóa sản xuất khỏi Trung Quốc.
Tuần trước, Nikkei đưa tin các nhà cung cấp của gã khổng lồ công nghệ đang đàm phán để lần đầu tiên sản xuất Apple Watch và MacBook tại Việt Nam.
Lê Vy (theo Reuters)
Bộ Ngoại giao Mỹ phát cảnh báo an ninh mới, kêu gọi công dân rời Ukraine ngay lập tức
Hôm thứ Hai (22/8), Bộ Ngoại giao Mỹ đã đã phát đi một cảnh báo an ninh và kêu gọi công dân Hoa Kỳ rời khỏi Ukraine ngay lập tức, nói rằng các lực lượng Nga đang lên kế hoạch tấn công Ukraine trong những ngày tới.
“Bộ Ngoại giao Mỹ nhận được thông tin rằng Nga đang đẩy mạnh các nỗ lực tấn công nhằm vào cơ sở hạ tầng dân sự và cơ sở chính phủ của Ukraine trong những ngày tới”, tờ Reuters dẫn lại tuyên bố của Đại sứ quán Mỹ vào ngày 23/8.
“Đại sứ quán Mỹ kêu gọi công dân Mỹ rời Ukraine ngay lập tức bằng các phương tiện giao thông đường bộ cá nhân có sẵn nếu đủ an toàn”, Đại sứ quán Mỹ cho biết trong một thông báo trên trang web của mình, lặp lại các cảnh báo an ninh trước đó.
“Tình hình an ninh trên khắp Ukraine rất bất ổn và có thể trở nên tồi tệ hơn mà không có cảnh báo”.
“Nếu quý vị nghe thấy một tiếng nổ lớn hoặc còi báo động, hãy tìm nơi trú ẩn ngay lập tức”, cảnh báo cho hay.
Đại sứ quán Hoa Kỳ cũng cảnh báo rằng ngay cả khi tên lửa hoặc máy bay không người lái bị đánh chặn, các mảnh vỡ rơi xuống có sẽ gây nguy hiểm đáng kể.
Một quan chức Mỹ quen thuộc với thông tin tình báo hôm 22/8 cho hay, Washington đã giải mật một cuộc điều tra xác định rằng Nga sẽ tăng cường các cuộc tấn công vào cơ sở hạ tầng dân sự của Ukraine trong những ngày tới, theo AP. Sau đó, Bộ Ngoại giao Mỹ đã ban hành cảnh báo này.
Cảnh báo được đưa ra sau khi giới chức Mỹ và Ukraine lo ngại Nga có thể đẩy mạnh các hoạt động quân sự trong những ngày tới xung quanh ngày 24/8 – ngày Độc lập của Ukraine và cũng là thời điểm tròn 6 tháng chiến sự.
Trước đó, Tổng thống Ukraine Zelensky và các quan chức khác cũng đã đưa ra cảnh báo rằng Moscow có thể tiến hành một số lượng lớn các cuộc tấn công, bao gồm cả các cuộc tấn công tên lửa, nhân dịp Ngày Độc lập của Ukraine.
“Tất cả chúng ta phải nhận ra rằng Nga có thể cố gắng thực hiện “một hành động gì đó xấu xa” nhân dịp này, ông Zelensky nói trong một video cuối tuần qua”.
Thủ đô Kyiv đã cấm tổ chức các sự kiện công cộng liên quan đến lễ kỷ niệm ngày Độc lập từ hôm 22/8 đến 25/8 do lo ngại khả năng xảy ra các cuộc tấn công tên lửa mới. Kharkiv cũng hành động tương tự, tuyên bố lệnh giới nghiêm trong ngày lễ.
Theo đài CNN, người đứng đầu quân đội Kyiv, Tướng Mykola Zhyrnov, cho biết lệnh này được ban hành để cho phép lực lượng an ninh “phản ứng kịp thời với các cuộc tấn công tên lửa và bom đạn của quân đội Nga nhằm vào các trung tâm ra quyết định, cơ sở quân sự, cơ sở công nghiệp quốc phòng, cơ sở hạ tầng quan trọng và các khu dân cư lân cận”.
Hôm 22/8, một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ nói với hãng tin AP rằng tuần trước, Bộ Ngoại giao đã triệu tập Đại sứ Nga tại Hoa Kỳ Anatoly Antonov và “cảnh báo Nga không được để cho cuộc chiến với Ukraine leo thang hơn nữa”.
Vị phát ngôn vào thời điểm đó cho hay, Hoa Kỳ cũng kêu gọi Nga “ngừng tất cả các hoạt động quân sự tại các cơ sở hạt nhân của Ukraine hoặc gần đó và trả lại toàn bộ quyền kiểm soát nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia cho Ukraine”.
Chính quyền ông Biden đang nỗ lực kêu gọi phương Tây tiếp tục gây áp lực lên Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Ông Mitch McConnell, lãnh đạo đảng Cộng hòa tại Thượng viện Mỹ, cho biết hôm 22/8: “Điều quan trọng nhất trên thế giới hiện nay là đánh bại người Nga ở Ukraine”.
Ông McConnell cho biết ông lo ngại rằng Hoa Kỳ và các quốc gia khác sẽ mất tập trung vào cuộc chiến ở Ukraine khi nó bị trì hoãn.
“Chúng ta cần phải tiếp tục”, ông McConnell nói, “Đối với chúng ta và phần còn lại của thế giới, thành công của Ukraine là tối quan trọng”.
Một số phân tích chỉ ra rằng việc đảm bảo Nga thất bại trong cuộc xâm lược của Ukraine có thể răn đe các chế độ độc tài khác, bao gồm cả ĐCSTQ, để họ không dễ dàng tiến hành xâm lược tương tự.
Lam Giang
Theo The Epoch Times
Nhật Bản cân nhắc gỡ bỏ yêu cầu xét nghiệm COVID-19 cho khách nhập cảnh
Theo hãng tin Nikkei Asia, Nhật Bản có thể sẽ gỡ bỏ yêu cầu xét nghiệm COVID-19 đối với du khách đã tiêm vắc-xin khi nhập cảnh vào quốc gia này.
Hiện Nhật Bản đang áp dụng các biện pháp kiểm dịch nghiêm ngặt nhất trong số các nền kinh tế lớn, yêu cầu khách du lịch phải có kết quả xét nghiệm âm tính với COVID-19 trong vòng 72 giờ trước khi khởi hành.
Chánh văn phòng Nội các Hirokazu Matsuno không cung cấp chi tiết về thời gian nới lỏng quy định nhập cảnh và cho biết việc này sẽ phụ thuộc vào tình hình dịch bệnh COVID-19 ở Nhật Bản và các nước khác. Ông cho hay: “Cùng với việc thực hiện mọi biện pháp để ngăn chặn dịch lây lan, chúng tôi cũng sẽ thúc đẩy các hoạt động kinh tế và sẽ nới lỏng kiểm soát biên giới theo từng giai đoạn trên cơ sở đảm bảo cân bằng 2 điều này”.
Nhật Bản đã bắt đầu mở cửa đón khách du lịch từ tháng 6/2022, sau 2 năm đóng cửa do đại dịch COVID-19, tuy nhiên lượng du khách vẫn rất thấp do các quy định kiểm dịch nghiêm ngặt. Các doanh nghiệp trong và ngoài nước đã hối thúc chính phủ nới lỏng hơn các biện pháp kiểm soát biên giới.
Hội đồng Kinh doanh châu Âu tại Nhật Bản hoan nghênh việc nước này gỡ bỏ các yêu cầu xét nghiệm COVID-19 và đánh giá việc nới lỏng kiểm soát biên giới sẽ giúp Nhật Bản trở thành một thị trường hấp dẫn hơn.
Trước đó, Thủ tướng Fumio Kishida đã có kết quả xét nghiệm dương tính với COVID-19, buộc ông phải hủy chuyến đi đã lên kế hoạch tới Tunisia để tham dự một hội nghị quan trọng về phát triển châu Phi, theo một nguồn tin thân cận cho biết hôm 21/8.
Người phát ngôn của Văn phòng Nội các cho biết Thủ tướng đã bị ho và sốt vào ngày 20/8 và đã thực hiện xét nghiệm PCR vào sáng Chủ nhật, kết quả xác nhận kết quả dương tính vào buổi chiều.
Ông Kishida sẽ làm việc tại nhà từ thứ Hai và sẽ tham gia trực tuyến Hội nghị Quốc tế Tokyo về Phát triển Châu Phi (TICAD).
Đây là hội nghị TICAD lần thứ 8 và lần đầu tiên kể từ năm 2019, được Liên hợp quốc, Ngân hàng Thế giới và Ủy ban Liên minh châu Phi đồng tổ chức. Trong số các thảo luận về các biện pháp thúc đẩy sự phát triển, cuộc họp sẽ xem xét những cách thức giúp lục địa này ứng phó với đại dịch COVID-19.
Phan Anh